Vùng mỏ trong sáng tác của Nguyễn Thị Ngọc Tú

Nguyễn Thị Ngọc Tú là nhà văn luôn nghiêm túc trong lao động nghệ thuật của mình. Bà chịu tìm tòi và tích luỹ vốn sống về mọi mặt. Những trang viết của bà luôn thấm đẫm tính xã hội, tính nhân văn. Hơi thở cuộc sống dường như là thứ bà vẫn hướng đến, dùng tài năng để thể hiện rõ nhất vào trong tác phẩm của mình…

 

Ngoài vai trò nhà báo, Nguyễn Thị Ngọc Tú là một nhà văn nữ có nhiều đóng góp cho văn học nước nhà. Trong sáng tác của bà, vùng đất và con người Quảng Ninh hiện ra với tình cảm sâu đậm.

Đặc biệt, trong 3 thập kỷ cuối của thế kỷ XX, tên tuổi của bà gắn trực tiếp với các tiểu thuyết, tập truyện ngắn có quy mô lớn. Về tiểu thuyết có: Huệ (1964); Đất làng (1974); Buổi sáng (1976), Hai người và những con sóng (1992)… Nhiều tiểu thuyết đã được chuyển thể thành phim. Các tập truyện có: Người hậu phương (1966); Câu chuyện dưới tán lá rợp (1982); Những dấu chấm phía chân trời (1983)… Và một tập thơ mang tên Phút thoáng qua, cùng nhiều bút ký, phóng sự mang đậm tính văn học đăng tải trên các báo.

Tiểu thuyết đầu tay Huệ (1964) được in khi bà hăm hai tuổi. Sau đó năm 1966, bà cho ra đời tập truyện ngắn Người hậu phương. Ít ai biết thời gian này bà đang làm việc tại báo Vùng mỏ. Và những tác phẩm đầu tay kia mang đậm dấu ấn của vùng đất, con người Quảng Ninh; là những khám phá mới về vùng đất, con người Quảng Ninh trong thời chiến. Trong tập truyện này, có nhiều truyện ngắn khi kết thúc, tác giả thường viết: “Khe Hùm, ngày… tháng… năm…”. Cái tên Khe Hùm ngày nay đã phai nhạt với lớp người mới sinh. Nhưng với những người nhiều tuổi gắn bó với vùng đất Hòn Gai hẳn biết nó giờ thuộc phường Hà Phong, TP Hạ Long, đây từng là nơi sơ tán của báo Vùng mỏ.

Ngay cả trong hồi ký của bà sau này cũng nhớ, nhắc về Khe Hùm với những gì trân trọng, nhớ thương nhất. Tháng tư năm 1967, tôi đem con nhỏ (tám tháng tuổi) từ vùng mỏ Quảng Ninh sơ tán về Lim (Tiên Du, Bắc Ninh) sau một đêm bom ác liệt gần như huỷ diệt khu vực Khe Hùm, nơi báo Vùng mỏ tôi đang công tác sơ tán” (Kỷ niệm về “Đất làng”). Cũng tại đây, bà đã sinh hạ nhà văn kiêm nhà biên kịch Nguyễn Thị Thu Huệ, người nối tiếp mẹ khơi tiếp dòng văn học nữ của nhà “Nguyễn Thị” một cách ấn tượng, để lại nhiều dấu ấn trong lòng bạn đọc.

