ĐẾN VỚI BẢO TÀNG VĂN HỌC VIỆT NAM- HÀNH TRÌNH TRẢI NGHIỆM THÚ VỊ VÀ Ý NGHĨA CỦA HỌC SINH KHỐI 10

Sáng ngày 28/2, hơn 400 học sinh khối 10 Trường THCS- THPT Newton đã có chuyến trải nghiệm thú vị và ý nghĩa tại Bảo tàng Văn học Việt Nam- một không gian văn hóa, nghệ thuật, khoa học với rất nhiều giá trị.

Quãng đường di chuyển từ 136 Hồ Tùng Mậu đến 20B, ngõ 275 Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội đã đưa thầy và trò Newton đi qua những ồn ào, náo nhiệt của thủ đô hiện đại đến với một không gian yên bình, lắng sâu của văn chương nghệ thuật. Khuôn viên thoáng rộng, được thiết kế hiện đại mà đậm chất văn đã đem đến những cảm nhận tuyệt vời cho các em học sinh. Phong cách làm việc và tiếp đón nồng hậu, nhiệt tình, khoa học của các cán bộ Viện bảo tàng cũng đã để lại nhiều tình cảm và ấn tượng tốt đẹp, cùng tạo nên một hành trình trải nghiệm nhiều cảm hứng.

Học sinh của 14 lớp 10 đã tập hợp kín sảnh lớn của bảo tàng trong sắc màu đồng phục khỏe khoắn, đẹp và hiện đại của học sinh Newton. Các nhóm hoạt động được sắp xếp khoa học, hợp lý đã đem đến một hành trình trải nghiệm thú vị và hiệu quả. Nhiệm vụ học tập đã được giao đến từng học sinh bằng phiếu bài tập cá nhân ngay từ khi lên xe. Nhiệm vụ và trang thiết bị phục vụ học tập cũng đã được phân công rõ ràng từ trước. Với tinh thần cầu thị, ham học hỏi, sự năng động và tự tin, mỗi học sinh đều đã thu nhận được những bài học bổ ích, những thông tin quý giá, những cảm nhận sâu sắc về hành trình văn học của dân tộc Việt Nam. Tình yêu văn học, tình yêu đất nước, ý thức và cảm hứng phấn đấu hoàn thiện bản thân được khơi dậy tự nhiên trong mỗi học trò.

Phần giới thiệu tổng quát được cán bộ thuyết minh cung cấp cho học sinh đầy đủ, chi tiết ngay từ đầu chương trình. Và sau đó, các con được tham quan từng góc trưng bày- Mỗi không gian là sự thể hiện về một giai đoạn, một thời kì hay một văn nghiệp của các nhà văn xuất sắc. Dòng chảy lịch sử, đời sống văn chương Việt Nam qua 4000 năm lịch sử hiện hình sống động không chỉ trên các hiện vật trưng bày mà còn ở ý tưởng thiết kế, sắp xếp, bày trí đầy tính nghệ thuật và khoa học nơi đây. Các nhóm học sinh chăm chú lắng nghe, tìm hiểu, tích cực, nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ học tập.

Sau đó, các em được xem phim tại phòng chiếu màn hình ghép của Viện bảo tàng. Theo chương trình Ngữ văn 10- bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống đang được học trên lớp- bài 6: Nguyễn Trãi- dành còn để trợ dân này; bộ phim tài liệu được lựa chọn trình chiếu là: Nguyễn Trãi- nhà văn hóa kiệt xuất. Các em học sinh được dịp xem, nghe trọn vẹn về cuộc đời của bậc danh nhân văn hóa của dân tộc. Thêm hiểu biết, thêm xúc động và tự hào về tác giả áng thiên cổ hùng văn Bình Ngô đại cáo– người được Hoàng đế Lê Thánh Tông tặng ban 7 chữ Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo. Những tư liệu quý giá được các em háo hức ghi chép và tiếp thu. Chắc chắn, những trải nghiệm quý giá này sẽ làm giàu thêm kiến thức, bồi đắp thêm tình yêu với văn học và đất nước trong hành trình cuộc sống của các em. Đó cũng sẽ là động lực và cảm hứng cho những lý tưởng sống tốt đẹp, những khát cống hiến xây dựng non sông của thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.

Đưa trang văn về với trang đời, trải nghiệm thật sâu những bài học ngữ văn; xóa nhòa khoảng cách không gian và thời gian, để người học được sống và học tập ngữ văn một cách thực sự; đó chính là mục đích, cũng là thành công của chuyến trải nghiệm tại bảo tàng Văn học Việt Nam ngày hôm nay của học sinh khối 10 nói riêng và trong chương trình giáo dục ưu việt của Newton nói chung.

Những hoạt động học tập với các cách tiếp cận bài học sống động và thú vị như thế này chắc chắn sẽ khơi gợi và phát huy được các ý tưởng sáng tạo, tình yêu văn học, cách học tập hiệu quả ở các em học sinh. Cả giáo viên và các em học sinh đã có một buổi sáng học tập trải nghiệm với đầy đặn cả tri thức và cảm xúc!

Theo nguồn: https://ngs.edu.vn/tin-tuc/den-voi-bao-tang-van-hoc-viet-nam-hanh-trinh-trai-nghiem-thu-vi-va-y-nghia-cua-hoc-sinh-khoi-10/