Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1975:
- Bối cảnh lịch sử, văn hóa thẩm mĩ và trường tri thức thời đại
Đại thắng mùa Xuân lịch sử 1975 đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, mở ra một thời kì mới trong lịch sử dân tộc, đồng thời cũng đưa đến một chặng đường mới của nền văn học Việt Nam. Cả dân tộc nô nức trong niềm vui thắng lợi, song cũng lập tức phải đối mặt với muôn vàn thử thách của cuộc sống thời hậu chiến. Nhưng cũng chính vào lúc này, với nội lực phi thường, cả dân tộc lại thực hiện một cuộc vượt thoát táo bạo ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng để tạo tiền đề cho sự phát triển đi lên.
Với phương châm đổi mới để tồn tại và phát triển, Đại hội Đảng lần VI (1986) đã mở ra bước ngoặt, đem lại những chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về nhiều mặt. Quyết định “mở cửa” của Đảng đã có những tác động hết sức lớn lao đến đời sống xã hội, kích thích những cải cách kinh tế, khơi dậy những suy nghĩ, những tìm tòi, sáng tạo mới trong giới trí thức, văn nghệ sĩ. Ở một phương diện khác, nền kinh tế thị trường với tất cả sự phức tạp, gai góc của nó buộc người ta không thể nhìn cuộc sống bằng nhãn quan sử thi thuần khiết như trong những năm tháng đất nước còn chiến tranh. Cuộc sống biến thiên không ngừng với sự xuất hiện những chuẩn mực mới khiến các thước đo giá trị xưa cũ trở nên lạc thời. Cùng với đó, sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật, sự bùng nổ thông tin truyền thông đại chúng trong xã hội hiện đại đã kéo con người từ khắp nơi trên thế giới xích gần với nhau. Giao lưu kinh tế và hội nhập văn hóa trên thế giới tạo điều kiện cho mỗi cá nhân làm phong phú hơn bản sắc của mình. Đấy chính là cơ hội để người cầm bút có điều kiện mở rộng tầm nhìn, khả năng tư duy, tiếp thu tinh hoa văn hóa, văn học và lí luận nước ngoài để làm giàu trí tuệ và khai phóng sức sáng tạo của mình. Dần dà quan niệm về hiện thực và con người được nới rộng, mở đường cho sự đổi mới tư duy tự sự cùng những tìm tòi cách viết phù hợp với tâm thế, thị hiếu thẩm mĩ trong không gian văn hóa mới. Sự chuyển biến trong đời sống xã hội, môi trường văn hóa thẩm mĩ cùng những thay đổi trong định hướng văn học từ chính trị chuyển sang văn hóa, đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự chuyển dịch và vận hành của diễn ngôn tiểu thuyết nói chung và tiểu thuyết lịch sử nói riêng.
Tinh thần đổi mới đã truyền được cảm hứng, tạo dựng không gian văn hóa mới cho những khát khao của người nghệ sĩ thăng hoa thành sinh thể nghệ thuật có sức sống mạnh mẽ. Từ sự chuyển đổi trong hệ hình ý thức nhà văn gắn với nhiều đổi mới quan niệm về mối quan hệ văn học – hiện thực, nhà văn – công chúng, nhà văn – chính mình đã làm nên những bước chuyển mình cho văn học dân tộc[1].
Trong tình hình chung của sự “phục hưng” thể loại, tiểu thuyết lịch sử sau Đổi mới cũng đang làm cuộc chuyển mình với những tìm tòi, đổi mới trong quan niệm thẩm mĩ về lịch sử và tiểu thuyết lịch sử, về cảm thức và tư duy tự sự lịch sử gắn với tinh thần hiện đại và giá trị nhân văn sâu sắc. Nhiều tác phẩm đã không chỉ mang lại thành công cho nhà văn mà còn tạo ra những luồng dư luận sôi nổi trên văn đàn, đặc biệt thể loại vốn kén người đọc này đã hút về mình một lượng độc giả không ngừng tăng lên theo thời gian. Tiểu thuyết lịch sử bây giờ nghiêng theo mạch cảm thức phân tích, giả định gắn với chiêm nghiệm, luận giải lịch sử từ góc độ cá nhân. Nhiều tác phẩm tiêu biểu nằm trong dòng chảy này không chỉ mở rộng đề tài, chủ đề theo hướng tiếp cận gần gũi hơn với hiện thực đời sống sinh hoạt, đời tư thế sự, đời sống văn hoá, tâm linh, mà quan niệm của các nhà văn trên một số vấn đề về thể loại cũng mang màu sắc thẩm mĩ mới. Nhiều tác phẩm trở thành món ăn tinh thần độc đáo, thu hút sự quan tâm, bàn luận của độc giả. Tiểu thuyết lịch sử đã trở thành thể tài để lại nhiều dấu ấn và thành tựu quan trọng trong đời sống văn học đương đại. Nó nhanh chóng chiếm vị trí quan trọng bằng những tác phẩm đặc sắc, khuấy động dư luận bằng những cuộc tọa đàm, hội thảo quy mô. Có thể nói rằng, tiểu thuyết lịch sử đang lên ngôi trên văn đàn Việt Nam sau Đổi mới.
