Nhớ một lần làm tuyển tập giúp Giáo sư Phan Cự Đệ

Tôi được gặp Giáo sư Phan Cự Đệ lần đầu tiên trong một buổi thầy trò trường chuyên Huỳnh Thúc Kháng (thành phố Vinh) họp với nhau tại Hội trường lớn trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

GS Phan Cự Đệ (1933 – 2007)

Từ đầu những năm 1970, các tên tuổi như Hoàng Xuân Nhị, Trần Đình Hượu, Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân… bên Đại học Tổng hợp Văn, và Lê Trí Viễn, Bùi Văn Nguyễn, Phan Trọng Luận, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Đức Nam, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Đình Chú, Bùi Văn Ba… bên Đại học Sư phạm, đã gợi lên trong tôi một sự kỳ vĩ.

Rồi dường như cùng lúc, Phan Cự Đệ và Hà Minh Đức xuất hiện, với hai tập sách dày dặn và giá trị là Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại (2 tập, 1974 – 1975) và Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại (1974), đã khiến một số giáo viên môn Văn ở trường cấp III và trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh đang háo hức bảo nhau: Một giai đoạn mới của nghiên cứu – lý luận – phê bình văn học đã bắt đầu…

Tôi được gặp Giáo sư Phan Cự Đệ lần đầu tiên trong một buổi thầy trò trường chuyên Huỳnh Thúc Kháng (thành phố Vinh) họp với nhau tại Hội trường lớn trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Một người nhỏ nhắn, gọn ghẽ và tươm tất có khuôn mặt hơi dài với mái tóc bồng gợn sóng tươi cười đưa cho tôi mảnh giấy có nét chữ mềm mà gãy gọn, ghi: “Đề nghị anh mời thầy Nguyễn Đức Nam lên trước, sau đó, thì các thầy khác, nếu còn thì giờ thì cho tôi chúc mừng các thầy mấy câu …”.

Đọc xong mảnh giấy, tôi chuyển cho Giáo sư Nguyễn Đức Nam, ông xem rồi cười: “Phan Cự Đệ đấy”. Tôi không ngờ ông Đệ lại trẻ như thế. Một người đã viết những dòng phán định về tiểu thuyết và các nhà văn đang nổi danh như thế cơ mà…

Ra về, chưa hết ngỡ ngàng, tôi hỏi, thì được thầy Nam nói cho nghe: “Thì trẻ thế chứ sao! Nhưng mà tay này già dặn lắm đấy. Hồi làm học trò mình, hắn học gạo Anh văn và Pháp văn ghê lắm, nhiều trang hắn thuộc làu làu”.

Nghe thầy Nam bảo thế, tôi càng tò mò về ông Đệ và cũng hơi ngài ngại, một phần là vì, xin bạn nhớ lại cho là vào các năm 1980, 1990, xung quanh các ông các vị các ngài, cũng có lắm giai thoại.

Muốn gặp, muốn hỏi để học theo mà chưa được dịp. Rồi một lần gặp ông, tôi hỏi: “Chắc anh chuẩn bị viết Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại và Nhà văn Việt Nam hiện đại lâu lắm?”.

Tôi cứ ngỡ là ông sẽ kể về công phu đọc và ghi chép của ông thế nào đó, để rồi còn học mà làm theo, nhưng không phải, không hẳn thế, ông lại kể nhiều về chuyện hồi nhỏ, hồi thanh niên ông hay chơi trò gì, ông thích đọc những gì… những khó khăn mà ông và các bạn ông đã trải qua trong kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954) ở Nghệ An, những ngày hăm hở khi hòa bình mới lập lại (sau 1954) ở Hà Nội.

Rồi lan man sang chuyện ông đi dự hội nghị văn học ở nước ngoài, ông đọc – phát biểu ý kiến và trực tiếp trò chuyện – bút đàm với học giả Bắc Âu ra sao. Tôi gợi lại thời kỳ 1955 – 1956 – 1957, trong văn nghệ có những gì, chuyện ra thế nào?

