Giáo sư, soạn giả tuồng HOÀNG CHÂU KÝ (1921 – 2008)

1. Tiểu sử:

Giáo sư, Hoàng Châu Ký sinh ngày 16 tháng 05 năm 1921 tại làng Kim Bồng, Hội An, (nay là xã Cẩm Kim), thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội viên sáng lập  Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Ông mất ngày 31 tháng 01 năm 2008 tại Đà Nẵng.

2. Quá trình công tác:

Giáo sư Hoàng Châu Ký sinh trưởng trong một gia đình nho học ở xã Quế Lộc, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, Nhưng tuổi thơ của ông đã gắn liền với làng Kim Bồng, Hội An, (nay là xã Cẩm Kim), thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. sau đó ông học tại trường nam tiểu học Hội An. khi mới 15 tuổi, ông đã hưởng ứng các phong trào yêu nước đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân Quảng Nam.

Năm 1937, lúc 17 tuổi, ông ra thành phố Đà Nẵng theo học trường trung học Chấn Thanh. Đến năm 1942, khi mới 21 tuổi, ông đã gia nhập tổ chức Thanh niên Dân chủ của Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1943 ông bị thực dân Pháp bắt và bị giam tại nhà lao Hội An và sau đó được thả ra. Đến năm sau, ông lại bị bắt và lần này bị giam tại nhà lao Hỏa Lò ở Hà Nội. Sau khi quân Nhật đảo chính Pháp ngày 09 tháng 03 năm 1945, ông và nhiều đồng chí thoát ngục trở về hoạt động ở quê hương trong không khí sôi sục chuẩn bị Tổng khởi nghĩa.

Khi cách mạng Tháng 08 năm 1945 bùng nổ, ông được Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam cử làm Trưởng ban bạo động và cướp chính quyền tại khu mỏ than Nông Sơn thuộc huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Sau cách mạng, ông lần lượt được cử làm bí thư Huyện ủy huyện Quế Sơn, huyện Tiên Phước,  huyện Phước Sơn và đặc khu Hoàng Văn Thụ… Năm 1950 ông làm Phó trưởng ban Tuyên huấn tỉnh Quảng Nam về văn hóa – giáo dục, Trưởng tiểu ban giáo dục Tỉnh uỷ, Ủy viên Thường vụ Chi hội Văn nghệ phía nam – Tổng Biên tập Báo Hừng Đông, báo Dân Tộc. Từ đây hoạt động của ông bắt đầu nghiêng về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Năm 1951 ông là Ủy viên thường vụ Chi Hội Văn nghệ Liên khu V, phụ trách sân khấu. Năm 1952, ông được Liên khu ủy Khu V giao cho trách nhiệm tập hợp lực lượng chiến sĩ, nghệ nhân trong khu vực thành lập Đoàn tuồng Liên khu V (nay là Nhà hát tuồng Đào Tấn).

Sau kháng chiến chống Pháp, tháng 05 năm 1955, ông tập kết ra Bắc làm Trưởng phòng văn hóa quần chúng, Vụ Nghệ thuật Bộ Văn hoá. Bộ Văn hóa, sau đó ông cùng  nhà thơ Thế Lữ phụ trách Ban Nghiên cứu nghệ thuật sân khấu. Năm 1957, ông là thành thành viên sáng lập, bí thư Đảng đoàn kiêm tổng thư k‎ý đầu tiên của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, ông cũng đồng thời là ủy viên thường trực Hội nghệ sĩ sân khấu khóa I (1957 – 1983), Ông cũng là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Năm 1959, sau khi học 18 tháng trường Nguyễn Ái Quốc  ông trở về xây dựng Trường Nghệ thuật Sân khấu và là Hiệu trưởng đầu tiên của trường. Năm 1962, ông trở thành giám đốc Nhà hát tuồng Việt Nam,

Sau khi nước nhà thống nhất, ông về Đà Nẵng, lập trường Trung cấp Nghiệp vụ văn hóa miền Trung. Khi Viện Nghệ thuật sân khấu ra đời năm 1980, ông lại được điều ra làm viện trưởng, Năm 1988, ông được nhà nước phong tặng học hàm Giáo sư Nghệ thuật học (ngành sân khấu) đợt đầu tiên. Năm 1992, ông  về hưu, thành lập Hội Bảo trợ tuồng ở Đà Nẵng và giữ chức Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố Đà Nẵng. Năm 2001 ông được nhà nước tặng thưởng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.  Giáo sư Hoàng Châu Ký vĩnh viễn ra đi ở tuổi 87  vào hồi 13 giờ ngày 31 tháng 01 năm 2008. Năm 2023 ông được Đảng và nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học & Nghệ thuật.