Một yếu tố nữa cũng rất quan trọng góp phần tạo nên trường tri thức thời đại chi phối sự hình thành diễn ngôn tiểu thuyết lịch sử sau Đổi mới, đó là sự thức tỉnh của cái tôi nhà văn, khát vọng vượt thoát cái cũ, truy tìm cái mới trong sáng tạo nghệ thuật về đề tài lịch sử. Khi mà những chuẩn mực, chân lí chỉ là tương đối; lúc mọi giá trị đời sống biến thiên một cách mạnh mẽ, bản thân người cầm bút cũng phải không ngừng đổi mới chính mình trong tư duy và lối viết. Từ góc nhìn của chủ thể sáng tạo, giờ đây văn học không chỉ là tiếng nói chung của dân tộc và thời đại, cộng đồng mà trước hết là phát ngôn của mỗi cá nhân nghệ sĩ, là phương tiện tự biểu hiện bao gồm cả việc phát biểu tư tưởng, quan niệm, chính kiến của nhà văn về các vấn đề hôm qua và hôm nay. Nhà văn có quyền bày tỏ công khai sự thức nhận của cá nhân trước những chân lí tưởng như bất di bất dịch, nghi ngờ những tín điều, giải thiêng các thần tượng, đề xuất những chuẩn mực mới… Các sáng tác về đề tài lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp, Sương Nguyệt Minh (ở truyện ngắn), Nguyễn Xuân Khánh, Võ Thị Hảo, Nguyễn Mộng Giác, Nam Dao, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Quang Thân, Trần Thu Hằng, Phạm Ngọc Cảnh Nam, Uông Triều, Trần Thanh Cảnh, Trần Thuỳ Mai, Nguyễn Thế Quang, Bùi Anh Tấn, Lưu Sơn Minh… (ở tiểu thuyết) đều thể hiện tinh thần nhận thức lại lịch sử với mong muốn nhận chân các giá trị quá khứ một cách sâu sắc và toàn vẹn, nối kết với thực tại hôm nay để khai phóng về phía tương lai. Cái nhìn về lịch sử của nhà văn giai đoạn này mang màu sắc và kinh nghiệm cá nhân rõ nét. Các tiểu thuyết gia thiên về luận giải lịch sử hơn là mô tả, minh họa lịch sử. Sự diễn giải ấy bao chứa quan niệm mới về lịch sử và diễn ngôn về lịch sử. Không có một thứ chân lí lịch sử duy nhất, không có một diễn ngôn thống trị, trung tâm, mà chỉ có lịch sử trong cảm nhận, hình dung chủ quan của cá nhân nhà văn, và sự tồn tại đa dạng, bình đẳng của các diễn ngôn về lịch sử. Từ đây mở ra chân trời mới cho những tưởng tượng và diễn giải lịch sử, làm xuất hiện nhiều khuynh hướng, cùng những lối viết độc đáo, mới lạ. Hiện thực đời sống không chỉ thu gọn trong những biến cố, sự kiện lịch sử và đời sống cộng đồng qua cái nhìn ngưỡng vọng, chiêm bái mà rộng hơn, sâu hơn, “đời hơn”. Văn học đã đi đúng vào bản chất, khám phá lịch sử, văn hóa và con người ở tầng vỉa sâu của những bí ẩn, khuất lấp, ý thức và vô thức, khát vọng cao cả và dục vọng tầm thường. Trong khi miêu tả lịch sử, nhà văn đã mang lại cho lịch sử những “gương mặt người”. Tiểu thuyết chú tâm vào cái thường nhật, những góc khuất nội tâm, những trạng huống tâm lí phức tạp, với bao quan hệ chồng chéo ẩn chìm. Cái nhìn đời tư – thế sự – nhân văn đã thực sự giữ vai trò cốt yếu trong cảm quan nghệ thuật của các nhà văn sáng tạo về đề tài lịch sử. Lịch sử trong tiểu thuyết lúc này trở thành lịch sử trong cảm nhận cá nhân, được nhà văn nhìn nhận bằng điểm nhìn văn hóa, triết học lịch sử và thụ hưởng trên tinh thần nhân văn hiện đại.
Lịch sử là sự diễn giải, là cách hình dung, là lối tự sự – diễn ngôn về lịch sử của chủ thể (sử gia/ tiểu thuyết gia, cá nhân/cộng đồng). Khi đó, sự tiếp nhận các quan điểm khác nhau, những diễn giải trái ngược nhau trở nên bình thường. Con người trở nên bao dung hơn. Sự bao dung đó có mục đích trước hết là để làm sáng tỏ sự thật, sau đó mới là giúp cho cuộc sống được đa dạng, an toàn. Từ thực tiễn tiểu thuyết lịch sử sau 1975, chúng ta thấy có sự chuyển dịch mạnh mẽ của hình thái diễn ngôn so với giai đoạn trước đó: từ diễn ngôn mang tính khẳng định, chiêm bái, ngưỡng vọng sang diễn ngôn mang tính giả định, phân tích, luận giải, giải thiêng; từ diễn ngôn dân tộc, đạo lí, giai cấp sang diễn ngôn đời tư, thế sự, nhân văn; từ diễn ngôn lịch sử – đấu tranh sang diễn ngôn lịch sử – văn hóa phong tục. Chủ thể diễn ngôn cũng có sự thay đổi từ vị thế con người, chủ nhân của lịch sử đến con người, nạn nhân nhỏ bé mang bi kịch và hệ lụy lịch sử; từ vị thế con người bị giới hạn bởi kinh nghiệm cộng đồng đến con người thụ hưởng, đối thoại, đánh giá lại lịch sử bằng điểm nhìn và suy tư cá nhân.
- Đổi mới quan niệm về lịch sử và tiểu thuyết lịch sử
Những thay đổi quan niệm về lịch sử, về diễn ngôn của/trong lịch sử mang một ý nghĩa quan trọng không chỉ với hành trình sáng tạo của nhà văn mà còn chi phối tâm thế thưởng thức của độc giả. Lịch sử được cấu trúc như một diễn ngôn, tiểu thuyết gia cần hơn bao giờ hết trí tưởng tượng và những thao tác “có tính nghệ thuật” trong khi phục hiện lịch sử. Từ chủ nghĩa cấu trúc đến hậu cấu trúc, từ hậu cấu trúc đến chủ nghĩa tân duy sử cùng tinh thần hoài nghi hậu hiện đại, người ta tin rằng lịch sử đầy rẫy sự ngụy tạo, đáng ngờ vì được viết theo quan điểm cá nhân của người làm sử. Hayden White, một trong những nhà lí luận của chủ nghĩa tân duy sử, khi bàn về “siêu lịch sử” (metahistory) đã thể hiện cảm quan hậu hiện đại khá rõ nét. Luận điểm nền tảng để từ đó ông triển khai toàn bộ tư tưởng của mình là: Lịch sử như là tự sự (history as narrative), một trò chơi – ngôn ngữ (language – game). Quan điểm đó thể hiện tinh thần hoài nghi với cái gọi là “sự thật lịch sử”; lịch sử với ông chỉ là “sự tưởng tượng về lịch sử” được diễn ngôn hóa[2]. Trước đó, Karl Popper (1902-1994), một trong những triết gia có ảnh hưởng nhất thế kỉ XX đã nhận ra “sự nghèo nàn của thuyết sử luận” bởi “họ [các nhà sử luận] không nhìn ra sự cần thiết của tính đa dạng trong những cách diễn giải (lịch sử) về cơ bản tương đương nhau (cho dù một số trong những cách diễn giải ấy có thể nổi bật lên nhờ vào tính phong phú của chúng – một điều ít nhiều có ý nghĩa)”[3]. Ông cho rằng “ta có thể diễn giải “lịch sử” như lịch sử đấu tranh giai cấp, hoặc như lịch sử đấu tranh chủng tộc để giành quyền là chủng tộc thượng đẳng, hoặc như lịch sử tư tưởng tôn giáo hoặc lịch sử đấu tranh xã hội “mở” và xã hội “khép kín”, hoặc như lịch sử của tiến bộ khoa học và công nghệ”. Trong khi bàn về vấn đề tiến trình diễn ngôn qua các thời đại cụ thể trong lịch sử, Michel Foucault cũng có những quan niệm đáng chú ý về lịch sử. Ông cùng quan điểm với Popper khi không coi lịch sử như là một tiến trình đơn giản hướng tới văn minh hoặc như một chuỗi các cuộc đấu tranh giai cấp để đạt được công bằng, như các nhà marxist quan niệm. Khi đề cập đến sự diễn giải lịch sử, không chỉ thừa nhận lịch sử như là một diễn ngôn như White mà ông còn bổ sung thêm luận điểm rất độc đáo, “lịch sử là một sự đứt đoạn”, do vậy mà không có một trần thuật liền mạch mà chúng ta giải mã trong dòng chảy lịch sử. Foucault nhấn mạnh đường đi của lịch sử là quanh co, chao đảo, không tuân theo bất kì sự liên tục nào, khiến con người không thể nắm bắt được, và cũng không thể nào kiểm soát được[4]. Trong quan điểm của Foucault, một khi lịch sử là những bước đi không liên tục, cấu trúc diễn ngôn cũng có sự thay đổi qua các thời đại khác nhau. Đối với ông, các diễn ngôn thường xuyên biến đổi chứ không phải là cái gì bất biến, vĩnh cửu; nó không phải là một tập hợp các phát ngôn ổn định qua các thời đại; và quan trọng là người ta có thể truy tìm nguồn gốc của chúng để thấy được những bước thay đổi cụ thể của chúng trong lịch sử.
