Bảo tàng Văn học Việt Nam trân trọng giới thiệu bài tham luận của TS. Lê Thị Hường tại Hội nghị Lý luận phê bình Văn học lần thứ V:
Từ sau 1975 đến nay, một chặng đường 50 năm, trong sự phát triển đa dạng của thể loại, tiểu thuyết vẫn giữ vị trí trung tâm, là “cỗ máy cái của văn học”. Tiểu thuyết phát triển với tốc độ nhanh, cùng với sự vận động đổi mới là sự định hình những cá tính sáng tạo độc đáo, đa dạng, có nhiều đóng góp cho thành tựu chung của văn học đương đại.
50 năm – những chặng đường tiểu thuyết
Giai đoạn đầu sau 1975, 10 năm hậu chiến, tiểu thuyết có sự vận động nội tại. Đó là sự chuyển đổi từ lối viết theo “quán tính” đến tín hiệu chuyển đổi về đề tài, cảm hứng, nội dung… Trong bối cảnh một đất nước thời hậu chiến cũ mới đan xen, tiểu thuyết đã từng bước dò tìm một hướng đi phù hợp. Lúc đầu, xuất hiện một số tác phẩm gây sự chú ý vì mang tính thời sự, nhưng thiếu chất tiểu thuyết. Tuy vậy, tiểu thuyết là hiện thân của sự uyển chuyển, sinh động, xét về bản chất dường như ít có tính quy phạm. “Tiểu thuyết tiếp xúc với môi trường cái hiện tại chưa hoàn thành, chính đặc điểm này không cho phép thể loại ấy bị đông cứng lại” (Bakhtin). Tiểu thuyết bắt đầu đáp ứng nhanh nhạy những vấn đề mới mẻ của xã hội đương thời. Tiểu thuyết tiếp cận suồng sã với cái đời thường dang dở. Nhiều tác phẩm đã xới lật hàng loạt vấn đề gai góc của xã hội, phê phán gay gắt những khoảng tối trong xã hội, trong lòng người. Dấu hiệu của sự đổi mới tiểu thuyết thể hiện rõ trong nhiều tác phẩm khơi nguồn cho những cuộc tranh luận sôi nổi đương thời (Miền cháy – Nguyễn Minh Châu; Thời xa vắng – Lê Lựu; Một cõi nhân gian bé tí, Vòng sóng đến vô cùng – Nguyễn Khải; Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú – Ma Văn Kháng; Mảnh đất lắm người nhiều ma – Nguyễn Khắc Trường; Bến không chồng – Dương Hướng…).
Từ 1986 đến cuối thế kỉ XX tiểu thuyết đạt thành tựu cùng với sự thay đổi tư duy tiểu thuyết và lối viết. Với sự tương tác các sắc thái thẩm mỹ, tính phức điệu, đa thanh của tiểu thuyết được phát huy. Tiểu thuyết đa dạng hơn về cá tính sáng tạo và bắt đầu đổi mới phương thức tự sự. Nhiều tác giả đã thật sự đổi lối viết với những thành tựu không nhỏ như Lê Lựu, Bảo Ninh, Chu Lai, Nguyễn Quang Lập, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương… Có thể xem Thời xa vắng là tiểu thuyết bản lề và Nỗi buồn chiến tranh là bước đột phá có tính lan tỏa.
Hai thập niên đầu thế kỉ XXI, tiểu thuyết Việt Nam bắt đầu hội nhập với thế giới theo nhiều hướng, phương Đông/ phương Tây, chính thống/ phi chính thống, trung tâm/ ngoại biên… Trong xu thế hội nhập, một hiện tượng nổi rõ, dễ nhận dạng là sự đổi mới tiểu thuyết với sự bừng nở về cá tính sáng tạo với những thành tựu lớn. Trong thế giới phẳng đa bội thông tin và phương tiện truyền thông, “Tính tức thì trở thành một đặc điểm của văn hóa toàn cầu thời hiện đại” (J. Tomlinson), tiểu thuyết Việt Nam phát triển/đổi mới trong quá trình hội nhập, hướng đến tính toàn cầu. Với đặc thù của thời đại giải lãnh thổ hóa, mờ hóa khái niệm không gian, vùng đất; sự va chạm và dung hợp giữa các nền văn minh; tính lai ghép, đa văn hóa và liên văn hóa, tiểu thuyết Việt Nam đa dạng về phong cách và khuynh hướng thẩm mỹ. Thành tựu tiểu thuyết chặng đường này gắn liền với những tên tuổi mang đậm dấu ấn riêng như Dạ Ngân, Nguyễn Quang Thân, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Tạ Duy Anh, Đỗ Phấn, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư…
Tiểu thuyết đầu thế kỉ XXI đã có sự chuyển đổi rõ rệt từ hệ hình (chữ của Đỗ Lai Thúy) hiện đại sang hệ hình hậu hiện đại. Độ giao giữa các lí thuyết hiện đại khúc xạ qua ý thức tiếp biến khiến tiểu thuyết Việt Nam mới mẻ và hội nhập được vào dòng chung. Các diễn ngôn lịch sử, tôn giáo, chính trị… trở nên phổ biến. Tiểu thuyết đã chiếm lĩnh các vùng ngoại biên như tính dục, đồng tính, chấn thương. Cùng với sự nở rộ của dòng văn chương thân xác với mỹ cảm dục tính là những tác phẩm xoay quanh thân phận con người. Một số cây bút gạo cội như Nguyễn Bình Phương, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, Tạ Duy Anh… và những nhà văn Việt Nam ở hải ngoại như Thuận, Đoàn Minh Phượng, luôn ý thức làm mới tiểu thuyết.
