Bảo tàng Văn học Việt Nam trân trọng giới thiệu bài tham luận của PGS.TS Hồ Thế Hà tại Hội nghị Lý luận phê bình Văn học lần thứ V:
Công cuộc đổi mới của Đảng được khởi xướng sau năm 1986 ở nước ta là sự kiện chính trị và xã hội quan trọng kích hoạt sự đổi mới văn học, trong đó có sự khởi sắc và lên ngôi của tất cả các thể loại văn học, mà thơ được xem là thể loại xung kích, tiên phong, tiền trạm cho tâm hồn và nghệ thuật nhanh nhạy và đa dạng nhất, xét từ đặc trưng thể loại trong sự vận động và phát triển của nó với tương quan dân tộc – thế giới, hiện đại – hậu hiện đại, được các chủ thể sáng tạo ý thức thể hiện trong các bước ngoặt chuyển mình của đời sống xã hội và đời sống văn học.
Có thể tạm thời siêu hình trong cách tiếp nhận và không tính đến những sự kiện, những chuyển biến nhỏ lẻ của đời sống xã hội và của thực tế văn học để phân chia lịch sử thơ, thì các nhà phê bình và nghiên cứu văn học Việt Nam tương đối thống nhất phân chia thơ sau 1975 thành 3 giai đoạn chính như sau: Giai đoạn 1975-1985, giai đoạn 1986-2000 và giai đoạn 2000 – nay. Đây là một cách phân chia bên cạnh những cách phân chia khác. Cụ thể, có người phân chia lịch sử thi ca theo hệ hình tư duy; có người phân chia theo các mốc lịch sử đời sống và lịch sử văn học; có người phân chia theo những sự kiện quan trọng của quá trình hiện đại hoá văn học thông qua tác giả, tác phẩm lớn… Dù vậy, cách phân chia nào cũng có tính hợp lý của chúng, bởi vì, căn cứ vào tiêu chí nào cũng không thể không lấy thực tế đời sống văn học cụ thể của nó là tác giả và tác phẩm để xét tiến trình và đặc điểm thi pháp của chính nó trong tương quan với hiện thực đời sống.
Trong bài viết này, tôi muốn nhìn thơ Việt Nam sau đổi mới đến nay từ chính bản chất thơ ca trong liên quan, tác động lẫn nhau với những mốc lớn của bối cảnh lịch sử – xã hội để xác lập thi pháp thơ, diện mạo thơ, hiện đại hoá thơ.
- Bối cảnh lịch sử – xã hội và nhu cầu đổi mới thơ ca
Đây là giai đoạn từ thời chiến chuyển sang thời bình. Đất nước được thống nhất về pháp lý, nhân dân sum họp, niềm vui hoà hợp và hàn gắn vết thương chiến tranh diễn ra sôi nổi và kịp thời trên toàn quốc. Những thuận lợi và khó khăn đan xen, nhưng cuộc sống hoà bình đã nhanh chóng đem lại màu xanh trên những vùng quê trước đây từng là vùng trắng, vùng chết. Nhưng không lâu sau hoà bình, hai cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc và phía Tây Nam tổ quốc diễn ra đã gây nên khó khăn và tác hại đến đời sống dân sinh và kinh tế của đất nước. Hai cuộc chiến tranh biên giới nói trên kết thúc, nhân dân ta lại gặp phải những khó khăn mới về thiên tai, bão lũ, hạn hán diễn ra trong nhiều năm, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống mọi mặt của đất nước. Bên cạnh đó, còn có những thiếu sót và hạn chế về nhiều mặt trong quản lý và điều hành đất nước của Đảng và Chính quyền. Để khắc phục những khó khăn trên, Đảng ta đã kịp thời đề ra chính sách đổi mới. Năm 1986 là mốc quan trọng đánh dấu sự sáng suốt về sách lược và chiến lược của Đảng để đưa đất nước thoát khỏi khó khăn, nhanh chóng khôi phục kinh tế, tạo ra không khí dân chủ tối đa cho toàn xã hội.
Sự chuyển biến của đời sống xã hội, văn hóa, tư tưởng nói trên sẽ dẫn đến nhu cầu đổi mới thơ ca, mà trước tiên là đổi mới quan niệm thẩm mĩ về hiện thực và con người. Vào cuối những năm 70 của thế kỷ XX, đã xuất hiện nhu cầu nhìn lại giai đoạn văn học thời chiến, chỉ ra những thành tựu và giới hạn của nó; từ đó, xác lập hướng đi mới cho thơ. Nhu cầu này đã được nêu ra trong Báo cáo đề dẫn của Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam tại Hội nghị các nhà văn đảng viên (1979). Tuy nhiên, sự thay đổi từ nhận thức đến thực tiễn là một quá trình không đồng hành như mong muốn. Sang những năm 80, nhất là từ sau Đại hội VI của Đảng (1986), nhu cầu đổi mới văn học đã dần trở thành đòi hỏi chung của cả giới sáng tác, lí luận phê bình lẫn công chúng. Tư duy nghệ thuật đổi mới, buộc phải đổi mới toàn diện các quan niệm về lý luận và mỹ học cũng như về công chúng văn học. Đường lối mở cửa, hội nhập quốc tế của Đảng đã tạo cơ hội mở rộng giao lưu văn hóa, văn học giữa nước ta với các nước trên thế giới, đặc biệt với phương Tây. Nhờ vậy mà nhiều trào lưu, khuynh hướng và lí luận nghệ thuật hiện đại của thế giới đã được giới thiệu ở Việt Nam, tác động tích cực đến nền văn học nước nhà.
Trong bối cảnh chung đó, văn học nói chung, thơ ca nói riêng không thể không bị tác động từ nhiều phía và diễn ra theo quy luật của chính nó. Thơ ca đã nhanh chóng chuyển mình để đáp ứng nhu cầu phản ánh những hiện thực mới của đất nước và con người trong tính chân thật, cụ thể và tính nhân văn, nhân ái đa dạng, sinh động. Những biểu hiện sinh động và đa dạng ấy của thi ca được diễn ra liên tục trong tính kế thừa và cách tân ở từng giai đoạn với từng hệ hình, từng quan niệm nghệ thuật về hiện thực và con người cũng như các phương thức thể hiện cách tân đa dạng của chúng. Mà nhân tố quyết định làm nên diện mạo thơ ba mươi năm đổi mới đó, chính là chủ thể sáng tạo.
