“Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Ôi, chị một em, em một chị
Trời làm xa cách mấy con sông
Em đi trăng gió đời sương gió
Chị ở vuông tròn phận lãnh cung
Chén rượu tha hương, giời: đắng lắm
Trăm hờn nghìn giận một mùa đông
Chiều nay ngồi ngắm hoàng hôn xuống
Nhớ chị làm sao, nhớ lạ lùng…”
-Nguyễn Bính-Huế tháng chạp Tân Tỵ 1941-
“Xuân Tha hương” là một trong những bài thơ của nhà thơ Nguyễn Bính và cũng chính là tiêu đề ấn phẩm được được nhà nghiên cứu, Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Đỗ Đình Thọ sưu tầm, tuyển chọn. NNƯT Đỗ Đình Thọ là người dành nhiều tâm huyết nghiên cứu về nhà thơ Nguyễn Bính và những tư liệu và nghiên cứu của ông đã góp phần làm căn cứ khoa học để Nhà nước xét truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt II năm 2000 cho nhà thơ Nguyễn Bính.
Tập thơ “Xuân tha hương” hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Văn học Việt Nam. “Xuân tha hương” gồm 69 bài thơ tình của nhà thơ Nguyễn Bính.
Khi tuyển chọn những bài thơ để in tập “Xuân tha hương” tác giả, nhà nghiên cứu, NNƯT Đỗ Đình Thọ đã chia sẻ: “Trong sự nghiệp thơ ca của Nguyễn Bính, mảng thơ Xuân và Tha hương cũng là một trong những mảng đê tài quan trọng có giá trị ngang tầm với mảng Thơ tình của ông.
Sinh ra và lớn lên ở một miền quê nằm trong cái nôi của nền văn minh vùng châu thổ sông Hồng, Nguyễn Bính yêu quê hương tha thiết trước những cảnh sắc hấp dẫn của bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, đặc biệt trước những sinh hoạt văn hóa cổ truyền tốt đẹp của ông cha ta qua ngày xuân, ngày Tết, hội làng, hội xuân đã trở thành những kỷ niệm thiêng liêng không thể thiếu được trong cuộc sống và tâm hồn của nhà thơ ngay từ thuở thiếu thời. Sinh khí của mùa Xuân đã tạo cho Nguyễn Bính sự khát vọng về tình yêu và hạnh phúc, làm cho nhà thơ rung động đến si mê trước cảnh đẹp tuyệt vời của mùa Xuân quê hương:
…“Xuân đến tình tôi nao nức quá
Như người giai tế tối tân hôn
Và say sưa quá cho nên đã
Đánh đổ trời xuân xuống suối hồn” (Vườn xuân)
…Đến khi vì hoàn cảnh bức bách Nguyễn Bính phải tha hương để mưu cầu cuộc sống thì thi tứ ấy đã được nhân lên gấp bội. Những bài thơ ông viết trong suốt thời kỳ tha hương biểu hiện một bút pháp tinh tế, điêu luyện phản ánh sau sắc khát vọng tình yêu và hạnh phúc biểu hiện đậm nét tấm lòng tha thiết với quê hương.
…“Xứ này biết mấy cô liêu
Nhớ thương nay sớm mai chiều mà thôi
Xuân về chẳng có hoa tươi
Nắng luôn cả sáu tháng trời không mưa
Ở đây ăn tết buồn chưa?
Rượu bia, hoa giấy và dưa đỏ lòng
Ba ngày tết nóng như nung
Hỏi phong vị ấy là phong vị gì?
Trót đà mang số sinh ly
Bao giờ tôi mới được về cố hương
Xuân về những nhớ cùng thương
Trời ơi! Muôn vạn dậm đường xa xôi!
Chiều ba mươi hết năm rồi
Nhà tôi, riêng một mình tôi vắng nhà
Tôi còn lận đận phương xa
Để ăn cái tết thật là vô duyên.” (Xuân về nhớ cố hương 1944)
Qua những năm tháng giang hồ, Nguyễn Bính vẫn chỉ có hai bàn tay trắng. Có chăng là cái được của một sự nghiệp thơ ca vĩnh viễn để lại cho đất nước muôn đời mai sau.” (Đỗ Đình Thọ – Xuân Kỷ tỵ 1989).
BTVHVN