Tôi

Tôi giật trái ô môi trên tay con Hóa quăng vèo xuống sông. Nó bập bều khóc, gió chướng thổi lật cái mũ tai bèo đang quàng sau vai úp lên mặt, không thèm đội lại.

– Khóc cái gì? – Tôi quát – Bom đạn rầm rầm vậy mà cứ nhõng nhãnh trò trẻ con. Tôi ấn khẩu côn với băng đạn đủ 8 viên mới nạp vào tay con Hóa, giật lấy khẩu tiểu liên AR15 nó đang đeo, lại quát: Xuống hầm! Xuống đi! Còn phải ngụy trang nữa. Xuống đi!

Căn hầm bí mật của tôi và Hóa ở ngay dưới gốc cây ô môi chi chít hoa, do du kích ấp Thới Hòa Trung đào sẵn từ lâu dành làm hầm cho khách. Lúc bọn lính sư đoàn 14 càn tới, cậu ấp đội trưởng dẫn chú cháu tôi ra đây, kéo cái nắp hầm là tảng đất vuông vức bằng ba viên gạch vồ lên, rồi bỏ đi đâu mất tiêu.

Hầm bí mật xưa nay phải tuân thủ một nguyên tắc rất nghiêm ngặt ai đào nấy ở. Bạn bè thân thiết đến mấy cũng không được phép chỉ cho biết hầm của nhau. Thân thiết lúc thường, chén tạc chén thù lúc thường, nhưng lúc bị địch dí họng súng vào ngực, bị tra điện, bị cắm kim vào mười đầu ngón tay, bị… biết bao thứ cực hình man rợ, thì ai biết tình đồng chí bạn bè còn giữ lại được đến đâu. Bởi thế, phải nằm hầm khách tính mạng khác nào trứng để đầu đẳng. Trứng để đầu đẳng vẫn hơn trứng đập vào đá. Mặt đất đang chao đảo, đang nẩy lên bần bật, đang xô qua giật lại liên hồi. ào ào, ập ập, rồ rồ. Nhức buốt hai màng nhĩ trong tai. Trông ra cánh đồng cuối mùa khô mênh mông chỉ thấy chớp lửa, và mù mịt khói, không phân biệt đâu khói đạn đại bác, đâu khói đốt đồng chuẩn bị cho mùa gieo sạ, xe bọc thép M113 lổn ngổn như cua bò, chạy sau hàng xe M113 là lũ bộ binh lô nhô như đàn kiến mối. Đạn xé tơi tướp những rặng cây mắm, cây bần, bình bát, tràm, keo tai tượng, ô môi, xô rạp cả rừng dừa nước ngút ngát bên bờ sông Tiền. Chậc. Một căn hầm khách dù sao vẫn hơn phơi thân ra cho đạn xé.

Tôi nhặt trái ô môi khô đen xỉn, giắt vào thắt lưng, vơ một vốc hoa ô môi màu hồng hoa đào bị đạn bắn rụng để rắc lên mặt phía trên của tấm nắp hầm, rồi nâng bằng hai tay cho người tụt xuống tới đâu nắp hầm tụt xuống theo. Nếu còn sơ suất nào, đã có những tràng đạn cắc cùng cắc cùng của thiết xa M113 rũ hoa xuống nghi trang “hộ” mình.

