Nhà văn Mạc Phi – Tác giả bản dịch “Tiễn dặn người yêu” – dân tộc Thái

Chân dung nhà văn Mạc Phi

Nhà văn Mạc Phi tên thật là Lưu Huy Hòa, sinh ngày 18.8.1928 tại huyện Mông Tự, châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Quê gốc tại xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Đông (nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội). Ông mất ngày 19.5.1996 tại Hà Nội.

Nhà văn Mạc Phi là cây bút gắn bó bền bỉ và sâu sắc nhất với Tây Bắc và cũng gặt hái được nhiều thành quả nhất về Tây Bắc. Giai đoạn đầu trong sự nghiệp văn chương ông chủ yếu sưu tầm, biên dịch và giới thiệu sách về sáng tác của các dân tộc thiểu số. Ông đã lần lượt cho xuất bản tác phẩm sáng tác, khảo cứu, dịch thuật về văn hóa và văn nghệ Tây Bắc, trong đó có các công trình nổi tiếng như: Xống chụ xôn xao (Tiễn dặn người yêu, truyện thơ dân tộc Thái, 1961); Gầu Ua nhéng  (Tiếng hát làm dâu, truyện thơ dân tộc Mông, 1963); Chàng Lú và Nàng Uả (truyện cổ tích dân tộc Thái, 1964); … Các bản dịch hoàn hảo đã gây xúc động lớn và ghi nhận đóng góp có ý nghĩa của ông trong việc sưu tầm, dịch, giới thiệu di sản văn hóa của các dân tộc anh em. Nhà văn Mạc Phi được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật đợt I năm 2001.

Theo các nhà nghiên cứu: “Tiễn dặn người yêu” là một kiệt tác nghệ thuật dân gian có giá trị nhân đạo sâu sắc”, là truyện thơ hay nhất trong kho tàng truyện thơ của các dân tộc ít người, một tác phẩm lớn trong nền văn học Việt Nam. Với mọi thế hệ người Thái Tây Bắc, “Xống chụ son sao” là quyển sách quí nhất trong mọi quyển sách quí!

Hiện nay tại Bảo tàng Văn học Việt Nam lưu giữ cuốn truyện thơ “Tiễn dặn người yêu” xuất bản bới Nhà xuất bản Văn hóa.

“Tiễn dặn người yêu” (Xống Chụ Son Sao) là truyện thơ dân gian của dân tộc Thái ở Tây bắc Việt Nam được thể hiện bằng thể thơ hát “khắp”.

Truyện kể về đôi trai gái biết nhau từ trong bụng mẹ. Họ sinh ra cùng một giờ, một ngày và ở cùng một bản. Họ yêu nhau từ thuở ấu thơ.

Lớn lên, chàng trai xin cưới nàng, nhưng cha mẹ nàng chê chàng trai nghèo, ép gả nàng cho con trai nhà giàu. Chàng trai ra đi làm ăn xa, với hy vọng sẽ cưới được nàng.

Khi quay về, đúng lúc chàng trai nhìn người yêu về nhà chồng. Chàng trai chạy theo gặp người yêu. Để kéo dài những giây phút gặp mặt, anh tiễn đưa chị và hẹn ước sẽ lấy nhau. Cuộc tiễn dặn của đôi tình nhân trong đau đớn tột cùng. Họ vẫn son sắt thề nguyền:

Không lấy được nhau mùa hạ,

Ta sẽ lấy nhau mùa đông

Không lấy được nhau thời trẻ,

Ta sẽ lấy nhau khi góa bụa về già…

Cô gái bị chồng hắt hủi, đánh đập, chàng trai vẫn đến an ủi, chăm sóc. Cuối cùng, nàng bị nhà chồng đuổi về, bị bán cho nhà quan.

Nàng rơi vào hoàn cảnh bi phẫn bội phần, bị đem ra chợ đổi với giá một cuộn lá dong. Chàng trai vô tình gặp nàng và họ nhận ra nhau qua tiếng khèn môi.  Chàng trai đưa người yêu về nhà họ sống hạnh phúc sau bao năm xa cách, đau đớn và tủi nhục.

“Tiễn dặn người yêu” đề cao tình yêu chung thủy thông qua câu chuyện tình của đôi trai gái với nhiều tình tiết éo le. Truyện phảng phất Truyện Kiều của người Việt với những mâu thuẫn đẩy lên bi kịch, cách giải quyết theo hướng lý tưởng: kết thúc bằng cảnh đoàn viên, hai người yêu thương nhau như buổi ban đầu. Cô gái trải qua bao trầm luân mới gặp lại người yêu cũ.

Ngoài nội dung truyện tình yêu, “Tiễn dặn người yêu còn phản ánh xã hội Thái cổ đại với quan hệ chủ tớ, về phong tục ở rể, phong tục cưới xin và về thân phận người phụ nữ…

Tiễn dặn người yêu mang giá trị nhân đạo sâu sắc, là một truyện thơ hay trong kho tàng truyện thơ của các dân tộc ít người Việt Nam.

BTVHVN