Hồ Anh Thái khẳng định tên tuổi trên văn đàn với hàng loạt tiểu thuyết, tuy vậy đến Mười lẻ một đêm, Hồ Anh Thái mới thực sự bứt phá, bước vào hệ hình hậu hiện đại, với lối viết riêng không quá nặng về kĩ thuật như một số nhà văn cùng thời. Tiểu thuyết Hồ Anh Thái đa dạng, liên kết nhiều mã kí hiệu, nhưng xuyên các văn bản là giọng giễu nhại triết lí riêng biệt của cái tôi chủ thể nhà văn. Tác phẩm Hồ Anh Thái đa dạng về đề tài, các kiểu nhân vật cũng như nghệ thuật tự sự nhưng điểm thống nhất trong tiểu thuyết của ông là luôn có sự đối thoại và thống hợp các nền văn hóa. Ngay cả những tiểu thuyết về chuyện đời xô bồ nhốn nháo dục lạc và cái ác cũng đan xen những mảnh ghép giàu trữ lượng liên văn hóa. Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết Hồ Anh Thái mang tầm khái quát cao. Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương suy cùng là hành trình tìm kiếm bề sâu bản thể, xới lật vào những nỗi đau con người. Nhà văn chú trọng kí ức đau thương, những ám ảnh của quá khứ hằn đè lên cuộc sống hiện tại với những rạn vỡ suốt một kiếp người. Thế giới nghệ thuật Nguyễn Bình Phương là một cõi vỡ vụn, mộng mị, hoang tưởng; thế giới của sự rồ dại, phi lí, thô tục. Nguyễn Việt Hà trình hiện một dạng tiểu thuyết độc đáo, “tiểu thuyết về tiểu thuyết” hoặc siêu tiểu thuyết, “tiểu thuyết bắt chước một tiểu thuyết khác hơn là bắt chước thực tại” (John Barth). Tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà là một kiểu siêu văn bản. Ở đó, nhân vật nhà văn bàn về kỹ thuật và chiến lược viết ngay trong tác phẩm của mình. Nhà văn-tác giả có lúc trùng khít với nhà văn-nhân vật, nhà văn-nhà phê bình.
50 năm – những mảng hiện thực đa chiều
Ngoài một số tác phẩm tiếp tục khai thác hiện thực “phì đại” với cảm hứng phê phán mạnh mẽ, nhìn chung, các nhà văn quay về quá khứ, tiểu thuyết chiến tranh phát triển và tiểu thuyết lịch sử ngày càng chiếm lĩnh văn đàn.