Tấm cửa hầm sập xuống. Tôi rơi từ vô cùng vũ trụ vào lòng đất đen. Tiếng đạn réo bên trên thoắt xa lắc nhưng tiếng đại bác khiến lòng đất quanh tôi bỗng giật đùng đùng. Trong khối bóng tối hãi hùng màu hắc ín tôi như nhìn thấy con mãnh thú đang há miệng nhe nanh, một miếng ngoạm của nó là hết gọn người tôi. Tôi trấn tĩnh lại, quờ tay trao nó cho Hóa. Cô bé bẻ trái ô môi đánh tách: Mật đặc trong trái ô môi tỏa ra mùi nồng nồng mằn mặn của nước mắm cốt. Hóa lép nhép ăn, giờ đã kịp làm quen với bóng tối, nhờ vài tia sáng mỏng manh lọt qua lỗ thông hơi rọi xuống, tôi nhận ra Hóa đang ngồi tựa lưng vào vách đất ẩm rượt, tấm khăn rằn quàng lơi trước cổ, chân dạng ra, thè lưỡi liếm mật trong một trái ô môi, trông rất ngon lành. Không hiểu nó có bận tâm đang ở trong một tình huống thế nào hay không. Tôi phát ghen tỵ, phát thèm sự điềm tĩnh hồn nhiên ở đứa trẻ sinh ra trong khói lửa và mơn mởn lớn lên giữa chiến trường. Vầng trán phẳng hơi thâm thấp, đôi má bầu bĩnh, những nơi cổ tay cổ chân không được quần áo che khuất trên người Hóa cứ sáng lên như những mảnh trăng hết sức thanh bình, như tỏa ra mùi thơm ấm áp của da thịt tuổi trẻ, biến căn hầm bí mật tối tăm chật chội thành một thế giới riêng. Cái thế giới đang bị cày xé tanh ngòm cảnh đầu rơi máu chảy trên kia không được phép thâm nhập xuống đây.

Tiếng ai đang la trên mặt đất. Hóa và tôi cùng bò lại áp tai vào lỗ thông hơi cố nghe xem có chuyện gì. Tiếng động cơ M113 lùng bùng, tiếng đạn bay thun thút. ồn quá. Phải gạn lọc căng cả óc mới nhận ra được đôi ba âm điệu rất mỏng manh của tiếng người. Cái Hóa bỏ quên trái ô môi ở ngách hầm, miệng lẩm bẩm “người nào la đó ta?”. “Anh út, ráng nghe coi tiếng ai la đó? Phải bà Năm bán ghe tiệm không?…”. Kỳ thực là tôi không nghe được tiếng ai cả. Tôi chỉ nghe thấy tiếng thở của Hóa và tiếng thở của tôi. Cái chỏm tóc của Hóa đang làm một bên má tôi nhồn nhột. Tôi thầm rủa tôi là thằng vớ vẩn, là kẻ tầm thường nhất trên đời, không còn gì đáng khinh bỉ hơn là cái thằng tôi. Tôi cúi mặt xuống vì tự xấu hổ. Nhưng chính cái phút bấn loạn ấy tôi nhận ra hơi ấm rừng rực của hai bờ má đã áp chặt vào nhau. Một giọng nói thầm như vẳng tới từ trong mơ:

– Anh út… Hôn em đi…

Và tôi bừng tỉnh đẩy bộ ngực của Hóa ra xa một chút.

– Đừng… đừng…

– Sao lại “đừng”. Hôn em cho em hết sợ nào! Em thương anh quá xá mà mắt anh cứ lơ ngơ hoài?

– Hóa! – Cái kẻ đạo mạo cứng cỏi đã kịp trở lại trong con người tôi – Cho chú nói điều này hẵng…

– Anh là chú của em hồi nào? Không, không, không. Cô bé vồ vập hôn lên khắp mặt tôi, dụi cả đôi mắt ướt đẫm lên gò má của tôi, bật ra những tiếng nói trong cơn mơ sảng. Anh có vợ rồi, không dám thương em chứ gì? Thôi kệ. Thôi kệ sống được hay không mà sợ…

Tôi ôm tấm thân rạo rực trắng trong như bột lọc vào lòng mình. Cái kẻ đạo mạo trong tôi run rẩy, đang dấn thẳng tới giây phút chịu đầu hàng thì bất ngờ cửa hầm xịch mở trong vài giây. Tôi chưa kịp chĩa nòng khẩu AR15 về phía đó, đã thấy có vật gì ném xuống đánh tạch, rồi cửa hầm lại đóng sập, nguồn sáng phụt tắt. Tôi quờ tay chạm ngay vào cái vật nhỏ người bên trên vừa liệng xuống, là mấy củ tỏi khô.

– Nguy rồi anh út – Giọng Hóa không còn giấu nổi sợ hãi – Tụi nó mang theo bẹc giê tới xom hầm!

Tôi ậm ừ vỗ yên Hóa, đầu óc đang bận dồn hết vào một câu hỏi: Ai vừa ném tỏi chống béc giê xuống cho mình? Cậu Bẩy Thượng ấp đội trưởng chăng? Chính Bẩy Thượng chỉ cho Hóa và tôi xuống. Nhưng không hiểu sao tôi lại không nghĩ Bẩy Thượng làm việc này. Bẩy Thượng không có cái cách lo nghĩ cho người khác chu đáo đến thế.

