Sông Hinh là một nhánh của sông Đà Rằng (sông Ba), dài ngót 100km và có diện tích lưu vực hơn 1.000km². Đầu nguồn của sông là đỉnh núi Chư H’Mu (cao 2.051m) ở huyện M’Drăk, phía tây tỉnh Đắc Lắc. Cửa sông, nơi hội lưu với sông Đà Rằng thuộc huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, nơi có công trình thủy điện Sông Hinh công suất 70MW và điện năng sản xuất là 370 triệu kWh/năm. Tôi biết tới sông Hinh lần đầu qua câu ca dao thời đất nước ta còn bị chia cắt, còn trong cảnh đạn bom nói về tấm lòng của bà con người Ê Đê với Bác Hồ:

Con cá dưới sông Hinh còn lội

Con chim pônmơngàm trên núi Phía còn bay

Người Ê Đê chưa một lần gặp Bác

Mà trong bụng còn thương hơn mẹ cha…

Nhà văn Y Điêng (thứ ba, từ trái sang) và các trí thức, văn nghệ sĩ Tây Nguyên cùng tác giả bài viết tại hội thảo. Ảnh: Thái Nam Anh.

Nhà văn Y Điêng sinh năm 1928, tại buôn Thung, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Có thể nói ông là người viết văn xuôi đầu tiên của Tây Nguyên. Cả cuộc đời viết văn, Y Điêng chỉ viết về Tây Nguyên. Ông từng làm cán bộ công an trại giam tại Đắc Lắc, được đưa ra Việt Bắc học nghiệp vụ ở trường đào tạo thuộc Bộ Công an rồi về Hà Nội làm cảnh sát bảo vệ tại khu vực Cửa Nam. Năm 1958, ông học bổ túc văn hóa, tốt nghiệp, làm phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam. Truyện ngắn đầu tay của ông là “Em chờ bộ đội Awa Hồ” giành giải ba cuộc thi viết truyện ngắn về đề tài miền Nam do Báo Thống Nhất tổ chức. Nhà văn Y Điêng đã từng in các tác phẩm: “Em chờ bộ đội Awa Hồ” (1962), “Ông già Kơ Rao” (1964), “Như cánh chim Kway” (1974), “Drai Hling đi về phía sáng” (1976), “Hơ Giang” (1978), “Chuyện trên bờ sông Hinh” (1994), “Sông Hinh, con sông quê hương” (1980), “Thơ tình Y Điêng” (1986)… trong đó, với truyện vừa “Hơ Giang” (1978) và bộ tiểu thuyết 2 tập “Chuyện bên bờ sông Hinh” (1994). Tôi thích bộ tiểu thuyết “Chuyện bên bờ sông Hinh”, mối tình của cô gái Hơ Linh và chàng Y Thoa. Một mối tình trong trẻo như nước sông Hinh. Nhà văn Y Điêng còn là người đã dày công sưu tầm, nghiên cứu vốn văn hóa, văn nghệ các dân tộc thiểu số trên địa bàn Phú Yên, từng tham gia dịch các trường ca: “Xinh Nhã”, “Đăm Di”, “Khinh Dú”, “Y Ban”, “Y Prao”… ra tiếng Kinh và xuất bản tập “Truyện cổ Ê Đê”.

Năm tôi gặp ông, ông đã ở tuổi 85 và đang viết hồi ký về cụ Y Bih Aleô, nguyên Phó chủ tịch Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Nhà văn cho biết, sau hơn 10 năm học tập và công tác trên đất Bắc, năm 1964, ông được lệnh trở lại chiến trường miền Nam, làm thư ký cho cụ Y Bih Aleô. Trong những năm làm thư ký cho cụ Y Bih Aleô, có một kỷ niệm ông không bao giờ quên là lần tháp tùng cụ Y Bih Aleô ra miền Bắc và được gặp Bác Hồ…

Trong tập hồi ký, ông dự định sẽ làm sống lại những ngày sục sôi cách mạng, với khí thế đồng khởi của đồng bào miền Trung và Tây Nguyên, tháng 10-1960, tại vùng căn cứ Kôn-Hà-Nừng thuộc huyện An Khê, tỉnh Gia Lai. Nhân vật chính của bộ hồi ký tư liệu này là cụ Y Bih Aleô, một cán bộ Việt Minh, một trí thức tiêu biểu, một đảng viên cộng sản mẫu mực, người có uy tín lớn trong đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, người rất tâm đắc với hình ảnh con chim chèo bẻo-loài chim có đặc tính đoàn kết gắn bó và chiến đấu dẻo dai và cụ cũng là người luôn chủ trương đoàn kết chặt chẽ các dân tộc, đoàn kết với đồng bào Kinh, cùng cả nước chống Mỹ-Diệm. Y Bih Aleô được cử làm trưởng đoàn đi dự Đại hội toàn miền Nam thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20-12-1960). Tại đại hội, thay mặt đồng bào Tây Nguyên, Y Bih Aleô tuyên bố tán thành Cương lĩnh cứu nước của mặt trận và khẳng định sẽ là thành viên tích cực của mặt trận. Đại hội cử ông làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Đắc Lắc. Năm 1962, ông được bầu làm Ủy viên Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng khu Trung Trung Bộ. Với cương vị mới, địa bàn hoạt động rộng lớn hơn, ông băng đèo, vượt suối đến với đồng bào dân tộc vùng núi cao, thăm hỏi động viên đồng bào Cor ở Trà Bồng, Cà Tu, Gia Rai, đồng bào Thồ Lồ ở Phú Yên, đồng bào Cheo Reo, gặp gỡ bà con ở sóc Bom Bo… Với đôi chân “đi không biết mỏi” ông thăm hỏi, động viên đồng bào Khmer ở suốt dọc biên giới Việt Nam-Campuchia. Tại Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ hai, ông được bầu làm Phó chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày 6-6-1968, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cùng liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, đại diện cho các giai cấp, tầng lớp xã hội, các chính đảng, đoàn thể cử ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn của Chính phủ. Ông Y Bih Aleô, đại diện các dân tộc Tây Nguyên được cử làm Ủy viên Hội đồng cố vấn của Chính phủ…

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ kéo dài suốt 30 năm chống hết thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ xâm lược, ông Y Bih Aleô là người có công lớn trong việc vạch trần âm mưu chia rẽ, phá hoại của kẻ thù đối với bà con các dân tộc Tây Nguyên.

