Nhà thơ Tố Hữu: Chớ tin ở “lòng tốt” của kẻ ác!

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu, báo Sức khoẻ&Đời sống trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn nhà thơ Tố Hữu cách đây 21 năm của nhà thơ Trần Sĩ Tuấn như một nén tâm nhang tưởng nhớ Ông.

                                  Nhà thơ Tố Hữu

Nhà thơ Trần Sĩ Tuấn: Thưa nhà thơ Tố Hữu, năm nay, nếu tính tuổi ta, nhà thơ ở tuổi tám mươi. Như thế là thọ. Nhưng được biết nhà thơ cũng không sức vóc gì cho lắm, lại tù đày, rồi những năm tháng gian khổ ở Việt Bắc… Nhà thơ có thể tâm sự với bạn đọc bí quyết giữ gìn sức khỏe của mình, có thể kể về đời sống tinh thần, vật chất của mình để bạn đọc có thể hình dung nhà thơ sống và sinh hoạt thế nào?

Nhà thơ Tố Hữu: Thế hệ chúng tôi chịu nhiều gian khổ, tù đày, trừ vài người như đồng chí Nguyễn Chí Thanh mất năm 53 tuổi, nhưng nói chung là thọ. Được vậy là do đức tính chung là có ý chí cách mạng cao, tinh thần lạc quan tin tưởng, luôn luôn sống có ích cho đời.

Nhớ hai lần vượt ngục ở trại giam Daklay, suốt 27 ngày trốn trong rừng chỉ toàn ăn đọt lau, rau má, lá non, không cơm củ gì cả. Rừng có nhiều loại lá chát chát chua chua, chấm với muối để ăn. Người gầy đét nhưng mình nghĩ đã vượt ngục thì phải ráng sống để về hoạt động với đồng bào, đồng chí  chứ!

Lại có lần tôi bị nhiễm vi khuẩn, sốt cao suốt 20 ngày, được chẩn đoán có thể là ung thư ở giai đoạn ba, nhiều đồng chí đến thăm như là lần chia tay cuối cùng. Đó là năm 1994, rồi tôi sang Pháp điều trị, các bác sĩ khám 19 ngày và cho kết luận, đó là cúm nặng, không việc gì cả, chỉ bị loãng xương như mọi người già khác. Nghe nói thế, đang nằm liệt giường, tôi tỉnh hẳn, đứng dậy đi luôn. Rõ ràng yếu tố tinh thần rất quan trọng!

Tất nhiên muốn sống lâu, ngoài yếu tố tinh thần phải hàng ngày tập thể dục dưỡng sinh, những bài phù hợp với cơ thể, tuổi tác của mình. Chú ý ăn uống cần điều độ, hợp lý, không nên ăn quá nhiều đường, mỡ, nên ăn cá và nhiều rau quả. Chớ uống rượu, hút thuốc rất độc hại.

Trần Sĩ Tuấn: Đọc “Từ ấy”, phần lớn các bài thơ được viết trong tù. Làm thế nào mà trong một hoàn cảnh gian khổ như vậy nhà thơ lại có thể viết được những câu thơ tràn đầy lý tưởng, tâm huyết, lạc quan…?

Nhà thơ Tố Hữu: Nằm trong tù, tôi nghe tiếng chim tu hú bên ngoài hót, càng cảm thấy nhà giam ngột ngạt, muốn đạp tung mà ra, vì thế có bài Khi con tu hú…, hay bài Trăng trối là do đấu tranh tuyệt thực 14 ngày, tưởng sắp chết nên viết mấy lời “cuối cùng” bày tỏ tâm huyết, quyết tâm của mình. Bài Con cá chột nưa tả cuộc đấu tranh bản thân với những tư tưởng hèn nhát, sợ chết cũng trong cuộc tuyệt thực này. Tôi làm thơ trước hết là để động viên mình và anh em, thơ “xuất bản” trong tù bằng miệng. Anh em thuộc thơ tôi hơn tôi nhiều. Sau Cách mạng Tháng Tám, nhiều anh em đọc lại cho tôi chép những bài thơ trong tù hoặc trước đó, nhờ vậy mà ra được tập thơ đầu năm 1946.

Trần Sĩ Tuấn: Chưa có một cuộc kháng chiến nào mà tất cả những văn nghệ sĩ từ các hệ tư tưởng khác nhau, bản thân mỗi người có cá tính riêng mạnh mẽ lại đồng sức đồng lòng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân như hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ vừa qua. Là người phụ trách văn hóa – tư tưởng, nhà thơ có suy nghĩ gì?

Nhà thơ Tố Hữu: Tôi được Trung ương gọi ra Việt Bắc làm công tác văn hóa – tư tưởng, tôi hỏi: “Sao không lấy anh khác mà lấy tôi làm chi?”. Các anh bảo tôi làm công tác chính trị, có văn hóa, biết làm thơ. Nghe ra cũng có lý nên phải nhận nhiệm vụ và thấy việc cũng cần làm. Công tác tư tưởng bằng thơ là một cách làm có hiệu quả.

