Nhà thơ TỐ HỮU (1920 – 2002)

1. TIỂU SỬ

Nhà thơ Tố hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành. Sinh ngày 04 tháng 10 năm 1920 tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, quê gốc ở làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam năm 1957. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Mất ngày 19 tháng 12 năm 2002 tại Hà Nội.

2. QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC

Cha ông là một nhà nho nghèo thích thơ, thích sưu tập ca dao tục ngữ đã dạy Tố Hữu làm thơ cổ. Mẹ ông là con của một nhà nho, thuộc nhiều ca dao dân ca Huế. Năm 13 tuổi, nhà thơ Tố Hữu vào trường Quốc học Huế. Tại đây, được trực tiếp tiếp xúc với tư tưởng của Karl Marx, Friedrich Engels, Vladimir Ilyich Lenin, Maxim Gorky,… và qua sách báo, kết hợp với sự vận động của các đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông sớm tiếp cận với lý tưởng cộng sản.

Năm 1936, trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ, ông gia nhập Đoàn thanh niên Dân chủ Đông Dương và trở thành người lãnh đạo Đoàn thanh niên Dân chủ ở Huế. Năm 1938, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 4 năm 1939, ông bị thực dân Pháp bắt, bị tra tấn dã man và đày đi nhà lao Thừa Phủ (Huế) rồi chuyển sang nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị) và nhiều nhà tù khác ở Tây Nguyên. Tháng 3 năm 1942, ông vượt ngục Đaklay (nay thuộc Kon Tum) rồi tìm ra Thanh Hóa, bắt liên lạc với Đảng, tiếp tục hoạt động cách mạng (về hoạt động bí mật ở huyện Hậu Lộc và thôn Tâm Quy, xã Hà Tân, huyện Hà Trung, Thanh Hóa) đến năm 1945.

Khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên – Huế. Năm 1946, ông là Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Cuối 1947, ông lên Việt Bắc làm công tác văn nghệ, tuyên huấn. Từ đó, ông được giao những chức vụ quan trọng trong công tác văn nghệ, trong bộ máy lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Năm 1948, ông tham gia Ban chấp hành, Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam. Năm 1952 là Giám đốc Nha Tuyên truyền và Văn nghệ thuộc Thủ tướng phủ. Năm 1954 là Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền. Năm 1963 ông giữ chức Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Tại đại hội Đảng lần thứ II (năm 1951) ông được bầu là  Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương. Năm 1955 ông được bầu là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương. Tại đại hội Đảng lần thứ III (năm 1960) ông được bầu vào Ban Bí thư Ban chấp hành Trung ương, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương. Hiệu trưởng trường Nguyễn Ái Quốc, Trưởng ban Thống nhất Trung ương (1974 – 1975). Đại biểu Quốc hội khóa II và VII. Tại đại hội Đảng lần IV (năm 1976) ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Ban chấp hành Trung ương, Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương, Phó Ban Nông nghiệp Trung ương. Từ 1980 ông là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1981, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, rồi Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng (nay gọi là Phó Thủ tướng) cho tới 1986. Ông qua ngày 09 tháng 12 năm 2002 tại Bệnh viện 108.

3. TÁC PHẨM

Thơ:

Từ ấy (1937 – 1946), 72 bài thơ.

Việt Bắc (1947 – 1954), 26 bài thơ.

Gió lộng (1955 – 1961), 25 bài thơ.

Ra trận (1962 – 1971), 35 bài thơ.

Máu và Hoa (1972 – 1977), 13 bài thơ.

Một khúc ca xuân (thơ, 1977).

Một tiếng đờn (1978 – 1992), 74 bài thơ

Ta với ta (1992 – 1999)

Đợi anh về (tập thơ dịch, 1998)

Nhớ lại một thời (hồi ký, 2000)

Tiểu luận – Phê bình:

Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta, thời đại ta (tiểu luận, 1973)

Cuộc sống cách mạng và văn học nghệ thuật (tiểu luận, 1981)

4. GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC

– Giải nhất Giải thưởng Văn học Hội Văn Nghệ Việt Nam 1954 – 1955 (tập thơ Việt Bắc).

– Giải thưởng văn học ASEAN (1996).

– Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt I năm1996.