Từ hôm tôi và Hóa nhận nhiệm vụ “điều nghiên” chi khu cả Trấp nằm thoi loi trên cái lằn ranh giới giữa Đồng Tháp Mười với tỉnh Bờ rây ven của Campuchia, sống với đội du kích ấp Thới Hòa Trung chừng ấy ngày có lẽ nào tôi không hiểu tính nết của họ.

Nhớ cái buổi trưa cô giao liên CK (giao liên công khai) của huyện đội Hồng Ngự bơi chiếc xuồng tam bản chở tôi và Hóa tạt vào lõm rừng tràm, chưa thấy người đã nghe tiếng quát.

– Coi chừng máng trái tiêu mạng đó ghen!

Cô giao liên đáp lời mà như nói với rừng:

– Ra rước khách.

– Đợi đó. Đợi đó.

Ba chúng tôi đứng chôn chân một chỗ. Dưới mỗi lá cây ngọn cỏ đều có thể là một trái mìn. Xê dịch dù chỉ một bàn chân đều có thể gặp cái chết bất tử. Không đồn bốt, không thành cao hào sâu, các khu căn cứ du kích vẫn trở nên “bất khả xâm phạm” là nhờ những vành đai bí mật chôn dày đặc các loại trái chết người như thế. Đêm đang ngủ, nghe trái nổ đánh ầm, choàng dậy chĩa súng chuẩn bị chiến đấu. Nhưng đâu phải giặc tới. Chột máng trái đấy. Chột máng trái. Rùa máng trái. Người lúi húi cài trái, ngoảnh lại sau lưng liền chết vì trái mìn do chính tay mình vừa cài.

Đứng đợi hoài làm cô giao liên nổi quạu, hét lên:

– Bộ chết hết rồi sao mấy cha. Đồ mắc dịch.

Một cậu du kích mặt đỏ tưng bừng nhô ra khỏi lùm cây cười nhăn nhở, tay chỉ chỉ mắt nheo nheo hướng về phía đồn cả Trấp có ý bảo khẽ miệng chớ kẻo bọn địch trên kia nghe thấy. Té ra là mấy cha đang nhậu. Bẩy Thượng không thèm đứng lên chào khách, tay đậy sập cái nắp thùng đạn đại liên Mỹ đựng rượu, ngoái cổ nhìn ba người chúng tôi:

– Công chuyện gì bàn sau. Nhậu đã, anh Hai!

Chuyện đánh giặc cứ như đùa như bỡn. Thế đó, mà đã cha truyền con nối cầm cây súng theo cách mạng. Thế đó mà nửa triệu lính Mỹ và một triệu lính Việt Nam Cộng hòa phải xất bất sang bang.

Cửa hầm lại xịch mở, tiếng súng tiểu liên tràn xuống thành cơn bão. Lần này thì rõ là Bẩy Thượng. Đầu Bẩy Thượng đã quấn một vành băng trắng như người chít khăn tang, máu đang ứa ra trước trán, Bẩy Thượng nói to như quát:

– Lẹ đi, lẹ lẹ lên!

Tôi ngạc nhiên hỏi:

– Sao rồi, anh Bẩy?

– Lẹ lẹ lên! Đ. má cái thằng Lịnh, nó nhảy ra chiêu hồi mất rồi. Hầm này không xài được nữa. Lẹ lẹ lên cha nội!

– Nhưng đi đâu bây giờ?

– Lẹ lẹ lên! Con Hóa chạy xuống bà Năm ghe tiệm. Còn anh, theo tôi. Lẹ lẹ chút coi. Bộ mấy người muốn chết hả!

Bẩy Thượng cắm đầu chạy, mỗi lúc có viên đạn bay qua, lại khựng lại chửi thề. Nhưng tới chỗ có cây xoài lão đổ nghiêng xuống bờ sông, anh bỗng nằm vật xuống thở dốc, bàn tay ấn vào đám băng thấm máu trên trán. Mấy giọt máu từ đám băng ướt phùi ra. Gương mặt rám nắng của Bẩy Thượng tái nhợt.

