Bà Nguyễn Thiều Quyên, người con gái thứ ba của cố nhà văn Xuân Thiều chia sẻ: “Bố tôi viết rất nhiều và những gì bố để lại là sách truyện, bản thảo…Nhưng do điều kiện lưu trữ của gia đình không đảm bảo, khi biết đến Bảo tàng Văn học Việt Nam với các trang thiết bị đầy đủ tiêu chuẩn cho việc lưu giữ, bảo quản các tư liệu hiện vật của nhà văn và là nơi trưng bày các tư liệu nên gia đình thống nhất tin tưởng bàn giao, trao tặng lại toàn bộ những hiện vật quý của ông để lại cho bảo tàng. Hơn nữa tại Bảo tàng Văn học Việt Nam cũng đã có gian trưng bày của cố nhà văn Xuân Thiều vì vậy gia đình muốn bổ sung thêm những tư liệu, hiện vật để không gian trưng bày phong phú hơn.”
Những hiện vật, tư liệu của cố nhà văn Xuân Thiều được gia đình trao tặng tới bảo tàng: bản thảo viết tay của ông, các đầu sách đã xuất bản trong đó có những cuốn xuất bản lần đầu, sổ tay ghi chép, cặp da, băng đĩa các chương trình về ông, các huân huy chương trong thời kỳ làm việc của cố nhà văn, các bản thông tin cá nhân cùng những bài viết của các nhà văn về ông…
Nhà văn Xuân Thiều sinh năm 1930 người quê ở Hà Tĩnh. “Nhà văn Xuân Thiều là một trong những cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Sáng tác của Xuân Thiều trải rộng trên hai đề tài chính: Chiến tranh cách mạng và hậu chiến. Mảng đề tài nào Xuân Thiều cũng có những tác phẩm được viết bởi nhiều trăn trở tìm tòi về tư tưởng chủ đề cũng như một bút pháp đậm chất nhân văn trên một nền tảng tinh thần không thay đổi của một nhà văn mặc áo lính: Tôn trọng sự thật và niềm tin yêu cuộc sống.” (Lê Thành Nghị).
Nhà văn Xuân Thiều sáng tác ở nhiều thể loại: Tiểu thuyết, truyện và Ký và Tùy bút. Một số tác phẩm của ông: Truyền thuyết Quán Tiên; Xin đừng gõ cửa, Đôi vai; Huế mùa mai đỏ; Tháng ngày đã qua; Tiếng nói cảm xúc; Tư thiên…Trong đó “Truyền thuyết Quán tiên” là tác phẩm được chuyển thể sang phim Điện ảnh.