- Lực lượng sáng tác đồng hành
Sau 1975, nền thơ Việt Nam hội tụ nhiều thế hệ nhà thơ đông vui và giàu nhiệt huyết sáng tạo. Các thế hệ nhà thơ trong cuộc đại đoàn viên lần này đa dạng, đa thanh và đa khu vực. Có các thế hệ ở miến Bắc, các thế hệ ở miền Nam. Ở miền Nam, còn có các thế hệ ở chiến trường từ những cánh rừng trở về sau chiến tranh, có các thế hệ ở trong lòng các đô thị miền Nam, bên cạnh các thế hệ là học sinh sinh viên yêu nước ở đô thị miền Nam, rồi các thế hệ trưởng thành trong hòa bình từ 1975, đặc biệt là thế hệ từ đầu thế kỷ XXI đến nay… Các thế hệ sáng tác này, bằng kinh nghiệm và phong cách riêng, khuynh hướng riêng đã tạo ra sự đa thanh, phức điệu cho tổng thể phong trào. Những tiếng nói thi ca theo phong cách riêng ấy không loại biệt nhau, trái lại cộng hưởng nhau, tạo nên dàn hợp xướng ngôn từ thi ca âm vang, độc đáo, tươi sáng; tích hợp thành những giọng điệu và tư duy sáng tạo khác nhau. Đặc biệt, càng về sau, nhất là bước sang thế kỷ XXI, các khuynh hướng hiện đại chủ nghĩa được các thế hệ nhà thơ trẻ thế hệ trẻ vận dụng và thể nghiệm bước đầu thành công, đem lại cho nền thơ những thông điệp thi ca mới mẻ. Không thể không thừa nhận có sự khác biệt về ngôn ngữ, giọng điệu thi ca ở các thế hệ cầm bút, ở các lứa tuổi thi sĩ và ở các vùng miền, nhưng cũng không thể không thừa nhận sự ảnh hưởng và học hỏi lẫn nhau ở các thế hệ cầm bút – từ thế hệ các nhà thơ thuộc phong trào Thơ mới đến thế hệ các nhà thơ sau 1975 và thế hệ đầu thế kỷ XXI đến nay. Một nền thi ca bao giờ cũng cần những phong cách và bản sắc khác nhau ấy. Chính sự đa dạng và đa thanh này tạo nên sự đa phong cách, đa thi pháp cho cả phong trào. Thực tế là ta có một Chế Lan Viên sau 1975 rất triết lý, trí tuệ; có một Bùi Giáng từ thơ trang nghiêm đến trò chơi ngôn ngữ; có một Hoàng Hưng đổi mới và vụt hiện ngôn từ; có một Hữu Thỉnh văn hoá dân gian mà hiện đại và dân tộc một cách nghệ thuật, có một Xuân Quỳnh đa cảm, tự hát giàu thiên tính nữ; có một Nguyễn Duy bụi bã và hoài vãng đến day dứt; có một Thanh Thảo luôn mới và quay tròn bứt phá như những rubich thơ; có một Hoàng Cầm tuổi càng cao càng trẻ lại trong âm tính và dục tính; có một Lê Đạt phu chữ tạo ra nhiều “bóng chữ”; có một Trần Dần “đơn giản đồng nhất thơ vào chữ”, đưa con âm thành âm thanh, ý nghĩa và thị giác; có một Đặng Đình Hưng văn xuôi hoá thi ca thành âm nhạc tuôn chảy tràn dòng thơ; có một Dương Tường với thơ âm bồi và con âm và cuối cùng là thơ không lời/ thơ hình vẽ, thơ trình diễn, sắp đặt; có một Đoàn Thi Lam Luyến khát yêu và khát sống trong tình yêu ly tan; có một Dư Thị Hoàn tan vỡ tình trong văn hoá và bao dung; có một Bùi Chí Vinh bụi bặm mà tự nhiên như phố thị; một Nguyễn Khắc Thạch thiền lý và Phật lý; có một Nguyễn Quang Thiều kết tinh thơ thành cổ mẫu; có một Mai Văn Phấn liên tục hiện hữu thơ không cần mái che ngôn ngữ để tạo sinh nghiã mới; có một Đồng Đức Bốn thi hoá ca dao thành đồng dao hiện đại, có một Đinh Thị Như Thuý mênh mông cao nguyên và dịu dàng như cỏ; có một Nguyễn Quốc Chánh căn cước của những ẩn dụ thơ, Có một Nguyễn Thuý Hằng với những khoái cảm và điên rồ ngôn ngữ; có một Vi Thuỳ Linh bản năng đến tận cùng bản thể; có một Phan Huyền Thư trẻ trung mà đằm lắng khát khao… Và còn biết bao nhiêu gương mặt thơ có cá tính sáng tạo đặc sắc khác. Không thể nói giọng điệu nào hơn giọng điệu nào, nhưng tổng số thành thi pháp thơ của chính họ đã làm nên “một thời đại thi ca Việt” ba mươi năm đổi mới 1986-2016. Dù vậy, chúng ta vẫn chờ đợi và hy vọng thành tựu của thế hệ cầm bút trưởng thành sau 1986 và thế hệ xuất hiện từ đầu thế kỷ XXI đến nay. Con số nhà thơ trẻ được gọi là đổi mới, có phong cách trong ba mươi năm qua được xem là những hiện tượng nổi bật, quả là quá ít so với các thế hệ cha, anh ở các giai đoạn thơ trước. Đó là điều cần suy nghĩ. Họ có nhiều khát vọng và nhiều dự cảm, nhiều tiềm lực, nhưng giữa hy vọng và thành tựu vẫn còn một khoảng cách rất xa với những gì mà người đọc đang mong đợi. Cách viết của họ có tìm tòi, đổi mới, nhưng chưa đạt đến cái hay, đúng hơn, như cách nói của Đỗ Lai Thuý, chưa đạt đến cái Khác hay hơn, nghệ thuật hơn cái cũ. Mã Giang Lân thì cho rằng: “Hội nhập, giao lưu với văn hoá nghệ thuật thế giới, thơ Việt đã có nhiều thể nghiệm, cách tân táo bạo, tạo nên diện mạo mới cho thơ và làm thay đổi thị hiếu thẩm mỹ truyền thống. Nhưng đề cao và mê mải với việc chơi chữ, theo tôi, sẽ có không ít phân vân” [3,tr.16]. Những nhà thơ trẻ hô hào đổi mới, viết theo tâm thức và hệ hình thơ hậu hiện đại, viết theo ngôn ngữ “trò chơi”, “vụt hiện”, “mở miệng”… thì vẫn chưa xuất hiện những tài năng đủ để tạo thành phong trào với hệ thi pháp thật sự mới mẻ và đa dạng. Và đặc biệt là công chúng không đón nhận nồng nhiệt, không mặn mà với những cách tân thơ không đạt tầm nghệ thuật hậu hiện đại như họ mong muốn. Có thể nhận thấy, thế hệ những nhà thơ trưởng thành thời chống Mỹ, bên cạnh những nhà thơ lớp trước như Chế Lan Viên, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Dương Tương, Trần Dần, Đặng Đình Hưng…, một số nhà thơ sau Đổi mới như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương, Mai Văn Phấn, Đinh Thị Như Thúy… là những chủ thể chủ chốt, đáng chú ý của thi đàn từ sau Đổi mới, được công chúng đánh giá cao, chứ không phải là những nhà thơ trẻ từng được hô hào, đề cao nhưng thiếu tiềm năng thực tế. Để lý giải điều này, cần một tiểu luận khác bàn tới nơi, tới chốn một cách có luận lý, căn cứ ở quy luật của mỹ học sáng tạo và mỹ học tiếp nhận.