Tại hội thảo ở Khu du lịch Sao Việt hôm ấy, vì lý do sức khỏe, nhà văn Y Điêng không lên đọc tham luận được, phải nhờ một cán bộ huyện Sông Hinh đọc giùm. Trong bài tham luận của mình, ông viết: “Không hiểu Tây Nguyên, không biết tiếng Ê Đê, Ba Na, M’Nông, Xê Đăng… thì không thể nói về văn hóa Tây Nguyên, càng không thể tính chuyện đầu tư, xây dựng cái gì ở miền đất này”… Ông tỏ ý đau lòng vì con sông Hinh quê ông trong xanh, màu mỡ ngày nào, giờ nhiều khi như dòng sông chết… Ông tâm sự: Sau bộ tiểu thuyết “Chuyện bên bờ sông Hinh”, ông vừa hoàn thành tập bút ký “Sông Hinh, con sông quê hương” và cuốn sách cho thiếu nhi “Kể chuyện cọp Sông Hinh” và hóm hỉnh bảo: “Để mai này dòng sông Hinh nhỡ ra có biến mất, núi lá có hết cây thì con cháu còn hình dung được về con sông, ngọn núi thiêng này và biết tại sao lại có câu: Cọp núi Lá, cá sông Hinh”.

Nhà văn lão thành còn giữ nhiều kỷ niệm về miền Bắc, về Hà Nội thân yêu. Y Điêng cho biết ông vốn là dân làm báo. Khi ông công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam được cử đi học lớp bồi dưỡng viết văn khóa I ở Quảng Bá (Hà Nội) cùng thời với các nhà văn Lương Sĩ Cầm, Lê Tri Kỷ, Nguyễn Quang Sáng, Hoàng Văn Bổn… vào tháng 10-1962. Năm sau, 1963 ông được chuyển lên Tây Bắc, công tác tại Đài Phát thanh Khu tự trị Thái-Mèo (sau này gọi là Khu tự trị Tây Bắc). Tại đây đã viết truyện “Ông già T’Rao” và “Em chờ bộ đội Bác Hồ”, “Đrai Hlinh đi về phía sáng”. Y Điêng đã bắt đầu nghiệp cầm bút và được người đọc biết đến từ đó.

Những trang viết của Y Điêng tập trung về những con người và vùng đất bên bờ sông Hinh phía đông dãy Trường Sơn. Trong cuốn “Nhà văn Việt Nam hiện đại”-in lần thứ 4 (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2010), ông tâm sự: “Trong quá trình làm nghề sáng tác văn học, tôi luôn nghĩ về con sông, về con người của quê hương tôi. Sông núi đẹp, con người hiền hòa và dũng cảm đấu tranh bảo vệ quê hương. Dân tộc mình chính mình biết và chính mình viết. Mình không viết là mình có lỗi với quê hương, sông núi và người thân. Nghề viết khó quá, tôi viết hiền quá, viết chậm quá nên phải viết lại nhiều lần, mỗi lần sửa lại như là mới viết vậy” (sách đã dẫn, tr.1250). Nhân vật trong sáng tác của Y Điêng là hình tượng những con người Tây Nguyên nhân hậu, đảm đang, thủy chung, bất khuất và nghĩa tình như chính đất núi và rừng Tây Nguyên. Những trang sách của nhà văn Y Điêng là bức tranh giàu hiện thực, ở đó hiện lên sinh động, đậm bản sắc văn hóa và giàu giá trị lịch sử của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên. Ở đó có những con người anh hùng, bất khuất, kiên trung một lòng hướng về miền Bắc, về Bác Hồ kính yêu-mà tiêu biểu là cụ YBih Aleô. Nhà văn cho biết: “Để có được những trang viết để đời, máu thịt như vậy một phần là do sự đam mê văn chương, nhưng cái chính vẫn là một nỗi lòng luôn thấu hiểu và hướng về sông núi, về bà con quê hương yêu dấu”.

Nhà văn Y Điêng được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007 với các tác phẩm “Hơ Giang” và “Chuyện bên bờ sông Hinh”, nhưng ông nhớ nhất là khi mình đoạt giải thưởng truyện ngắn của Báo Thống Nhất với tác phẩm “Em chờ bộ đội Bác Hồ” từ lúc còn ở miền Bắc. Nhà văn nhớ lại: “Lúc đó nghe tin mình được giải, tôi không ngờ là sự thật. Phần thưởng này giá trị không lớn nhưng cao quý, nó chính là động lực luôn thúc đẩy tôi mỗi khi ngồi vào bàn viết”. Suốt đời làm cách mạng, sống với văn chương chữ nghĩa, nhờ văn chương đồng hành với cuộc sống như vậy, ông nói đó chính là duyên nợ. Tôi thì nghĩ, ông là nhà văn luôn nặng tình với sông núi, với quê hương đất nước!

Thập Tam trại, tháng 4-2020

NGÔ VĨNH BÌNH

Theo nguồn: https://ct.qdnd.vn/kinh-te-xa-hoi/y-dieng-nha-van-nang-nghia-tinh-song-nui-524645