Nhà thơ HUY CẬN (1919-2005)

Nhà thơ HUY CẬN

1. TIỂU SỬ

Nhà thơ Huy Cận sinh ngày 31-5- 1919. Quê quán xã Ân Phú, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Mất ngày 19-2- 2005 tại Hà Nội. Dân tộc Kinh. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1957.

Ông sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo gốc nông dân. Lúc nhỏ ông học ở quê, sau vào Huế học trung học, đậu tú tài Pháp; rồi ra Hà Nội học trường Cao đẳng Canh nông. Ông có hai người vợ, người vợ đầu của ông là bà Ngô Xuân Như, em gái của nhà thơ Xuân Diệu, từng công tác tại Ban Kiểm tra 12, Phủ Thủ tướng, Bác sĩ Viện Y học cổ truyền Việt Nam, mất năm 2009. Người vợ thứ là bà Trần Lệ Thu, cán bộ giảng dạy Nga văn ở trường Đại học lớn tại Hà Nội. Ông có bốn người con, hai con trai và hai con gái.

2. QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC

Từ đầu năm 1942, ông vừa học Nông Lâm vừa tham gia phong trào sinh viên yêu nước và Mặt trận Việt Minh. Năm 1945, ông tham dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào và được bầu vào Uỷ ban Giải phóng (tức Chính phủ Cách mạng lâm thời sau đó). Ông cũng từng cộng tác với nhóm Tự Lực Văn Đoàn.

Tháng 8 năm 1945, Huy Cận là một trong ba thành viên của phái đoàn Chính phủ Lâm thời (gồm Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận) đi vào kinh đô Huế để tiếp nhận lễ thoái vị của Vua Bảo Đại.

Sau Cách mạng thành công, khi mới 26 tuổi, ông đã là Bộ trưởng Bộ Canh nông trong Chính phủ liên hiệp lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cuối năm 1945 ông là Ủy viên Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ. Năm 1946 là Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Trong kháng chiến chống Pháp là thứ trưởng Bộ Canh nông, rồi Thứ trưởng Bộ Kinh tế. Từ 1949-1955: Thứ trưởng, Tổng thư ký Hội đồng Chính Phủ. Từ 1955-1984, Thứ trưởng Bộ Văn hoá. Từ 1984, làm Bộ trưởng đặc trách công tác văn hoá thông tin trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam. Từng là Phó chủ tịch Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam, đại biểu Quốc hội khoá I, II và VII, Ủy viên Hội đồng chấp hành UNESCO từ 1978-1983, đồng Chủ tịch Hội đồng văn học Á Phi 1962 tại Cairo, đồng Chủ tịch Hội đồng Văn hoá thế giới 1968 ở LaHabana, Cu Ba; Ủy viên Hội đồng văn học Pháp ngữ 1985-2000. Năm 2001 được bầu làm Viện sỹ Viện Hàn lâm Thơ thế giới.

3. TÁC PHẨM

Trước tháng 8 năm 1945:

Huy Cận có thơ đăng báo từ 1936, cho in tập thơ đầu Lửa thiêng năm 1940 (gồm những bài đã đăng báo, khoảng 1936-1940)

Kinh cầu tự (1942, văn xuôi triết lý)

Vũ trụ ca (thơ đăng báo 1940-1942)

Sau tháng 8 năm 1945:

Trời mỗi ngày lại sáng (tập thơ, 1958),

Đất nở hoa (tập thơ, 1960),

Bài thơ cuộc đời (tập thơ, 1963),

Hai bàn tay em (tập thơ thiếu nhi, 1967),

Phù Đổng Thiên Vương (tập thơ, 1968),

Những năm sáu mươi (tập thơ, 1968),

Cô gái Mèo (truyện thơ, 1972),

Chiến trường gần đến chiến trường xa (tập thơ, 1973),

Họp mặt thiếu niên anh hùng (tập thơ thiếu nhi, 1973),

Những người mẹ, những người vợ (tập thơ, 1974),

Ngày hằng sống ngày hằng thơ (tập thơ, 1975),

Sơn Tinh,Thủy Tinh (tập thơ, 1976),

Ngôi nhà giữa nắng (tập thơ, 1978),

Suy nghĩ về nghệ thuật (tiểu luận phê bình, 1980 – 1982),

Hạt lại gieo (tập thơ, 1984),

Tuyển tập Huy Cận tập I (tuyển tập thơ, 1986),

Chim làm ra gió (tập thơ, 1991),

Một cuộc cách mạng trong thi ca (chủ biên cùng Hà Minh Đức, 1993),

Tào Phùng (tập thơ, 1993),

Thơ tình Huy Cận (tuyển tập thơ, 1994),

Nước triều Đông (Mareés de la Mer Orientale) (tập thơ tiếng Pháp, 1994),

Suy nghĩ về bản sắc dân tộc (văn hóa, 1994),

Các vùng văn hoá Việt Nam (chủ biên cùng Đinh Gia Khánh, 1995),

Tuyển tập Huy Cận II (tuyển tập thơ, 1995),

Thông điệp từ vừng sao và từ mặt đất (Messages stélaires et Terrestres) (tập thơ tiếng Pháp, 1996),

Lời tâm nguyện cùng hai thế kỷ (tập thơ, 1997),

Ta về với biển (tập thơ, 1997),

Hồi ký song đôi (tự truyện, 1997),

Lửa hồng muối mặn (tập thơ, 2001),

Cha ông nghìn thuở (tráng ca, 2002),…

Sáng tác được phổ nhạc:

Ngậm ngùi được Phạm Duy phổ nhạc

Áo trăng, Buồn đêm mưa và Tự tình được Hoàng Thanh Tâm phổ nhạc

“Buồn đêm mưa” được Phạm Đình Chương phổ nhạc

“Những thành phố bên bờ biển cả” được Phạm Đình Sáu phổ nhạc

4. GIẢI THƯỞNG:

Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, đợt I, năm 1996.

Ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Sao Vàng năm 2005.