Tiểu thuyết đề tài chiến tranh và hậu chiến thay đổi rõ rệt. Những nhà văn mặc áo lính đã chắt lọc vốn sống để tái hiện những năm tháng khốc liệt của hai cuộc kháng chiến. Những tác giả chưa từng kinh qua chiến tranh cũng góp phần vào việc mở rộng đề tài, với một cách nhìn đa chiều về chiến tranh. Sau bước ngoặt Thời xa vắng (1986), Nỗi buồn chiến tranh (giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1991) được xem là một trong những cuốn sách đánh dấu sự chuyển đổi trong cách tiếp cận và phản ánh hiện thực chiến tranh. Tiểu thuyết của Bảo Ninh thể hiện tư duy và diễn ngôn mới về chiến tranh. Với sự đan xen, chuyển hóa các phạm trù thẩm mĩ, lần đầu tiên hiện thực chiến tranh được phản ánh nhiều chiều. Nỗi buồn chiến tranh là một thế giới trần trụi, bi thương, thậm chí tàn nhẫn của chiến tranh. Những vùng đất trắng, những chấn thương nặng nề; phẩm chất anh hùng, cái hèn nhát, trung thành và phản bội… những sự thật nghiệt ngã được phơi bày. Tất cả được gợi lại từ kí ức, được tái lập trong dòng tâm trạng bị xáo trộn, mù mờ, rối rắm. Tuy vậy, giữa những hoảng loạn ám ảnh là những khoảnh khắc kí ức đẹp và buồn. Cái rối mù mê cung tâm trạng lấp lóe một chất thơ say đắm. Tác phẩm đã mở ra một lối viết mới, suy nghĩ mới cho cách viết về chiến tranh sau chiến tranh. Các nhà văn nhiều thế hệ đã suy ngẫm về chiến tranh và số phận con người với những di chứng sau chiến tranh, ám ảnh và chữa lành. Một số nhà văn thể hiện những suy tư về nhân tính, đặt chiến tranh, đặt cuộc chiến Việt Nam vào số phận của nhân loại, mờ hóa lát cắt phe này – phe kia, phê phán thẩm mĩ đối với chiến tranh (Ăn mày dĩ vãng, Khúc bi tráng cuối cùng, Bến đò xưa lặng lẽ, Tình cát, Cơ bản là buồn...). Tiểu thuyết chiến tranh được soi chiếu từ nhiều góc nhìn, trong đó phổ biến là chiến tranh từ góc nhìn lịch sử, chiến tranh từ góc nhìn văn hóa, chiến tranh từ góc nhìn sinh thái (Miền hoang, Mảnh vỡ của mảnh vỡ…). Những cuốn tiểu thuyết ra đời ở chặng đường sau đã chăm chú vào cấu trúc tâm hồn. Cảm hứng nhân văn tiếp tục đem lại cho những trang viết về chiến tranh một sự tươi mới. Mô hình nhân vật lạ hơn. Nhân vật được đặt trong nhiều mối quan hệ, đặc biệt là mối quan hệ với chính mình.
Cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI xuất hiện những cuốn tiểu thuyết lấy đề tài từ lịch sử. Mảng tiểu thuyết về đề tài này phát triển mạnh mẽ khi một nhu cầu bức thiết đặt ra cho con người và văn học là nhìn lại quá khứ, nhìn lại chính mình. Trên chiều hướng đó, nhiều cuốn tiểu thuyết lịch sử ra đời gây được sự chú ý của người đọc: bộ tiểu thuyết Bão táp triều Trần (gồm 4 tập Vương triều sụp đổ, Bão táp cung đình, Huyền Trân công chúa, Thăng Long nổi giận) của Hoàng Quốc Hải, Con ngựa Mãn Châu, Hội thề của Nguyễn Quang Thân, Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn (Nguyễn Xuân Khánh)… Đặc biệt là sự có mặt của các nhà văn nữ ở mảng đề tài này như Võ Thị Hảo, Trần Thùy Mai, Trường An với diễn ngôn mới về bi kịch hồng nhan. Một trong những góc khuất vương triều là triệt tiêu quyền được nói của phụ nữ. Qua bi kịch hồng nhan, các nhà văn nữ nêu một cách sâu sắc bi kịch “khi lên tiếng” của phụ nữ trong chốn vương triều (Giàn thiêu của Võ Thị Hảo, Từ Dụ thái hậu, Công chúa Đồng Xuân của Trần Thùy Mai, Vũ tịch, Hồ Dương của Trường An). Với tiểu thuyết lịch sử “mô hình duy nhất” về lịch sử bị phá vỡ. Có thể xem mỗi cuốn tiểu thuyết lịch sử là một cuộc đối thoại giữa hôm qua và hôm nay, là sự đan xen các mặt đối lập vốn có trong cuộc đời muôn thuở: thiện và ác, dục vọng và kìm nén, đam mê và cuồng bạo, hào nhoáng và phù du, chân thật và man trá. Những khuôn mặt đời ấy hiện ra sinh động trên cái nền bức tranh sáng tối của các vương triều. Nhân vật lịch sử được nhìn từ cái nhìn phản tư, giải thiêng, giải mờ. Nhiều tác phẩm đã tái hiện lịch sử, đối thoại đa chiều trên hằng số văn hóa lịch sử, dân tộc nhân bản. Nhiều tác phẩm có sự gắn kết chặt chẽ các mã văn hóa – lịch sử – huyền thoại, đặc biệt là tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh. Với Nguyễn Xuân Khánh đề tài lịch sử đã làm nên phong cách của nhà văn (Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn). Vấn đề đặt ra với các nhà viết tiểu thuyết lịch sử cũng như người đọc vẫn là tỉ lệ gia giảm như thế nào giữa sự thật lịch sử và hư cấu. Chính vì vậy, nhìn lại lịch sử từ điểm nhìn đương đại, tiểu thuyết lịch sử đã gây ra những luồng ý kiến trái ngược, đồng thời cũng gây được hiệu quả thẩm mỹ trong tầm đón đợi của người đọc. Hằng số lịch sử và phép hư cấu của thể loại đã giúp nhà văn nhìn lịch sử một cách đa chiều.