Sự phát triển của tiểu thuyết lịch sử ở Việt Nam cũng như trên thế giới đã đặt ra nhiều vấn đề lí luận quan trọng: sự khác nhau trong nhiệm vụ của nhà viết sử và nhà viết tiểu thuyết lịch sử, mối quan hệ giữa sự khách quan, chân xác của lịch sử và vai trò của hư cấu, tưởng tượng nghệ thuật, tiểu thuyết lịch sử và nhiệm vụ soi sáng đời sống thực tại, sự đồng cảm của nhà văn với các nhân vật lịch sử và thời đại lịch sử, các kiểu tiểu thuyết lịch sử trong kinh nghiệm sáng tác của các nhà văn, đặc trưng của tiểu thuyết lịch sử hiện đại. Cùng với đó, sự trỗi dậy của ý thức cá nhân, sự tiệm cận với những tri thức về lịch sử và thể loại văn học lịch sử trên thế giới đã không ngừng thôi thúc mỗi nhà văn tự đổi mới chính mình, từ quan niệm về thể loại, về sứ mệnh, vai trò của người nghệ sĩ, về nghệ thuật viết tiểu thuyết. Đó chính là những tiền đề quan trọng để các tác giả khai phóng trong ý tưởng, phiêu lưu trong bút pháp, tạo nên bức tranh đa chiều, sinh động của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại.
Một là, đổi mới quan niệm về tiểu thuyết lịch sử
Theo quan niệm truyền thống, tiểu thuyết lịch sử cần đảm bảo tính chân thực và khách quan của lịch sử. Với sứ mệnh khơi dậy niềm tự tôn dân tộc, đánh thức tinh thần yêu nước, gửi vào lịch sử sức mạnh tuyên truyền, giáo dục, các tiểu thuyết gia những giai đoạn trước đã lựa chọn điểm nhìn từ giác độ kinh nghiệm cộng đồng và quan điểm chính thống. Tuy vậy, quan niệm này đã bộc lộ không ít những giới hạn lịch sử của nó: Sự phân tích, luận giải lịch sử còn khá ít ỏi, tác phẩm đậm chất truyện kể mà nhạt chất tiểu thuyết; diễn ngôn tự sự khá đơn điệu, tính cách nhân vật còn nguyên phiến, một chiều…
Các tiểu thuyết gia đương đại nhận thấy tiểu thuyết lịch sử theo mô hình truyền thống này rất khó có đất tồn tại bởi nếu lấy tiêu chí về độ chân thực và chính xác lịch sử làm nền thì có thể nói nó thua xa những thể loại phóng sự, kí sự lịch sử. Hơn nữa, nếu cần cung cấp kiến thức lịch sử, người ta có thể tìm đến với sách sử, hoặc nhanh hơn, chỉ cần một cái nhấp chuột, người đọc được cung cấp những hiểu biết về các triều đại, các nhân vật lịch sử ở bất kì một đất nước nào trên thế giới.
Bên cạnh đó, những quan niệm mới về lịch sử của các sử gia, triết gia đã tạo nên những tiền đề không nhỏ cho việc hình thành nên quan niệm mới về thể loại. Từ chủ nghĩa cấu trúc đến hậu cấu trúc, từ hậu cấu trúc đến chủ nghĩa tân lịch sử cùng tinh thần hoài nghi hậu hiện đại, người ta tin rằng lịch sử đầy rẫy sự ngụy tạo, đáng ngờ vì được viết theo quan điểm cá nhân của người làm sử. Theo đó, sách sử thực chất mang hình hài của một “tự sự về lịch sử”. Karl Popper (1902-1994), một trong những triết gia có ảnh hưởng nhất thế kỉ XX đã nhận ra “sự nghèo nàn của thuyết sử luận” bởi “họ (các nhà sử luận) không nhìn ra sự cần thiết của tính đa dạng trong những cách diễn giải (lịch sử) về cơ bản tương đương nhau”[5]. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, Fredric Fukuyama tuyên bố “lịch sử đã cáo chung”, nhưng với lí thuyết hậu thực dân, nữ quyền luận, chủ nghĩa tân lịch sử… lịch sử không chết mà đang được tái cấu tạo và phục sinh với hình hài mới do sự cộng hưởng nhiều sự tương tác, nhiều cách nhìn, nhiều đối thoại. Những quan niệm đó đã góp phần nảy sinh một cách nhìn mới về tiểu thuyết lịch sử. Theo đó, quan niệm về thể loại được mở rộng, tiểu thuyết lịch sử lấn sân sang nhiều địa hạt, nhiều lĩnh vực khác, nghĩa là nó có khả năng dung nạp cả tiểu thuyết sử thi, tiểu thuyết văn hóa phong tục, tiểu thuyết kiếm hiệp, tiểu thuyết lãng mạn, bao hàm cả dã sử, huyền sử, thậm chí phản lịch sử… Người ta đã bắt đầu hình dung khuôn mặt tiểu thuyết lịch sử trong tương lai, đó là loại tiểu thuyết “trở về với văn hóa dân gian, hệ thống nhiều điểm nhìn của người dân thường, diễn ngôn trần thuật của con người đời thường, loại bỏ diễn ngôn của nhà viết sử, diễn ngôn chính trị. Tiểu thuyết lịch sử ngày nay thay đổi khuynh hướng tự sự vĩ mô chủ yếu gồm vĩ nhân và quốc gia đại sự bằng tự sự mảnh ghép, gia tộc, cá nhân, từ lịch đại chuyển sang đồng đại…”[6]. Sự đổi mới đó không những không hạn chế tự do sáng tạo của nhà văn mà còn giúp tiểu thuyết lịch sử hồi sinh dưới những dạng thức mới.
