Chiếc áo len của nhà thơ Thanh Quế

Bảo tàng Văn học Việt Nam giới thiệu với các bạn chiếc áo len của nhà thơ Thanh Quế đã sử dụng từ năm 1971 đến 1975 khi tham gia chiến trường khu 5. Trong suốt những năm tháng chiến đấu ấy, chiếc áo len này không chỉ giữ ấm bảo vệ sức khoẻ cho nhà thơ mà nó còn là nguồn động viên tinh thần ấm áp cho người chiến sĩ ấy. Đây chính là món quà của mẹ gửi từ vùng tạm chiến lên căn cứ cho ông. Mặc dù chỉ là chiếc áo gile bình thường nhưng nó là một thứ vô cùng quý giá với ông và ông đã trân trọng giữ gìn suốt bao năm tháng cho đến tận ngày nay. Khi biết được Bảo tàng Văn học Việt Nam có nhiệm vụ sưu tầm, trưng bày, lưu giữ các hiện vật của nhà văn, nhà thơ thì ông đã nhiệt tình ủng hộ những hiện vật quý giá của mình để bảo tàng ngày một phong phú hiện vật và để các thế hệ sau này, khách tham quan được thấy một phần nào những giá trị từ tác phẩm đến đời sống vật chất của các thế hệ trước mỗi khi đến với bảo tàng.
Nhà thơ Thanh Quế tên khai sinh là Phan Thanh Quế là một nhà thơ, nhà văn đương đại sinh ngày 26 – 2 -1945 tại làng Phú Thạnh, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng nhưng không ai theo nghiệp văn chương. Năm 1954, ông theo gia đình tập kết ra Bắc, học tại Trường học sinh miền Nam rồi ông đậu vào khoa Sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau tốt nghiệp ông trở thành cán bộ nghiên cứu của Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương. Hai năm sau, ông vào chiến trường khu 5 và được phân về công tác ở báo Cờ Giải phóng khu V sau đó chuyển làm phóng viên chiến trường cho tạp chí Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ. Từ đây, cuộc đời và tác phẩm của ông gắn liền với Quảng Nam – Đà Nẵng. Sau khi hòa bình lập lại, ông tham gia Trại sáng tác Văn học Quân khu 5 và làm biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Từ 1983-1996 ông làm Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Nam – Đà Nẵng và năm 1997, ông trở thành Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn hóa Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà văn Đà Nẵng kiêm Tổng biên tập tạp chí Non Nước cho đến khi về hưu. Ông còn từng là đại diện Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn) tại miền Trung, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khóa XI).
Ông là tác giả của 13 tập thơ và trường ca, 24 tập tiểu thuyết, truyện dài, truyện vừa, truyện ngắn và 4 tập chân dung văn nghệ trong đó có tiểu thuyết “Cát cháy” và tập thơ “Những tháng năm vay mượn” đã đạt được các giải thưởng văn học. Năm 2012, ông đã được nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
Bảo tàng Văn học Việt Nam trân quý và cảm ơn những tình cảm, sự ủng hộ của nhà thơ Thanh Quế dành cho bảo tàng.
BTVHVN