– Có sao không, anh Bẩy?

Tôi ái ngại hỏi. Bẩy Thượng không trả lời, lại chửi thề, nói lùng bùng:

– Trốn đâu giờ cha? Mấy đứa bên hầm thằng Lịnh chạy sang hầm tôi đầy nhóc rồi.

– Hay là… – Một tia sáng chợt lóe lên trong óc tôi – Nè Bẩy Thượng. Chỉ cho tôi cái hầm thằng Lịnh đi!

– Sao? – Bẩy Thượng như giật mình tròn mắt nhìn tôi – Bộ định nhào vô đó nộp mạng ha?

Không. Tôi suy tính. Cái thằng chiêu hồi kia thừa biết sau khi nó chạy sang đầu hàng giặc sẽ không còn ai dám ở lại căn hầm cũ của nó. Nơi lộ liễu nhất mới là nơi kín đáo nhất. Tôi quyết định chơi canh bạc cuối cùng với số phận, bảo Bẩy Thượng:

– Cứ chỉ cho tôi hầm thằng Lịnh! Chỉ ngay đi, lấn bấn lúc này là chết đấy.

Ngỡ đâu ông trời ban cho mình một phút thông minh đột xuất, nhưng hóa ra tôi đã nhầm. Lúc Bẩy Thượng kéo tấm nắp hầm bí mật của thằng Lịnh ra cho tôi lách mình chui xuống, tôi liền ngửi thấy mùi khói dầu hỏa lẫn trong mùi ẩm mốc và mùi người ngột ngạt. Ngạc nhiên hơn nữa là ngách hầm trong cùng đang phát ra quầng sáng yếu ớt của một ngọn đèn cầy, mấy cậu ở đây trước tôi chưa kịp tắt. Chiến tranh còn là thế này nữa đây. Khác với tôi, người lính của một sư đoàn chủ lực, từng được huấn luyện công kiên chiến, trận địa chiến, vận động chiến, tao ngộ chiến… trên thao trường, những người du kích lúc làm dân lúc làm lính đã quá quen thuộc với những căn hầm bí mật như thế này. Họ coi cái khoảng không tù túng trong hầm bí mật là một không gian của cuộc sống. Còn tôi thì coi nó như cái quả lắc lắc qua lắc lại hai bên một sợi tơ mỏng manh phân cách giữa sống và chết. Tôi chợt nhớ Hóa. Hóa từng là cõi sống cho tôi chỉ cách đây ít phút đồng hồ. Hóa đang xoay xở ra sao dưới chiếc ghe lường bán tiệm của bà Năm.

Ôi Hóa! Hãy về đây với anh. Thay vì gọi em bằng cháu, anh sẽ gọi em bằng em. Anh chán ngấy cái gã đạo mạo vờ vĩnh trong anh rồi. Anh sẽ ôm em vào lòng, sẽ vuốt ve lên tấm thân ngọc ngà của em, sẽ vục đầu vào làn tóc em, sẽ vùi anh vào bộ ngực trinh trắng căng đầy của em, mặc thây lũ xe bọc thép M113 và những viên đạn đồng lớn như những trái nhót đang ào ạt bay tới nhằm xé nát tấm thân này. Anh thèm một giây được ngủ lịm trong đôi cánh tay của em, rồi sau đó là chết, là gọi nhau bằng vợ bằng chồng, là một gã đàn ông nào đó lại lọt vào vòng tay em như cái mà cô vợ Chi Mai của anh đang làm… Được tất. Chấp nhận tất… Tôi giật bắn người khi chợt phát hiện những tia sáng lấp lánh phát ra từ lớp bùn lép nhép nhàu nhò dấu chân người trong ngách hầm. Cái gì thế nhỉ. Cha cha, một sợi dây chuyền vàng! Sợi dây chuyền này hình như tôi đã thấy thằng Lịnh vẫn đeo sau lớp cổ áo bà ba đen của nó? Chắc là nó đã để lại trước khi chui lên khỏi hầm đi hàng giặc? Thế thì nguy rồi. Nguy lắm rồi. Nghe tiếng xích M113 rít ken két trên kia tôi như nhìn rõ cái bộ mặt dài lúc nào cũng men mét của thằng Lịnh đang quay lại tìm vàng. Bộ mặt thằng Lịnh nhòa nhòa, thoắt biến thành cái miệng con dã thú đỏ lòm sắp nuốt chửng tôi. Ngay từ lúc Bẩy Thượng dẫn tôi và Hóa chạy xuống căn hầm hồi nãy, tôi đã nhìn thấy miệng con dã thú trong bóng tối. Một điềm gở báo trước. Du kích Thới Hòa Trung đã đào căn hầm bí mật này trúng vào tử huyệt. Trên mặt tôi xối xả mồ hôi lạnh. Mấy lần tôi mở dây buộc cái túi bạt để lấy quả lựu đạn da láng ra không xong. Ơ hay thằng hèn! Tôi tự quát mắng xỉ vả tôi. Từ ngày vào mặt trận tôi đã ném hết một vòng lựu đạn móc ở chiếc dây lưng thắt quanh hông, nhưng bao giờ cũng để lại một quả dành cho mình. Cái quả được bỏ trong túi bạt, buộc dây cẩn thận ấy đây. Nghĩ đến cái chết từ lâu, nghĩ rất kỹ lưỡng, chuẩn bị cho nó chu đáo như chuẩn bị cho một công việc trước sau gì rồi cũng phải làm mà đã làm thì nhất định không được làm một cách lỡ dở. Thế mà tới lúc này bỗng sợ? Đồ hèn! Đồ hèn!

