Nhà thơ THẾ LỮ (1907 – 1989)

1. TIỂU SỬ.

Nhà thơ Thế Lữ tên khai sinh là  Nguyễn Thứ Lễ. Sinh ngày 06 tháng 10 năm 1907 tại ấp Thái Hà, Hà Nội. Quê làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, Bắc Ninh (nay là xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội). Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Ông mất ngày 03 tháng 06 năm 1989 Tại Thành phố Hồ Chí Minh.

2. QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC

Năm 1929, Thế Lữ học xong bậc Thành chung, vào học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sau đó một năm (1930), bỏ học. Năm 1932, ông bắt đầu tham gia Tự lực Văn đoàn và là một trong những cây bút chủ lực của báo Phong hoá, Ngày nay. Năm 1937, bắt đầu hoạt động sân khấu, làm diễn viên, đạo diễn, lưu diễn tại các tỉnh miền Trung… và có hoài bão xây dựng nền sân khấu dân tộc.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Thế Lữ lên Việt Bắc tham gia kháng chiến. Tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc (tháng 7 năm 1948) thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, Thế Lữ được bầu làm Ủy viên thường vụ Ban chấp hành của Hội, kiêm trưởng Đoàn Sân khấu Việt Nam.

Năm 1949, với phong trào văn nghệ đầu quân tham gia bộ đội, Đoàn Sân khấu Việt Nam chuyển thành Đoàn kịch Chiến Thắng. Thế Lữ, Song Kim cùng các nghệ sĩ trong đoàn đi theo các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam, đi biểu diễn nhiều nơi tại Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên

Năm 1952, Thế Lữ làm chỉ đạo nghệ thuật của Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương. Thời gian này, ông cũng đi vào tìm hiểu về chèo, trực tiếp tham gia đóng và dàn dựng một số vở chèo. Bên cạnh làm kịch kháng chiến, Thế Lữ còn hoạt động văn học và báo chí. Ông là Ủy viên Ban Biên tập tạp chí Văn nghệ xuất bản hàng tháng ở Việt Bắc, tiền thân của báo Văn nghệ ngày nay.

Hòa bình lập lại, Thế Lữ cùng các văn nghệ sĩ kháng chiến trở về Hà Nội. Ông tiếp tục hoạt động sân khấu, tham gia Đoàn Kịch nói Trung ương, tiền thân của Nhà hát Kịch Việt Nam. Năm 1955, ông là Trưởng ban Nghiên cứu Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam, chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương đi biểu diễn tại các nước Liên Xô, Ba Lan, Trung Quốc

Năm 1957, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thành lập. Ông là Chủ tịch đầu tiên của hội và giữ cương vị này cho đến năm 1977. Ông cũng là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam khóa II. Năm 1962, tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần III, Thế Lữ tiếp tục được bầu làm Ủy viên thường vụ Ban Chấp hành. Ông là Đại biểu Quốc hội khóa II (1960 – 1964). Thế Lữ nghỉ hưu năm 1977. Năm 1979, ông vào Thành phố Hồ Chí Minh sống. Năm 1984, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân đợt I. Thế Lữ qua đời vào ngày 3 tháng 6 năm 1989 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

3. TÁC PHẨM

Tác phẩm thơ ca tiêu biểu:

Mấy vần thơ (1935).

Mấy vần thơ, tập mới (1941)

Nhớ rừng

Truyện ngắn tiêu biểu:

Vàng và máu (1934)

Bên đường thiên lôi (1936)

Lê Phong phóng viên (1937)

Mai Hương và Lê Phong (1937)

Đòn hẹn (1939)

Gói thuốc lá (1940)

Gió trăng ngàn (1941)

Trại Bồ Tùng Linh (1941)

Thoa (truyện ngắn, 1942)

Truyện tình của anh Mai (truyện vừa, 1953)

Tay đại bợm (truyện ngắn, 1953)

Những vở kịch tiêu biểu:

Dương Quý Phi (1942), gồm hai vở: Trầm hương đình, Mã Ngôi Pha

Người mù (1946)

Cụ đạo sư ông (1946)

Đoàn biệt động (1947)

Đề Thám (1948)

Đợi chờ (1949)

Tin chiến thắng Nghĩa Lộ (1952)

– Dịch giả nhiều vở kịch của Sếchxpia, Gơtơ, Sinle và Pôgôđin…

4. GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC:

Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt II (2001).