-
-
- Tiểu sử
-
Nhà lý luận phê bình văn học Hoài Thanh tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyên. Sinh ngày 15 tháng 7 năm 1909 tại xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Ông là một nhà phê bình văn học có những đóng góp về mặt phê bình, lý luận trong nền văn học Việt Nam thế kỉ XX. Ông mất ngày 14 tháng 3 năm 1982 tại Hà Nội.
- Quá trình công tác
Nhà lý luận phê bình văn học Hoài Thanh sinh ra trong gia đình nhà Nho nghèo. Cuối những năm 1920: học trường Quốc học Vinh; rồi theo học trường Pháp Việt đến bậc trung học. Năm 1927 ông gia nhập Tân Việt cách mạng Đảng. Năm 1930; đang học ở trường Bưởi (Hà Nội) bị bắt, bị kết án treo, bị trục xuất khỏi Bắc Kỳ và giải về quê. Năm 1931 ông vào Huế, đi dạy học tư, làm báo, viết văn.
Sau năm 1945, ông lần lượt giữ những chức vụ: Chủ tịch Hội văn hóa cứu quốc Huế (tháng 9 năm 1945); cán bộ giảng dạy tại Đại học Hà Nội (từ 1945 – 1946); công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam (từ 1947 – 1948); ủy viên Ban thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam (1950); Trưởng tiểu ban Văn nghệ Ban Tuyên huấn Trung ương (1950 – 1956); Vụ trưởng Vụ nghệ thuật và giảng dạy tại Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội (1958). Đại biểu Quốc hội khóa II, Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Văn học & Nghệ thuật Việt Nam; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 1 và 2. Từ 1959 – 1969 ông giữ chức Phó viện trưởng Viện Văn học Việt Nam kiêm Thư ký tòa soạn Tạp chí Nghiên cứu văn học. Từ 1969 – 1975 ông giữ chức Chủ nhiệm tuần báo Văn nghệ. Ông mất ngày 14 tháng 3 năm 1982 tại Hà Nội.
- Tác phẩm
– Văn chương và hành động (lý luận, 1936);
– Thi nhân Việt Nam (1941);
– Có một nền văn hóa Việt Nam (1946)
– Quyền sống của con người trong truyện Kiều của Nguyễn Du (tiểu luận, 1950);
– Nhân văn Việt Nam (1949)
– Xây dựng văn hóa nhân dân (1950)
– Nói chuyện thơ kháng chiến (phê bình, 1951);
– Nam bộ mến yêu (bút ký, 1955);
– Chuyện miền Nam (bút ký, 1956);
– Quê hương và thời niên thiếu của Bác (cùng viết với Thanh Tịnh 1960)
– Phê bình tiểu luận (tập I-1960, tập II-1965, tập III -1971);
– Phan Bội Châu (1978)
– Chuyện thơ (1978)
– Tuyển tập Hoài Thanh (hai tập, 1982-1983);
– Di bút và di cảo (1993)
– Toàn tập Hoài Thanh (5 tập, 1999).
- Giải thưởng
– Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, đợt II, năm 2000.