- Cảm quan về hiện thực và con người
Cảm quan về hiện thực và con người bao giờ cũng xuất phát từ cái nhìn nghệ thuật của nghệ sĩ, đặc biệt là những nghệ sĩ lớn trước những tác động quan trọng của đời sống xã hội ở những bước ngoặt trọng đại. Ý thức hoặc vô thức thì người nghệ sĩ cũng chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của từ trường xã hội để biến thành những trữ lượng sáng tạo tiếp theo. Với lực lượng sáng tác đông đảo và giàu tiềm năng, nhiều thế hệ như trên, dĩ nhiên, ở họ, người trước, người sau đã dần hình thành cái nhìn nghệ thuật, đến ngưỡng ý thức và tư tưởng nào đó, sẽ thành quan niệm nghệ thuật.
Quan niệm nghệ thuật về con người và hiện thực giờ đây có sự khúc xạ và dung hợp khác trên cơ sở hiện thực thời bình. Thơ sau 1975, đặc biệt là sau Đổi mới có sự tích hợp kinh nghiệm khác trước để tạo thành những giá trị tinh thần ở chiều sâu mới trong không gian và thời gian cụ thể. Không thể chia cắt thơ như những đối tượng vật chất mà phải nhận thức thơ như những nối tiếp khác nhau về đặc điểm thi pháp của cùng một dòng chảy thống nhất thì mới thấy hết giá trị, thành tựu trong tiến trình lịch sử thể loại cụ thể của nó.
Nhận thức thơ ba mươi năm đổi mới từ mốc 1986, không thể bỏ qua thơ mười năm tiền đề có tính chất bản lề quan trọng (1975-1985). Thơ từ thời chiến chuyển sang thời bình có những đặc điểm riêng khách quan và hợp quy luật. Các chủ thể sáng tạo nhận thức sâu sắc về vai trò thi sĩ và trọng trách thi ca của mình. Cái tôi trữ tình tự ý thức về mình trong quan hệ với sự phong phú, đa dạng của thế sự để tạo thành những kinh nghiệm quan hệ mới, được soi sáng dưới nhiều bình diện và tương quan mới: “Ta phải là cả phần xác lẫn phần hồn” (Phùng Khắc Bắc). Cá tính được đề cao là biểu hiện dễ thấy nhất của thơ sau 1975. Nhà thơ có nhu cầu nhìn chính mình trước khi nhìn ra tha nhân: “Phải sống tận cùng cái tôi của mình mới nhìn được tận cùng cái ta của tha nhân” (Lâm Thị Mỹ Dạ). Các tiêu đề thơ thường tập trung thể hiện ý thức này: Tôi gọi tôi của Đinh Thị Thu Vân, Người đi tìm mặt của Hoàng Hưng, Vẽ tôi của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tôi vẽ mặt tôi của Lê Minh Quốc… Tình cảm thơ cũng thế: “Em trở về đúng nghĩa trái tim em/ Biết mơ ước những điều anh mơ ước/ Biết xúc động qua nhiều nhận thức/ Biết yêu anh và biết được anh yêu” (Xuân Quỳnh). Hoặc: “Theo thời gian tôi về tìm lại/ Khoảng thời gian xanh biếc dưới cỏ mềm/ Ôi! Cái khoảng đời vô tư trong sáng/ Lại rộn ràng từ hoa cỏ mọc lên: (Lâm Thị Mỹ Dạ). Chế Lan Viên thức nhận rõ điều này nên đã chuyển giọng rất nhanh và kịp để lại những tác phẩm thơ có giá trị như sự “nhận đường” gấp gáp và quyết liệt mà Ta gửi cho mình, Hoa trên đá và Di cảo thơ (3 tập) đã là tư tưởng mỹ học sáng tạo độc đáo: “Giọng cao bao nhiêu năm giờ anh hát giọng trầm/ Cái giọng hát lẫn với im lìm của đất/ Vườn lặng yên mà thơm mùi mít mật/ Còn hơn anh rồ giọng hát vang ngân”. Cái nhìn sử thi giờ vẫn được phát huy nhưng thể hiện ở những cung bậc mới để bổ sung, làm đầy tính chất sử thi một thời còn vắng bóng trong thơ. Nhìn chiến tranh và con người trong chiến tranh ở thơ sau 1975 đa thanh và nhiều sắc thái đời thường với những mất mát đau thương, nhưng không hề làm giảm đi giá trị hiện thực quá khứ, trái lại, càng làm đầy và sâu sắc hơn tính sử thi thời chiến cho thơ. Miêu tả chiến tranh và những mất mát đau thương của chiến tranh bên trong con người là cách nhận thức mới của thơ giai đoạn này, khác với thời chiến, thơ thường miêu tả con người và nỗi đau của họ trong tính khốc liệt, tàn bạo của chiến tranh. Đó là cách đổi mới tư duy thơ, làm cho hình tượng có chiều sâu nhân ái và hiện thực hơn. Con người trở về từ chiến trường và con người hậu phương, giờ được nhận thức trong chiều sâu của hiện thực và tâm trạng: “Anh khoác ba lô về/ Đất trời dồn chật lại/ Em tái nhợt niềm vui/ Như trăng mọc ban ngày” (Lê Thị Mây).
Bây giờ qua buổi chiến tranh
Bây giờ qua tuổi xuân xanh tôi về
Bàn tay người có gầy đi
Rưng rưng nước mắt ướt nhoè ngực tôi
Vẫn giòng sông thuở xa xôi
Vẫn bờ đê gió trăng ngời đêm khuya
Vẫn là người của ngày xưa
Và đôi tay nắm như vừa mới yêu.
