Nhà văn NGUYỄN ĐÌNH LẠP (1913 – 1952)

Nhà văn Nguyễn Đình Lạp
Nhà văn Nguyễn Đình Lạp

1. Tiểu sử:

Nguyễn Đình Lạp, bút danh Yến Đình, sinh ngày 19 tháng 09 năm 1913 tại làng Bạch Mai, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (nay là phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội). Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Mất ngày 24 tháng 04 năm 1952 tại tại chiến khu Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.

2. Quá trình công tác:

Nhà văn Nguyễn Đình Lạp xuất thân từ một gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng. Ông nội ông là Cụ Nguyễn Đình Phác, một nhà nho yêu nước, một chí sĩ của Đông kinh nghĩa thục, từng bị đày 10 năm ở Côn Đảo vì tham gia vụ đầu độc binh lính Pháp ở Hà Nội. Chú ruột là Nguyễn Phong Sắc, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, phụ trách Xô viết Nghệ Tĩnh 1930.

Nguyễn Đình Lạp là một nhà văn chuyên viết tiểu thuyết xã hội trước ngày Cách mạng tháng Tám. Ông bắt đầu viết báo từ năm 1933. Từ năm 1937, ông viết phóng sự cho nhiều tờ báo ở Hà Nội. Một vài năm trước Cách mạng, khi làm quen với một số nhà văn của Văn hóa Cứu quốc, trong đó có Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Lạp đã tích cực tham gia hoạt động. Bị lộ, nhiều lần bị truy lùng, ông đã phải ẩn trốn ở nhiều nơi.

Sau Cách mạng tháng Tám, ông tích cực tham gia trong hội Văn nghệ, nhiệt thành đóng góp tâm huyết trên mặt trận văn hóa, văn nghệ. Ông tham gia đoàn văn nghệ Nam tiến, nhập ngũ, chiến đấu rồi được điều động làm công tác văn nghệ trong lòng Hà Nội tạm chiếm, sau đó sang Ty Công an Hà Nội.

Nhà văn Nguyễn Đình Lạp mất ngày 24 tháng 04 năm 1952 tại tại chiến khu Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, hưởng dương 39 tuổi.

3. Tác phẩm:

– Chợ phiên đưa tới đâu (phóng sự, Tiểu thuyết thứ năm, 1937)

– Thanh niên trụy lạc (phóng sự, Ích Hữu số cuối 1937 và đầu 1938)

– Những vụ án tình (còn có tên khác là: Từ ái tình đến hôn nhân  phóng sự, Ích Hữu,1938)

– Cường hào (phóng sự, Quốc gia, 1938)

– Ngoại ô (tiểu thuyết, Nxb Hàn Thuyên, 1941)

– Ngõ hẻm (tiểu thuyết, Nxb Hàn Thuyên, 1943)

– Làng Cảnh Dương (1947)

Ngoài ra còn là tác giả một số truyện ngắn và bài biên khảo đăng trên báo

Hà Nội Giao Thừa (1937)

Đi ở (1937)

Những nỗi băn khoăn của tư  tưởng nghệ thuật (1946)

Muốn làm phóng sự  (1950)

4. Giải thưởng:

– Giải thưởng Nhà nước về Văn học & Nghệ thuật đợt 4 năm 2017.