Trăng rơi xuồng giếng

Đêm trung thu, trời xanh có nhiều sao, có nhiều đám mây trắng. Trăng vừa tròn, vừa sáng lơ lửng trên trời. Trăng đuổi theo mây, lúc nhanh lúc chậm và hình như chẳng bao giờ nghỉ. Không biết có lúc nào trăng vấp ngã không?

Trăng ơi, nếu có ngã thì ngã xuống cái sân đất nhà bé Hồng này nhá. Sân nhà Hồng có một cây bưởi. Cây bưởi vừa cao vừa xòe cành lá như cây đa, quả lại sai bện vào như cây giâu gia.

Sân nhà Hồng có một cái giếng khơi. Thành giếng xây đá xanh. Giếng sâu không biết đến mấy con sào, ném hòn đất xuống, đi hết một vòng bờ giếng, hòn đất mới rơi xuống đến đáy. Nước giếng vừa trong vừa mát, uống cứ ngọt như có đường phèn.

Sân nhà Hồng còn có một giàn gấc và hai cây cau. Hai cây cau cao gần đến mặt trăng. Còn giàn gấc lá dày mưa không dột. Hai cây cau bên giàn gấc, giàn gấc bên cây bưởi, cây bưởi bên giếng khơi. Ở giữa là một khoảng sân rộng. Trong sân, đêm hôm nay có bao nhiêu là bạn nhỏ đang hát múa mừng Trăng trung thu. Có Ngỗng, có Mèo đen, Gà mái mơ, có Gà trống, Thỏ trắng, có Chó và cả bác Bò già đứng ở ngoài bụi tre nhìn vào… trông thấy bé Hồng đang mặc quần áo đẹp, cài nơ đỏ đứng dưới gốc cau kia mà. Không biết bé Hồng thoáng cái đã đi đâu, chẳng ở nhà múa hát cùng các bạn nhỏ ấy?

Trong sân, cả bọn đang tíu tít sửa soạn bày cỗ. Chúng xúm xít nhau vào khiêng ra một cái cối đá đập lúa để giữa sân làm bàn. Gà mái khéo tay bày biện những nào xôi gấc, bánh đúc dừa, bưởi đã bóc, mía ướp hoa… Thỏ thì nhanh chân, cần cái gì là Thỏ có ngay. Gà trống nhanh mồm nhanh miệng cất tiếng gọi to:

– Bác Bò ơi, sang phá cỗ với chúng cháu nhé, Trăng ở bên sân nhà cháu cơ mà.

– Ngay trên đỉnh đầu cháu ấy bác ạ.

– Trên đỉnh đầu em chứ!

– Đâu nào? Thẳng đỉnh đầu người ta lại!

Bác Bò hình như không nghe thấy những tiếng tranh cãi nhau ấy, vẫn đứng nhai trầu một mình dưới bụi tre, chỉ ò… ò… một tiếng dài đáp lại.

Ngoài đường xóm, tiếng ca hát đã vang lên, tiếng trống quân, trống sư tử văng vẳng. Các bạn nhỏ đã bày cỗ xong, nắm tay nhau hát múa vui trăng. Chúng hát rằng:

Trăng hỡi! Trăng ơi,

Chúng em có bát cơm xôi,

Chúng em có cái giếng khơi,

Nước giếng khơi vừa trong vừa mát

Chúng em vui cầm tay ca hát

Thuận gió, thuận trăng,

Thuận mưa, thuận nắng,

Có bát cơm trắng,

Có lọ mắm đầy

Trăng hỡi, Trăng này

Xuống hát với em

Thỏ vừa hát vừa chạy nhảy tung tăng. Bỗng mặt mất sắc, Thỏ nhảy lên ngồi trên thành giếng, đôi mắt trợn tròn, hai cái tai dài dựng đứng lên không động đậy. Thỏ kêu hốt hoảng:

– Thôi chết rồi, thôi chết rồi! Trăng rơi xuống giếng, Trăng chìm dưới đáy, làm sao vớt được Trăng lên kẻo Trăng chết mất, Trăng ơi!

