Nghề làm giấy Dó ở Việt Nam

Trong khu trưng bày tầng một tại Bảo tàng Văn học Việt Nam, du khách ngoài việc thấy được tiến trình phát triển chữ viết của dân tộc ta qua các thời kỳ sẽ thấy một phần trưng bày về nghề làm giấy Dó tại Việt Nam. Phần trưng bày tái hiện lại các công đoạn làm giấy Dó để du khách biết đến một công việc mặc dù vất vả, nặng nhọc nhưng nhờ có nó mà rất nhiều tác phẩm văn chương giai đoạn Cổ – Trung đại Việt Nam được viết trên giấy Dó và lưu lại cho đến ngày nay. Du khách sẽ thấy lại được hình ảnh những cây Dó tươi, vỏ cây Dó được mang từ miền ngược dọc triền sông Thao, Vũ Ẻn về, thấy bể nước để thả seo vào thành thứ nước sền sệt, thấy chiếc liềm seo dùng để tráng và hình thành nên những trang giấy.
Gian trưng bày về Nghề làm giấy Dó tại Bảo tàng Văn học Việt Nam
Ở Việt Nam nghề làm giấy Dó xuất hiện vào khoảng những thế kỷ III, V ở làng Yên Thái, Tây Hồ, Hà Nội. Trong sách Dư địa chí năm 1435, Nguyễn Trãi đã nhận xét: “Đương thời phường Yên Thái (Bưởi) chuyên làm giấy. Thợ ở đây có thể làm được giấy thị, giấy lệnh, còn làng Nghĩa Đô chuyên làm giấy sắc mầu, ngả vàng vẽ rồng và mây gọi là giấy long án”.
Để làm giấy Dó người ta sử dụng sáu loại cây chính là: Dó, Bo, Cãnh, Dướng, Mật và Mộc. Với giấy Dó lụa thì người ta chỉ sử dụng vỏ cây Cãnh còn vỏ cây Mộc là loại vỏ xấu, thô thường được dùng làm giấy gói hàng.
Cây Dó – nguyện liệu chính để làm giấy Dó
Các loại cây trên khi lấy về được san thành từng bó nhỏ và ngâm trong nước sạch để loại bỏ bụi bẩn và tạp chất. Sau đó cho vào nước vôi loãng ngâm khoảng nửa buổi để cho nước vôi thấm đều vào lớp vỏ cây. Tiếp đó, người thợ tiến hành muối vôi vỏ cây để sau này khi tráng (seo) giấy thì bột mềm không bị nát. Vỏ này được muối vôi khoảng một ngày thì được đem ra sông rửa sạch chất vôi, để ráo và cho vào vạc lớn để đồ vỏ. Công đoạn xử lý nguyên liệu này thường mất từ hai đến ba ngày và có một gia đình trong làng chuyên nhận đảm trách công việc này. Thời kỳ nghề giấy thịnh vượng nhất ở làng có tận 4 lò đồ vỏ được đặt ngay bên ao làng, làm suốt ngày đêm mà vẫn không đủ nguyên liệu cho làng dùng.
Các vỏ cây sau khi được đồ trở nên mềm, dẻo và dai. Người thợ lúc này vớt lên mang về đạp (nếu vỏ cây Dó thì lột). Thông thường lớp vỏ ngoài sần sùi sẽ cho sợi tơ giấy thô, cứng nhưng càng vào lớp trong sợi tơ sẽ mỏng và mịn hơn. Đây chính là loại sợi tơ tốt nhất dùng để làm giấy Dó lụa. Sau công đoạn đạp vỏ để lọc vẩy, người thợ tiếp tục cho tơ vào ngâm trong bể hòa với vôi để đảm bảo đủ độ bở của tơ, sau đó đem phá bìa, đánh tơ vào trang giấy. Công đoạn tráng giấy chủ yếu do phụ nữ làm. Nước dùng tráng giấy pha thêm nhựa của cây Mò để tạo độ nhớt giúp bột giấy không bị đọng lại đồng thời để tạo chất kết tủa.
Bể nước để làm giấy Dó
Dụng cụ tráng giấy được làm từ những nan tre hoặc đồng (liềm seo) có nhiều nan đan lại với nhau, người thợ dùng liềm seo cho vào bể bột giấy và tiến hành tráng giấy. Những sợi tơ bám vào các mắt lưới ngang, dọc chồng chéo nhau tạo nên một lớp giấy mỏng, dai như lụa. Tráng xong giấy thì tiến hành ép cuốn, sau đó bóc uốn và cho vào lò can giấy với thời gian “chừng một gánh rơm” (cách dùng từ của người thợ làm giấy xưa) là được.
Giấy Dó
Nghề giấy phát triển góp phần thúc đẩy nghề in mộc bản từ thời Lý, các nhà sư đã khắc rất nhiều ván in cho nhà chùa để in kinh Phật. Năm 1736, đời vua Thuận Tông nhà Lê, chúa Trịnh Giang đã cho in Tứ thư, Ngũ kinh bằng giấy sản xuất trong nước, không phải mua của Trung Hoa nữa. Và với sự phát triển của nghề làm giấy đã giúp cho nhiều tác phẩm xưa được lưu giữ cho đến hôm nay.
BTVHVN