Hai là, đổi mới quan niệm về vai trò, sứ mệnh của nhà văn
Công cuộc đổi mới đất nước sau khi hòa bình đã mở ra cơ hội để văn học Việt Nam cọ xát với những kinh nghiệm mới mẻ đến từ nhiều “kênh” văn hóa khác nhau trên thế giới. Dân chủ hóa trở thành quy luật cơ bản chi phối khát vọng sáng tạo của các nghệ sĩ và việc công bố tư tưởng không chỉ là nhu cầu riêng của cá nhân mà còn là tiêu chí của nghệ thuật. Hơn thế nữa, chính phẩm chất ấy đã đặt ra nhiều nhiệm vụ, sứ mệnh mới cho các tiểu thuyết gia khi họ được giao trọng trách vô cùng thiêng liêng là phục dựng và làm sống lại quá khứ dân tộc, nối kết với hiện tại và tương lai, tìm ra những bài học ý nghĩa cho cuộc sống hôm nay.
Trong xu hướng dân chủ hóa, nhà văn hôm nay vẫn làm nhiệm vụ công dân nhưng ý thức rõ hơn tính chất đặc thù của nghề nghiệp: họ là một công dân – nghệ sĩ, một chiến sĩ – nghệ sĩ. Khi giá trị của mỗi cá nhân được quan tâm, cá tính sáng tạo được khai phóng, nếu nhà văn không xác lập được giá trị riêng của mình thì anh ta có gì khác với cá nhân khác. Hơn thế, văn học còn là phương tiện cần thiết để nhà văn tự biểu hiện, bao gồm cả việc phát biểu tư tưởng, quan niệm, chính kiến của mình về xã hội và con người.
Nam Dao, tác giả hải ngoại được dư luận trong và ngoài nước chú ý với hai tiểu thuyết lịch sử khá độc đáo Gió lửa và Đất trời đã nhận thức rất rõ vai trò của mình và đồng nghiệp khi tiếp cận đề tài lịch sử: “Với một nhà văn, lịch sử không là những xác chết và những sự cố biên niên ù lì. Trong tiểu thuyết lịch sử, quá khứ là lịch sử nhìn bởi nhà văn, nhà văn như chủ thể. Đó là quá khứ tái chiếm hữu và tái tạo từ vị thế hiện tại của chủ thể, với ý thức về giới hạn sự truy lùng chân lí “khách quan”[7]. Với ông, người viết tiểu thuyết lịch sử không phải là người “kẻ lông mày cho xác chết”, mà là một công việc khó khăn đòi hỏi sự dấn thân của nhà văn nhằm: “phục sinh một hiện tại cần tháo gỡ hầu thoát khỏi những bế tắc và tiêu vong… Và tiểu thuyết lịch sử, nói cho cùng, phải là máu cũng như nước mắt người viết”[8].
Viết trong tinh thần dân chủ, bối cảnh hậu hiện đại, các tiểu thuyết gia đã thể hiện khát vọng khám phá, giải mã và đối thoại với lịch sử bằng chính quan điểm cá nhân của mình. Không còn minh họa cho chính trị, không bị hối thúc bởi hoàn cảnh chiến tranh, các tiểu thuyết gia trở thành “nhà thám hiểm cuộc sống” (Milan Kundera). Sứ mệnh thiêng liêng của họ là khơi mở những khuất lấp, nhìn vào “bề sâu, bề sau, bề xa” của quá khứ để nối kết thực tại, gửi gắm niềm tin và sức mạnh “vượt thoát” vào tương lai. Để thực hiện trọn vẹn sứ mệnh ấy, nhà văn buộc phải tìm kiếm hình thức mới cho thể loại và không ngừng cách tân nghệ thuật xây dựng tiểu thuyết.
Ba là, đổi mới trong nghệ thuật viết tiểu thuyết lịch sử
Cùng với sự đổi mới trong quan niệm về thể loại, trong vai trò, sứ mệnh của nhà văn, bằng thực tiễn sáng tạo, các tiểu thuyết gia luôn tìm tòi, thể nghiệm nhiều phương thức xây dựng tiểu thuyết mới mẻ. Cùng với đó, sự mở rộng giao lưu văn hoá đa chiều đem tới nhiều kinh nghiệm nghệ thuật mới lạ trong bút pháp của mỗi nhà văn.
Đối với các tiểu thuyết gia giai đoạn trước, dường như câu hỏi “viết về cái gì” quan trọng hơn là “viết như thế nào”. Thay vì tìm tòi những hình thức kết cấu mới cho tiểu thuyết, họ quan tâm nhiều đến yếu tố chất liệu cũng như độ hoành tráng của bức tranh lịch sử. Xem phương thức nghệ thuật xây dựng tiểu thuyết quan trọng như chính chất liệu lịch sử, các tiểu thuyết gia đương đại đã chủ động làm mới, làm khác bằng việc kiếm tìm những lối kết cấu hiện đại, hậu hiện đại. Các nhà văn đã mạnh dạn đột phá, thay đổi tư duy tự sự lịch sử qua các phương thức trần thuật độc đáo, từ người kể chuyện, điểm nhìn đến diễn ngôn tự sự. Từ đó, họ nhấn mạnh vai trò của cá tính sáng tạo cũng như quan niệm nghệ thuật của nhà văn.
Có thể nói rằng, việc nghiên cứu lịch sử là vô cùng quan trọng và cần thiết đối với người nghệ sĩ, nhưng sự nghiên cứu ấy không thể thay thế sự sáng tạo. Có khi người nghệ sĩ chỉ cần vài khoảnh khắc trong đời sống của nhân vật lịch sử; có khi nghệ sĩ đưa vào tác phẩm những điều phi lịch sử không quan trọng, thậm chí, trong một chừng mực nào đó, có quyền vi phạm sự đúng đắn về mặt sự kiện lịch sử, bởi vì tác giả chỉ cần sự đúng đắn lí tưởng mà thôi.
