Chiếc rương da của nhà thơ Quách Tấn

Nhà thơ Quách Tấn sinh năm 1910, mất năm 1992, tự là Đăng Đạo, hiệu Trường Xuyên, các tiểu hiệu là Định Phong, Cổ Bàn Nhân, Thi Nại Thị, Lão giữ vườn là một nhà thơ Việt Nam. Ông cùng với Hàn Mặc TửYến LanChế Lan Viên được người đương thời ở Bình Định gọi là Bàn thành tứ hữu, nghĩa là Bốn người bạn ở thành Đồ Bàn.

Khi mất đi, ông đã để lại nhiều hiện vật cho gia đình trong đó có chiếc Rương bọc da rất quý mà con trai nhà thơ đã tặng lại cho Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Chiếc rương bằng da của nhà thơ Quách Tấn

Ông Quách Giao, con trai nhà thơ Quách Tấn kể lại:

“Năm 1939, thân phụ tôi làm ở tòa án sứ Nha Trang có đến làm biên bản kê khai đồ vật trong nhà của một người Pháp tên là Durand cư ngụ tại đường Công Quán (nay là đường Hoàng Văn Thụ) chết tại Việt Nam. Trong đồ vật liệt kê có một chiếc rương da. Thân phụ tôi buột miệng khen chiếc rương này đẹp. Liệt kê xong ngôi nhà được niêm phong. Vài tháng sau thì có văn thư ở Sài Gòn gửi ra cho biết trong chúc thư ông Durand có ghi là ngôi nhà và đồ vật trong nhà ông cho người vợ Việt Nam hiện ở Nha Trang thừa hưởng. Lệnh niêm phong được xé bỏ. Sau đó khoảng một tuần khi đi làm về thân phụ tôi thấy có bác phu xe cõng chiếc rương da này vào nhà. Người đưa chiếc rương da chỉ nói là bà chủ nhà thuê đem chiếc rương đến biếu ông. Ông hết sức từ chối song người đem rương chỉ cho biết là nếu đem rương về thì bà chủ sẽ đích thân đem đến. Bất đắc dĩ, phụ thân tôi phải nhận. Từ đó, ông dùng rương để đựng bản thảo thơ văn.

 Năm 1945, vì tình hình Mỹ, Nhật đánh nhau nên gia đình tôi phải tản cư về quê ngoại ở Phú Phong, Bình Định. Gia đình tôi đã sống ở đây suốt 9 năm kháng chiến.

 Tại Nha Trang, ngôi nhà không người ở nên kẻ gian xâm nhập lấy hết vật dụng. Toàn bộ bản thảo của thân phụ tôi và các bạn bè như Yến Lan, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê đều bị mất.

 Năm 1954, gia đình tôi trở lại Nha Trang. Một vài vật dụng những người xung quanh đã cất dùm cho gia đình, khi đó đem trả lại như bộ salon, tủ sách và nhất là chiếc rương. Tuy nhiên, toàn bộ bản thảo trong rương đã không còn. Thân phụ tôi lại dùng chiếc rương cùng với tủ con đựng tài liệu về văn chương. Chiếc rương bao giờ phụ thân tôi cũng để ở đầu giường, bên trong đựng bản thảo, bên trên để sách vở và bàn máy đánh chữ để hằng ngày tiện dùng.

 Khi thân phụ tôi mất đi, gia đình tôi vẫn giữ lại những kỷ vật của cha. Chiếc rương bên trong vẫn chứa bản cảo của bạn bè và của phụ thân tôi.”

Nhà thơ Quách Tấn thuở nhỏ học Hán học sau học Quốc ngữ và Pháp văn. Năm 1929 ông thi đỗ cao đẳng Tiểu học Quy Nhơn. Ông có năng khiếu thơ từ nhỏ nên năm 22 tuổi được nhà thơ Tản Đà, Phan Bội Châu khuyến khích nên bước vào con đường văn học. Năm 1933, ông đã có thơ đăng trên An Nam tạp chí, Phụ nữ tân văn, Tiếng dân và Tiểu thuyết thứ bảy… Ông từng được thi sĩ Tản Đà khen khi bình bài Đến thăm vườn cũ cảm tác của ông. Tản Đà viết: “Nói về bên tình thì rất lâm ly mà nói về bên tài cũng đến thế là hay.”

Một số tác phẩm chính của nhà thơ Quách Tấn đã xuất bản: Thơ: Một tấm lòng (1939); Mùa cổ điển (1941); Đọng bóng chiều (1965); Mộng Ngân sơn (1966); Giọt trăng (1973); Trăng hoàng hôn (1999); Tuyển tập thơ Quách Tấn (do Quách Giao (con trai ông) tuyển chọn, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành năm 2006). Văn: Trăng ma lầu Việt; Nước non Bình Định; Xứ Trầm hương; Đời Bích Khê; Đôi nét về Hàn Mặc Tử; Họ Nguyễn thôn Vân Sơn…Tác phẩm dịch: Lữ Đường Thi tuyển dịch; Tố Như thi; Ngục trung thư; Nghìn lẻ một đêm. Ngoài ra ông viết chung với con trai là Quách Giao các tập Nhà Tây Sơn (xuất bản năm 1988, được tái bản nhiều lần); Võ nhân Bình Định (Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2001); Đào Tấn và Hát bội Bình Định (xuất bản năm 2007).

Con trai nhà thơ Quách Tấn trao tặng kỷ vật gắn bó với cha mình cho Bảo tàng Văn học Việt Nam với mong muốn tại bảo tàng kỷ vật của cha ông sẽ được lưu giữ và bảo quản tốt hơn.

BTVHVN