Nhà văn PHAN TỨ (1930 – 1995)

1. TIỂU SỬ

Nhà văn Phan Tứ tên thật là Lê Khâm, sinh ngày 20 tháng 12 năm 1930 tại thị xã Quy Nhơn (này là Thành phố Quy Nhơn), tỉnh Bình Định. Quê gốc tại xã Quế Phong, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam  năm 1957. Ông mất ngày 17 tháng 04 năm 1995 tại Thành phố Đà Nẵng.

2. QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC

Tuy sinh ở Bình Định nhưng suốt thời niên thiếu, nhà văn Phan Tứ lại sống ở quê cha ở Quế Phong, Quế Sơn, Quảng Nam. Vốn sinh trong gia đình có truyền thống học giỏi, ông từ nhỏ đã khá giỏi về môn Văn và tiếng Pháp. Năm 15 tuổi, ông đã tham gia hoạt động trong đội tuyên truyền xung phong của tỉnh Quảng Nam và tham gia cướp chính quyền ở địa phương trong Cách mạng tháng Tám.

Năm 1950, từ trường trung học Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An), ông xung phong nhập ngũ, theo học Trường lục quân Trần Quốc Tuấn, phân hiệu Trung Bộ. Cuối năm 1951, sau khi tốt nghiệp, ông được phân công theo đội quân tình nguyện Việt Nam sang chiến đấu ở chiến trường Hạ Lào.

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Năm 1958, ông theo học khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cũng năm này, ông đã viết cuốn “Bên kia biên giới” với bút danh Lê Khâm, viết về cuộc chiến đấu của quân tình nguyện Việt Nam tại Hạ Lào.

Sau khi tốt nghiệp năm 1961, ông được phân công trở lại công tác tại chiến trường Miền Nam, làm phái viên tuyên truyền, cán bộ Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn khu ủy khu V, Ủy viên đảng đoàn Văn nghệ khu V, và viết văn dưới bút danh Phan Tứ. Bút danh này trở nên nổi tiếng gắn liền với các tác phẩm của ông về sau này. Do sức khỏe yếu và chịu ảnh hưởng bởi tác động của chất độc hóa học, năm 1966 ông ra Bắc để chữa bệnh, công tác tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, sau đó giữ chức quyền Tổng biên tập Nhà xuất bản Giải phóng.

Sau năm 1975, ông về sinh sống và làm việc tại quê hương Quảng Nam. Ông từng là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn, Ủy viên Ban Thư ký (Ban thường vụ) Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III. Đại biểu Quốc hội khóa VIII.

3. TÁC PHẨM

Bên kia biên giới (tiểu thuyết, 1958, tái bản 1978)

Trước giờ nổ súng (tiểu thuyết, 1960)

Trở về Hà Nội (truyện ngắn, 1960)

Trên đất Lào (bút ký, 1961)

Nhật ký chiến trường (di cảo, viết bằng 4 thứ tiếng Việt, Lào, Pháp, Nga)

Về làng (1964)

Trong đám nứa (truyện ngắn, 1968)

Gia đình má Bảy (tiểu thuyết, 1968, tái bản 1971, 1972, 1975)

Măng mọc trong lửa (bút ký, 1972, 1977)

Mẫn và tôi (tiểu thuyết, 1972, 1975, 1978, 1987, 1995)

Trại ST 18 (tiểu thuyết, 1974)

Trong mưa núi (hồi ký, 1984, 1985)

Sông Hằng mẹ tôi (dịch từ tiếng Pháp, tiểu thuyết Ấn Độ, 1984, 1985)

Người cùng quê (tiểu thuyết 3 tập, 1985, 1995, 1997, chưa hoàn thành

4.  GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC

– Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu.

– Giải thưởng 30 năm (1945 – 1975) của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng.

– Giải thưởng văn học loại A mười năm (1985 – 1995) của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.

– Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt II, năm 2000.