Nam Dao trong cuộc đối thoại về nghệ thuật xây dựng tiểu thuyết với Nguyễn Mộng Giác xoay quanh hai tác phẩm Gió lửa và Sông Côn mùa lũ đã bật mí “chiêu thức” cũng như công việc bếp núc của mình: “Trong Gió lửa, cái khung lịch sử đã được sử dụng như phương tiện cấu tạo tiểu thuyết, và sau đó thì tiểu thuyết lại là phương tiện để tác giả thể hiện những tư duy, biện minh và dự phóng cho chủ đề trên lịch sử”[9]. Đối thoại lại với quan điểm của Nam Dao, Nguyễn Mộng Giác cho rằng: “căn bản của tiểu thuyết là chuyện thế sự, là chuyện con người và cuộc đời”. Vì vậy, trong tiểu thuyết của mình, nhà văn quan tâm đến “đám đông dân chúng vô danh không ghi trong sử sách”, bởi lẽ thông qua những nhân vật này, ông được “tự do tưởng tượng và dùng họ để diễn giải lịch sử theo ý mình, và qua họ, cho lịch sử thêm phần da thịt của tiểu thuyết”[10].
- Các khuynh hướng chủ yếu
Trong xu hướng dân chủ hóa và tự do sáng tác, lĩnh vực thể loại văn học lịch sử bắt đầu sống lại và trở thành một trong những đề tài chủ chốt của văn học nước nhà. Văn học đã đi đúng vào bản chất, khám phá lịch sử, văn hóa và con người ở tầng vỉa sâu của những bí ẩn, khuất lấp, ý thức và vô thức, khát vọng cao cả và dục vọng tầm thường. Trong khi miêu tả lịch sử, nhà văn đã mang lại cho lịch sử những “gương mặt người” (Vương Trí Nhàn). Lịch sử trong tiểu thuyết lúc này trở thành lịch sử trong cảm nhận cá nhân, được nhà văn nhìn nhận bằng cái nhìn triết học và thụ hưởng trên tinh thần nhân văn hiện đại. Cùng với đó, sự mở rộng giao lưu văn hoá đa chiều đem tới nhiều kinh nghiệm nghệ thuật mới lạ trong bút pháp của mỗi nhà văn. Nhiều sự thể nghiệm độc đáo về cấu trúc tiểu thuyết, phương thức trần thuật… đã mang lại những thành tựu bước đầu cho thể loại tiểu thuyết lịch sử. Với những tác phẩm tiêu biểu như Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn (Nguyễn Xuân Khánh), Giàn thiêu (Võ Thị Hảo), Gió lửa, Đất trời (Nam Dao), Sông Côn mùa lũ (Nguyễn Mộng Giác), Bão táp triều Trần, Tám triều vua Lý (Hoàng Quốc Hải), Minh sư (Thái Bá Lợi), Vằng vặc sao Khuê (Hoàng Công Khanh), Đàn đáy (Trần Thu Hằng), Người trăm năm cũ (Hoàng Khởi Phong), Hội thề (Nguyễn Quang Thân), Sương mù tháng Giêng (Uông Triều), Thế kỉ bị mất (Phạm Ngọc Cảnh Nam), Đức Thánh Trần, Trần Thủ Độ, Trần Nguyên Hãn (Trần Thanh Cảnh), Trần Khánh Dư, Trần Quốc Toản (Lưu Sơn Minh), Từ Dụ Thái hậu, Công chúa Đồng Xuân (Trần Thuỳ Mai), Gốm, Huyền Trân, Vua Thành Thái, Vua Duy Tân trong tôi (Nguyễn Hữu Nam), Bí mật hậu cung, Nguyễn Trãi, Bảo kiếm và giai nhân (Bùi Anh Tấn), Khúc hát những dòng sông, Nguyễn Du, Thông reo Ngàn Hống, Hồ Xuân Hương (Nguyễn Thế Quang)… tiểu thuyết lịch sử đã trở lại một cách vô cùng ngoạn mục và chiếm vị trí “thống lĩnh” trên văn đàn văn học Việt Nam đương đại.
Sau những thử nghiệm thành công của Nguyễn Xuân Khánh, Võ Thị Hảo, Nam Dao, Nguyễn Mộng Giác, dường như khung tiểu thuyết lịch sử truyền thống tỏ ra chật hẹp, không còn phù hợp. Nhiều nhà văn đã mạnh dạn đề xuất những cách nhìn mới về lịch sử, mở rộng cái nhìn đối với nhiều thời đại trong quá khứ. Sự đổi mới đó không những không hạn chế tự do sáng tạo của nhà văn mà còn giúp tiểu thuyết lịch sử hồi sinh dưới những dạng thức mới. Với cái nhìn tổng quan về bức tranh tiểu thuyết lịch sử trong nền văn học Việt Nam đương đại, và xét theo góc độ mục đích và quan niệm nghệ thuật của nhà văn, chúng tôi cho rằng có thể nhận diện những khuynh hướng chủ yếu trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam như sau:
Thứ nhất, khuynh hướng tiểu thuyết lịch sử chương hồi khách quan
Đây là xu hướng chịu ảnh hưởng khá đậm nét từ mô hình tự sự truyền thống Trung Quốc, cụ thể là mô hình tiểu thuyết lịch sử chương hồi của La Quán Trung. Ngay trong Hoàng Lê nhất thống chí, một tác phẩm khá tiêu biểu về đề tài lịch sử của văn xuôi trung đại Việt Nam đã mô phỏng văn phong kể chuyện của La Quán Trung. Điều dễ dàng nhận thấy là mở đầu mỗi hồi đều có hai câu văn theo thể biền ngẫu tóm lược tinh thần nội dung của hồi đó và để kết thúc hồi, mở ra hồi mới là câu kết – mở quen thuộc: “Muốn biết sự việc xảy ra thế nào, xem hồi sau sẽ rõ”. Ngoài ra, các tác giả còn sử dụng những mẫu lời dẫn để chuyển đoạn, chuyển câu chuyện như: “Lại nói…”, “Một hôm…”, “Nói về…”, “Nguyên vốn là…”. Xu hướng này kéo dài cho đến tận thế kỉ XX và đầu thế kỉ XXI, mặc dù ở mỗi tiểu thuyết gia đã có những cách tân, biến đổi ít nhiều.
Điển hình cho xu hướng này trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại là Ngô Văn Phú, một trong những nhà văn có một số lượng tác phẩm khá đồ sộ về đề tài lịch sử. Trong các sáng tác của mình, Ngô Văn phú không rập khuôn theo mô hình tiểu thuyết chương hồi cổ điển. Ông không đặt ra các “hồi” mà gọi là “chương”, thậm chí có những tác phẩm ông không gọi tên chương mà chỉ đánh số; ông cũng không lặp lại mô hình hai câu mở đầu biền ngẫu và câu kết mở hồi, nhưng lối kể chuyện của nhà văn vẫn gợi cho người đọc phong cách của tiểu thuyết chương hồi cổ điển. Không sử dụng các câu văn biền ngẫu, thay vào đó tác giả đưa những câu cách ngôn, châm ngôn, ca dao cổ, thơ ca… làm lời đề từ ở đầu mỗi chương.
