Nhà LLPB văn học HẢI TRIỀU (1908-1954)

Nhà LLPB văn học Hải Triều

1. TIỂU SỬ

Nhà Lý luận phê bình văn học Hải Triều tên thật là Nguyễn Khoa Văn. Sinh ngày 01-01-1908 tại An Cựu, thành phố Huế. Quê ở xã Lê Lợi, huyện An Dương, Hải Phòng, là dòng dõi quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng. Cha ông là nhà nho Nguyễn Khoa Tùng, từng làm nghị viên Viện dân biểu Trung Kỳ. Mẹ ông là nữ sĩ Đạm Phương, người hoạt động bênh vực quyền lợi phụ nữ và nhi đồng. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông mất ngày 06-08-1954 tại Thanh Hóa.

2. QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC

Nhà Lý luận phê bình văn học Hải Triều xuất thân trong một gia đình nhà Nho nghèo, sớm tiếp nhận tư tưởng yêu nước, cách mạng. Khi học trường quốc học Huế, ông đã vận động phong trào học sinh đòi thả cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Chu Trinh.

Năm 1927, ông tham gia đảng Tân Việt sau đó vào hoạt động ở Sài Gòn. Ông bắt đầu tham gia viết báo với bút danh Nam Xích Tử (chàng trai Nam đỏ). Ông gây ấn tượng qua những bài báo phê phán chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung Sơn và dịch Tư bản của Karl Marx. Năm 1930, ông ra Hà Tĩnh họp hội nghị toàn quốc Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, sau đó ông bị Pháp bắt rồi được thả ra. Tháng 6-1930, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và và tham gia lãnh đạo trong Tỉnh ủy Thừa Thiên. Tháng 8, ông vào công tác ở Sài Gòn và tham gia thành uỷ Sài Gòn – Chợ Lớn, viết bài cho báo Cờ đỏ. Năm 1931, ông bị bắt ở Sài Gòn và bị kết án 9 năm khổ sai, 8 năm quản thúc. Nhưng đến tháng 7 năm 1932, ông được trả lại tự do.

Sau khi ra tù, ông mở hiệu sách báo Hương Giang ở Huế và Ông viết bài trên các báo chí hợp pháp để truyền bá chủ nghĩa Mác và quan điểm học thuật của Đảng dưới bút danh mới – Hải Triều. Ông bắt đầu gây tiếng vang qua những cuộc tranh luận của Phan Khôi trên các báo Đông Phương, Phụ nữ tân tiến…: “Duy vật hay duy tâm“, “Nước ta có chế độ phong kiến hay không”. Ông hoạt động sôi nổi trong thời kì Mặt Trận Dân Chủ (1936 – 1939), viết bài cho các báo Nhành lúa, Dân, Đời mới, Kiến văn, Tiếng vang, Hồn trẻ, Tin tức, Tin mới… đặc biệt qua cuộc bút chiến về “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân sinh” (kéo dài từ 1935 – 1939) với Hoài Thanh, Thiếu Sơn, Lưu Trọng Lư…

Tháng 8 năm 1940, ông bị chính quyền Pháp bắt đi an trí tại Phong Điền đến tháng 3 năm 1945. Tháng 8 năm 1945, ông tham gia tổng khởi nghĩa ở Huế. Sau Cách mạng tháng 8, ông làm Giám đốc Sở Tuyên truyền Trung bộ sau đó rồi làm Giám đốc Sở Tuyên truyền Liên khu IV trong kháng chiến chống Pháp. Thời gian này ông hoạt động chủ yếu là tuyên truyền, phổ biến chủ nghĩa Marx. Ông làm chi hội trưởng Chi hội nghiên cứu chủ nghĩa Karl Marx, chủ nhiệm tạp chí Tìm hiểu. Ủy viên Ban Chấp hành Chi hội Văn nghệ Liên khu IV.

3. TÁC PHẨM

Duy tâm hay duy vật (chuyên luận, 1935)

Văn sĩ và xã hội (chuyên luận; 1937, 1945)

Chủ nghĩa Mác phổ thông (chuyên luận, 1938;  tái bản năm 1946 với tên Chủ nghĩa Các Mác);

Muốn thì được

Trên mặt trận tư tưởng văn hóa

Về văn học và nghệ thuật (tuyển, 1965 – Hồng Chương biên soạn)

Hải Triều –  tác phẩm (1987)

Hải Triều tuyển tập (2 tập, 1996)

  1. IV. GIẢI THƯỞNG

Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, đợt I, năm 1996