Văn học cổ và chữ viết trong Bảo tàng Văn học Việt Nam

Là một quốc gia có nền văn hiến lâu đời, từ thủa dựng nước cho đến nay, dân tộc ta đã phải trải qua mấy nghìn năm đấu tranh giành độc lập, tồn tại và phát triển. Cho nên nét đặc thù của nền văn hiến nước ta chính là “chữ viết”.

Nếu tính từ thời nhà Hán trở đi (khoảng 200 năm trước công nguyên), với sự thống trị của người Hán thì văn tự hành chính, trường ốc, văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo ở nước ta đều dùng chữ Hán.

Chữ Nôm Việt hay còn gọi là chữ Nôm của người Kinh được khắc trên ván gỗ hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng văn học Việt Nam

Bởi vậy, dân tộc ta với truyền thống văn hóa có sẵn cộng thêm Hán học tiếp sức  đã hình thành nền văn học độc lập của dân tộc. Đó là nền tảng, cơ sở để cha ông ta sáng tạo ra chữ viết đầu tiên là chữ Nôm.

Chứ Nôm được viết trên giấy dó của dân tộc Dao

Sau đó, mãi đến khoảng giữa thế kỷ XIX mới có chữ La tinh của các cố đạo Tây phương truyền bá chữ Quốc ngữ vào nước ta. Năm 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi diệt giặc dốt, xóa nạn mù chữ, bình dân học vụ; từ đó toàn thể  người dân mới bắt đầu học và sử dụng thứ văn tự ngày nay.

Chữ viết của dân tộc Chăm trên lá cây Buông, trên vải, trên giấy

Khi chữ Quốc ngữ  được sử dụng làm văn tự chính thống của dân tộc ta, thì diện mạo văn học có nhiều thay đổi sâu sắc và toàn diện từ hình thức, thể loại đến nội dung sáng tác. Sự hình thành và phát triển của văn học viết đã “mở ra một thời kỳ lịch sử mới, oanh liệt, rực rỡ”. Hiện nay trong Bảo tàng văn học Việt Nam có trưng bày một số loại hình văn tự cổ và chữ viết khác nhau của các dân tộc; các văn tự này được viết và khắc trên nhiều chất liệu như:chữ Hán Nôm; chữ Nôm Tày; Nôm Dao viết trên giấy dó, vải, gỗ, đá, đồng; chữ Chăm; Khmer viết trên lá Buông; chữ Thái viết trên lá Pớ Lang.

 

                                                                                    Nguyễn Thái Sơn