Bên cạnh Ngô Văn phú, Lê Đình Danh (Tây Sơn bi hùng truyện), Yên Tử cư sĩ Trần Đại Sĩ (Nam quốc sơn hà), Vũ Ngọc Đĩnh (Mười hai sứ quân) cũng tuân thủ khá nghiêm ngặt mô hình tiểu thuyết lịch sử chương hồi cổ điển. Dù có biến tấu đôi chút về hình thức, nhưng trong các tác phẩm này nhà văn đã lặp lại khá đậm nét phong cách La Quán Trung.
Trong số những cây bút tiêu biểu cho khuynh hướng này, gần đây phải nhắc đến Phùng Văn Khai. Gần 10 năm, kể từ khi tiểu thuyết lịch sử đầu tay ra mắt độc giả – Phùng Vương (2015), tác giả đã xuất bản đều đặn sáu tiểu thuyết lịch sử dày dặn: Ngô Vương (2018), Nam Đế Vạn Xuân (2020), Triệu Vương Phục Quốc (2020), Lý Đào Lang Vương (2021), Lý Phật Tử Định Quốc (2022), Trưng Nữ Vương (tập 1-2023). Vẫn là lối viết chương hồi truyền thống, duy trì mạch cảm hứng đã được xác quyết ngay từ Phùng Vương và Ngô Vương, tiểu thuyết của Phùng Văn Khai đưa người đọc trở về với quá khứ hào hùng của dân tộc, nơi ý thức tự tôn, tinh thần tự cường, tự chủ luôn tuôn chảy trong huyết tủy mỗi thực thể Việt. Không những vậy, qua sự luận giải đa chiều của mình, Phùng Văn Khai góp phần thông diễn và đối thoại với nhiều vấn đề lịch sử, văn hóa của tiền nhân, kết nối với tình hình thực tại của đất nước.
Nhìn chung, những tác giả theo xu hướng này đã cố gắng thực hiện nhiệm vụ tái hiện các sự kiện lịch sử theo tinh thần khách quan, ít có sự can thiệp trực tiếp từ người viết. Nhà văn muốn xoáy sâu vào lịch sử, đi tìm những hằng số có tầm phổ quát về dân tộc tính đã và đang định hình nên tính cách, số phận người Việt từ xa xưa đến hôm nay. Hằng số đó có thể biến thiên qua mỗi thời đại, mỗi thế hệ, song cái lõi của nó vẫn mãi trường tồn cùng dân tộc: truyền thống yêu nước thương nòi, tinh thần cố kết cộng đồng, ý thức tự chủ, tự cường, khát khao hòa bình, phồn vinh. Thời gian trần thuật chủ yếu theo dòng tuyến tính, ngôn ngữ mang sắc thái cổ điển, giọng văn khách quan của kể chuyện ngôi thứ ba và dày đặc ngôn ngữ đối thoại của nhân vật. Sức hấp dẫn nằm ở các sự kiện, tình tiết và hành động nhân vật chứ không phải ở yếu tố bình luận của tác giả hay chiều sâu thế giới nội tâm nhân vật. Dù đã có ý thức cách tân, song những tác phẩm theo xu hướng này có vẻ như ít hấp dẫn với độc giả hiện đại.
Thứ hai, khuynh hướng tiểu thuyết lịch sử giáo huấn
Thay vì lối viết thuần túy khách quan, ít bàn luận như tiểu thuyết chương hồi, một số tác giả đã chủ động lựa chọn lối kể chuyện giáo huấn mang tính sư phạm rõ nét. Tiêu biểu cho xu hướng này là nhà văn Hoàng Quốc Hải.
Trong Lời tựa của bộ tiểu thuyết Bão táp triều Trần (6 tập), Hoàng Quốc Hải đã bộc lộ tâm nguyện của mình khi chọn lịch sử làm đề tài sáng tác: “Khát vọng của tôi là mở to đôi mắt nhìn vào quá khứ, thấy được những điều kì diệu, và cả những đau khổ xưa cha ông ta đã tạo dựng và nếm trải” [tr.7]. Khát vọng này trở thành niềm trăn trở, day dứt khôn nguôi của nhà văn trước thực trạng phần lớn thanh thiếu niên hững hờ với “quá khứ dựng nước và giữ nước đầy nhọc nhằn và kiêu dũng” của dân tộc: “Những sự thật đau lòng ấy cứ dần dần thôi thúc tôi phải viết một cái gì đấy về lịch sử; để con cháu hiểu được cội nguồn, tổ tiên” [tr.9].
Trong tiểu thuyết của mình, thông qua các nhân vật, nhà văn dành khá nhiều tiết đoạn để bộc bạch những lời có tính giáo huấn về nhân tình thế thái, về vai trò lịch sử của các danh nhân, anh hùng dân tộc. Ông cũng đưa ra những lời giáo huấn về nhân cách, về đạo làm người, đạo nhân nghĩa, đạo làm vua trị nước an dân. Ví như để dẫn dắt người đọc ghi nhớ vai trò của đạo Phật đối với sự ra đời của triều Lý và hình thành hồn cốt văn hóa Việt, trong Thiền sư dựng nước, Hoàng Quốc Hải đã dựng nên đại cảnh du ngoạn Dâm Đàm, đồng thời gửi gắm trong những lời vua Lý Thái Tổ dặn Thái tử Phật Mã: “Này con, ta sở dĩ được nước, công lao chủ yếu từ các bậc đại thiền sư, bản thân ta cũng được sinh ra và được giáo dưỡng nơi cửa Phật. Cho nên trách nhiệm của con sau này vừa phải giữ nước vừa phải giữ đạo. Giữ sao cho đạo hòa được với đời, nhưng không được đời quá, không được thế tục quá. Thế tục quá thì đạo suy. Nhưng cũng đừng siêu việt quá. Siêu việt quá thì đạo nhạt, vì dân không theo được” [tr.625].
Những đoạn giáo huấn như vậy xuất hiện khá nhiều trong hai bộ tiểu thuyết viết về triều Trần (Bão táp triều Trần) và triều Lý (Tám triều vua Lý) làm nên phong cách không thể lẫn với ai của Hoàng Quốc Hải. Mặc dù còn nhiều điều cần trao đổi như vấn đề xây dựng nhân vật mang nặng quan điểm “dùng văn để dạy sử”, sự gò bó vào sự thật lịch sử khiến cho nghệ thuật hư cấu bị hạn chế, từ đó làm cho hiệu quả nghệ thuật, sức hấp dẫn chưa thỏa mãn được người đọc; song với sức mạnh giáo dục, tinh thần của lịch sử từ phong cách sử thi truyền thống là một trong những đóng góp tâm huyết của ông cho đời sống xã hội và cho thể loại tiểu thuyết lịch sử nói riêng.