Nguyễn Thị Ngọc Tú là nhà văn luôn nghiêm túc trong lao động nghệ thuật của mình. Bà chịu tìm tòi và tích luỹ vốn sống về mọi mặt. Những trang viết của bà luôn thấm đẫm tính xã hội, tính nhân văn. Hơi thở cuộc sống dường như là thứ bà vẫn hướng đến, dùng tài năng để thể hiện rõ nhất vào trong tác phẩm của mình.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải, một người bạn của bà đã viết thế này trong hồi ức: “Chiến tranh đến Vùng mỏ ngày một ác liệt. Đầu năm 1967, Ngọc Tú viết thư về Hà Nội báo cho tôi biết, tạm thời chị đưa con sơ tán về Bắc Ninh ở với bà ngoại và em gái. Tú nhờ tôi về Quảng Ninh đón mẹ con Tú, bởi anh Chánh phải trực báo không đi được. Tôi nhớ bữa ấy qua phà Bãi Cháy tới giữa sông Cửa Lục thì mấy tốp máy bay Mỹ ào tới. Đó là vùng cảng than, lại gần căn cứ hải quân và nhà máy điện nữa. Cùng một lúc chúng bắn phá hai nơi: Khu vực hải quân và nhà máy điện. Tiếng bom nổ, tiếng máy bay gầm rú kinh hoàng. Mọi người hốt hoảng, tôi giành bế bé Thu Huệ, ôm gọn cháu ở trong lòng để che chắn và bảo Tú ngồi thấp xuống”.

Sau này, dù về Bắc Ninh hay Hà Nội công tác thì Quảng Ninh vẫn sống, cựa quậy trong văn bà. Mỗi lần nhắc đến là kỷ niệm, nhớ thương lại ùa về ngập tràn trang viết: “Con đường đất đỏ chạy qua những quả đồi trọc trơ trụi kia là con đường đến nhà máy điện. Ở đấy có con sông Uông, sông Bạch Đằng và xa hơn nữa là biển cả”… “Em cũng biết những câu chuyện về nhà máy điện và các mỏ than của tỉnh mình qua các bài cô giáo giảng. Nhà cô ở mãi tận Cẩm Phả, Cửa Ông, nhà cô toàn những người đi làm công nhân mỏ nên cô biết nhiều chuyện lắm. Cô đem cho các em xem một hòn than to bằng quả bưởi. Hòn than đen lấp lánh. Cô còn kể cho các em nghe về những anh công nhân lò suốt ngày đêm làm việc trong lòng đất” (Quán bên đường).

Trong Bà cụ Duyên, tác giả viết: “Chiều xuống, khi những toa tàu rộn rã đưa công nhân đi làm ca ở mỏ về và tiếng còi tầm nổi lên là bà lại mong chị Hiên về, để nghe chị ấy kể chuyện nhà, chuyện xưởng. Cùng với câu chuyện của chị, bà thấy mình như trẻ lại và quay về những ngày làm việc hối hả, ở bên những tầng than cao ngờm ngợp, đen lánh, bụi mù”.

Còn trong truyện ngắn Những ngày mưa, thì “Đứng trên tầng cao, chị nhìn thấy trong những làn mưa trắng xoá nhiều bóng người nón áo lướt thướt đang chạy vun vút. Những bóng người nhỏ xíu ấy lúc thì tụm lại, lúc thì tản ra. Có những cái bóng chạy vòng theo các con đường quanh co dẫn xuống moong sâu. Có những người leo lên tầng cao đứng bên những cái máy khoan. Phía dưới công trường than trụ nhiều người đang di chuyển các đường ray, xe goòng”.

Vùng mỏ trong bom đạn không chỉ có chết chóc, đổ nát. Cái đẹp, lãng mạn toát lên, hồi sinh từ chính cái chết trong truyện Một tư thế: “Giàn hoa thiên lý xanh mởn, trước kia mỗi khi về nhà cô lại ra đứng vít dây hái hoa về nấu canh. Bây giờ nó đã bị cháy mất quá nửa giàn; còn nửa giàn thì vẫn xanh nguyên bốc lên một mùi thơm dịu mát của lá của hoa tươi thoang thoảng bay giữa mùi khét lẹt của khói bom thuốc súng”…

Đi, sống và viết, những năm tháng ở Quảng Ninh đã để lại nhiều dấu ấn trong tác phẩm của nhà báo, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú. Nay dù đã đi xa nhưng các tác phẩm của bà đã hoá thân vào biển trời, cỏ cây, con người vùng đất này thì vẫn còn mãi.

PHẠM TRÂN

Theo QNO/VANVN

Theo nguồn: https://vanhocsaigon.com/vung-mo-trong-sang-tac-cua-nguyen-thi-ngoc-tu/