Nhà thơ BẢO ĐỊNH GIANG (1919 – 2005)

Nhà thơ Bảo Định Giang

1. TIỂU SỬ

Nhà thơ Bảo Định Giang tên thật là Nguyễn Thanh Danh với các bút danh Nguyễn Thanh, Thu Thủy, Văn Kỳ Thanh, Nguyễn Tịnh Hà. Ông sinh năm 1919, xuất thân trong một gia đình địa chủ phá sản. Quê gốc tại xã Mỹ Thiện, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Thuở nhỏ ông đi học ở Mỹ Phong, huyện Chợ Gạo, Mỹ Tho, học chữ Hán thầy Phan Văn Viên, cháu gọi Phan Đình Phùng bằng bác ruột và tốt nghiệp trung học thời Pháp thuộc.

2. QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC

Từ năm 1939, Bảo Định Giang cùng với bác sĩ Dương Tấn Tươi sáng lập Hội khuyến học tỉnh Mỹ Tho. Cách mạng tháng Tám 1945 bùng nổ, ông tham gia cướp chính quyền, nhận những công tác cách mạng yêu cầu.

Đầu kháng chiến chống Pháp (năm 1946), ông được cử làm Trưởng đoàn tuyên truyền lưu động Chiến khu 8, đi khắp các tỉnh miền Trung Nam Bộ biểu diễn văn nghệ, ra báo địa phương. Năm 1947, đi tuyên truyền lưu động về, ông được cử làm Trưởng đoàn tuyên truyền Khu 8 và sau đó kiêm chủ bút báo Tổ quốc, cơ quan của quân dân chiến Khu 8. Ông cùng anh em làm thêm những số báo không định kỳ để đăng sáng tác, được hoan nghênh nhất là tập san Xuân hè Đồng Tháp. Cuối năm 1949, ông được điều động lên làm Trưởng ban tuyên truyền Bộ tư lệnh Nam Bộ, được cử làm Phân hội trưởng Đồng Tháp Mười thuộc Chi hội văn nghệ Nam Bộ, rồi làm Chi hội phó Chi hội.

Vào thời gian cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, ông được điều ra miền Bắc, công tác ở Ban Tuyên huấn Trung ương. Hòa bình lập lại, ông vẫn hoạt động trong ngành tuyên truyền, văn nghệ và văn học. Ông là trong những hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Ông từng đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lý văn nghệ như: Phó Tổng thư ký Hội văn nghệ Việt Nam, Vụ phó Vụ văn nghệ Ban tuyên huấn Trung ương, Tổng biên tập báo Văn nghệ, Phó Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam.

Sau khi đất nước thống nhất, ông trở về miền Nam công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh đảm nhận các chức vụ Giám đốc Nhà xuất bản Văn nghệ giải phóng, Tổng biên tập báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học và Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Phó chủ tịch Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học và Nghệ thuật Việt Nam (khóa V). Ông mất ngày 10-02-2005.

3. TÁC PHẨM

Thơ:

Đường giải phóng (1977)

Đêm huyền diệu (1985)

Dòng sông cuộc đời (1986)

Mây trắng bến Nhà Rồng (1989)

Sen đồng (1990)

Trong mỗi trái tim (1993)

Thuyền chở đạo (1994)

Ca dao:

Ca dao Đồng Tháp (1947)

Ca dao gọi lính (1948)

Ca dao sau giải phóng (1987)

Mây trắng bến Nhà Rồng (1989)

Ca dao Bảo Định Giang (1990)

Đảng, Lời nguyền (1991)

Kịch:

Hả dạ (1948)

Đồng xanh máu đỏ (1948)

Những bàn tay xây dựng (1949)

Để quốc Mỹ sa lầy

Đường giải phóng (1970)

Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga (kịch bản phim, 1990);

Nghiên cứu, phê bình:

Thơ, văn yêu nước Nam Bộ nửa cuối thế kỷ XIX (nghiên cứu, 1962)

Mấy vấn đề văn nghệ yêu nước và cách mạng (nghiên cứu, 1964)

Nguyễn Thông, con người và tác phẩm (cùng với Ca Văn Thỉnh (1984)

Những ngôi sao sáng trên bầu trời văn học Nam Bộ nửa sau thế kỷ XIX (nghiên cứu, 1990)

Văn nghệ – một thời để nhớ (sưu tầm, 1996)

Bùi Hữu Nghĩa, con người và tác phẩm (1998)

4. GIẢI THƯỞNG

Huân chương Độc lập hạng nhì.

Giải thưởng Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho tác phẩm Trong mỗi trái tim.

Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt I, năm 2001.