Mèo đen nhún mình nhảy phắt lên thành giếng, đôi mắt xanh lè kinh ngạc, những cái râu dài vểnh ngược không nhúc nhích. Mèo cũng hốt hoảng kêu lên:

– Thôi chết rồi, thôi chết rồi. Trăng rơi xuống giếng…

Chó vội vàng chạy lại, tỳ hai tay lên thành giếng. Gà trống đã tới, cái đầu nghênh nghênh. Gà mái rũ đôi cánh xuống ra dáng lo âu. Ngỗng nghễn cái cổ dài thò xuống lòng giếng như cố tìm sự thật. Đứa nào nhìn xuống giếng xong cũng kêu lên hốt hoảng:

– Thôi chết rồi, thôi chết rồi! Trăng rơi xuống giếng. Trăng chìm dưới đáy, làm sao vớt được Trăng lên kẻo Trăng chết mất, Trăng ơi!

Bác Bò đứng ở xa, vểnh hai cái tai, trố hai con mắt, đuôi ngừng ve vẩy, ra dáng chú ý nghe ngóng xem có thật hay không?

Thật rồi chứ còn gì nữa! Dưới lòng giếng quả là có một mặt trăng. Trăng tròn, Trăng sáng y như Trăng lúc nãy ở trên trời. Thảm thương chưa, cả thế gian này mới có một mặt trăng, cả mười hai tháng mới có được một tháng Trung thu, thế mà Trăng lại rơi xuống giếng giữa đêm nay!

Chó hai tay ôm mặt, nước mắt chảy ròng, nói giọng mếu máo:

– Không biết Trăng rơi lúc nào, liệu còn sống hay đã chết ở dưới giếng rồi?

Chao ôi! Nếu Trăng chết đuối, đêm dài mãi mãi tối đen thì đời sẽ buồn đến chừng nào! Gà mái mơ cũng buồn lắm, vừa sụt sùi, vừa nhắc lại lời chó:

– Không biết Trăng rơi lúc nào, liệu còn sống hay đã chết?

Gà còn nhớ ngày mới lọt lòng trứng, những đêm không Trăng, gà rúc dưới cánh mẹ hẳn hoi mà vẫn sợ. Còn Mèo đen, Mèo nhớ thương Trăng như nhớ một kỉ niệm gì quý báu nhất của đời mình. Trời sinh ra, Mèo đã thích mưu lược, hay suy nghĩ những cái gì cao xa. Những lúc suy nghĩ, Mèo có cái thú là nằm dưới Trăng, giương đôi mắt xanh trong suốt lên như muốn thi với Trăng xem đằng nào sáng hơn. Trăng rơi xuống giếng! Có khác nào từ nay không cho Mèo suy nghĩ nữa?

Nhưng trong cả bọn, có lẽ Thỏ trắng là đứa đau buồn nhất, Trăng với Thỏ khác nào như thịt với xương? Chẳng là gì, người ta còn gọi Trăng là Thỏ ngọc kia mà! Không tin thử ra nhìn Trăng dưới lòng giếng mà xem, rõ ràng có hình Thỏ trắng. Cứ những đêm Trăng sáng, cả loài Thỏ rất thích nô giỡn với bóng. Nay Trăng mất đi, không bao giờ Thỏ còn thấy bóng mình, không bao giờ Thỏ còn được sống những phút vờn Trăng vui thú! Ơi trăng ơi! Chẳng nhẽ vĩnh biệt à?

Thỏ không muốn khóc mà nước mắt cứ trào ra, Thỏ không còn sức để dựng đứng được hai cái tai dài vắt vẻo. Bỗng Mèo tíu tít gọi các bạn tới, những cái râu dài ngoắt lên linh lợi, nhưng hai mắt xanh nheo nheo lại, dáng suy nghĩ điều gì lung lao. Mèo nói:

– Đừng ai khóc nữa, để im xem Trăng còn sống hay đã chết đuối rồi. Thế này nhé! Trên ấy có chị Hằng dệt cửi, có chú Cuội chăn trâu, chúng ta im tất cả để nghe xem có thấy tiếng trâu gặm cỏ, tiếng lá đa xào xạc, hay tiếng canh cửi của chị Hằng, tiếng hát của chú Cuội hay không? Nếu có ắt là còn sống.

Chúng nó cho là phải, im lặng tất cả. Bác Bò già đằng kia cũng đứng im. Vườn cây, bụi tre, bờ ao không tiếng động. Gió không rì rào chuyện trò nữa. Cái bàn đá giữa sân càng im thin thít. Tất cả như chờ đợi.