Trong những thập niên đầu thế kỉ XXI, khi lí thuyết phê bình sinh thái đã hòa nhập trong lí luận phê bình lẫn sáng tác; khi quá trình đô thị hóa với những mặt tiêu cực của nó trở thành mối quan tâm của văn học, sinh thái đô thị trở thành cảm hứng nghệ thuật của nhiều tác phẩm. Các nhà văn dần chú ý đến cái chết của tự nhiên và sự đổ vỡ sinh thái, đặt ra nhiều câu hỏi bức thiết về những vấn đề môi sinh ngày càng trở thành vấn nạn. Đời sống phố thị và sự hiện tồn đầy âu lo của con người là một hướng phổ biến của tiểu thuyết. Bức tranh đô thị hóa trong tiểu thuyết được phát họa với hai xu hướng. Một là, xoáy sâu vào những lỗ hổng của văn minh đô thị, ở đó con người vừa là kẻ dự phần vừa xa lạ, lạc lõng, cô đơn qua cách biểu hiện chấm phá vài nét loang lổ của quá trình đô thị hóa; không gian văn hóa cổ, làng quê, miền núi trở thành vùng hoài niệm (tiểu thuyết Đỗ Phấn, Vĩnh Quyền, Đỗ Bích Thúy, Cao Duy Sơn, Phong Điệp…). Hai là, cảm hứng xuyên văn bản, là trạng thái cảm xúc mãnh liệt chi phối cái nhìn, lối viết với cách biểu hiện hình khối, ghép mảng, sự lựa chọn ngôn ngữ dữ dội, đối nghịch, giễu nhại (tiểu thuyết Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Ngọc Tư…).
Từ một góc nhìn khác, tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI, dẫu đề cập nhiều vấn đề, đa dạng về lối viết nhưng đều xoay quanh dấu chấm hỏi về thân phận con người. Nhìn chung, điểm giao nhau trong tiểu thuyết gần đây là những suy nghiệm về hiện tồn, những khắc khoải về sự tồn sinh của con người với câu hỏi muôn đời của văn chương nhân loại: Tôi là ai/ Anh là ai? Đáng chú ý là sự xuất hiện những cây bút trẻ với những bước đột phá, mang lại cho diện mạo tiểu thuyết đầu thế kỉ XXI nhiều sắc thái mới như Đinh Phương, Nguyễn Nguyên Phước, Huỳnh Trọng Khang, Nguyễn Khắc Ngân Vi… Nỗi lo âu về sự hiện tồn phi lí; không gian rỗng, những mê lộ rối, con người bị đánh vắng, vong thân, biến dạng trong tiểu thuyết Đinh Phương, Nguyễn Nguyên Phước. Những bất an phận người và lối sống “rồ dại” của một thế hệ trong tiểu thuyết Nguyễn Khắc Ngân Vi… Với những phong cách và hướng tìm tòi riêng, các nhà văn trẻ đã góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng cho bức tranh thể loại.
*
Nhìn lại con đường đi của tiểu thuyết Việt Nam 50 năm có thể khẳng định hướng vận động của tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 là ngày càng hòa nhập được với thế giới. Tuy vậy, những năm gần đây, có thể nói, tiểu thuyết chưa đáp ứng mong mỏi của người đọc. Những tác phẩm được giải thưởng văn học vẫn chưa gây ấn tượng đột phá, chưa đại diện cho sự đổi mới không ngừng của thể loại trong thời đại “có vô số chân lý cùng tồn tại đồng thời, chẳng cái nào “phải” hơn cái nào, chẳng cái nào là chính, là tuyệt đối, tối cao, độc tôn” (M. Kundera). Có thể, với thực tiễn đời sống chẳng “độc tôn” này, đi tìm mục đích của sự viết, nhà văn nhân danh cái gì/ai? sứ mệnh văn chương của thời đại… là việc làm phù phiếm. Nhưng vẫn có những nhà văn đau đáu trở trăn trong công việc sáng tạo của mình, dẫu có thể họ viết trong bóng tối, trong lặng thầm cô đơn, tác phẩm của họ vẫn động vọng dấu ấn thời đại. Nửa thế kỉ, khép lại một chu kì văn học, người đọc vẫn chờ đợi những tác phẩm hay, dẫu có thể gây ra những tranh luận sôi nổi nhiều chiều.