Một ngày quý giá cùng Giáo sư – Nhà giáo nhân dân Hà Minh Đức

Ngày 21.2.2023 Giáo sư – Nhà giáo nhân dân Hà Minh Đức đã chu đáo, hồn hậu dành thời gian tiếp đoàn cán bộ của Bảo tàng Văn học Việt Nam tại nhà riêng của ông ở căn hộ khu Rừng Cọ, Ecopark, Hà Nội. Trong cuộc nói chuyện, ông luôn bày tỏ sự tin tưởng việc bảo quản hiện vật và mong muốn Bảo tàng Văn học không chỉ là nơi trưng bày, đưa những tác phẩm mới đến với công chúng mà còn không ngừng phát triển, thu hút được nhiều khách đến tham quan để hiểu và yêu văn chương và nhà văn qua nhiều thời kỳ.

Bộ sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh của Giáo sư Hà Minh Đức

Giáo sư Hà Minh Đức đã trao tặng bảo tàng một số sách quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sự nghiệp văn thơ Hồ Chí Minh”; “Sự nghiệp báo chí và văn học của Hồ Chí Minh”; “Hồ Chí Minh – Anh hùng dân tộc và tầm thời đại của người” và những cuốn sách về các nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ mới như: Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Tế Hanh…Những cuốn sách quý do chính giáo sư viết và ghi bút tích ký tặng bảo tàng. Ngoài ra, giáo sư còn tặng hiện vật từng gắn bó với ông đó chính là những cây bút viết. Ông chia sẻ: “Tôi không thạo máy tính do vậy tôi chỉ viết tay và chỉ dùng 3 loại bút để viết. Hôm nay, tôi tặng lại bảo tàng những kỷ vật từng gắn bó với tôi”.

Những cây bút Giáo sư Hà Minh Đức đã sử dụng trong quá trình viết và sáng tác.

Cũng trong không khí ấm cúng, ý nghĩa này, cán bộ Bảo tàng Văn học còn được nghe ông đọc bài thơ “Tình hoài” của nhà thơ Thế Lữ. Đây là một bài thơ rất đặc biệt với mỗi câu thơ mang một dấu mà giáo sư đã trích dẫn đưa vào cuốn sách “Thế Lữ – Cung đàn muôn điệu tài hoa” của ông.

 

Cuốn sách “Thế Lữ – Cung đàn muôn điệu tài hoa” của Giáo sư Hà Minh Đức

Trân trọng cảm ơn giáo sư – Nhà giáo nhân dân Hà Minh Đức về niềm tin ông đã dành cho Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Xin giới thiệu đến người đọc bài “Tình hoài” của nhà thơ Thế Lữ.

“Trời buồn làm gì trời rầu rầu

Anh yêu em xong anh đi đâu?

Lắng tiếng gió, suối, thấy tiếng khóc

Một bụng một dạ một nặng nhọc

Ảo tưởng chỉ để khổ để tủi

Nghĩ mãi gỡ mãi lỗi vẫn lỗi

Thương thay cho em căm thay anh

Tình hoài càng ngày càng tày đình.”

-Thế Lữ-

BTVHVN