Nhà văn NHƯ PHONG (1917 – 1985)

1. Tiểu sử

Nhà văn Như Phong có nhiều bút danh: Như Phong, Lâm Vũ, Nguyễn Kiên Trì, Hồng Hà. Ông tên khai sinh là Nguyễn Đình Thạc. Sinh ngày 25 tháng 10 năm 1917 tại Hà Nội. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông mất ngày 01 tháng 02 năm 1985.

  1. Quá trình công tác:

Nhà văn Như Phong tham gia hoạt động Cách mạng từ năm 1937, ông công tác trong Đoàn Thanh niên Dân chủ. Năm 1938, ông phụ trách phần văn nghệ của báo Thế giới, Mới và Người mới, là cơ quan ngôn luận của Đoàn thanh niên dân chủ.

Từ năm 1942, Như Phong bí mật tham gia thành lập Hội Văn hóa Cứu quốc và được bầu vào Ban chấp hành hội cùng với ông Vũ Quốc Uy, Học Phi, Ngô Lê Động. Trong thời kỳ này, ông viết nhiều truyện ngắn và tiểu luận văn học đăng trên các báo Tiểu thuyết thứ bảy, Thời vụ, Mới, Người mới

Trong những ngày Cách mạng Tháng Tám, ông là ủy viên Ban Tuyên truyền Ủy ban Khởi nghĩa Bắc bộ và phụ trách Sở Kiểm duyệt báo chí.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông lần lượt là Chủ nhiệm kiêm Tổng biên tập các báo Cứu quốc khu XII, Cứu quốc khu X, Cứu quốc liên khu baCứu quốc dặc khu Hà Nội.

Thời gian trước và sau tiếp quản Thủ đô, ông công tác tại Văn phòng Trung ương Đảng, sau đó làm Phó Giám đốc Sở Báo chí, rồi Phó Chủ bút báo Cứu quốc trung ương. Từ giữa năm 1957 đến 1965, là Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ và tham gia biên ủy báo Nhân Dân. Từ tháng 10 năm 1965 đến khi nghỉ hưu ( năm 1980), ông là giám đốc Nhà xuất bản Văn học, ủy viên Đảng đoàn Văn nghệ Trung ương, ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khóa II).

  1. Tác phẩm:

– Bình luận văn học (tiểu luận phê bình, 1964, 1969, 1977);

– Thơ văn Trần Mai Ninh (sưu tầm giới thiệu, 1980).

Ông viết nhiều bài phê bình, bình luận văn học trên các báo Nhân dân, Tạp chí Văn nghệ, Tạp chí Văn học. Một số tác phẩm khác của ông đã xuất bản bao gồm: Gõ cửa, Trường tư ngoại ô, Buổi học cuối cùng…

Ông cũng là người đầu tiên dịch tiểu thuyết “Sông Đông Êm Đềm” của Mikhain Solokhov ra tiếng Việt, bản dịch được in từ số 231 ra ngày 04 tháng 05 năm 1946 của báo Cứu Quốc, dưới tên “Trên sông Đông êm đềm”.

  1. Giải thưởng:

Giải thưởng Nhà nước về Văn học & Nghệ thuật đợt 2 năm 2007.