Nhà văn VŨ BẰNG (1913 – 1984)

1. Tiểu sử:

Nhà văn Vũ Bằng tên khai sinh là Vũ Đăng Bằng, sinh ngày 03 tháng 06 năm 1913 tại Hà Nội, quê gốc ở làng Lương Ngọc, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Ngoài bút hiệu Vũ Bằng, ông còn ký với các bút hiệu khác: Tiêu Liêu, Vịt Con, Thiên Thư, Vạn Lý Trình, Lê Tâm, Hoàng Thị Trâm. Ông mất ngày 8 tháng 4 năm 1984 tại thành phố Hồ Chí Minh. Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam công nhận ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam theo quyết định số 241/QĐ-HV ngày 11 tháng 5 năm 2010.

2. quá trình công tác

Nhà văn Vũ Bằng sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho học Ông theo học Trường Trung học Albert Sarraut, tốt nghiệp Tú tài Pháp. Cha mất sớm, Vũ Bằng ở với mẹ là chủ một tiệm bán sách ở phố Hàng Gai (Hà Nội). Ngay khi còn nhỏ ông đã say mê viết văn, làm báo. Năm 16 tuổi ông đã có truyện đăng báo, liền sau đó ông lao vào nghề văn, nghề báo với tất cả niềm say mê. Năm 17 tuổi (1931), ông xuất bản tác phẩm đầu tay Lọ Văn. Trong lãnh vực báo chí, ngay từ trong thập niên 30, thập niên 40, nghĩa là lúc ông còn rất trẻ, ông đã là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật và cộng tác với nhiều tờ báo ở Hà Nội, Sài Gòn…

Cuối năm 1946, Vũ Bằng cùng gia đình tản cư ra vùng kháng chiến. Cuối năm 1948, trở về Hà Nội, ông bắt đầu tham gia hoạt động trong mạng lưới tình báo cách mạng, ông vừa viết văn làm báo ở vùng tạm chiếm vừa hoạt động tình báo quân đội (bí danh X10). Năm 1954, được sự phân công của tổ chức, ông vào Sài Gòn, để lại vợ và con trai ở Hà Nội, tiếp tục cầm bút và hoạt động cho đến 30 tháng 4 năm 1975. Ông mất lúc 4 giờ 30 phút ngày 7 tháng 4 năm 1984 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ngày 13 tháng 2 năm 2007, nhà văn Vũ Bằng được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

3. Tác phẩm:

– Lọ văn (tập văn trào phúng, 1931);

– Một mình trong đêm tối (tiểu thuyết, 1937);

– Truyện hai người (tiểu thuyết, 1940);

– Tội ác và hối hận (tiểu thuyết, 1940);

Chớp bể mưa nguồn (tiểu thuyết, 1941);

Quých va Quác (truyện thiếu nhi, 1941);

Để cho chàng khỏi khổ (tiểu thuyết, 1941);

Bèo nước (tiểu thuyết, 1944);

Ba truyện mổ bụng (tập truyện, 1941);

Cai (hồi ký, 1942);

– Mộc hoa vương (tiểu thuyết, 1953);

Miếng ngon Hà Nội (tạp văn, 1955);

Ăn tết thủy tiên (1956);  

– Thương nhớ mười hai (tuỳ bút, 1960);

– Miếng lạ miền Nam (bút ký, 1969);

Bốn mươi năm nói láo (hồi ký, 1969);

Khảo về tiểu thuyết (1951, 1955);

Mê chữ (tập truyện, 1970);

Nhà văn lắm chuyện (1971);

Những cây cười tiền chiến (1971);

Người làm mả vợ (tập truyện ký, 1973);

Bóng ma nhà mệ Hoát (tiểu thuyết, 1973);

Nước mắt người tình (tiểu thuyết, 1973);

Tuyển tập Vũ Bằng (3 tập, Nhà xuất bản Văn học, 2000);

Những kẻ gieo gió (2 tập, Nhà xuất bản Văn học, 2003);

Vũ Bằng toàn tập (4 tập, Nhà xuất bản Văn học, 2006);

Vũ Bằng, Các tác phẩm mới tìm thấy (Lại Nguyên Ân sưu tầm. Nhà xuất bản. Văn hóa Sài Gòn, 2010);

Hà Nội trong cơn lốc (Nhà xuất bản Phụ Nữ, 2010);

Văn Hóa… Gỡ (Nhà xuất bản Phụ Nữ, 2012).

Và một số sách dịch khác.

4. Giải thưởng:

Giải thưởng Nhà nước về Văn học & Nghệ thuật đợt 2 năm 2007.