Nhà thơ Trần Đăng Khoa chọn một ngày đặc biệt để tặng hiện vật cho Bảo tàng.

     Đúng ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21 tháng 6 năm 2023 Nhà thơ Trần Đăng Khoa – Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn quyết định tặng Bảo tàng chiếc Vali đã gắn bó với ông trong nhiều chuyến hành trình đi và viết.
    Ông kể: Năm 2011 nhân chuyến sang Santiago Chi lê và đến thăm nhà của Pablo Neruda (1904-1973); (bút danh của Ricardo Eliecer Neftalí Reyes Basoalto – tác gia và chính trị gia người Chilê, giải Nobel Văn học 1971) trên đường về ghé vào cửa hàng bán đồ châu Âu thấy chiếc vali rất đẹp, nhỏ, gọn, nhẹ phù hợp với mình dù giá không hề rẻ nhưng ông vẫn quyết định mua làm kỷ niệm.
    “Chiếc vali đã đi cùng tôi tới rất nhiều nước: Mông Cổ, Cu Ba…nhưng chuyến đi gần đây nhất là Palestine (tôi vẫn để lại tờ giấy dán của hàng không sau chuyến đi này)”. Chúng tôi thấy lạ khi đi công tác nước ngoài thường ai cũng mang vali rất to mà tại sao ông chỉ dùng cái vali nhỏ này? Ông nói, ông rất thích dùng nó vì đi đâu hành lý cũng rất nhỏ, gọn. Ông chỉ cần vài bộ quần áo và vật dụng cá nhân là đủ dù chuyến đi dài hay ngắn. Một lý do nữa là ông chủ trương không mua sắm đồ gì ở nước ngoài cùng với việc rất “ú ớ” trong việc mua bán nên chiếc vali này lại càng hợp với ông.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa
   Nhà thơ kể: “Tôi vừa mới sắm một chiếc vali mới kích thước cũng như cái này nên tôi quyết định tặng lại Bảo tàng để làm phong phú thêm kho hiện vật của Bảo tàng văn học Việt Nam”
    Nhà thơ Trần Đăng Khoa sinh vào tháng 4 năm 1958 tại huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
   Thuở nhỏ, Nhà thơ đã nổi tiếng với khả năng văn chương xuất sắc và được mệnh danh là Thần đồng thi ca Việt Nam. Tác phẩm đầu tay của ông là Con bướm vàng được đăng trên báo khi mới 8 tuổi, đến năm 10 tuổi, tập thơ đầu tiên Từ góc sân nhà em được ra đời.
   Năm 1968 ông sáng tác bài thơ “Hạt gạo làng ta” bài thơ này đã được Nhà thơ Xuân Diệu hiệu đính và nhạc sĩ Trần Viết Bính phổ nhạc vào năm 1971.
   Trong khi đang theo học lớp 10 tại trường phổ thông cấp 3 Nam Sách, Trần Đăng Khoa xin nhập ngũ và tham gia chiến đấu ở Tiểu đoàn 691, Trung đoàn 2 Quân tăng cường Hải Hưng. Việc tham gia quân đội là nguồn cảm hứng để ông sáng tác nhiều tác phẩm về đề tài người lính.
   Sau khi đất nước thống nhất, Trần Đăng Khoa về nhận nhiệm vụ tại quân chủng hải quân để tiếp tục con đường binh nghiệp của mình. Sau đó, ông được cử đi du học tại Viện Văn học Thế giới M. Gorki thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Nga để nâng cao kiến thức và kỹ năng về văn chương.
    Về nước, Trần Đăng Khoa tiếp tục công tác tại một số đơn vị trong Quân đội trước khi về làm việc tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội vào năm 1994. Ông từng đảm nhiệm vai trò Trưởng ban Văn học Nghệ thuật và Giám đốc hệ phát thanh có hình VOVTV của Đài tiếng nói Việt Nam. Hiện tại, ông là Bí thư Đảng ủy – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình ông đã nhận được rất nhiều giải thưởng lớn như giải thưởng thơ của báo Thiếu niên Tiền phong trong giai đoạn từ năm 1968 đến 1971, Giải nhất báo Văn nghệ năm 1982, và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2000…
   Hơn 50 năm miệt mài sáng tác ông đã xuất bản hơn 20 tập thơ và trường ca đầy sức sống như Bên cửa sổ máy bay, tập thơ năm 1986, Khúc hát người anh hùng, trường ca năm 1974, Chân dung và đối thoại, tiểu luận phê bình năm 1998, Đảo chìm, tập truyện – ký, được tái bản 25 lần chỉ tính đến năm 2019. Bên cạnh đó còn có một số tập bút ký và tiểu luận phê bình hay bài “Thơ tình người lính biển” đã được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất vẫn là các tập thơ từ khi còn bé như Từ góc sân nhà em và Góc sân và khoảng trời, đặc biệt đến nay cuốn Góc sân và khoảng trời đã tái bản đến lần thứ 153.
Cảm ơn Nhà thơ đã dành chút thời gian quý báu để trao tặng hiện vật cho Bảo tàng trong một ngày đầy ý nghĩa này. Nhân kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng văn học Việt Nam chúc ông thật nhiều sức khỏe để đi thực tế và sáng tác được nhiều tác phẩm đóng góp cho nền văn học nước nhà.
Nhật Lê