(Nguyễn Trọng Tạo)
Hiện thực thời bình và con người sau chiến tranh được nhìn nhận trong mối quan hệ đa chiều của chúng. Quán tính thể hiện âm hưởng ngợi ca vẫn còn trong thơ sau 1975 cũng là điều tự nhiên và cần thiết, nhưng giờ đây được nhìn nhận và suy tư sâu hơn để thấy hết tính toàn vẹn và khách quan của các kinh nghiệm quan hệ. Các tập thơ, đặc biệt là hàng loạt trường ca được viết trước 1975 giờ được sửa chữa, bổ sung và viết mới được ra mắt bạn đọc như những tổng kết và khái quát những vấn đề lớn lao, trọng đại của dân tộc. Những quan hệ khách quan được bổ sung trong các tác phẩm giai đoạn này phản ánh cái nhìn nghệ thuật mới của thơ sau 1975. Trường ca Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh, Trường ca người lính của Nguyễn Trọng Tạo, Mặt trời trong lòng đất của Trần Mạnh Hảo… là tiêu biểu cho âm hưởng và cái nhìn nghệ thuật mới mẻ này, nhìn tổ quốc và nhân dân trong những quan hệ nhân quả và văn hoá đa chiều để thấy những giá trị đã qua và những giá trị phải gánh chịu để làm nên tâm hồn và nhân cách Việt: “Mẹ đang đi gánh rạ giữa đồng/ Rạ chẳng nặng mà nặng nhiều vì gió” (Hữu Thỉnh), “Một mình một mâm cơm/ Ngồi bên nào cũng lệch/ Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền” (Hữu Thỉnh). Dĩ nhiên là giai đoạn này, những năm đầu thập kỷ 80, thơ cũng đã kịp thời hướng về con người đời tư – thế sự bằng cái nhìn nhân văn và dân chủ, với những quan hệ đời thường đầy đau thương, mất mát, bi kịch của họ trong cuộc sống thời bình hoặc do di chứng của chiến tranh. Thơ lật trở nhiều vấn đề có liên quan đến hiện thực đời sống và con người, đến những mưu sinh thường nhật, không ít xót xa, bi đát nhưng lại có giá trị thanh lọc tâm hồn: “Nhiều khi bôn ba tất bật suốt ngày/ Ta quên chào đất nước/ Là mẹ ta người không buồn không trách/ Nhưng lời chào so mâm cỗ vẫn cao hơn/ Nhưng cao hơn lời chào chắc mẹ thầm mong/ Các con đừng làm mẹ phải xấu hổ/ Đừng ba hoa chích chòe đánh quả loanh quanh/ Đất nước phải đâu nhà vô chủ” (Thanh Thảo). Thơ xuất hiện tâm lý và tâm trạng hoài nghi: “Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi/ Câu trả lời thật không dễ dàng chi”, nhưng rồi chính nhà thơ đã tự trả lời: “Nhưng tôi người cầm bút, than ôi!/ Không thể không tin gì mà viết” (Nguyễn Trọng Tạo). Một niềm tin da diết ở con người với nhân tính và đạo đức cao đẹp của họ: “Ơ đâu đó người vẫn yêu người lắm/ Nước đục ư! Qua bể lọc trong ngần” (Nguyễn Trọng Tạo). Nhà thơ có nhu cầu đối chiếu hai tâm trạng hai không gian để hiểu mình và hiểu đời: “Từ hồi về thành phố/ Quen ánh điện cửa gương/ Vầng trăng đi qua ngõ/ Như người dưng qua đường/…/ Trăng cứ tròn vành vạnh/ Kể chi người vô tình/ Ánh trăng im phăng phắc/ Đủ cho ta giật mình” (Nguyễn Duy).
Chủ đề tình yêu và thiên nhiên được thể hiện đậm đặc trong thơ sau 1975 chính là nhu cầu tự thể hiện cái tôi cá nhân cá thể hiện đại của nhà thơ và của mọi người trong cuộc sống thời bình. Nhờ sự cảm nhận này mà thơ sau 1975 mở ra nhiều hướng, nhiều chiều như nhu cầu được sẻ chia, bù đắp: “Tình yêu như mầm cây nảy từ lòng đất/ Như em sinh ra để ở bên anh” (Nguyễn Thị Hồng Ngát), “Em muốn ôm cả đất/ Em muốn ôm cả trời/ Nhưng sao không ôm nổi/ Trái tim một con người” (Đoàn Thị Lam Luyến)… Thơ tình yêu sau 1975 nhiều cung bậc, nhiều giọng điệu, nhiều trạng thái là hệ quả của nhu cầu thể hiện cái tôi cá nhân trong hoàn cảnh mới.
Giai đoạn bản lề mười năm sau chiến tranh đã thật sự đem lại những nhận thức mới mẻ về cuộc sống và con người ở cách chiếm lĩnh và cắt nghĩa hiện thực đa chiều, đa phân. Và, vì vậy, cũng đa giọng điệu, đa thi pháp. Nó tạo tiền đề và mạch cảm hứng mới, cái nhìn nghệ thuật mới cho thơ giai đoạn từ Đổi mới (1986) đến nay.
Mốc Đổi mới năm 1986 do Đảng khởi xướng đã thực sự tạo thành bệ phóng, thành cú hích cho mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó, có văn học. Văn nghệ sĩ đã nhạy bén thức nhận tinh thần bài nói chuyện của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh vào tháng 10 năm 1987 với một khía cạnh triết mỹ sâu sắc hơn rất nhiều. Đó là sự cởi trói không chỉ trong tác động bề ngoài mà phải hiểu nó trong cấu trúc nội tại bên trong của từng nghệ sĩ, trong khát vọng được là mình trong sứ mệnh một nghệ sĩ, một công dân. Hiểu đổi mới trong ý nghĩa minh triết như thế, văn nghệ sĩ đã đi rất xa với những nội dung cụ thể trong bài nói chuyện của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, để biến nó thành khát vọng, thành khuynh hướng dân chủ tối đa, khuynh hướng nhận thức tối đa, khuynh hướng đạo đức tối đa trong thơ giai đoạn này. Tư tưởng này gặp sự hiện hữu của nền kinh tế thị trường đã kích hoạt không nhỏ đến thành tựu đổi mới của thơ giai đoạn 15 năm cuối thế kỷ XX và tiếp tục từ đầu thế kỷ XXI đến nay. Sự đổi mới này có thể khái quát thành những mặt bản chất như sau:
Thơ xác lập lại vị trí của mình trên cơ sở xác lập vị trí của con người trong trong tương quan với lịch sử – xã hội, cả trong quá khứ và hiện tại: “Tôi yêu chuyện cổ nước tôi/ Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa/ Thương người rồi mới thương ta/ Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm/…/ Mang theo chuyện cổ tôi đi/ Nghe trong cuộc sống thầm thì tiếng xưa” (Lâm Thị Mỹ Dạ). Nhà thơ nhìn lịch sử và dân tộc, tổ quốc, quê hương, con người trong tinh thần nhân văn mới để không ngừng phát huy những giá trị văn hoá trầm tích trong quá khứ, để nó có cơ hội tái hiện trong tâm thức của con người hiện đại: “Tôi hát, tôi hát bài hát về cố hương tôi/ Trong những chiếc tiểu sành đang xếp bên lò gốm/ Một mai đây tôi sẽ nằm trong đó/ Kiếp này tôi là người/ Kiếp sau phải là vật/ Tôi xin ở kiếp sau làm một con chó nhỏ/ Để canh nỗi buồn/ Báu vật cố hương tôi” (Nguyễn Quang Thiều).
Kế đến, thơ quay về với muôn mặt đời thường, với bộn bề xuôi ngược để yêu thương và căm giận, để đồng cảm và sẻ chia; để tự thoại và tự thú: “Em âu lo trước xa tít đường mình/ Trái tim đập những điều không thể nói/ Trái tim đập cồn cào cơn đói/ Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn?” (Xuân Quỳnh). Nhà thơ tự thoại với mình rồi sau đó quay về với tha nhân trong niềm nhân ái bao la; “Em trở về đúng nghĩa trái tim em/ Là máu thịt đời thường ai chẳng có/ Vẫn ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa / Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi” (Xuân Quỳnh).
Những nghi vấn về lòng tốt và nhân tính xuất hiện ngày càng nhiều trong thơ 1986-2000 cũng là những cảm hứng có thật, xuất phát từ sự xuống cấp của một bộ phận xã hội khi họ bàng quan trước những quan hệ tốt đẹp của cộng đồng, họ có nguy cơ đề cao chủ nghĩa cá nhân, xem thường những gì là thiêng liêng, cao cả: “Ai một thời lấy thân mình che Tổ quốc/ Con nay ai lấy Tổ quốc để che thân” (Nguyễn Khắc Thạch), có cả sự xuống cấp của đời sống: “Thời tôi sống ruồi nhặng sành mâm cỗ/ Họ hàng tôm vẫn lộn đít lên đầu/ Chó ngoại hết thời ra kiếm ăn ngoài phố/ Trẻ con bụi đời, lòng cạn mắt sâu” (Nguyễn Khắc Thạch).
