Giáo sư PHẠM HUY THÔNG

Giáo sư Phạm Huy Thông

1. TIỂU SỬ:

Giáo sư Phạm Huy Thông sinh ngày 22-11-1916 tại Hà Nội trong một gia đình làm nghề kinh doanh lớn, có tinh thần dân tộc. Nguyên quán ở làng Đào Xá, xã Bãi Sậy, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1957. Đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam. Mất ngày 23- 6-1988 tại Hà Nội.

Ông là hậu duệ thế hệ thứ 24 của Phạm Ngũ Lão, và là thế hệ thứ 48 của thượng thủy tổ Phạm Tu. Cha ông là nhà tư sản Phạm Chân Hưng, chủ hiệu vàng Chân Hưng (quê gốc Hưng Yên), là người giàu có tiếng ở phố Hàng Bạc trước Cách mạng Tháng Tám, cũng là chủ tờ báo Nông – Công – Thương, chủ tịch khu Đông Kinh Nghĩa Thục (bao gồm phố Hàng Bạc và nhiều khu phố lân cận), chủ tịch Tuần lễ vàng đầu tháng 9-1945 do Hồ Chí Minh phát động.

2. QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC

Ngay từ nhỏ ông đã tỏ ra là một người có trí thông minh. Mới 16 tuổi ông đã nổi tiếng tiên phong của phong trào Thơ mới, điển hình là bài Tiếng địch sông Ô.

Năm 21 tuổi, ông đỗ cử nhân Luật tại Viện Đại học Đông Dương. Năm 1937, ông sang Pháp tiếp tục theo học chương trình đào tạo trên đại học các ngành Sử, Địa, Luật, Kinh tế, Chính trị. Năm 26 tuổi, ông lần lượt thi đỗ Tiến sĩ Luật và Thạc sĩ sử địa tại Pháp. Năm 31 tuổi, ông được phong Giáo sư giữ chức Uỷ viên hội đồng giáo dục tối cao của Pháp.

Năm 1946 tại Paris, ông được chọn giúp việc Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ở hội nghị Fontainebleau. Chính những ngày được gần gũi Chủ tịch Hồ Chí Minh ông đã chọn cho mình con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đang đi.

Năm 1949, ông gia nhập Đảng cộng sản Pháp. Năm 1952, ông phụ trách tổ chức Việt kiều hải ngoại. Cũng trong năm đó ông bị trục xuất khỏi Pháp về Sài gòn. Năm 1953, ông gia nhập Đảng Lao động Việt Nam. Đầu năm 1955, ông bị chính quyền Pháp đưa về quản thúc tại Hải Phòng.

Sau khi thoát khỏi nhà tù ông đảm nhiệm cương vị hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (1956-1966), Viện trưởng Viện Khảo cổ học (1967-1988), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại biểu Quốc hội khóa II, III.

Trong phong trào chống Nhân văn – Giai phẩm, Phạm Huy Thông cũng có bài viết phê phán nhà triết học Trần Đức Thảo.

Năm 1987, ông được bầu Viện sĩ nước ngoài Viện hàn lâm Khoa học Cộng hoà Dân chủ Đức. Phạm Huy Thông đã thể hiện là một người đặc biệt có tài về tổ chức và kinh nghiệm lãnh đạo.

3. TÁC PHẨM

Thơ:

Yêu đương (thơ, 1934)

Tần Ngọc (thơ, 1937)

Tiếng địch sông Ô (1936)

Con voi già

Anh-Nga (1936)

Tiếng sóng (1934)

Sử học, Khảo cổ học:

Thời đại các Vua Hùng dựng nước

Khảo cổ học 10 thế kỷ sau công nguyên

Khảo cổ học với văn minh thời Trần

4. GIẢI THƯỞNG

Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học xã hội đợt II năm 2000.