Thứ ba, khuynh hướng tiểu thuyết lịch sử luận giải, đối thoại
Trong các xu hướng của tiểu thuyết lịch sử đương đại, đây là xu hướng đạt được nhiều thành tựu và gây được sự quan tâm, chú ý của dư luận hơn cả. Không chọn lối viết theo phong cách chương hồi khách quan, cũng không đặt mục tiêu “phổ cập hóa lịch sử bằng văn chương hóa lịch sử” như Hoàng Quốc Hải, mà các tác giả theo khuynh hướng này đã lựa chọn lịch sử như là phương tiện, phông nền để khám phá và luận giải những vấn đề lịch sử, văn hóa và số phận con người.
Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Quang Thân, Võ Thị Hảo, Trần Thu Hằng, Nam Dao, Trần Thanh Cảnh, Uông Triều, Trần Thuỳ Mai, Lưu Sơn Minh, Phạm Ngọc Cảnh Nam, Nguyễn Hữu Nam, Nguyễn Thế Quang… là những nhà văn tiêu biểu cho xu hướng này. Trong quan niệm của mình, Nguyễn Xuân Khánh tuyên bố tiểu thuyết lịch sử phải đi sâu khai thác các yếu tố luận đề, tâm lí. Nguyễn Quang Thân nhấn mạnh sự tự do phóng khoáng của trực giác nghệ sĩ. Nam Dao trong Lời ngỏ tiểu thuyết Gió lửa quan tâm đến tính chất đối thoại với lịch sử như là cách nhà văn thể hiện quan điểm cá nhân của mình: “Soi rọi vào những vấn đề nhân quần xã hội và thân phận con người trong quá khứ là một cách đi tìm sự sống tàng ẩn trong lịch sử. Lịch sử đó là lịch sử sống. Nó tạo được khả năng nhìn vào tương lai dưới một góc độ nào đó”[11]. Với Trần Thuỳ Mai, tiểu thuyết lịch sử có thể giúp thế hệ hôm nay có cơ hội trở thành những vị quan tòa trong tòa án lương tâm. Bằng quan niệm và trí suy luận của thời chúng ta sống, ta có thể đem tới cho người đọc những lý giải mới, đánh giá mới về những việc đã xảy ra trong quá khứ[12].
Trong Hồ Quý Ly, người kể chuyện đã lựa chọn và tái hiện giai đoạn cuối Trần đầu Hồ thế kỉ XIV, XV đầy biến động và phức tạp. Viết về nhà Trần, một trong những triều đại hưng thịnh nhất của lịch sử phong kiến Việt Nam, Nguyễn Xuân Khánh không chọn những thời điểm vàng son, chói lọi, cũng không chọn để tôn vinh những nhân vật anh hùng, hào kiệt mà ông lại khắc sâu vào thời điểm suy tàn, khủng hoảng nhất của một triều đại, tập trung quan tâm đến một trong những nhân vật phức tạp nhất trong lịch sử – Hồ Quý Ly. Nhiệm vụ của nhà văn lúc này là phải nhìn xoáy sâu vào những cơn sóng khủng hoảng để truy tìm, suy ngẫm và giải mã những vấn đề trong quá khứ, ráo riết tìm lời giải đáp cho các câu hỏi thiết thực của hiện tại. Cách nhìn của Nguyễn Xuân Khánh về Hồ Quý Ly và công cuộc canh tân đất nước có tính phản biện, đối thoại lại cách nhìn của sử sách chính thống và kinh nghiệm cộng đồng. Trong khi đó, viết về những ngày cuối cùng của khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Quang Thân trong Hội thề tập trung tái hiện cuộc đấu tranh của nội bộ tướng lĩnh nghĩa quân trước “kế lạ xưa nay chưa từng có” của Lê Lợi và Nguyễn Trãi. Tác phẩm không chỉ dừng lại tái hiện các sự kiện, biến cố trọng đại mang tính chất bước ngoặt của dân tộc mà còn khắc họa tấn bi kịch của những số phận cá nhân trong cơn lốc xoáy của lịch sử… Rõ ràng, với Nguyễn Quang Thân, lịch sử như một “công cụ” để nhà văn làm một “giải minh lịch sử” theo cách riêng của mình.
Các tác giả theo khuynh hướng này không hài lòng với cái nhìn phiến diện, một chiều khi viết về các vĩ nhân, anh hùng trong lịch sử. Họ không quan tâm nhiều đến “tư thế lịch sử” của nhân vật, không miêu tả con người trong khi mặc quân phục diễu hành, mà chú trọng khai thác yếu tố đời tư cũng như tấn bi kịch cá nhân trong dòng chảy lịch sử. Bằng cái nhìn đời thường hóa, nhiều nhân vật đã hiện lên như những con người đời thường, thậm chí là tầm thường với sự đa chiều, phức tạp trong tính cách, tâm lí. Các tiểu thuyết gia đã kéo thần tượng của cộng đồng trở về với kích cỡ của con người mang thân phận làm người trước cơn lốc lịch sử. Mỗi cá nhân mang khát vọng “vượt thoát” trên hành trình kiếm tìm sức mạnh của cộng đồng, cùng những thành tố kết tinh trong nhân cách Việt.
Sự mở rộng biên độ hư cấu, sáng tạo cho phép Trần Thanh Cảnh trong tiểu thuyết Đức Thánh Trần tiếp cận, soi rọi, giải mã những nhân vật tưởng chừng như đã “đóng đinh” trong kinh nghiệm, hiểu biết của cộng đồng. Từ điểm nhìn đời tư – thế sự – nhân văn, tác giả đã soi rọi, khám phá nhiều khía cạnh mới mẻ trong cuộc đời Đức Thánh Trần – thần tượng dân tộc, huyền thoại tôn giáo. Ông thấy được ở con người vĩ đại này không chỉ mang phẩm chất thần thánh, sứ mệnh thiên định, mà còn có những giây phút rất đời, rất người. Bên cạnh diễn ngôn chiêm bái, ngưỡng vọng, tác giả đã kiến tạo diễn ngôn đời tư, thế sự, nhân văn, khiến những diễn giải của ông về Trần Quốc Tuấn trở nên hấp dẫn, cuốn hút. Ngòi bút của tác giả đã chạm vào những rung động tế vi tình yêu đầu đời, cháy bỏng đam mê của chàng trai trẻ Trần Quốc Tuấn trước công chúa Thiên Thành; sẻ chia mọi cảm giác trần tục, đắm say của người anh hùng dân tộc Đại Việt với người con gái hái dâu Quế Lan; thấu cảm trước những ngậm ngùi nhớ thương, khắc khoải cô đơn của vị tướng già khi những người yêu thương đã ra đi. Suy cho cùng, dẫu là các vĩ nhân, anh hùng dân tộc, thì trước tiên trong hình dung của Trần Thanh Cảnh, họ cũng là con người, mà đã là con người, tất cả luôn bị tác động bởi muôn vàn mối quan hệ phức tạp, hội tụ những cảm xúc đa chiều, bị bủa vây bởi những giới hạn thường tình của kiếp nhân sinh.
