Chiếc đồng hồ treo tường của nhà thơ Quách Tấn

Cảnh Giới Duy Ma

Ngày qua chầm chậm vách kim thinh

Cảnh giới duy ma mình với mình

Hoa trải tờ thơ hương lạnh lạnh

Trăng cài nhánh mộng bóng xanh xanh

Rằng mộng rằng hư hư vẫn thực

Sống cùng thiên cổ bướm Trang Sinh.

– Quách Tấn-

Chân dung nhà thơ Quách Tấn

Đây là bài thơ được nhà thơ Quách Tấn sáng tác năm 1992 trước khi ông mất không lâu. Đó là khoảng thời gian mắt ông không còn nhìn thấy được vì vậy chính tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo tường trong phòng đã làm bạn với ông cả ngày lẫn đêm và là nguồn cảm hứng để ông viết nên bài thơ này.

Chiếc đồng hồ treo tường đã gắn bó với nhà thơ Quách Tấn

Ông Quách Giao con trai nhà thơ chia sẻ:

“Nguyên đây là chiếc đồng hồ quà cưới của người con gái thứ 9 tên là Tường Vi. Sau ngày đất nước thống nhất em Tường Vi đưa gia đình gồm 3 người con gái về sống cùng gia đình thân phụ tôi, song không được bao lâu thì mẹ con cùng mất. Từ đó chiếc đồng hồ luôn luôn được treo trong phòng ngủ của thân phụ tôi. Năm 1987 thân phụ tôi bị mù. Tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ làm bạn với thân phụ tôi cả ngày lẫn đêm. Âm thanh của nó sống mãi trong bài thơ. Ngày thân phụ tôi mất (2/12/1992) tự nhiên chiếc đồng hồ rơi xuống làm mặt kính rạn nứt. Chúng tôi đã gói lại cẩn thận và cất đi.”

Chiếc đồng hồ treo tường đi vào bài thơ Cảnh Giới Duy Ma của nhà thơ Quách Tấn là kỷ vật vô cùng ý nghĩa của gia đình ông. Với mong muốn những kỷ vật của cha mình sẽ được lưu giữ và bảo quản tốt nhất, gia đình nhà thơ đã trao tặng cho Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Nhà thơ Quách Tấn sinh năm 1910, mất năm 1992, tự là Đăng Đạo, hiệu Trường Xuyên, các tiểu hiệu là Định Phong, Cổ Bàn Nhân, Thi Nại Thị, Lão giữ vườn là một nhà thơ Việt Nam. Ông cùng với Hàn Mặc TửYến LanChế Lan Viên được người đương thời ở Bình Định gọi là Bàn thành tứ hữu, nghĩa là Bốn người bạn ở thành Đồ Bàn.

Nhà thơ Quách Tấn thuở nhỏ học Hán học sau học Quốc ngữ và Pháp văn. Năm 1929 ông thi đỗ cao đẳng Tiểu học Quy Nhơn. Ông có năng khiếu thơ từ nhỏ nên năm 22 tuổi được nhà thơ Tản Đà, Phan Bội Châu khuyến khích nên bước vào con đường văn học. Năm 1933, ông đã có thơ đăng trên An Nam tạp chí, Phụ nữ tân văn, Tiếng dân và Tiểu thuyết thứ bảy…

Một số tác phẩm chính của nhà thơ Quách Tấn đã xuất bản: Thơ: Một tấm lòng (1939); Mùa cổ điển (1941); Đọng bóng chiều (1965); Mộng Ngân sơn (1966); Giọt trăng (1973); Trăng hoàng hôn (1999); Tuyển tập thơ Quách Tấn (do Quách Giao (con trai ông) tuyển chọn, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành năm 2006). Văn: Trăng ma lầu Việt; Nước non Bình Định; Xứ Trầm hương; Đời Bích Khê; Đôi nét về Hàn Mặc Tử; Họ Nguyễn thôn Vân Sơn…Tác phẩm dịch: Lữ Đường Thi tuyển dịch; Tố Như thi; Ngục trung thư; Nghìn lẻ một đêm. Ngoài ra ông viết chung với con trai là Quách Giao các tập Nhà Tây Sơn (xuất bản năm 1988, được tái bản nhiều lần); Võ nhân Bình Định (Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2001); Đào Tấn và Hát bội Bình Định (xuất bản năm 2007).

BTVHVN