3. Tác phẩm:

Giáo sư Hoàng Châu Ký là một nhà nghiên cứu tuồng hàng đầu. Ông là tác giả nhiều công trình nghiên cứu nghệ thuật tuồng như:

– Khảo cứu về vở Nghêu, Sò, Ốc, Hến (1961);

– Sơ thảo lịch sử nghệ thuật tuồng(1973);

– Tuồng cổ (1976);

– Nghiên cứu và hiệu đính văn bản (1978);

– Tuồng – Hát bội và bản sắc sân khấu truyền thống Việt Nam;

– Nghệ thuật biên kịch tuồng;

–  Nghệ thuật biểu diễn Tuồng;

– Nghệ thuật Tuồng cung đình;

– Tuồng Quảng Nam;

– Mấy điều cơ bản trong biên dịch Tuồng;

– Giá trị của vở tuồng Nghêu Sò Ốc Hến;

– Bình về nghêu sò ốc hến (viết chung với Phan Sỹ Phiên);

– Ba mươi năm sân khấu Việt Nam (viết chung với Thế Lữ);

– Từ điển nghệ thuật Hát bội Việt Nam (Đồng tác giả cùng giáo sư Nguyễn Đức Lộc);

– Từ điển nghệ thuật hát bội Việt Nam (đồng tác giả cùng Giáo sư, nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Lộc, con rể ông);

Tổng tập Văn học Việt Nam, Tập 15A (dành riêng cho kịch bản Tuồng, 1994).

Ông cũng là một nhà soạn giả nhiều vở tuồng nổi tiếng. Ông là tác giả của  hơn 20 kịch bản, tiêu biểu là các vở tuồng:

– Đường về Vụ Quang;

– Lại sáng màu cờ (Khi công diễn đổi thành Quay súng trở về);

– Cao Doãn;

– Úm ba la (tuồng hát);

Từ năm 1975 sau khi nước nhà thống nhất, do thế mạnh của nghệ thuật tuồng là các đề tài lịch sử nên ông đã viết các vở tuồng:

– Nguyễn Huệ;

– Quang Trung;

– Thanh gươm chủ chiến (cùng với Nguyễn Tường Phổ, Nguyễn Văn Bằng, Nguyễn Xuân);

– Vua Duy Tân;

– Nguyễn Duy Hiệu;

– Trần Cao Vân;

– Ông Ích Khiêm;

– Trưng Nữ Vương (Hai Bà Trưng khởi nghĩa);

– Cao Doãn;

– Thái tử Câu La Na;

– Trần Quý Cáp; 

– Le Cide;

– Thị Kính – Thị Mầu,

– Nghêu sò ốc hến (cải biên); …

Ông còn chỉnh l‎ý nhiều vở tuồng cổ như:

– Nghêu sò ốc hến (làm chung với Tống Phước Phổ),

chuyển thể từ tích truyện cổ, những vở tuồng đồ nổi tiếng nhất như:

– Sơn hậu;

– Đông Lộ Địch

và cải biên vở:

– Hùng Vương thành Ngoại tổ dâng đầu,

– Tam nữ đồ vương thành Ngọn lửa Hồng Sơn (cùng Nguyễn Tường Phổ).

4. Giải thưởng:

Giáo sư, nhà soạn tuồng Hoàng Châu Ký đã được Đảng và nhà nước trao tặng:

– Huân chương Kháng chiến hạng nhất

– Huân chương Độc lập hạng nhì

– Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng

– Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, đợt 1, năm 2001.

– Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 6, năm 2023