“Giá từng thước đất” của nhà thơ Chính Hữu

GIÁ TỪNG THƯỚC ĐẤT
Chính Hữu
Năm mươi sáu ngày đêm bom gầm pháo giội,
Ta mới hiểu thế nào là đồng đội.
Đồng đội ta
là hớp nước uống chung
Nắm cơm bẻ nửa
Là chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa
Chia khắp anh em một mẩu tin nhà
Chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp
Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết.
Bạn ta đó
Ngã trên dây thép ba tầng
Một bàn tay chưa rời báng súng,
Chân lưng chừng nửa bước xung phong.
Ôi những con người mỗi khi nằm xuống
Vẫn nằm trong tư thế tiến công!
Bên trái: Lò Văn Sự
Bên phải: Nguyễn Đình Ba,
Những đêm tiến công, những ngày phòng ngự,
Có phải các anh vẫn còn đủ cả
Trong đội hình đại đội chúng ta ?
Khi bạn ta
lấy thân mình
đo bước
Chiến hào đi,
Ta mới hiểu
giá từng thước đất,
Các anh ở đây
Trận địa là đây,
Trận địa sẽ không lùi nửa thước,
Không bao giờ, không bao giờ để mất
Mảnh đất
Các anh nằm.
—-1954-1961–
Bài thơ “Giá từng thước đất” của nhà thơ Chính Hữu ra mắt độc giả năm 1954. Lúc đầu nhà thơ Chính Hữu đặt tên bài thơ là “Đồng đội”, nhưng rồi muốn được “tự do huỷ bỏ những cái viết ra nhưng không vừa ý” (Tự bạch) nên ông đổi tên bài thơ là “Giá từng thước đất”.
Nhà thơ Chính Hữu tên thật là Trần Đình Đắc. Ông sinh ngày 15 tháng 12 năm 1926 tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông mất ngày 27 tháng 11 năm 2007 tại Hà Nội.
Trước cách mạng tháng Tám, nhà thơ Chính Hữu học tú tài (triết học) tại Hà Nội. Nhà thơ Chính Hữu từng tham gia mặt trận Việt Minh, gia nhập Trung đoàn Thủ đô. Ông từng giữ chức Đại đội trong chiến dịch Việt Bắc năm 1947; Phó trưởng Ban Văn nghệ quân đội từ năm 1949 đến năm 1952; Chính trị viên tiểu đoàn tại Sư đoàn 308 trong chiến dịch Điện Biên Phủ; Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị từ năm 1970 đến năm 1983. Sau này ông chuyển ngành làm Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa III, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV.
Các tác phẩm của nhà thơ: Đầu súng trăng treo; Thơ Chính Hữu; Tuyển tập Chính Hữu…
Nhà thơ Chính Hữu được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, nghệ thuật, đợt II, năm 2000.
Hiện nay tại tầng 2 của Bảo tàng Văn học Việt Nam có gian trưng bày các kỷ vật về nhà thơ Chính Hữu.
Chiếc nạng gỗ của nhà thơ Chính Hữu trưng bày tại Bảo tàng Văn học Việt Nam
Gian trưng bày về nhà thơ Chính Hữu tại Bảo tàng Văn học Việt Nam 
Nhà thơ Chính Hữu cũng là người lính đã từng tham gia trực tiếp chiến dịch Điện Biên vì vậy là người trong cuộc nên từ trong trái tim nhà thơ – chiến sĩ Chính Hữu đã in sâu những hình ảnh anh hùng của đồng đội. Bài thơ “Giá từng thước đất” của nhà thơ Chính Hữu vừa bi tráng, quặn thắt nhưng cũng phác họa vẻ đẹp hùng tráng của người chiến sĩ mà khó có tượng đài nào chạm khắc nổi. Tình cảm đồng đội được nâng dần lên từ những sinh hoạt bình thường đến lẽ tử sinh của một đời người. Cộng đồng thân thiết đó thật bình dị. Có lẽ đây cũng là nét đặc trưng của những người lính Việt Nam đa số xuất thân từ nông thôn ra đi từ cộng đồng làng xóm, từ nếp nhà tranh sau lũy tre làng gắn bó mật thiết với nhau. Một mẩu tin tuy ngắn ngủi nhưng đó là cả một hậu phương vững chắc để chống chọi lại “Năm mươi sáu ngày đêm bom gầm pháo dội.
Năm mươi sáu ngày đêm bom gầm pháo giội trên mảnh đất Điện Biên đã được nhà thơ dùng làm cái nền, nơi con người kề bên cái chết vẫn đồng tâm nhất trí chiến đấu giữ cho được từng thước đất thiêng liêng của Tổ quốc. Giữa “bom gầm pháo giội” những người lính Điện Biên vẫn sống bên nhau những giây phút đầy ắp tình người ngay trong chiến hào của trận địa. Đó là những người chiến sĩ bình thường, những người lính không có chiến công đặc biệt đến tận hôm nay. Biết bao chiến sĩ, những người đã nằm xuống nơi đây và những người đang sống, cùng với nhân dân cả nước đã “chụm lại thành hòn núi cao” làm nên chiến thắng chấn động địa cầu (7/5/1954). Cái “Giá của từng thước đất” đã hàm chứa trong đó là sự hy sinh của đồng đội. Hy sinh để giữ từng thước đất – đó là một sự đóng góp làm nên vinh quang.
Thế hệ hôm nay sau 70 năm kể từ ngày lịch sử ấy sẽ mãi mai không bao giờ quên các anh và chiến công của các anh những người hy sinh trên mảnh đất Điện Biên sẽ trẻ mãi với thời gian và từng thước đất sẽ sống mãi với non sông đất nước.
BTVHVN