Tác phẩm tượng nhà thơ Tú Xương tại không gian Bảo Tàng Văn học Việt Nam

Nhà thơ Tú Xương (1870 – 1907). Ông sinh ra trong một gia đình nho học, cả bố và ông nội cũng là nhà nho. Ông mất ở tuổi 37. Tú Xương là một người sớm bộc lộ tài năng thi phú, lên 10 ông đã đối thơ với khách đến chơi nhà. Nhưng cuộc đời thi cử của ông thật nhiều lận đận với 8 lần thi từ năm 1886 đến năm 1906 cũng chỉ đỗ được Tú tài. Với cuộc đời ngắn ngủi của mình ông để lại nhiều tác phẩm ở nhiều thể loại: Thơ Đường luật, thất ngôn bát cú, tứ tuyệt, phú, văn tế, câu đối, hát nói, lục bát. Ở thể loại nào Tú Xương cũng tỏ ra là một nghệ sĩ bậc thầy. Nguyễn Công Hoan còn suy tôn ông là bậc “Thần thơ thánh chữ”, nhiều đồng nghiệp về sau cũng suy tôn ông với nhiều danh giá cao quý.

Cuộc sống không như mong muốn, ông thi nhiều lần không đỗ, lấy vợ sớm, sinh đông con, nhà bị cháy gia đình rơi vào cảnh khó khăn túng bấn việc gia đình một tay vợ ông lo. Ông thì mải miết nghiệp văn chương không lo được việc nhà. Từ hoàn cảnh như vậy nên tác phẩm của ông cũng toát lên một nỗi đớn hờn. Các tác phẩm thơ của ông lúc tỷ tê tình cảm, khi thì nhạo báng chửi đời, có những lúc ông chửi cả chính mình. Tú Xương cũng không ngại viết lên những lúc ông buông thả chơi bời”:

“Biết ngồi thông bảo, biết đi ả đầu

 Biết thuốc lá, biết chè tầu
 Cao lâu biết vị, hồng lâu biết mùi”

Ông vốn là con người tài năng, đạo mạo và đầy khát vọng, ông được người đời cũng như đồng nghiệp nhớ tới và suy tôn, nhưng ông không có ảnh chụp lại, chỉ có một, hai góc hình vẽ minh họa, và được người bạn học nhớ lại trong bài:

Nhớ rõ hình dung
Cùng làng, cùng phố, học cùng trường
Nhớ rõ hình dung cụ Tú Xương,
Trán rộng, tai dày, da tựa tuyết,
Mồm tươi, mũi thẳng, mắt như gương,
Tiếng vàng sang sảng ngâm thơ phú,
Gót ngọc khoan khoan dạo phố phường.
Mấy chục năm trời đà vắng bóng,
Nghìn năm còn rạng dấu thư hương”.

Từ những ghi chép về hình ảnh và cuộc đời cũng như thông qua các tác phẩm của nhà thơ Tú Xương, tôi hình dung và sáng tác nên bức tượng về nhà thơ. Một nhà thơ trẻ với dáng vẻ tao nhã vừa đi vừa đứng, cầm sách ngâm thơ, nhưng cũng mang vẻ nghễu nghện bông đùa, chân gác lên phiến đá bên đường, mặt cúi nghiêng nghiêng, miệng mỉm cười. Đó là chất trào phúng, chất ngạo đời mà tôi muốn thể hiện thông qua bức tượng.

Tượng nhà thơ Tú Xương tại không gian ngoài trời Bảo tàng Văn học Việt Nam

Tác giả – Nhà điêu khắc Trần Văn Thức.