Bỗng có tiếng hát nho nhỏ vọng lại từ xa, thật xa, như trên trời vọng xuống, lại như dưới đáy biển vọng lên, như từ núi rừng vọng về, mà thực chẳng biết từ đâu… Tiếng hát rằng:

Ta ngồi gốc cây đa,

Ta cất tiếng gọi cha,

Trâu ta đang ăn lúa,

Cha ta còn cắt cỏ…

Đúng tiếng hát của chú Cuội rồi. Chúng nó thường nghe người già kể chuyện rằng : chú Cuội chăn trâu, để trâu ăn lúa, gọi cha ời ời, cha còn cắt cỏ trên trời, mẹ còn cưỡi ngựa đi chơi thuyền rằng… Tiếng chú Cuội hát chứ còn ai ? Thế nghĩa là Trăng vẫn còn sống!

Cả bầy chúng nó mừng lắm. Không đứa nào khóc nữa. Chúng nó đang ồn lên tìm mưu kế vớt Trăng. Ngỗng thật thà nói trước:

– Để tôi vớt cho. Cổ tôi vừa dài vừa khỏe, tôi thò cổ xuống, chú Cuội bám lấy cổ tôi, tôi kéo Trăng lên.

Nói đoạn Ngỗng thò cổ xuống. Chó nhanh nhẹn chạy tới giữ hai chân cho Ngỗng khỏi nhào xuống giếng. Vừa giữ vừa hỏi luôn miệng:

– Xuống đến nơi chưa?

Thỏ đứng đấy chăm chú nhìn xuống, đáp:

– Chưa đâu… Cố lên nào!

Ngỗng nhoài thêm một tí. Nhưng cuối cùng Mèo thở dài, thấy cái cổ Ngỗng chơi vơi trong lòng giếng, còn cách mặt Trăng đến hàng bao nhiêu con sào, cách xa như trời với đất. Gà Trống nói :

– Không được rồi, anh Ngỗng ạ, có lẽ cổ phải dài bằng cái cu liêm mới được.

Mèo chợt nghĩ ra, reo lên :

– Phải đấy, lấy cu liêm mà móc Trăng lên.

Nhưng Gà mái khóc mếu không cho, sợ cu liêm sẽ làm gãy cành đa, làm rách áo chị Hằng, làm đứt thừng trâu chú Cuội…

Chó suy nghĩ rồi nói :

– Nếu sợ thế thì lấy gầu dây ta múc Trăng lên.

Chúng nó cho là phải, chạy đi lấy gầu. Riêng Gà mái đứng lại đó, chẳng nói chẳng rằng, lặng nhìn Trăng dưới giếng.

Mèo và Chó cầm bốn dây gầu, Ngỗng và Thỏ phục lên thành giếng nhìn. Gà mái nhìn chăm chú. Chúng nó thả gần xuống từ từ, hồi hộp. Gầu đụng vào mặt nước. Gà mái òa lên khóc :

– Thôi làm vỡ mất Trăng rồi, làm chết mất chị Hằng, chú Cuội rồi. Kia kìa, Trăng tan ra từng mảnh rồi…

Chúng nó vội kéo gầu lên, đứng nhìn Trăng. Giây lát sau, Ngỗng reo lớn:

– Không phải đâu, không phải đâu! Không phải làm vỡ mất

Trăng đâu. Trăng cười thôi. Đấy, đấy!

Quả thế thật. Trăng không vỡ. Trăng chỉ còn khẽ lắc đầu rung rinh một chút. Rồi Trăng lại tròn như vừa nãy, lại sáng như vừa nãy.

Gà mái thở dài nhẹ nhõm. Nhưng đã có cách gì đâu? Chó băn khoăn. Gà trống hơi buồn. Ngỗng lo lắng. Còn Thỏ trắng thì bỏ chạy đi đâu không biết. Bỗng Mèo nhảy lên mừng rỡ nói:

– Thôi phải rồi. Thế này nhé: Gầu vừa đặt xuống mặt nước đã đụng ngay vào Trăng làm Trăng cười, như thế là Trăng nổi trên mặt nước chứ không phải Trăng chìm dưới đáy giếng. Giờ ta lấy nước đổ đầy giếng. Trăng sẽ nổi lên tận đây, ta sẽ vớt lấy Trăng, vớt nhẹ nhàng cho Trăng nguyên vẹn, rồi thả cho gió thổi về trời.

