1. TIỂU SỬ
Nhà văn Nguyễn Thi tên khai sinh là Nguyễn Hoàng Ca, bút danh Nguyễn Thi, Nguyễn Ngọc Tấn. Sinh ngày 15 tháng 05 năm 1928 tại làng Quần Phương Thượng (nay thuộc xã Hải Anh), huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam . Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Hi sinh ngày 09 tháng 05 năm 1968 trong cuộc Tổng tấn công Mậu Thân năm 1968 tại Sài Gòn.
2. QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC
Nhà văn Nguyễn Thi sinh ra trong một gia đình nghèo, tuổi thơ bất hạnh, phải chịu vất vả, tủi cực. Sớm mồ côi cha từ năm mười tuổi, mẹ đi bước nữa, nên ông phải tự kiếm sống, phải sống nhờ vào anh em, họ hàng nhưng ông vẫn ham học và học giỏi.
Năm 1943, ông theo một người anh họ vào Sài Gòn sinh sống. Năm 1945, ông tham gia cách mạng và sau đó gia nhập lực lượng vũ trang Việt Minh. Ông chính thức là đội viên đội Cảm tử quân trong những ngày Tổng khởi nghĩa ở Sài Gòn và được kết nạp Ðảng. Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, ông tham gia quân đội, làm công tác tuyên huấn, làm Đội trưởng Đội Văn công sư đoàn 330. Đến năm 1957, ông chuyển công tác về Tạp chí Văn nghệ Quân đội làm biên tập viên văn xuôi. Năm 1962, ông xung phong, tình nguyện quay trở lại chiến trường miền Nam, tham gia chống Mỹ. Ông công tác tại Cục Chính trị quân giải phóng miền Nam, thành viên sáng lập và tham gia phụ trách tạp chí Văn nghệ quân giải phóng. Trong thời gian công tác ở tiền tuyến lớn miền Nam, là một thành viên rất sôi nổi và tích cực của lực lượng Văn nghệ giải phóng, ông đã đi rất nhiều nơi và có mặt tại tại hầu hết những điểm nóng, những nơi gian khổ, ác liệt của chiến trường Đồng bằng Nam Bộ như: Củ Chi, Bến Tre, Ấp Bắc, Đồng Tháp Mười…Vào tháng 5 năm 1968, trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, ông đi theo một một mũi tấn công, bám sát một đơn vị pháo binh của Quân giải phóng đánh chiếm Sài Gòn và đã hy sinh trên chiến trường. Nơi ông hy sinh nay được mang tên ông – đường Nguyễn Thi, thành phố Hồ Chí Minh..
3. TÁC PHẨM
– Hương đồng nội (thơ, bút danh Nguyễn Ngọc Tấn, 1950)
– Trăng sáng (truyện ngắn, bút danh Nguyễn Ngọc Tấn, 1960)
– Đôi bạn (truyện ngắn, bút danh Nguyễn Ngọc Tấn, 1965)
– Truyện và ký Nguyễn Thi (1969)
– Năm tháng chưa xa (ghi chép, 1972)
– Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn Thi toàn tập (4 quyển, 2700 trang, 1996) trong đó có các tác phẩm: Những sự tích đất thép, Ước mơ của đất, Cô gái đất dừa, Sen trong đồng, Ở xã Trung Nghĩa… và một số tác phẩm chưa hoàn thành, còn dở dang được rút từ di cảo.
4. GIẢI THƯỞNG
Giải thưởng Văn nghệ Cửu Long giang (Nam bộ, 1949 – 1950) với tập thơ Hương đồng nội.
Giải thưởng Văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu năm 1965 với tập truyện ký Người mẹ cầm súng.
Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt II năm 2000.