Nhà văn, soạn giả TỐNG PHƯỚC PHỔ (1902 – 1991)

1. TIỂU SỬ

Nhà văn, nhà soạn giả Tống Phước Phổ sinh ngày 2 tháng 8 năm 1902 tại An Quán, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông là soạn giả tuồng, là một trong những tác giả lớn nhất của sân khấu tuồng với gần 100 kịch bản. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Ông mất ngày 31 tháng 8 năm 1991 tại Đà Nẵng.

2. QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC

Ông sinh ra trong một gia đình nhà nho, là cháu nhà viết Tuồng trứ danh Nguyễn Hiển Dĩnh. Ông được cậu chọn làm thư ký riêng để ghi chép, chỉnh lý các vở Tuồng. Năm 18 tuổi, ông sáng tác vở đầu tay Lâm Sanh – Xuân Hương dựa theo truyện Nôm.

Trước Cách mạng Tháng Tám, ông làm thư ký ở Sở Đạc điền Hội An. Năm 1927 ông gia nhập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, viết bài cho các báo. Năm 1930, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau khi tổ chức Đảng ở Sài Gòn bị vỡ, ông bị thực dân Pháp bắt và giam cầm một năm. Trong tù, ông sáng tác vở Gương liệt nữ ca ngợi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Năm 1940, cùng với nghệ nhân Nguyễn Lai và Ngô Thị Liễu, ông thành lập gánh hát Tân Thành đi trình diễn nhiều nơi. Thời gian này ông sáng tác nhiều vở, chủ yếu là tuồng tâm lý xã hội và đề tài lịch sử.

Sau Cách mạng tháng Tám, ông làm Chủ tịch xã một thời gian rồi chuyển sang hoạt động văn nghệ ở tỉnh Quảng Nam. Ông cùng với Võ Bá Huân đi vận động thành lập đoàn tuồng để lấy tiền ủng hộ quỹ kháng chiến. Đấy là tiền thân của Đoàn tuồng Liên khu V, nay là Nhà hát tuồng Đào Tấn (Bình Định), nơi ông hoạt động nghệ thuật trong suốt quãng đời còn lại. Ông từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.

3. TÁC PHẨM

Các vở được dàn dựng và xuất bản trước năm 1945:

Lâm Sanh – Xuân Hương.

Phạm Công – Cúc Hoa.

Lục Vân Tiên.

– Mạnh Lệ Quân.

– Gương liệt nữ

Từ kháng chiến chống Pháp đến khi qua đời, ông đã xuất bản nhiều tác phẩm trong đó có các vở tiêu biểu:

Trưng Nữ Vương.

Quán Thăng Long.

Hội nghị Diên Hồng.

Cờ giải phóng.

Hùm Yên Thế.

Ngoài ra còn tham gia chỉnh lý một số vở:

Lam Sơn khởi nghĩa (1957)

Công chúa An Tư (1960)

Ngọn lửa Hồng Sơn (1960)

Trưng Vương khởi nghĩa (1962)

Rừng Khuôn Mảng (1970)

Sao Khuê trời Việt (1980)

4. GIẢI THƯỞNG

– Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, đợt I, năm 1996.