Thơ Việt đầu thế kỷ XXI đến nay đang trên mạch tiếp tục đổi mới quan niệm nghệ thuật về hiện thực và con người. Những thay đổi cơ cấu đời sống và những thiết chế xã hội theo cơ chế kinh tế thị trường, theo tinh thần hội nhập quốc tế cũng như những nhu cầu đổi mới, hiện đại hoá thơ ca…đã làm cho nhu cầu thể hiện tình cảm và quan hệ sống của con người cần có cách tiếp cận và lý giải khác hơn. Những nhu cầu thể hiện cá tính, thể hiện tính dục, tâm linh càng trở nên gấp gáp và nhiều khi như một mode thời thượng. Các nhà thơ trẻ công khai thể hiện những nhu cầu này trong thơ một cách trần trụi, bạo liệt: “Em khoả thân trong chăn chờ chồng/ Thèm mùi da thịt của anh/ Hai đầu ngực của em nóng ran” (Vi Thuỳ Linh). Một cảm giác giải thiêng hậu hiện đại càng ngày càng xuất hiện nhiều trong thơ trẻ. Họ nhìn cuộc sống và con người nhiều khi thông qua những ẩn dụ, nhân hoá, nhoè mờ để những nghĩa bên sâu, bên sau hiện ra: “Em thì thầm muốn vuốt ve Huế thật khẽ/ Nhưng lại sợ chạm vào nơi nhạy cảm nhất của cơ thể Việt Nam” (Phan Huyền Thư). Một số nhà thơ trẻ khác lại muốn đẩy sex lên thành tâm lý học đám đông, nhưng không thành công và phải chịu sự phê phán và hững hờ của người đọc. Nguyễn Hữu Hồng Minh, Ly Hoàng Ly, các nhà thơ trong nhóm Dự báo phi thời tiết… là những thể nghiệm không có kết quả mỹ mãn như họ mong muốn.
Bên cạnh đó, những nhà thơ lớp 6X, 7X lại bình tĩnh thử nghiệm những cách tân ở tầm nghệ thuật và văn hoá cao hơn thì lại thành công đáng kể. Trường hợp Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Quyến, Đặng Thân… là những nhà thơ cách tân đáng trân quý. Họ thực sự được người đọc đón nhận nồng nhiệt. Và được các nhà thơ trẻ lớp sau học tập về thi pháp. Vốn sống và vốn văn hoá, triết mỹ cũng như những hiểu biết sâu của họ về các trường phái thơ hiện đại, hậu hiện đại phương Tây được vận dụng nhuần nhuyễn trên cái nền văn hoá Việt và ngôn ngữ Việt đã giúp họ có cơ hội đưa thơ Việt tiến về phía trước một cách vững chắc. Cũng cần khẳng định những đóng góp mới của những nhà thơ lớp trước khi họ thanh tân thơ mình khi ứng dụng và thể nghiệm những khuynh hướng thi ca mới từ các lý thuyết văn học nước ngoài trên cái nền văn hoá và ngôn ngữ Việt. Đó là trường hợp Trần Dần, Lê Đạt, Dương Tường, Đặng Đình Hưng, Hoàng Hưng, Hoàng Vũ Thuật… Đây là những nhà thơ đóng vai chủ (rôle dominante) trong việc luôn làm mới thi ca cùng các thế hệ trẻ. Qua đây, có thể rút ra bài học kinh nghiệm sáng tạo đối với các thế hệ làm thơ trẻ, rằng dù họ có muốn cách tân, sáng tạo mới, nhưng không có một vốn văn hoá và vốn nghệ thuật cao cường thì vẫn chỉ là mơ ước, không thể biến nó thành hiện thực. Những đổi mới của thơ Việt từ 2000 đến nay là có thật, nhưng thành công cũng không phải đồng đều ở các thế hệ nhà thơ, nếu không muốn nói rằng nghiêng hẳn về các nhà thơ lớp trước – thế hệ 3X đến 5X. Những thành công, đổi mới của thơ Việt giai đoạn này, còn phái ghi nhận ở cái nhìn nghệ thuật mới trên nền văn hoá Việt và ngôn từ Việt mới mẻ theo tâm thức và nghệ thuật hậu hiện đại (chúng tôi sẽ trình bày ở phần phương thức biểu hiện bên sau).
- Ngôn từ thơ, thể loại thơ
Ngôn ngữ thơ là chất liệu đầu tiên, cơ bản để nghiên cứu và sáng tạo thơ. Nó là phương tiện; đồng thời là đối tượng của chính nó, của tư duy thơ để thể hiện/diễn đạt tư tưởng. “Làm thơ là một ứng xử ngôn ngữ” [4,tr.43].
Thay đổi quan niệm nghệ thuật về nhân vật trữ tình trong thơ sớm muộn gì cũng kéo theo sự thay đổi ngôn ngữ thơ. Thơ thời chiến có ngôn ngữ của thời chiến. Thơ thời bình có ngôn ngữ của thời bình là hợp với hiện thực và hợp với quy luật thi ca. Giọng cao chuyển thành giọng trầm là cần thiết để chuyển thông điệp thời hậu chiến, giúp nhà thơ tâm tình và hoà hợp với chung quanh. Nhờ thế, thơ dễ dàng trở thành tiếng nói của số đông và nội cảm hoá trong lòng người đọc về những điều muôn thuở của con người: “Đời ngoài tuổi năm mươi – Mong gì hương sắc lạ – Mọc chùm hoa trên đá – Mùa xuân đâu chịu lùi” (Chế Lan Viên). Giọng tự thú, tự bạch trở thành nhu cầu của chính nhà thơ: “Em chết trong nỗi buồn/ Chết như từng hạt sương/ Rơi không thành tiếng/… Nhiều khi muốn mình như chiếc bóng/ Tan trong màn đêm/ Để không ai nhận ra/ Mình có mặt trong đời” (Lâm Thị Mỹ Dạ). Ngôn ngữ thơ càng về sau càng có xu hướng giải thiêng những điều trang nghiêm trang trọng để đưa nó về với suy nghĩ đời thường: “Như cà chớn với cà chua/ Như da em với da ua anh thèm” (Bùi Chí Vinh). Đặc biệt, các nhà thơ trẻ muốn làm cuộc cách tân trong ngôn ngữ thơ. Nó phải là tiếng nói của thế hệ mới. Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Huyền Thư, Vi Thuỳ Linh, Nguyễn Quyến, Ly Hoàng Ly…tạo thành giọng điệu riêng, tiêu biểu cho thơ thế hệ 7X, 8X. Các nhà thơ lớp chống Pháp, chống Mỹ cũng không bó tay. Họ có những cách tân táo bạo hơn cả những nhà thơ lớp trẻ. Trần Dần, Lê Đạt, Dương Tường, Hoàng Hưng, Đặng Đình Hưng… là những hiện tượng đặc biệt về đổi mới ngôn ngữ thi ca của thơ hậu chiến. Trần Dần đã “sử dụng nhiều thủ pháp để chặt đứt sự kề cận của chữ, tính liên tục của ngữ lưu, nhằm tạo ra sự đứt đoạn, tính đồng thời của chữ hoặc cụm chữ…, trong đó, đặc sắc nhất là phương pháp cấy chữ. Thi nhân “nhễ” một chữ, hoặc nhiều chữ, ra khỏi thân thể câu thơ, rồi “cấy” vào đó một/ những chữ đồng âm dị nghĩa, biến một câu thơ thành nhiều câu thơ. Tức, một chữ có nhiều Bóng chữ, nên một câu thơ cùng lúc phát nhiều nghĩa khác nhau” [5,tr.60]. Có thể dễ dàng nhận thấy ngôn ngữ thơ ba mươi năm đổi mới có sự phân hoá, phân cực khá cụ thể, tuỳ theo hướng cảm xúc và nhu cầu đối thoại với tha nhân và độc thoại, tự thoại với chính mình của chủ thể sáng tạo. Vậy là, trong thơ có sự đồng hành cùng lúc các dạng ngôn ngữ, giọng điệu khác nhau, thể hiện tính dân chủ và bình đẳng của đời sống xã hội: Giọng trữ tình đời thường bên cạnh giọng trữ tình cao siêu, làm dáng; giọng trang nhã bên cạnh giọng châm biếm, hài hước; giọng tượng trưng, siêu thực bên cạnh giọng hồn nhiên, trong sáng; giọng triết lý, chiêm nghiệm bên cạnh giọng bỗ bã, bình dân; ngôn ngữ đậm chất văn hoá, tâm linh bên cạnh ngôn ngữ thân thể, sex trần trụi… Ngôn ngữ thơ Việt ba mười năm đổi mới là ngôn ngữ đa thanh, đa giọng điệu, phản ánh nhu cầu đa dạng của con người trong từng quan hệ khác nhau. Ngôn ngữ trò chơi, cắt dán, tâm linh tự động, trực giác, tâm linh… cũng được tăng cường trong thơ, đặc biệt là ở các nhà thơ trẻ muốn thể nghiệm một thức nhận mới về ngôn từ theo tâm thức hậu hiện đại.
Cùng với ngôn ngữ là thể loại. Có thể thấy sự phân hóa và biến đổi thể loại thơ ba mươi năm đổi mới, ở chỗ, bên cạnh các thể thơ truyền thống vốn có của thơ Việt hiện đại, các nhà thơ trẻ tăng cường thể thơ tự do, thơ văn xuôi và thơ không vần, thơ mini như nhu cầu cần thiết để thể hiện nội dung đời sống và các trạng thái cảm xúc đặc biệt của mình. Đó cũng là các thể thơ mà chủ nghĩa hậu hiện đại phương Tây quan tâm thể hiện. Chế Lan Viên, Thanh Thảo, Mai Văn Phấn, Nguyễn Quang Thiều, Phùng Khắc Bắc, Đặng Thân, Đinh Thị Như Thúy, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Quyến, Trần Hùng… là những nhà thơ tiêu biểu, đem lại thành công mới cho các thể thơ nói trên.
Như vậy, xét về mối tương quan giữa sáng tạo và tiếp nhận thì những kiểu ngôn ngữ và giọng điệu, thể loại trên là một thực tế của nhu cầu sáng tác mà cũng là nhu cầu của tiếp nhận. Dù vậy, sự cộng hưởng và gặp nhau giữa hai phía không phải lúc nào cũng đồng hiện ở đường biên của nhu cầu thẩm mỹ trong ngôn ngữ, nhất là khi ngôn ngữ đi quá đà của nhu cầu nhận thức về cái đẹp của cuộc sống và tình cảm của con người. Khi ấy, những phản cảm và dị ứng ở người đọc là đương nhiên. Chính điều này cũng có tác dụng giúp các nhà thơ điều tiết, giảm trừ, tiết chế ngôn ngữ thơ của mình để phù hợp với tầm đón nhận của người đọc và làm đẹp thi pháp ngữ điệu tiếng Việt. Vi Thuỳ Linh, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Ly Hoàng Ly, nhóm Mở miệng, nhóm Dự báo phi thời tiết… là những trường hợp như thế.
- Khuynh hướng thơ, hệ hình thơ
“Mỹ học thơ, nếu nhìn theo lý thuyết hệ hình, thì có thể thấy ở mỗi giai đoạn, nó tương ứng với một phạm trù mỹ học, như ở hệ hình tiền hiện đại là cái đẹp, ở hệ hình hiện đại – cái cao cả/cái siêu tuyệt, còn ở hệ hình hậu hiện đại thì hẳn phải là cái Khác… Bởi thế, khi “thời của nó” đi qua, thì các phạm trù ấy vẫn tồn tại, nhưng lui về mặt sau chứ không còn chiếm giữ mặt tiền của ngôi nhà mỹ học. Hơn nữa, mỹ học ở đây là thứ mỹ học từ dưới lên, tức chủ yếu được khái quát từ sự nghiên cứu tác phẩm cụ thể, tức phê bình văn học. Nó được đưa ra như là một giả thuyết làm việc, mang tính thám mã, nhất là việc làm chưa có tiền lệ là đề xuất cái khác như là phạm trù chủ đạo của mỹ học hậu hiện đại. Tuy nhiên, chưa có tiền lệ không phải tuỳ tiện mà là dựa trên tính hệ thống của lý thuyết hệ hình” [5,tr.76].
