TRẦN ĐĂNG (1921 – 1949)

1. Tiểu sử:

Nhà văn Trần Đăng tên thật là Đặng Trần Thi, sinh ngày 11 tháng 11 năm 1921 tại làng Đăm, xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà đông nay là phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố  Hà Nội. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Hy sinh ngày 26 tháng 12 năm 1949.

  1. Quá trình công tác:.

Thuở thiếu thời, ông theo cha ra Hà Nội và lần lượt theo học tại các trường tư thục Văn Lang và trung học Thăng Long, đồng thời làm phụ việc ở thư viện Viện Đại học Đông Dương.

Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, ông phục vụ trong Văn phòng Bộ Nội vụ, Ban Liên kiểm Việt – Pháp thuộc Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Năm 1948, ông làm phóng viên mặt trận cho báo Vệ Quốc quân (nay là báo Quân đội nhân dân). Trần Đăng trực tiếp tham dự nhiều chiến dịch lớn: Đông Bắc (1948), Đường số 4 (1949)… Ông cũng đi thực tế ở vùng do quân Pháp kiểm soát ở tận Sơn Tây, Móng Cái. Trần Đăng là một cây bút khá tích cực. Ngoài văn xuôi, ông còn viết nhiều tiểu luận về văn nghệ kháng chiến, văn nghệ trong quân đội.

Nhà văn Trần Đăng hy sinh ngày 26 tháng 12 năm 1949 trên đường từ bản Nà Lần (Văn Lãng, Lạng Sơn) đi Ái Khẩu (Quảng Tây – Trung Quốc) thực hiện nhiệm vụ liên lạc với quận đội Giải phóng quân Nhân dân Trung Hoa bàn kế hoạch phối hợp chiến đấu chống quân xâm lược Pháp và trở thành: “Người Văn nghệ binh thứ nhất đổ máu trên chiến trường” (theo cách nói của báo chí xuất bản ở chiến khu bấy giờ). Phần mộ của ông hiện đặt tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Từ Liêm (ngoại thành Hà Nội) trên đất quê hương ông…

  1. Tác phẩm:

– Ý kiến nhỏ về Văn nghệ trong giai đoạn chiến lược (1949);

Truyện ký Trần Đăng (1969).

  1. Giải thưởng;

Giải thưởng Nhà nước về Văn học & Nghệ thuật đợt 2 năm 2007.