
1. TIỂU SỬ
Nhà Lý luận phê bình văn học Hải Triều tên thật là Nguyễn Khoa Văn. Sinh ngày 1 tháng 1 năm 1908 tại An Cựu, thành phố Huế. Đảng viên Đảng CSVN. Mất ngày 6 tháng 8 năm 1954 tại Bảo Đà, Thanh Hoá.
2. QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC
Xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, sớm tiếp nhận tư tưởng yêu nước, cách mạng. Khi học trường Quốc học Huế, đã vận động phong trào học sinh đòi thả cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Chu Trinh. Năm 1927, tham gia Đảng Tân Việt (Tổ chức Đảng Mácxít ở Trung kỳ) và tháng 6 năm 1930, trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương và tham gia lãnh đạo trong Tỉnh uỷ Thừa Thiên, sau đó được điều vào Sài Gòn, tham gia Thành uỷ Sài Gòn – Chợ Lớn (1930-1931). Năm 1931, bị địch bắt ở Sài Gòn, đưa ra Huế kết án 9 năm khổ sai, 8 năm quản thúc, nhưng tháng 7 năm 1932, được trả lại tự do. Ra tù, viết bài trên các báo chí hợp pháp để truyền bá chủ nghĩa Mác và quan điểm học thuật của Đảng, nổi tiếng với quan điểm Nghệ thuật vị nhân sinh trong cuộc luận chiến với phái Nghệ thuật vị nghệ thuật những năm 1935 -1939. Từ tháng 8 năm 1940 đến tháng 3 năm 1945, bị Pháp bắt đi an trí ở Phong Điền.
Cách mạng Tháng Tám, tham gia Tổng khởi nghĩa ở Huế tháng Tám 1945. Từ đó đến suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, hoạt động trên lĩnh vực tư tưởng văn hoá: làm Giám đốc Sở Tuyên truyền Trung Bộ, Giám đốc Sở Truyền truyền Liên khu IV, Ủy viên Ban Chấp hành Chi Hội Văn nghệ Liên khu IV.
3. TÁC PHẨM
Duy tâm hay duy vật (chuyên luận, 1935)
Văn sĩ và xã hội (chuyên luận; 1937, 1945)
Chủ nghĩa Mác phổ thông (chuyên luận, 1938; tái bản năm 1946 với tên Chủ nghĩa Các Mác);
Muốn thì được
Trên mặt trận tư tưởng văn hóa
Về văn học và nghệ thuật (tuyển, 1965 – Hồng Chương biên soạn)
Hải Triều – tác phẩm (1987)
Hải Triều tuyển tập (2 tập, 1996)
- IV. GIẢI THƯỞNG
Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, đợt I, năm 1996