Tiếng xích sắt ngừng lại ngay sát trên đầu tôi. Một tiếng huỵch của cây xà beng làm tấm cửa hầm vỡ toác, đất lả tả lăn xuống tận chỗ tôi ngồi. “Nó” đã đến! Thằng Lịnh léo nhéo.

– Anh Tư Tiềm, anh Ba Ngôn, lên hàng Quốc gia không thôi chết uổng đó!

Im lặng rợn người, tôi nghe đất thở phào phào bên tai. Thằng Lịnh lại léo nhéo:

– Lẹ lên mấy anh. Mấy ông lính sắp chọi xuống đây nè! – Hình như thằng khốn kia nó đang khóc – Trời đất ơi mấy anh. Lên đi mà!… – giọng nó tắc nghẹn – Mấy anh ơi, không chống lại nổi đâu. Thằng Lịnh này chắp tay xá mấy anh…

Cái chốt quả lựu đạn trên tay tôi rút ra nửa chừng. Rút hết ra. Buông cái mỏ vịt cho nó bật đánh phựt. Tung qua cửa hầm. Rồi ôm cây AR15 này vọt lên, là trong chớp mắt có ngay một cái chết anh hùng! Nhưng – tiếng ai nói với tôi mà văng vẳng thế nhỉ – Chết anh hùng, hay sống anh hùng? Sao tới phút này mình mới đặt ra câu hỏi ấy? Anh hùng! Anh hùng!… cái chốt lựu đạn rút ra giữa chừng lại được cài trở lại. Tôi buông cho quả lựu đạn rơi xuống chân, rồi lên tiếng:

– Tư Tiềm với Ba Ngôn không có ở đây.

Tiếng thằng Lịnh:

– Ai đó?

– Tôi.

– A a. Anh Hai Giải Phóng phải không?

– Phải.

– Vậy lên đi anh Hai. Tôi lấy mạng tôi bảo lãnh cho anh Hai mà…

Thằng Lịnh còn lải nhải tôi đã ném sợi dây chuyền vàng lại phía nó.

– Của anh đấy. Cầm lấy! – và tôi quay sang đám lính sư đoàn 14 đang chĩa súng chạm vào tôi – các anh muốn gì thì làm đi.

Mấy tên lính rằn ri mặt non choẹt xông vào đấm đá, có đứa trở báng súng phang. Mấy người lính cứng tuổi đứng ngoài nhìn. Tôi không chống cự, vì biết chống cự vô ích, chỉ chống cự bằng những ý nghĩ trong đầu. Anh hùng, là thế này đây. Thương thay cho lũ sói người. Nếu họ rơi vào tay Quân Giải Phóng thì họ đã van lạy rối rít. Nào, bắn đi. Ta là quân Bắc Việt đây. Là Việt cộng đây. Hành hạ cho lắm, ta cũng chỉ đi đến cái chết là cùng. Nào… Hai quả đấm liên tiếp làm đôi mắt tôi tối sập. Tôi hét lên.