Nhà văn hào hứng hơn: Những ngày ấy bọn mình hăng lắm, vừa đọc vừa tranh luận gần như suốt ngày. Thầy như thế, xung quanh các đàn anh sáng tác đi kháng chiến về cũng như thế, thì bọn mình có hăng hơn là đương nhiên, đang tuổi thanh niên mà.

Ông bảo: Được gợi ý thì cứ thế mà theo, nhưng tối về, cứ nhớ nghĩ đến quá trình hoạt động của các ông Phan Khôi, Trương Tửu, Trần Đức Thảo… đến sự nhiệt thành rồi u uất của những Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt, Hoàng Cầm… thì cũng thấy thế nào.

Người ta hay nói rằng Phan Cự Đệ là một nhà nghiên cứu rất có chủ kiến, và đôi khi, vô tình hay sao đó, người ta đã phác họa ra phong độ ông như một nhà văn khuôn thức.

Tiếp xúc với ông, tôi thấy không hẳn thế. Ông là người rất chịu khó học hỏi, trau dồi kiến thức và văn phong, ngôn phong. Ông đã nhắc đến thầy và bạn với sự kính trọng và tin cậy.

Đầu năm 1999, ông nhắn tôi đến và bảo:

– Cậu vừa làm tuyển cho Lữ Huy Nguyên, giờ giúp mình làm tuyển được không?

Tôi chợt nghĩ: Sao ông không  nhờ mấy vị trong Khoa Văn Đại học Tổng hợp? Như đoán được ý tôi, ông nói, vẻ ngẫm nghĩ:

– Trong ấy toàn học trò mình cả. Học trò làm sách cho thầy, rất quý ở cái tình cái nghĩa, nhưng sợ thiếu khách quan.

Tôi đành nhận lời, vui thích thì có, mà vẫn e ngại thế nào. Ít hôm sau ông bảo: “Có thêm Phạm Đình Ân nhận tuyển nữa rồi, thôi, bắt tay vào đi nhé !”. Thế là tôi và Phạm Đình Ân chia nhau đọc ngày đọc đêm, rồi đánh dấu, rồi chuyển ông xem lại. Có hôm ông hỏi:

– Sao cậu đánh dấu nhiều chỗ thế? Là ý thế nào?

Tôi đáp: Đó là những chỗ thấy rất bổ ích và một số chỗ khác, đánh dấu thế là gợi ra hai hướng để anh cân nhắc xem, hoặc là viết lại, hoặc là bỏ đi. Ông không nói gì, ôm tất cả về.

Chiều muộn, Nguyễn Văn Lưu lúc ấy đang là Giám đốc Nhà xuất bản Văn học dặn: “Ông liệu lời mà bàn với Giáo sư Đệ nhé …”. Vào một buổi tối sau đó cả tuần, ông gọi điện đến nhà tôi, hẹn sáng mai gặp nhau.

Tôi đến tòa nhà nơi Trung tâm nghiên cứu Văn hóa quốc tế thuê để làm việc tại phố Đào Duy Anh. Thang máy nâng vun vút. Một cô gái xinh xắn đón tôi, đưa vào phòng Giám đốc, ông Đệ cười vồn vã:

– Cậu thấy ở đây có được không?

Rồi ông kéo tôi đứng cạnh cửa sổ, cùng nhìn ra ngoài: Nào người đi, xe chạy, và trời xanh với mây trắng bồng bềnh, có một chiếc máy bay vừa bay xuyên qua cụm mây, bắt nắng lóe lên… Nhìn xuống, thấy thành phố rì rầm chuyển động như không biết từ bao giờ và cũng chả rõ có dừng lại một tí nào không nữa…

Tôi và ông, chả ai muốn bắt đầu. Trong căn phòng rộng rãi mà ấm áp có tiếng violon vang lên dịu dàng tha thiết từ một cái loa nào đó, một giai điệu quen quen là lạ.

Cô gái lúc nãy vào thay đồ uống, rồi mang đến một túi nilon căng chật những trang giấy A4 đã đánh máy. Giáo sư Đệ  quay lại bàn, ngồi xuống ghế, viết viết mấy chữ gì đó trong cuốn sổ tay mở sẵn rồi đứng dậy, hỏi:

– Mà sao cậu lại cho là phải sửa phải bỏ những chỗ ấy nhỉ?