Thơ Việt từ Đổi mới đến nay nếu xét trên bình diện khuynh hướng, hệ hình thì quả thật là vấn đề thú vị, tốn nhiều giấy mực tranh luận từ nhiều năm qua. Một nền thơ phát triển và diễn ra trong điều kiện bình thường của lịch sử – xã hội thì việc xuất hiện nhiều khuynh hướng, trào lưu, trường phái là cần thiết và hợp quy luật. Nó thể hiện sự kiếm tìm dân chủ và khát vọng đổi mới trong học thuật, sáng tạo để tạo ra sự đa dạng cho cả nền thơ và đa dạng trong bút pháp của từng chủ thể sáng tạo. Vấn đề này, mọi nền thơ trên thế giới đều diễn ra như thế, ngay cả khi giai đoạn đó, thời kỳ đó xuất hiện diện một khuynh hướng, trào lưu chủ đạo tương ứng với nền tảng kinh tế, văn hoá của xã hội đó. Ở Việt Nam, khi nền tảng của xã hội hậu hiện đại chưa xuất hiện thì việc xuất hiện cùng thời những khuynh hướng khác nhau là điều dễ hiểu. Vì vậy mà có hay không có văn học hậu hiện đại ở Việt Nam là vấn đề có liên quan đến thơ Việt hiện nay. Nhiều người cho rằng ở Việt Nam chưa có văn học hậu hiện đại mà chỉ có yếu tố hậu hiện đại, tâm thức hậu hiện đại là có lý. Vì chưa có xã hội hậu hiện đại thì cũng khó mà có văn học hậu hiện đại thực thụ. Nhưng ý hướng tính sáng tạo theo đặc trưng văn học hậu hiện đại là một thực tế không thể phủ nhận. Các tác giả trẻ đã nỗ lực thể hiện theo khuynh hướng này và đã đạt được những thành tựu bước đầu. Và đang tiếp tục khẳng định. Nhưng từ thực tiễn đến phát huy, kết tinh và tiếp nhận của công chúng lại còn phải trải qua những kết quả đầy thử thách. Thực tế ba mươi năm qua cho thấy: “Những nhà thơ viết theo cảm hứng/xu thế/tính chất hậu hiện đại chỉ chiếm một bộ phận nhỏ sống ở mép rìa; còn các nhà thơ chính thống ở trung tâm, các nhà thơ hiện đại chủ nghĩa, các nhà thơ trẻ ở gần ngoại vi. Thơ hậu hiện đại tạo thành một xu hướng phụ, nhỏ, lẻ trong nền thơ Việt Nam. Tuy nhiên, khác với thơ tiểu ngạch trước đây, ít nhiều mang tính chất lén lút, thơ hậu hiện đại ngày nay giành được một chỗ đứng, dù là góc khuất, dưới mặt trời. Trước hết, nói về một khía cạnh của “phương thức tồn tại” của tác phẩm. Thơ hậu hiện đại vẫn được các nhà xuất bản của nhà nước cho in ấn và phát hành. Số khác do chưa muốn hoặc chưa có điều kiện thì làm thành tập gửi cho bạn bè đọc qua mạng. Rồi có hiện tượng samizdat bằng photocoppie, hay in qua các “nhà xuất bản” như Giấy Vụn, Tuỳ Tiện, Vỉa Hè, Kông Kốc…” [5,tr.65].
Quan sát toàn cảnh thơ Việt từ 1986 đến thập niên 20 của thế kỷ XXI, chúng ta chứng kiến sự tồn tại nhiều khuynh hướng và nhiều nhóm thơ; kể cả một nhà thơ cùng lúc sáng tác theo nhiều khuynh hướng, ở nhiều nhóm thơ trong nhiều thời khoảng khác nhau. Vì vậy, có tình trạng đan xen, cộng hưởng nhau về thi pháp thơ, khuynh hướng thơ. Có thể tạm thời siêu hình trong cách tiếp nhận để phân chia thành các khuynh hướng thơ ba mươi năm đổi mới như sau:
– Khuynh hướng nghiêng về thi pháp truyền thống có từ thời Thơ mới và thơ kháng chiến mà chủ thể chính của nó là các nhà thơ trước 1945, thời Phong trào Thơ mới và các nhà thơ trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến.
– Khuynh hướng nghiêng về thi pháp hiện đại với các thể nghiệm đa dạng từ các trường phái thơ hiện đại phương Tây (tượng trưng, siêu thực) mà chủ thể chính của chúng là các nhà thơ trẻ trưởng thành sau 1975, và một bộ phận các nhà thơ lớp trước, muốn đổi mới theo thi pháp hiện đại trước đây mà họ đã thể nghiệm dở dang như Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm, Dương Tường…
– Khuynh hướng nghiêng về thi pháp hiện – hậu hiện đại mà chủ thể chính của chúng là các nhà thơ trẻ trưởng thành sau 1975 như Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Đặng Thân, Vi Thuỳ Linh, Phan Huyền Thư, Inrasara, Nguyễn Bình Phương, Ly Hoàng Ly, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Hữu Hồng Minh…, nhóm thơ Ngựa biển, Vụt hiện, Dự báo phi thời tiết…
Các khuynh hướng thơ này đồng hành tồn tại kéo theo những đặc điểm thi pháp nội dung và thi pháp hình thức đa dạng khác nhau như thể loại, triết mỹ, ngôn ngữ… Những yếu tố này ảnh hưởng ít nhiều lẫn nhau, nhưng nhìn chung đan xen, xem ghép lẫn nhau về thi pháp. Khó mà phân chia rạch ròi thi pháp riêng thuần tuý của từng nhà thơ, từng thi phẩm. Có thể mượn nhận định của Đỗ Lai Thuý để miêu tả thực tế này của thơ Việt ba mươi năm đổi mới: “Thơ Việt hiện nay, kể từ hậu – Đổi mới đến giờ, nếu cắt một lát cắt đồng đại, thì có thể thấy: ở trung tâm là thơ chính ngạch, vẫn lấy tiêu chí phản ánh hiện thực là chính; vành ngoài thứ nhất là thơ theo xu hướng hiện đại chủ nghĩa, thơ tự do với những tìm tòi mang tính siêu thực, cái mà trước đây bị phê phán thì nay được chấp nhận vì nó không còn tính tiên phong nữa; vành ngoài thứ hai kế tiếp là văn học trẻ; và vành ngoài sau cùng là thơ theo hướng hậu hiện đại, thơ đương đại, thơ của hôm nay viết về cái hôm nay như một điều bí ẩn; thơ của cái Khác. Tuy nhiên, một mặt do tiếp giao dễ dàng với thế giới, mặt khác vốn là một đất nước hậu thuộc địa và nhiều cái hậu (post-) khác, nên trong quyển văn hoá Việt Nam dễ hình thành một cảm quan hậu hiện đại đặc biệt. Vì thế, dường như không chỉ vành thơ hậu hiện đại mà cả các vành thơ khác cũng đang sử dụng các thủ pháp của thơ hậu hiện đại. Nhưng, có lẽ, thơ hậu hiện đại đích thực không dừng lại ở cấp độ thủ pháp, mà đã tiến tới cấp độ quan niệm thực tại. Có như vậy mới sản sinh ra được cái Khác hậu hiện đại. Một cái Khác không phải là khác biệt, khác lạ trong quan hệ với cái ngoài nó, mà là một cái Khác trong quan hệ với chính nó, mang tính tự thân, là sản phẩm của một tự lập và tự trị. Chính cái Khác này không chỉ cứu sống cái chết của tác giả, mà còn bội nhân tác giả, vì giờ đây người đọc cũng là tác giả. Một cái Khác như vậy, hẳn không nằm sẵn trong đầu tác giả, mà được sinh ra trong tiến trình bập bênh giữa tác giả, văn bản và người đọc. Thơ trở thành mỹ học của cái Khác” [5,tr.89-90].
Đó là cái nhìn toàn cảnh theo khuynh hướng thơ, theo tư duy hệ hình thơ mà Đỗ Lai Thuý là người quan tâm cắt nghĩa, lý giải đến tận cùng để thấy thơ hiện đại Việt luôn là những nỗ lực vươn lên nhội nhập và liên tục vận động, phát triển, nhưng thực tế, bao giờ cũng bị những đứt gãy và gián đoạn do nhiều lý do chủ quan và khách quan, mà theo tôi, chủ yếu là ở sự so le giữa khát vọng và khả năng không thể khắc phục được, một phần ở môi trường, ở cơ chế, phần khác, ở năng lực và trình độ của chủ thể sáng tạo. Đó là chưa kể những kết quả sáng tạo ấy có được độc giả đón đợi và cổ vũ hay không. Nếu không được người đọc thừa nhận thì sớm muộn gì thơ cũng sẽ bị lãng quên và tự nó biến mất trong tầm đón đợi của chủ thể tiếp nhận đương thời, kể gì đến chủ thể tiếp nhận đời sau. Như vậy, nhìn lịch sử thơ, phải căn cứ ở những lịch sử chính thống, bản chất của từng giai đoạn thơ, thời kỳ thơ mà địa vị trung tâm của chúng bao giờ cũng là những giá trị hiện hữu, đại diện cho hiện thực và nhu cầu thẩm mỹ của con người trong những không gian và thời gian cụ thể.