Với anh em làm văn hóa văn nghệ thì phải biết cách tiếp xúc, lời lẽ, thái độ thô bạo, không ai nghe đâu! Thực ra sống với anh em cũng rất dễ chịu nếu biết quý trọng tài năng của anh em và có lòng chân thành bè bạn.

Có lẽ ít có Đảng nào như Đảng ta đã tập hợp được gần hết văn nghệ sĩ từ các ý thức hệ khác nhau để phục vụ cho cách mạng, cho kháng chiến, cho nhân dân. Bác Hồ và Đảng ta đã đưa văn nghệ sĩ đến với nhân dân, hiểu và yêu cuộc sống của nhân dân, hăng hái tham gia kháng chiến và nhờ đó có nhiều tác phẩm có giá trị thật sự có sức động viên tinh thần của đồng bào và chiến sĩ.

Trần Sĩ Tuấn: Nhà thơ thường làm thơ lúc nào? Viết một bài thơ có lâu không, sửa chữa thế nào, có mất công sức lắm không?

Nhà thơ Tố Hữu: Đối với tôi, làm thơ là một nhiệm vụ và cũng là một hứng thú, khi nào cần là tôi làm. Giờ giấc cũng không cố định, có lúc nửa đêm thức dậy viết, có khi cứ ngồi vào bàn suy nghĩ đến bật cảm xúc để buộc “gọi” thơ ra… Thơ tôi chỉ viết khi có cái gì trong lòng mình xao xuyến, vui sướng buồn đau.

Có bài thơ tôi viết suốt trong 1 tháng như bài Theo chân Bác, Còn bài Bác ơi, tôi viết rất nhanh, chỉ trong 1 ngày.

Khi nghe trúc trắc, gượng gạo thì phải sửa, có khi phải bỏ. Thơ có khi bị in sai, như câu “Ta hát huyên thuyên/ta chạy khắp nhà”; mà bị in thành “Ta hét huyên thuyên”, cứ như mình là thằng điên.

Hay như bài Tiếng hát đi đày có câu: “Người đi quấn áo chen chân” lại in thành “Người đi quần áo chen chân”. Anh Xuân Diệu khi đọc do nể tôi, nghĩ chẳng lẽ Tố Hữu viết sai, rồi cứ đọc “quần áo chen chân”. Tôi phải cải chính chen chân thì quấn áo mới xoắn xuýt chứ! Còn quần áo sao mà chen chân được. Xuân Diệu nghe xong vỗ đùi: “Ừ thế mới được”.

Trần Sĩ Tuấn: Bây giờ nhìn lại, bác thấy thơ mình được nhất cái gì? Bác có cảm thấy lúc nào đó mình đuối hơi, bất lực, không đạt được mong ước, mong muốn của mình về thơ hay không?

Nhà thơ Tố Hữu: Được nhất là thơ tôi nói đúng lòng mình. Tôi không bao giờ bịa ra điều gì cả. Nói không phải kiêu ngạo, may sao là nó lại hợp với lòng dân. Tôi không chia tôi với ta. Tôi luôn luôn vươn tới điều này, luôn nghĩ và viết những điều gì dân nghĩ. Lúc nào làm được như vậy, tôi thấy đó là điều được.

Bài Biển mơ (đăng trên BNS Sức khỏe&Đời sống số 71 tháng 8/1999), tôi viết khi được ngắm cảnh Hạ Long bạn bè chiêu đãi nhưng lòng không vui vì nghĩ đến hàng vạn công nhân mỏ than đang thất nghiệp, nghèo đói…

Có khi nào tôi thấy đuối không không ư? Cố nhiên rồi! Nếu so với cuộc đời của nhân dân, đau buồn cũng như vui sướng thì không bao giờ sức mình vươn tới đủ. Đừng bao giờ tự coi mình biết sâu, biết hơn nhân dân!

Trần Sĩ Tuấn: Nếu phải đi trở lại, bác có chọn con đường cũ – cả con đường làm thơ – và bác có sửa chữa gì?

Nhà thơ Tố Hữu: Tôi chả sửa chữa gì. Tôi lại như cũ. Tôi đã viết rồi: “Tôi lại đi như từ ấy ra đi”. Bây giờ vẫn tiếp tục đi. Mình có hai việc phải làm là giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội chủ nghĩa. “Trăm năm duyên kiếp Đảng và Thơ” mà. “Mới nửa đường thôi”, còn bước tiếp…

Trần Sĩ Tuấn: Với thơ trẻ bây giờ bác có ý kiến gì?