Đây là một xu hướng khá phù hợp với “tầm đón nhận” của công chúng thời hiện đại và có thể coi là “viễn cảnh của tiểu thuyết lịch sử” tương lai. Mặc dù vậy, xu hướng này không giữ vị trí độc tôn, mà nó bổ sung cho những khuynh hướng khác làm phong phú cho bức tranh tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại.
Thứ tư, một vài khuynh hướng khác
Trong những năm trở lại đây, nhiều cây bút trẻ bắt đầu thử sức với thể loại này. Họ đã không ngần ngại đổi mới thể loại, hư cấu lịch sử gần gũi với nhu cầu và thị hiếu độc giả trẻ. Lịch sử lúc này như là phông nền cho những sáng tạo, hư cấu, đằng sau đó là tâm thế sẵn sàng đối thoại với lịch sử để kiến tạo giá trị mới. Họ lựa chọn lối viết dã sử thay vì “nệ sử” để thu hút cộng đồng độc giả trẻ tuổi. Một số tiểu thuyết dã sử tiêu biểu được đánh giá tích cực như: Cầm Thư quán, Thiên địa phong trần – Hà Thuỷ Nguyên, Thiên hạ chi vương, Vũ tịch, Hồ Dương – Trường An, Thượng Dương – Hoàng Yến, Nữ sĩ thời gió bụi – Lê Phương Liên…
Giữa bối cảnh phát triển công nghệ, truyền thông, xu hướng toàn cầu hoá, người viết trẻ hiểu những cơ hội và thách thức đối với thế hệ mình. Họ biết cách tận dụng ưu thế của các phương tiện truyền thông hiện đại, kêu gọi sự chung tay cho các dự án sáng tác về đề tài lịch sử. Có thể kể đến dự án Sử văn Các của tác giả Thành Châu (sinh năm 1991 tại Bến Tre). Dự án được bắt đầu hoạt động từ năm 2019, là nơi tập trung tiếng nói của những người trẻ yêu thích lịch sử Việt Nam. Với các dự án gây quỹ cộng đồng trên blog cá nhân Sử Văn Các, Thành Châu đã xuất bản được một số tác phẩm đáng chú ý như Thánh Dực Dũng Nghĩa truyện, Hỏa Dực và gần đây nhất là Tây Sơn Phụng thần ký nằm trong bộ trường thiên tiểu thuyết Tây Sơn ký.
Ngoài các xu hướng trên, các nhà văn còn chêm xen vào tiểu thuyết lịch sử yếu tố kiếm hiệp huyền ảo (Bức huyết thư, Bí mật hậu cung – Bùi Anh Tấn…), trinh thám và kinh dị (Đại Nam dị truyện, Lý triều dị truyện – Phan Cuồng…) như là một trong những cách để làm mới thể loại, phù hợp nhu cầu và thị hiếu của người trẻ hiện nay.
Sự phân chia trên đây chỉ mang tính chất tương đối, ở một số tác phẩm vừa có những đặc điểm ở xu hướng này, vừa có những đặc điểm ở xu hướng khác. Đặt tác phẩm ở xu hướng này hay xu hướng kia, chúng tôi căn cứ vào mục đích, quan điểm nghệ thuật của nhà văn cũng như những phẩm chất nổi bật hơn trong sự đối sánh với các phẩm chất khác. Đây không phải là cách phân chia tối ưu nhất, chính sự không rõ ràng về ranh giới đó là biểu hiện rõ nét nhất đặc tính đang phát triển, chưa định hình của tiểu thuyết. Nó góp phần gia tăng sức hấp dẫn của tiểu thuyết cũng như sự phù hợp với nhiều “tầm đón nhận” khác nhau của độc giả.
- Kết luận
Với không khí đổi mới và tinh thần dân chủ của xã hội, tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại đang có sự vận động không ngừng vừa theo kịp với thế giới đồng thời khẳng định được bản sắc riêng của mình. Đây chính là những tiền đề lịch sử, văn hóa, xã hội để các nhà văn tự do thể hiện cá tính sáng tạo cũng như khẳng định phong cách, thử nghiệm những bút pháp mới lạ trong việc khám phá, luận giải lịch sử, văn hóa và thân phận con người. Ngày càng xuất hiện nhiều các phong cách, các xu hướng bên cạnh những đổi mới trong quan niệm về thể loại, về vai trò của nhà văn và nghệ thuật xây dựng tiểu thuyết.
[1] Xem thêm Nguyễn Thị Bình: Văn xuôi Việt Nam 1975 – 1995, những đổi mới cơ bản, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.13-64.
[2] Trần Ngọc Hiếu: “Giới thiệu lí thuyết tự sự của Hayden White”, trong Trần Đình Sử (chủ biên), Tự sự học (Phần 2), Nxb. Đại học Sư phạm, H., 2008, tr.117.
[3] Popper Karl: Sự nghèo nàn của Thuyết Sử luận, Chu Lan Đình dịch, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2012, tr.257.
[4] Mills Sara: “Một số định nghĩa và quan điểm nghiên cứu diễn ngôn” (Nguyễn Thị Ngọc Minh dịch), Tạp chí Văn học nước ngoài, số 8/2011, tr.152.
[5] Karl Popper (2012), Sự nghèo nàn của Thuyết Sử luận, Chu Lan Đình dịch, NXB. Tri thức, Hà Nội, tr.257.
[6] Trần Đình Sử (2013), “Cần đổi mới suy nghĩ về lịch sử và tiểu thuyết lịch sử”, nguồn: http://vannghequandoi.com.vn.
[7] Nam Dao (2005), “Lời ngỏ tiểu thuyết Gió lửa”, nguồn: http://vnthuquan.net.
[8] Nam Dao, tlđd.
[9] Nam Dao và Nguyễn Mộng Giác, “Thảo luận về tiểu thuyết lịch sử”, nguồn: http://nguyenmonggiac.info.
[10] Nam Dao và Nguyễn Mộng Giác, tlđd.
[11] Nam Dao, tlđd.
[12] Hà Thanh Vân, “Nhà văn Trần Thùy Mai: Tôi quan niệm viết là đối thoại”, nguồn: https://vanvn.vn/nha-van-tran-thuy-mai-toi-quan-niem-viet-la-doi-thoai/