Tôi thưa:

– Đó là đề nghị thôi. Anh có thể không nghe. Bỏ, là vì thấy cũ quá rồi; sửa, là vì bỏ thì tiếc, nên cần viết lại.

– Thế à? Nhưng làm một tuyển tập thì phải bảo đảm tính khách quan, hệ thống và trung thực chứ!

– Vâng, nhưng nếu không khéo, sẽ là khư khư với cái cũ mà cứ ngỡ là bảo đảm tính xác thực của ý kiến để gọi là khách quan và khoa học…

Giáo sư Trần Đình Sử đã gọi Giáo sư Phan Cự Đệ là “Người có chính kiến và xác tín nhất quán”. Chúng tôi muốn nói thêm: Ông cũng là người có nguyên tắc mà không câu nệ, cố chấp. Cái gì ông chưa rõ thì ông hỏi, ông đọc cho ra.

Rồi Tuyển tập Phan Cự Đệ cũng xong, 4 tập dày, ra liền trong tháng Giêng năm 2000 do Nhà xuất bản Văn học ấn hành, kịp để ông làm quà Tết cho người thân. T

ặng tôi bộ sách, ông nói giọng xúc động: “Cảm ơn Nguyên An rất nhiều, ý kiến đề nghị viết lại và bỏ bớt một số đoạn của cậu rất xác đáng…”. Tết ấy tôi thêm vui. Bạn tôi biết có cuộc “tranh luận” khi làm tuyển tập của ông, sau đó đã bảo: “Ông Đệ hay đấy! Ông ấy không  lấy thịt đè người như một số ông lâu năm khác”.

So với những nhà giáo, nhà nghiên cứu cùng thế hệ, quả là hoạt động của Giáo sư Phan Cự Đệ có đa dạng và phức tạp phức hợp hơn.

Từ đầu những năm 1980 và khoảng gần mười năm tiếp đó, khi mà cả nước ta đang ở vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế, rồi từ đó, các hoạt động nghiên cứu dường như bế tắc, giáo sư Phan Cự Đệ đã ấp ủ ý nghĩ quyết bứt ra khỏi guồng máy xin – cho bao cấp trong khoa học, tìm cách thành lập một đơn vị nghiên cứu – hoạt động xã hội riêng.

Ít lâu sau, với cương vị là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn học quốc tế và Câu lạc bộ Giao lưu Văn hóa quốc tế – là các tổ chức phi Chính phủ, phải tự lo mọi nguồn kinh phí hoạt động, là nơi tập hợp được nhiều nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội – văn hóa – nghệ thuật của các nước và của Việt Nam.

Trong nhiều năm qua, ông và những người cộng sự ở Trung tâm này, câu lạc bộ này đã trở thành chiếc cầu nối, tạo thêm một kênh giao tiếp để văn hóa văn nghệ Việt Nam đi thẳng ra nước ngoài, và một số luồng gió mới tốt lành của văn hóa Âu Tây có điều kiện lan tỏa vào Việt Nam.

Công việc của ông ở những nơi này quả là chồng chất phức tạp, vất vả không biết bao nhiêu mà kể. Nhưng thấy ông tràn trề hi vọng, chúng tôi cũng vui theo.

Tôi biết là từ thành quả của hoạt động giao lưu này, giáo sư Phan Cự Đệ đã bắt đầu thực hiện việc thành lập một Viện Giao lưu Văn hóa thế giới. Xem thế, đủ biết ông là người làm việc không ngừng nghỉ, rất có kế sách, rất có bước đi với bài bản thích hợp.

Phan Cự Đệ là nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hoá, và cũng là nhà hoạt động xã hội. Theo ý kiến của cá nhân người viết bài này ông là người kế tục xứng đáng các bậc thầy, các bậc đàn anh như Hoàng Xuân Nhị, Đặng Thai Mai, Trần Đình Hượu … bởi vì ông đã có phần vượt trội ở một số đường nét riêng.

Hà Nội, ngày 6 tháng 9 năm 2007

Theo nguồn: https://tienphong.vn/nho-mot-lan-lam-tuyen-tap-giup-giao-su-phan-cu-de-post95768.tpo