Sau 1975, đặc biệt là sau Đổi mới (1986), trong quá trình toàn cầu hoá và hội nhập hoá, văn học nước ta cũng chủ động hội nhập. Nhờ những điều kiện khoa học, kỹ thuật, đặc biệt là không gian internet, cuộc giao lưu văn hoá có điều kiện mở rộng và toàn diện bởi tính chất đa kênh, đa lý thuyết và đa không gian của nó. Qua đó, những thành tựu văn hoá, văn học và lý luận văn học thế giới được nhanh chóng du nhập vào Việt Nam từ các nguồn khác nhau, đặc biệt là qua các chủ thể tiếp nhận tiên phong, đã tạo ra không gian học thuật mới, tích cực và có khả năng kích hoạt văn học phát triển, đặc biệt là thơ. Trước, là trong lý luận phê bình và sáng tác, kế đó là trong công chúng tiếp nhận. Mặt bằng của cả hai: sáng tác – tiếp nhận đã làm thay đổi quan niệm và trình độ mặt bằng nghệ thuật, tạo ra những thể nghiệm và đổi mới văn học ngày càng hiệu quả, dù không phải không có những bất cập, ngộ nhận và lệch lạc trong buổi đầu tiếp nhận và thực hành.
Lý giải thực tế này, Đỗ Lai Thuý đã có lý khi cho rằng: “Các lịch sử thơ (ở Việt Nam – H.T.H) không hoàn toàn tồn tại theo dạng kế tiếp nhau, mà theo lối gối tiếp, tức cái này chưa tàn thì cái khác đã đến. Chúng có những thời gian tồn tại đồng thời, và, do đó, có sự tương tác lẫn nhau. Thơ chữ Hán còn đang phát triển mạnh mẽ thì thơ Nôm ra đời, và, do đó, nó, một mặt, như là sự đối lập với thơ chữ Hán về thân phận, địa vị, mặt khác vẫn chịu ảnh hưởng của thơ chữ Hán về cảm hứng, thi liệu, thể loại, nhất là ở giai đoạn đầu. Thơ hải ngoại hiện nay cũng càng ngày càng có sự tương tác với thơ đương đại trong nước. Đó là những ảnh hưởng đồng thời. Tuy nhiên, cũng có những thơ có tính biệt lập như thơ hậu Nhân văn. Khi sáng tác thì không được công bố, nên không có tương tác gì với thơ đương thời, mà chỉ về sau mới có, khi các tác phẩm dần dần được xuất bản. Hoặc thơ thành thị miền Nam cũng vậy, chỉ có được sự tương tác sau Đổi mới, nhưng cũng còn hết sức dè dặt, chưa xứng tầm với những đóng góp nghệ thuật của nó.
Như vậy, nhìn thơ Việt dưới dạng những lịch sử thơ có thể thấy được sự phong phú, đa dạng của thơ. Mỗi lịch sử đều có giá trị và có ý nghĩa của nó, kể cả các dòng thơ nhỏ, lẻ, phụ mà trong cái nhìn nhất thể hoá không đáng coi là lịch sử. Đồng thời cho thấy sự vận động đa dạng và đan xen vào nhau của một lịch sử số nhiều. Cái nhỏ, phụ như là cái Khác rồi cũng sẽ lớn lên, phổ thông hóa, không còn là cái Khác nữa, nhưng lại làm điều kiện cho một cái Khác khác ra đời, Như vậy, sự khác nhau của mỗi lịch sử chỉ là ở mức độ tự phản tỉnh của nó. Với sự đa lịch sử mà không có lịch sử nào là trung tâm như vậy, thơ Việt vẫn là một tổng thể, nhưng là tổng thể mở: tổng thể phi tổng thể” [5,tr.99-100]. Thống nhất với quan niệm như vậy, ta dễ dàng nhận diện thành tựu thơ Việt từ và sau Đổi mới trong tính lịch đại và đồng đại của nó; đồng thời mở ra những khả năng tiếp nhận và tiếp cận trong nghiên cứu và sáng tạo của thơ Việt trong thì tương lai hay thì hiện tại chưa hoàn kết/ hiện tại đang tiếp diễn, cũng thế.
- Vĩ thanh mở
Thơ Việt ba mươi năm đổi mới (1986-2016) là một giai đoạn không dài so với những thời kỳ lớn đầy biến động của lịch sử, nhưng về mặt tiến trình thơ mà nói, thì quả thật nó đã đi trọn một chu kỳ thi ca, đủ để nhận diện và đánh giá những thành tựu và hạn chế về thi pháp thể loại, thi pháp tác giả, thi pháp tác phẩm và thi pháp thời đại trên những yêu cầu lớn của giai đoạn văn học mà ở đó, những gì có liên quan đến Khoa nghiên cứu văn học đã được hiển thị trong mối quan hệ tác động, hỗ tương, chuyển hoá lẫn nhau để làm nên một thời đại thi ca, một chu trình hiện đại hoá. Và xét trong tổng thể của quá trình hội nhập với thi ca nhân loại trong thời đại thông tin hoá và toàn cầu hoá ngày nay, thì quả thật ba mươi năm qua, thơ Việt đã diễn ra hợp quy luật trên cơ sở tạo ra được những tác gia, tác phẩm tiêu biểu, những khuynh hướng đổi mới, những phong cách cá nhân nổi trội, nhưng xét về mặt phong trào, thì do nhiều nguyên nhân, mà nó chưa tạo ra được sự tích hợp nghệ thuật tập trung và hội tụ để tạo ra hệ thi pháp thời đại có tính đột biến như thời kỳ Thơ mới 1930-1945 hoặc thời kỳ 1965-1975 với những phong cách thơ độc đáo, được công chúng tiếp nhận, hoan nghênh nồng nhiệt. Sự phân tán và co cụm trong từng nhóm và sự độc mã trên hành trình kiếm tìm và thể nghiệm của một số cá nhân nhà thơ là có thật. Mà thành tựu của một thời đại thi ca thì bao giờ cũng thuộc về cái chung, tính loài, tính toàn thể chứ không hề thuộc về những cá nhân/ cá biệt riêng lẻ. Điều này, cũng chính là một trong những nguyên nhân để thơ ba mươi năm đổi mới có thành tựu, nhưng chưa có thời đại thi ca, phong trào thi ca đông đảo, mạnh mẽ theo đúng nghĩa như những thời đại thi ca trên thế giới và Việt Nam mà chúng ta đã chứng kiến từ trước đến nay.