Chúng nó cho là phải, chạy đi lấy các thứ múc nước. Có đứa lấy gáo, lấy thùng, có đứa lấy gầu, lấy bát. Chúng nó múc nước sông, nước ao đổ vào cho đầy giếng. Chúng nó vừa đi vừa chạy, vừa làm vừa hát:

Trăng rơi xuống giếng,

Ta vớt Trăng lên,

Trăng ở bên trên,

Cá ở bên dưới,

Vớt được Trăng ta thả cho gió thổi về trời,

Bắt được cá ta thả cho theo nước ra khơi,

Trăng hỡi, Trăng ơi!

Cứ cười đừng khóc,

Bầy em không nhọc,

Vì quá yêu Trăng.

Nước đổ mỗi lúc một nhiều, sau một hồi lâu giếng đã gần đầy. Nhưng quái lạ chưa, Trăng không phải nổi trên mặt nước, mặt nước đã thấy gần rồi, nhưng Trăng vẫn thấy ở tận đâu ấy, chẳng thấy gần hơn được tí nào. Thảm thương chưa, cả thế gian này chỉ có một mình Trăng, chịu để Trăng mãi mãi ở dưới giếng ấy hay sao ? Chúng nó tần ngần không làm nữa, gục cả xuống thành giếng đăm chiêu…

Bỗng Thỏ ở đâu chạy về, Thỏ reo lên:

– Đừng lo, đừng lo! Thỏ đi gọi được bé Hồng về đây rồi.

Cả bọn chúng nó tươi hẳn lên, vì chúng biết rằng có bé Hồng thế nào cũng vớt được Trăng. Thỏ lại gọi:

– Bé Hồng ơi, Bé Hồng ơi, ra đây chơi với chúng em.

Bé Hồng bước ra, trên đầu có cái nơ đỏ. Người bé Hồng chỉ cao bằng Ngỗng. Sức chỉ khỏe bằng Gà trống. Đi không nhanh bằng Thỏ. Nói không to bằng Chó. Nhưng mắt bé Hồng vừa đen vừa sáng, miệng bé Hồng chẳng cười cũng tươi, má bé Hồng có đôi lúm đồng tiền. Bé Hồng nhỏ bé nhưng khác hẳn không giống một đứa nào trong bọn, mắt bé Hồng nhìn được xa lắm, óc bé Hồng nghĩ được nhiều lắm!

Chúng nó tíu tít kể chuyện lại cho bé Hồng nghe. Bé Hồng biết cả rồi. Chúng nó đợi bé Hồng nói. Bé Hồng im lặng một lúc lâu rồi mới nói rằng:

– Không phải Trăng rơi xuống giếng.

Chúng nó trố mắt nhìn không phục, kéo bé Hồng lại bờ giếng, chỉ Trăng dưới giếng hỏi vặn rằng:

– Thế không phải Trăng thì là gì dưới giếng kia?

Bé Hồng không trả lời, mà hỏi lại chúng nó rằng:

– Nếu Trăng rơi xuống giếng thì sao mái nhà vẫn sáng, sao vườn cây vẫn sáng, sao Ngỗng vẫn nhìn thấy mặt Thỏ? Tại sao?

Chúng nó không trả lời, chỉ nhìn bé Hồng, mắt chúng nó chớp chớp, tai chúng nó nghênh nghênh… Thật chúng nó chả biết tại làm sao lại như vậy? Bé Hồng bình tĩnh nói tiếp:

– Không phải Trăng rơi xuống giếng. Đấy chỉ là bóng Trăng soi xuống lòng giếng. Còn Trăng, Trăng vẫn ở trên trời.

Bé Hồng chỉ tay lên trời. Chúng nó tất cả ngẩng đầu lên. Trời xanh có nhiều sao lấp lánh. Quả là vầng Trăng vừa tròn, vừa sáng ấy vẫn treo trên trời, không hề rơi xuống giếng. Dưới giếng chỉ là bóng Trăng…

Dưới giếng chỉ là bóng Trăng! Chúng nó bây giờ mới mừng rỡ hoàn toàn. Ừ, có thế chứ, chẳng lẽ cả thế gian này chỉ có một vầng Trăng, cả mười hai tháng chỉ có một tháng Trung thu, mà Trăng lại rơi xuống giếng giữa đêm tết Trung thu? Chúng nó cảm ơn bé Hồng, vây quanh bé Hồng hát mãi, múa mãi không thôi. Chúng hát rằng:

Trăng trên trời có một

Tỏa chiếu cả thế gian

Trăng dưới đất muôn vàn

Soi lòng sông, đáy giếng

Giá trăng tròn vĩnh viễn

Cho đêm tối lùi đi.

Hà Nội, tháng 07 năm 1957

ĐÀO VŨ