Nhà thơ Tố Hữu: Với thơ trẻ có hai ý: trẻ bây giờ có học, có trình độ văn hóa. Trước năm 1945 có độ năm trăm đại học, bây giờ cả triệu. Có một số nhà thơ trẻ đã qua kháng chiến viết nhiều bài hay, mới về nội dung và nghệ thuật, nhưng khá nhiều anh em trẻ sống xa cuộc sống của nhân dân lao động. Xa nhân dân thì không biết cái ước mơ, cái đau khổ của nhân dân. Nghệ thuật là vấn đề tình cảm, tình cảm của dân lao động. Không biết tại sao đua nhau viết thơ tình nhiều thế, mà đâu có nhiều bài hay! Tất nhiên, tôi không hề phản đối thơ tình nhưng cũng vừa vừa thôi chứ. Quá nhiều lá me rơi, tàn hoàng hôn, cứ thế này thì Sài Gòn cây me rụng hết lá! Các nhà phê bình cũng dễ tính chẳng nhắc nhở gì!

Vừa rồi đến bến Bạch Đằng giang, tôi thấy cái miếu thờ vua bà, hỏi ra mới hay đây là miếu thờ bà hàng nước đã cung cấp thông tin về con nước lên, xuống, giờ giấc của nó cho Trần Hưng Đạo để lên kế hoạch đóng cọc đánh quân Nguyên. Trần Hưng Đạo nghe xong lạy bà ba lạy, sau đó trăm chiến thuyền và ba vạn quân Nguyên đã bị đánh tan. Nhớ ơn bà hàng nước, Trần Hưng Đạo đã cho lập miếu thờ.

Một ông tướng trong hàng quân vương mà biết cảm ơn bà hàng nước nghèo hèn như thế, thật đáng kính phục biết bao!

Trẻ là phải có lý tưởng, hoài bão lớn, tâm hồn đẹp, yêu thương nhân dân, đất nước, không nên quanh quẩn trong cuộc sống cá nhân nhỏ hẹp, tầm thường.

Trần Sĩ Tuấn: Từ nay đến năm 2000, sang thế kỷ 21, bác sẽ làm gì? Bác đã có thơ chào mừng thế kỷ mới? Liệu thế kỷ 21 có hơn thế kỷ 20, nó có tốt đẹp cho sức khỏe thể chất và tinh thần nhân loại không?

Nhà thơ Tố Hữu: Năm 1990, khi tôi 70 tuổi, có viết bài thơ năm 2000 vì không biết chắc mình có còn sống để làm thơ? Thế mà bây giờ còn sống, còn làm thơ. Có lẽ tôi sẽ in lại bài thơ đó.

Thế kỷ 21 có hai đặc điểm: khoa học kỹ thuật phát triển, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm rất cao và dư sức đem lại cuộc sống vật chất cho dân. Có khả năng như thế, nhưng với điều kiện các các nước, nhất là các nước lớn, thực hiện một chế độ công bằng, nhân ái hơn.

Thế kỷ 20 xảy ra nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc. Thế kỷ 21 cũng chưa hoàn toàn yên ổn. Chớ tin ở “lòng tốt” của kẻ ác, của bọn xâm lược luôn luôn muốn bắt nạt, xâm lấn các quốc gia khác trên thế giới này. Cái thiện vẫn phải luôn luôn tỉnh táo, đấu tranh với cái xấu, cái ác. Chúng ta phải cảnh giác…

Trần Sĩ Tuấn: Sự nghiệp chính trị cũng như sự nghiệp thơ của thế hệ bác khó có người kế tục, bác cho là tại làm sao? Về khách quan thì rõ rồi, nhưng về chủ quan thì khi nhìn lại, bác có suy nghĩ gì? Giá như… giá như… dĩ nhiên lịch sử không nói “nếu” và người ta cũng không làm lại được lịch sử.

Nhà thơ Tố Hữu: Tôi chỉ là một người bình thường như bao người khác và dĩ nhiên sẽ có rất nhiều người hơn mình. Ngày xưa đã có Trần Hưng Đạo 3 lần đánh thắng quân Nguyên, có Nguyễn Trãi làm Bình Ngô đại cáo và ai mà tin được thế kỷ 20 này dân tộc ta thắng được thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Có Trần Hưng Đạo, có Nguyễn Trãi mới có Hồ Chí Minh, nhưng ở một tầm vóc cao hơn. Tương lai sẽ có người nối tiếp Hồ Chí Minh. Thế hệ kế tiếp lúc nào cũng vượt lên trên, nên tin là như thế…!

Nhà thơ Trần Sĩ TuấnXin trân trọng cảm ơn nhà thơ; kính chúc nhà thơ mạnh khoẻ, có nhiều sáng tác mới!

Trần Sĩ Tuấn

Theo nguồn:https://suckhoedoisong.vn/nha-tho-to-huu-cho-tin-o-long-tot-cua-ke-ac-16995305.htm