Chiếc máy chữ của nhà thơ Lê Văn Vọng

Máy đánh chữ là một trong những phát minh được ứng dụng rộng rãi và gắn bó với con người khoảng 300 năm trước cho đến những năm cuối thế kỷ XX.
Trải qua nhiều biến động thăng trầm của lịch sử nhân loại, máy đánh chữ luôn là phương tiện hữu dụng trong cuộc sống. Từ chiếc máy đánh chữ, nhiều văn kiện lịch sử, những tác phẩm văn học kiệt xuất đã ra đời.
Chiếc máy đánh chữ nhà thơ Lê Văn Vọng đã sử dụng từ năm 1975 đến năm 2000

Hằng đêm, trong không gian thanh vắng, các nhà văn lại cần mẫn sáng tác cùng với chiếc máy đánh chữ. Những âm thanh lốc cốc vang lên sau nhịp gõ từ những ngón tay, chậm rãi, từng chữ, từng câu hiện dần trên những trang viết, trở thành những tác phẩm. Nhờ có công cụ hỗ trợ là máy đánh chữ những tác phẩm hay, những bài viết quý của các nhà văn, nhà thơ đã đến với bạn đọc một cách dễ dàng hơn.

Chiếc máy đánh chữ nhà thơ Lê Văn Vọng đã sử dụng từ năm 1975 đến năm 2000

Chiếc máy đánh chữ hiệu Tippa S của nhà thơ Lê Văn Vọng cũng là một trong những chiếc máy chữ như vậy. Chiếc máy có tên gọi T- A Organistation sản xuất trong những năm 1970 tại Hà Lan. Theo lời kể của nhà thơ Lê Văn Vọng, chiếc máy chữ này ông mua tại Thành phố Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh), trong thời gian tham gia lực lượng quân quản tại thành phố. Chiếc máy chữ này đã theo ông trong quá trình sáng tác văn học và biên kịch điện ảnh. Tập thơ “Người của hôm nay” là tập thơ đầu tiên ông sáng tác trên chiếc máy chữ này đã được Hội Văn học nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh trao giải nhất về thơ năm 1976 – 1977. Tiếp sau đó là tập truyện ký “Thung lũng cánh diều”, tập thơ “Cánh rừng và ngọn gió”, “Đến với tình yêu”, tiểu thuyết: “Có một người con gái”, “Nợ trần gian” và tập truyện ngắn “Đêm trắng” ra đời. Ông đã chia tay với chiếc máy chữ này vào năm 2000 để chuyển sang dùng máy tính để giúp việc sáng tác dễ dàng, tiện lợi hơn. Tuy nhiên chiếc máy đánh chữ này vẫn luôn là một kỷ vật quý trong cuộc đời sáng tác của ông, vì vậy ông luôn luôn gìn giữ và bảo quản cẩn thận cho dù “phu nhân” và các con luôn phàn nàn là giữ làm gì bừa nhà, vài lần suýt đem đi bán đồng nát.

Cán bộ BTVHVN nhận hiện vật của nhà thơ Lê Văn Vọng trao tặng

Ngày 28.3.2024, cán bộ Bảo tàng Văn học Việt Nam đến nhà riêng của nhà thơ Lê Văn Vọng để gặp gỡ và sưu tầm những hiện vật của ông. Ông đã trân trọng tặng lại chiếc máy chữ cùng một số hiện vật khác như sách, kỷ niệm chương, sổ tay ghi chép những năm ông tham gia chiến trường… để bảo tàng bảo quản và lưu giữ.

Sổ tay ghi chép của nhà thơ Lê Văn Vọng khi ở chiến trường B2 năm 1971

Nhà thơ Lê Văn Vọng sinh ngày 1.1.1947 tại xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1990 đồng thời cũng là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam.

Một số tác phẩm của nhà thơ Lê Văn Vọng

Nhà thơ Lê Văn Vọng lên đường nhập ngũ năm 1965. Ông đã sống, chiến đấu 10 năm ở chiến trường miền Đông Nam bộ và đã hai lần được trao tặng huy hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ và Dũng sỹ diệt xe cơ giới. Ông làm thơ, viết truyện và bài thơ đầu tiên được in vào năm 1969. Nhà thơ Lê Văn Vọng là tác giả nhiều tập thơ và tiểu thuyết. Tiêu biểu là các tập thơ: “Người của hôm nay”; “Mía ngọt cho ai”… bút ký “Năm tháng chưa xa”; tiểu thuyết: “Nhịp cầu”… và nhiều kịch bản điện ảnh đã được dựng thành phim.

Một số tác phẩm của nhà thơ Lê Văn Vọng

Nhà thơ Lê Văn Vọng được trao tặng nhiều giải thưởng văn học trong đó ông đã hai lần được trao tặng Giải văn học Sông Mê Kong năm 2016 và năm 2018. Năm 2023, ông vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật lần V.

Bảo tàng văn học Việt Nam trân trọng cảm ơn ông đã tin tưởng và trao tặng nhiều hiện vật quý của mình để ủng hộ công việc lưu trữ và xây dựng kho tư liệu tại bảo tàng.
BTVHVN