Quần Tín – “Địa chỉ đỏ” của văn học, nghệ thuật trong kháng chiến chống Pháp

Làng Quần Tín, xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa từng được coi là “địa chỉ đỏ” cho đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức nổi tiếng đương thời. Từ năm 1947- 1954, làng Quần Tín đã được chọn làm nơi ở và hoạt động của Hội Văn nghệ  Việt Nam (tiền thân của Ủy ban toàn quốc các hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam). 

Lớp nhà văn kháng chiến liên khu IV tại Quần Tín, Thanh Hóa năm 1948

          Thực hiện chủ trương đào tạo văn nghệ, các lớp văn hóa kháng chiến đầu tiên được mở ở đây, do nhà văn Đặng Thai Mai làm hiệu trưởng với sự tham gia giảng dạy của nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như các nhà nghiên cứu Tôn Quang Phiệt, Đào Duy Anh, nhà lý luận phê bình Hải Triều, các nhà văn Nguyễn Tuân, Vũ Ngọc Phan, các nhà thơ Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh…Ngoài ra, nhiều nhà chính trị cũng từng tham gia giảng dạy và nói chuyện như các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh, Hồ Tùng Mậu,  Nguyễn Sơn, Phạm Ngọc Thạch…

Lớp nhà văn kháng chiến liên khu IV tại Quần Tín, Thanh Hóa năm 1948

          Chính tại đây, nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng ra đời và ghi dấu ấn đậm nét trên văn đàn Việt Nam như: “Màu tím hoa sim” của nhà thơ Hữu Loan, “Bài ca vỡ đất” của nhà thơ Hoàng Trung Thông, “Đêm nay Bác không ngủ” của nhà thơ Minh Huệ, “Phá đường” của nhà thơ Tố Hữu, “Đường vui”“Tình chiến dịch” của nhà văn Nguyễn Tuân…

          Xưởng Mỹ thuật Liên khu IV do họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ phụ trách với sự tham gia của nhiều họa sĩ nổi tiếng như: Sỹ Ngọc, Văn Đôn, Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Như Hoành…đã hoạt động sôi nổi. Nhiều tác phẩm mỹ thuật cũng được ấp ủ và hình thành như: “Tình quân dân” của Nguyễn Sỹ Ngọc, “Du kích Cảnh Dương” của Nguyễn Văn Tỵ – Phạm Văn Đôn, “Hạnh phúc” của Nguyễn Thị Kim…Ngoài ra xưởng còn tổ chức triển lãm, mở các lớp dạy vẽ và tham gia giảng dạy cho các khóa học văn nghệ kháng chiến.

Lớp nhà văn kháng chiến liên khu IV tại Quần Tín, Thanh Hóa năm 1948

Các đoàn văn nghệ lưu động kịch, múa, kèn đồng …được thành lập và hoạt động tích cực, đi đến nhiều nơi biểu diễn, tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, của cách mạng phục vụ cho kháng chiến quốc.

          Làng Quần Tín không chỉ là nơi che chở, bao bọc và rèn luyện cho các văn nghệ sỹ mà còn là nơi ở của các gia đình văn nghệ sĩ tản cư như gia đình các nhà văn Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Tuân…và trở thành nơi ươm mầm cho các tài năng văn nghệ trong những năm kháng chiến chống Pháp./.

Chu Thị Hòa