– Các anh hãy chừa một lối, đặng mai mốt còn được nhân dân tha tội cho!

Sau tiếng thét, tôi sẵn sàng nghe – đúng hơn là rất mong được nghe súng nổ. Nhưng không. Một người nào đã tới túm chặt vai tôi giật mạnh, rồi đẩy tôi ngã sấp mặt vào thùng xe M113. Chiếc M113 rùng rùng lao về hướng nào tôi không rõ. Đầu óc tôi lơ mơ, lịm đi. Trong lúc ngất lịm, tôi lại lơ mơ cảm thấy như có ai lật ngửa mình lên, đẩy cho đầu mình nghiêng sang bên này lại nghiêng sang bên kia. Tới lúc đèn máy ảnh nhoáng lên tôi mới choàng mở mắt. Tên sĩ quan ngụy đeo ba bông mai bạc trên cổ áo tay cầm máy ảnh, đang nhìn như xói vào mặt tôi. Hắn bấm thêm kiểu ảnh nữa, rồi đẩy tấm cửa sắt sau thùng xe rít lên một tiếng kéo dài, ra lệnh cho tên lái xe đỗ lại.

Không ngờ tên đại uý này phát âm đặc sệt giọng Bắc Kỳ.

– Ngồi dậy được không

Tôi chưa kịp trả lời, hắn đã nói tiếp.

– Nằm cũng được. Tôi cần lấy cung của anh. Anh hãy thành thật khai cho đúng nhé. Anh ở đơn vị nào?

– Quân giải phóng.

– Biết rồi “Công trường” Bẩy  phải không?

Im lặng.

– Vùng này là địa bàn hoạt động của “công trường” Bẩy các anh. Hỏi vậy chứ chúng tôi biết rồi. Anh xuống đây với nhiệm vụ gì?

Im lặng.

Lại vẫn lời tên đại uý:

– Chuẩn bị đánh chi khu Vĩnh Trấp. Các anh đang rất cần nhổ cái chi khu này để đưa lực lượng lớn ép xuống lộ Bốn chứ gì?

Im lặng.

Và cứ thế, tên đại úy vẫn miệng hỏi tay ghi lia lịa vào cuốn sổ nhỏ, mà chẳng hiểu hắn ghi những gì. Lúc xe dừng lại, nắng chiều còn đỏ hoe bên trên khung cửa tháp súng hình tròn khiến tôi có cảm giác tôi và tên đại úy đang ngồi đối đáp nhau trong lòng một cái giếng hẹp. Giờ thì nắng đã tắt, trong thùng xe đang chuyển nhanh sang thứ ánh sáng mờ mờ sâm sẫm, tên lái xe phải bật đèn cho tên đại úy ghi.

Tên đại úy giơ cổ tay xem đồng hồ, gập sổ, hỏi:

– Anh ra hàng chính phủ Quốc gia chứ?

Tôi im lặng. Giọng gã chùng lại như dụ dỗ năn nỉ:

– Chịu hàng đi anh ạ. Hàng, anh sẽ được quân lực Việt Nam cộng hòa cho giữ nguyên cấp sĩ quan, như ở bên Giải Phóng đấy.

Tôi vẫn làm thinh.

– Anh suy nghĩ kĩ đi. Tới lúc về bộ tư lệnh của chúng tôi mọi việc sẽ khó khăn lắm, chứ không như ở chỗ này chỉ có tôi và anh. Với lại… Anh nghĩ lại xem. Nam hay Bắc cũng là người mình sao lại tiến hành xâm lược nhau nhỉ?…

Tới đây tôi không thể không dằn giọng nói với tên đại úy, bảo hắn đừng tốn công vô ích, bọn Mỹ mới là kẻ xâm lược, lũ hắn là tay sai cho giặc, và chỉ với những bộ óc ngu xuẩn mới cho là chúng tôi vào xâm lược miền Nam. Thế là tên đại úy đùng đùng nổi giận. Hắn đấm xuống sàn xe đánh rầm, hét:

– Câm mồm! Nói láo nữa là tao bắn bỏ!

