Sáng ngày 26/5/2025, Bảo tàng Văn học Việt Nam chào đón hơn 50 học sinh, giáo viên và phụ huynh lớp 6A4, Trường THCS Chu Văn An, Hà Nội đến tham quan và trải nghiệm. Chuyến đi là hoạt động ngoại khóa ý nghĩa nhằm giúp học sinh thêm hiểu, thêm yêu văn học và lịch sử dân tộc.

Tại đây, học sinh được khám phá hành trình phát triển của Văn học Việt Nam qua từng thời kỳ. Tìm hiểu về các hình thức chữ viết Việt Nam gắn liền với mỗi giai đoạn lịch sử. Sự háo hức, say mê hiện rõ trên gương mặt các học sinh khi tận mắt nhìn thấy những hiện vật, tư liệu gắn bó với các nhà văn, nhà thơ Việt Nam.

Điểm nhấn đặc biệt trong chuyến đi là phần giới thiệu về ba áng văn được mệnh danh là “Tuyên ngôn độc lập” của dân tộc: “Nam quốc sơn hà”, “Bình Ngô đại cáo”, và “Tuyên ngôn Độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những tác phẩm không chỉ có giá trị văn chương sâu sắc mà còn thể hiện khí phách, tinh thần yêu nước và khát vọng tự do của dân tộc Việt Nam.
Học sinh cũng vô cùng thích thú khi tìm hiểu về sáu danh nhân văn hóa của Việt Nam được UNESCO vinh danh: Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu và Hồ Xuân Hương. Trong đó, chiếc án thư hơn 200 năm tuổi của đại thi hào Nguyễn Du gây ấn tượng mạnh và gợi nhiều cảm xúc trong lòng của học sinh.

Không chỉ được lắng nghe thuyết minh, xem phim, học sinh còn được trải nghiệm in tranh Đông Hồ, một hoạt động vừa thú vị vừa gắn liền với tôn vinh làng nghề truyền thống của dân tộc.
Học sinh Trần Khánh Vân chia sẻ: “Con cảm thấy rất vui và vinh dự khi được đến Bảo tàng Văn học Việt Nam. Qua đây, con hiểu hơn về văn học nước nhà, biết thêm những câu chuyện lịch sử và những tác giả nổi tiếng. Bảo tàng này rất đặc biệt vì còn có cả hiện vật và hoạt động trải nghiệm như in tranh Đông Hồ trên giấy Dó. Con rất thích!”
Học sinh

Nguyễn Khánh Vi An cũng hào hứng bày tỏ: “Chuyến đi rất ý nghĩa. Con được xem phim, nghe thuyết minh và học được nhiều điều thú vị về các nhà văn, nhà thơ, những người thầy nổi tiếng như: Chu Văn An hay Nguyễn Trãi. Con rất ấn tượng với nhà văn Tô Hoài, tác giả của tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký”. Câu chuyện của ông khiến con hiểu rằng chúng ta cần biết lắng nghe và không nên đề cao cái tôi quá mức.”

Học sinh Đặng Đình Kỳ nói: “Con rất vui vì được đến bảo tàng Văn học. Ở đây con học được thêm nhiều kiến thức lịch sử, đặc biệt là qua bộ phim về nhân vật lịch sử “Đinh Bộ Lĩnh”. Con thấy rất hay. Chuyến đi này giúp con hiểu sâu hơn và thêm yêu văn hóa dân tộc.”
Học sinh Nguyễn Đức Anh (lớp 10 chuyên Sử, trường THPT Chu Văn An) chia sẻ: “Với tư cách là khách mời của các em lớp 6A4, con thấy chuyến đi này rất bổ ích. Con hiểu thêm về tiến trình văn học và lịch sử dân tộc. Con bất ngờ khi biết có riêng một bảo tàng dành cho văn học, nơi lưu giữ những câu chuyện giàu tính giáo dục. Đây thực sự là một địa chỉ ý nghĩa mà mọi người nên khám phá.”
Chuyến tham quan không chỉ đem lại kiến thức, mà còn thắp lên trong lòng mỗi học sinh lớp 6A4 tình yêu văn học, niềm tự hào về truyền thống dân tộc. Bảo tàng Văn học Việt Nam đang từng ngày cố gắng để trở thành điểm đến văn hóa gần gũi, thân thiện, và giàu giá trị giáo dục đối với học sinh các cấp trên hành trình tìm hiểu di sản văn hoá – văn học Việt Nam.
BTVHVN