Nhà thơ Huy Cận với tác phẩm “Lửa thiêng”

Lửa thiêng là tập thơ đầu tay của nhà thơ Huy Cận, ra mắt bạn đọc vào tháng 11 năm 1940 (nhà xuất bản Đời Nay của nhóm Tự lực Văn Đoàn in ấn và phát hành). Tập thơ do họa sĩ Tô Ngọc Vân trình bày bìa với lời tựa của nhà thơ Xuân Diệu.

Tập thơ “Lửa thiêng ra đời khi nhà thơ đang ở độ tuổi hai mươi – tuổi trẻ giàu sức sống, giàu khát vọng nhưng đặt trong bối cảnh xã hội của nước ta lúc bấy giờ cùng sự ra đời của phong trào Thơ mới, thơ ca đều thể hiện cái tôi cá nhân, đều mang những nỗi buồn nhân thế. Huy Cận cũng không ngoại lệ, sáng tác “Lửa thiêng mang một “cái tôi” cá nhân mới của nhà thơ được gửi gắm trong đó thể hiện phong cách nghệ thuật đặc sắc của ông.

Với 50 bài thơ trong tập thơ Lửa thiêng có thể đó là 50 ca khúc, 50 tâm sự thể hiện con người cá nhân của Huy Cận trước Cách mạng – đó cũng là tâm trạng chung của các nhà thơ trong phong trào Thơ mới.

Tập thơ “Lửa thiêng được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao về cả nội dung và nghệ thuật. Cho đến nay, nó vẫn được coi là một viên ngọc quý của thơ Việt Nam, cũng như một tác phẩm ưu tú nhất trong sự nghiệp của Huy Cận.

Đến với Bảo tàng Văn học Việt Nam, tại gian trưng bày về nhà thơ Huy Cận, khách tham quan có thể thấy được tác phẩm “Lửa thiêng được trưng bày tại đây.

Cuốn “Lửa thiêng” trưng bày tại Bảo tàng Văn học Việt Nam là cuốn in năm 1967 do Nhà xuất bản Hoa Tiên xuất bản. Lần xuất bản này, toàn bộ phần lời tựa của nhà thơ Xuân Diệu cũng là lời tựa đã được in trong cuốn xuất bản năm 1940. Bên cạnh đó, cuốn “Lửa thiêng xuất bản năm 1967 còn có thêm phần giới thiệu về nhà thơ Huy Cận của Hoài Thanh – Hoài Chân viết năm 1941.

Ngoài cuốn “Lửa thiêng” thì trong không gian trưng bày về nhà thơ Huy Cận, khách tham quan còn thấy được nhiều hiện vật khác như cuốn: “Hai bàn tay em” in năm 1967; “Những năm 1960” in năm 1968; “Chiến trường gần chiến trường xa” in năm 1973, bài thơ “Ngậm ngùi” in trên báo Ngày nay số 161 năm 1939…

 

                                                                   BTVHVN