Theo từ điển “Nhân vật Lịch sử Việt Nam” của tác giả Nguyễn Quang Thắng và Nguyễn Bá Thế in tại Nhà xuất bản Văn hóa năm 1999:
“Nguyễn Dữ, Danh sĩ đời Mạc, không rõ năm sinh, năm mất. Ông là con vị tiến sĩ Nguyên Tường Phiếu, quê xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân, tỉnh Hải Dương. Ông cũng là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm, bạn thân với Phùng Khắc Khoan. Khi thi đỗ làm quan với nhà Mạc, rồi về với nhà Lê làm tri huyện Thanh Tuyền (nay là huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) nhưng không bao lâu ông bất mãn thời cuộc, chán đường công danh, lui về ở ẩn nơi núi rừng Thanh Hóa.
Trong thời gian ở ẩn ông viết bộ truyện “Truyền Kỳ Mạn Lục (ghi những truyện lạ còn lưu truyền tản mạn trong dân gian) bằng chữ Hán. Truyện được Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhuận chính và Nguyễn Thế Nghi sống cùng thời dịch ra chữ Nôm (đến nay còn truyền tụng với nhiều bản dịch ra Việt Văn, đặc sắc nhất là bản dịch của Trúc Khê Ngô Văn Triện”.
Để bày tỏ sự trân trọng, ngưỡng mộ tài năng của danh sĩ Nguyễn Dữ – tác giả truyện “Truyền kỳ mạn lục”, hiện nay tại không gian ngoài trời của Bảo tàng Văn học Việt Nam trưng bày tượng về ông, đây là tác phẩm của nhà điêu khắc Vương Học Báo khắc họa.
Tượng danh sĩ Nguyễn Dữ được thể hiện với phong cách nghệ thuật hiện thực, nhưng được khái quát, giản lược, gợi nhiều hơn tả. Nhà điêu khắc Vương Học Báo đã khắc họa bức tượng với bố cục “Dáng ngồi đang suy nghĩ. Một tay tay cầm bút, một tay chặn lên tờ giấy, bàn ghế đá tự nhiên, gợi khung cảnh hang hốc, gợi núi rừng hoang vu. Hình dung sơ bộ về ông qua đọc truyện và tưởng tượng, về một danh sĩ, ẩn sĩ sống cách đây gần 500 năm… là một việc không dễ gì cho nghệ thuật điêu khắc. Tôi mạnh dạn làm một bố cục đầu tiên về ông, về dung mạo và trang phục… gợi lớp người xưa cũ, về ngàn năm văn hóa dân tộc…”. (Nhà điêu khắc Vương Học Báo).
BTVHVN