– Bắn đi! Có gì lạ mà anh còn phải dọa?

– Thách hả. Thì thách này! Thách này!

Hắn đạp thốc tôi xuống khỏi thùng xe, hầm hầm lôi tôi ra cánh đồng bắt đầu mịt mùng bóng tối. Hắn đẩy sấp tôi vào dưới chân búi cỏ, một bàn chân đạp lên lưng tôi, xoạch một tiếng lên đạn và trước mắt tôi vàng lòe, tai tôi không nghe thấy gì nữa, chỉ có cảm giác kẻ nào đang đấm liên hồi vào đầu mình. Tôi muốn hét “vĩnh biệt” nhưng thực tế là hai hàm răng tôi đã cắn chặt vào nhau…

Tên đại úy xả trọn một băng đạn tiểu liên. Xong, lại có tiếng lựu đạn, hắn còn nã ba bốn viên đạn súng côn nữa mới chịu quay ngoắt bước về xa.

Cái đế giày của tên đại úy vừa cất khỏi lưng tôi là người tôi như bị lòng đất hất vút lên bay lơ lửng giữa trời. Ngọn gió chướng hay một trận bão làm người tôi quay tít chung quanh cái quầng sáng rờ rợ lạnh buốt của ngôi sao hôm mới mọc. Có tiếng ong ong vu vu từ đâu vọng tới. Một đàn ong vô hình cứ quấn quanh người tôi. Tôi bay tới đâu đàn ong quấn theo tới đó hay đàn ong đang lùa nhau đẩy tôi lên cao mãi tôi muốn dừng lại mà không được. Tôi bỗng thèm được nhìn lại trái đất một lần cuối cùng.

Nhưng trời ơi!… sao lạ lùng thế này? Tại sao tôi còn thấy được chiếc M113 chở tên đại úy vừa bật đèn chạy xuôi bờ sông Tiền về phía thị trấn Hồng Ngự? Có lẽ nào tôi vẫn sống? Hay đây là linh hồn tôi còn lưu lại chốc lát trên cõi dương gian? Thú vị quá. Té ra cái chết có gì đáng sợ đâu. Chỉ thế này thôi mà. Một cái ngã ba bước qua lúc nào không hay. Một cái trại tiền tiêu lột bỏ hộ mình khối thân xác nặng nề thô kệch, rũ bỏ hộ mình tất cả những nhu cầu ăn uống, tình ái ghen tuông, giải hóa cho mình những chặng đường trầy vây tróc vẩy ngoi lên ngụp xuống, kỳ vọng và chán chường, rồi đẩy vút mình vào một cõi thanh thản vô biên… Tôi đập bàn tay xuống mặt đồng nghe đánh bộp, nửa bàn tay lọt nghiêng vào kẽ đất nẻ thấy đau đau. Tiện thể tôi quơ luôn một ngọn cỏ gì thơm thơm ngai ngái bỏ vào miệng nhấm thử, nghe đất cát lạt sạt giữa hai hàm răng. Trong không khí vẫn khét lẹt mùi khói đạn. Gió chướng lồng lộn quét qua lành lạnh trên lưng áo lạ lùng! Thế này là thế nào? Hay là do tối trời tên đại úy không nhìn rõ mục tiêu xối đạn? Hay là tôi chỉ bị thương. Bị thương vào đâu? Tôi sờ nắn khắp người, sờ đi sờ lại vẫn không thấy chỗ nào có máu. Lúc sờ lên túi áo ngực thấy có gì cồm cộm, trơn trơn, giống như một xấp mỏng giấy bạc. Nhưng tôi nhớ mình không có tiền bỏ trong túi. Có tờ giấy giới thiệu của bộ tư lệnh sư đoàn gửi huyện đội Hồng Ngự, trước khi lên khỏi hầm bí mật tôi đã nhai nát và nuốt mất rồi cơ mà.

Tôi lật người nằm ngửa, nhìn vòm trời đêm Đồng Tháp Mười mùa khô chi chít sao, và rùng mình thấm cái lạnh đất phèn đang xông lên qua lần áo mỏng. Rất lâu như thế đầu óc tôi mới kịp hồi tỉnh trở lại. Tôi thì thầm thành tiếng:

“Hỡi con người kia. Anh là ai?”.