Nhà thơ TRẦN MAI NINH (1917 – 1947)

1. Tiểu sử:

Nhà thơ Trần Mai Ninh tên thật là Nguyễn Thường Khanh. Ông sinh năm 1917 tại Thanh Hóa. Ông hi sinh trong nhà tù giặc Pháp ở Nam trung Bộ năm 1947.

2. Quá trình công tác:

Lúc thiếu thời nhà thơ Trần Mai Ninh học Thành Chung ở Thanh Hóa, sau đó ông ra Hà Nội học tiếp Tú Tài. Ngay từ thời còn đi học, Trần Mai Ninh đã cùng một số bạn bè ra tờ báo có tên “Con sáo” để phê phán nền giáo dục thực dân và nói lên lý tưởng của tuổi trẻ học đường. Sau đó Trần Mai Ninh tham gia phong trào yêu nước Mặt trận dân chủ (1936 – 1939) của Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông tiếp tục viết bài và trực tiếp làm phóng viên, tham gia biên tập các tờ báo của Đảng xuất bản trong thời kỳ này như: Bạn dânThời thế (1937), Tin tứcThế giớiNgười mới (1938), Bạn đường (1939)… Tự do ở Thanh Hóa… với các bút danh: KT, Mạc Đỗ, Trần Mai Ninh, Hồng Diện, Nguyễn Thường Khanh. Ông không những là một ngòi bút sắc sảo, xông xáo, nhiệt huyết mà còn là một người vẽ tranh minh họa và trình bày báo có tài.

Khi Mặt trận dân chủ bị chính quyền thuộc địa đàn áp, Trần Mai Ninh về quê hoạt động ở chiến khu Ngọc Trạo. Ông bị nhà cầm quyền bắt giam nhưng sau đó ông vượt ngục và tham gia giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám ở Nam Trung bộ. Sau đó Trần Mai Ninh tham gia kháng chiến ở Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa. Bị giặc bắt, ông đã hy sinh anh dũng trong nhà tù giặc Pháp. Trần Mai Ninh để lại nhiều tác phẩm, nhưng nổi tiếng hơn cả là bài thơ Nhớ máu.

3. Tác phẩm:

Thằng Tuất (truyện vừa, 1939);

Trừ họa (truyện ngắn, 1941);

Ngơ ngác (truyện dài, 1941);

Sống đã rồi viết văn (tiểu luận, 1944).

– Thơ văn Trần Mai Ninh (tuyển tập, 1980)

Nhà thơ Trần Mai Ninh đặc biệt nổi tiếng với các bài thơ mở đầu cho dòng thơ cách mạng và kháng chiến thật hào hùng như: Nhớ máu, Tình sông núi… Năm 1980, tác phẩm của Trần Mai Ninh được nhà văn Như Phong tuyển chọn và giới thiệu trong tập Thơ văn Trần Mai Ninh.

4. Giải thưởng:

– Giải thưởng Nhà nước về Văn học & Nghệ thuật đợt 2 năm 2007.