Rừng áo trắng

Chẳng ai hiểu rừng áo Trắng bằng già Lâm. Già Lâm, con người khó đoán tuổi. Mái tóc đen nhánh chưa vương một sợi bạc. Đôi mắt hình quả đậu ván ngấm ngầm phát sáng gợi ta nghĩ tới một đôi cá đuôi cờ luôn luôn thay đổi mầu sắc, lúc óng ánh rực rỡ, lúc tím biếc, lúc vàng vàng mầu nghệ non. Vầng trán cao, hai má dài rộng, gò má nhọn, những đường nhăn chi chít xuất phát từ gò má, từ thái dương, kéo xuống tận cằm, giống như những dòng sông ngoằn ngoèo phát nguyên từ trong rừng sâu núi cao và kết thúc ở cửa biển. Với tầm vóc cao lớn bao giờ cũng dư thừa sức lực, và chút tật nguyền nằm bên chân phải khiến già Lâm bước tập tễnh làm giảm mất rất nhiều vẻ tráng kiện, tinh nhanh của già.

Căn nhà của già Lâm, một gian nhà hai chái đứng lẻ loi ở bìa rừng áo Trắng. Ngoài hai mái lợp tranh, từ kèo cột đến cửa, vách, tất tật đều bằng bương đẵn trong rừng ra. Căn nhà độc đáo ở chỗ có bốn khung cửa rộng mở ra bốn hướng. Sáng nắng rọi từ cửa bên đông sang bên tây. Chiều nắng rọi từ cửa bên tây sang cửa bên đông. Tuy chật hẹp như thế nhưng chả mấy khi già Lâm vắng khách. Khách của già đều là thợ trồng rừng, những người đàn ông xa nhà, hoặc đám con trai sống độc thân, ở khắp bốn đội trồng rừng của lâm trường, hễ có được vài ngày nghỉ là mò đến bù khú với già.

Cách tiếp khách của già Lâm cũng thật độc đáo. Ai muốn uống rượu, tự mua lấy, còn thức nhắm, già nuôi một đàn gà không thể biết mấy chục con, với một cây nỏ và chiếc ống tên treo trên vách. Khách đến, thích ăn con nào bắn con ấy. Hễ lớ ngớ bắn trật, xua gà bay táo tác, thì nhịn. Trong trường hợp hẩm hiu như thế, khách vừa phải ăn cơm suông với muối vừa phải nhận lỗi trước chủ. Khắp lâm trường đều biết già Lâm nuôi gà đầy đàn đầy đống nhưng nếu chỉ có mình già thì già không bao giờ động đến chúng. Phải có khách già mới “nhân thể kiếm được vài miếng” như già nói.

Già Lâm không có tính ky cóp dành dụm, nhưng già ngại cách rách. Từ hồi trai trẻ già đã nhiễm tính ấy, thích chăm sóc người khác, với mình tuềnh toàng thế nào cũng xong. Vả lại già Lâm rất bận. Cánh rừng ngót nghét trăm héc ta, một bề kéo dài từ chân núi Bò Liếm lên tới núi Ông Cọp, một bề chạy từ bờ vực áo Trắng tới sát sông Lung, bương mọc so đũa phải kể triệu cây, mà chỉ mỗi mình già coi sóc, canh giữ. Nhiều lần giám đốc lâm trường hỏi già có cần xin thêm người giúp việc, già đều lắc đầu nói không cần. Chừng nào già còn sống trên đời, già còn dành trọn vẹn thời gian và sức lực của mình cho rừng áo Trắng.

Già Lâm trở thành người bí ẩn.

Nhất là từ khi những người cùng lứa với già lần lượt nghỉ hưu rời khỏi lâm trường, những cô những cậu mới lớn, mới gia nhập đội ngũ của rừng thì chẳng mấy ai còn lưu tâm tới việc tại sao cánh rừng bương già Lâm hiện coi giữ lại mang tên là rừng áo Trắng, và tại sao sau khi nghỉ hưu già Lâm không đi đâu mà lại tình nguyện ở lại mãi mãi với nó.

*

*        *

… … …

Chuyện ở đời mình làm mình chịu mà cứ như có bàn tay bí mật nào xếp đặt.

Suốt chín năm đánh Pháp, già Lâm đi từ các chiến dịch Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Hoàng Hoa Thám, Thượng Lào… tới chiến dịch Trần Đình – chiến dịch Điện Biên Phủ – xông pha kể biết mấy trận, chẳng hề bị một mảnh đạn làm chảy máu sầy da. ấy vậy mà tới dạo đại đoàn – tức sư đoàn bây giờ – kéo quân về đồng bằng Bắc Giang đánh mấy trận làm hậu thuẫn cho phái đoàn ta đàm phán bên Giơ-ne-vơ, đùng một cái già Lâm thành thương binh, chỉ vì một trái mìn rủi ro ấy già Lâm mới thật sự tin là mình không còn đủ điều kiện ở lại xây dựng quân đội tiến lên chính quy, hiện đại. Già về một nông trường, rồi chuyển qua lâm trường. Lâm trường Quyết Thắng bấy giờ chỉ gồm hai đội, một trồng cây, một khai thác. Đội trồng cây già Lâm ở có hơn năm mươi người, do một đại đội phó chuyển ngành làm đội trưởng, già Lâm làm tổ trưởng cai quản chín người.

Anh tổ phó của già Lâm bấy giờ cũng là bộ đội chuyển ngành, nhưng kém Lâm chục tuổi, một tay đàn giỏi hát hay, mặt trái xoan, mảnh mai trắng trẻo, lên sân khấu đóng giả con gái tài đến mức nhiều chàng trai phải xiêu lòng. Phú – tên anh tổ phó – trở thành “cây” dân vận rất được việc cho tổ. Họ về đóng ở đâu, khi cần tre nứa để dựng lán, cần rau, cần trứng cho anh em ăn tươi, hoặc cần bất cứ sự giúp đỡ nào của dân bản, chỉ cần cho Phú đi dạo một vòng là có ngay.

Một trong những lần đi dân vận như vậy Phú đã dẫn về chỗ đóng quân của tổ một cô gái bản Mường Lay, tên là Sim. Cô gái cao dong dỏng, môi đỏ, da trắng như thoa phấn, thoạt đầu không ai ngờ đã hai mốt tuổi, vì trông cô chỉ như một cô gái mới lớn, khoảng mười bảy mười tám là cùng. Dĩ nhiên mọi người đều nghĩ sở dĩ cô gái đẹp nõn nà này quyết chí xin vào ở lâm trường là vì cô ta đang chết mê chết mệt với thằng Phú.

Lâm cũng cho thế là phải. Anh nói với đồng chí đội trưởng:

– Đề nghị anh cho cô Sim ở tổ tôi, để hai đứa chúng nó được gần gũi nhau.

Đồng chí đội trưởng hỏi lại:

– Con bé đẹp thì đẹp thật, nhưng chắc gì thằng Phú đã chịu lấy? Cái thằng hay léng phéng thế thôi…

Lâm phản đối:

– Anh đừng nghĩ oan cho thằng Phú. Nó say cô bé như điếu đổ rồi.

– Chắc không?

– Chắc. Hễ léng phéng làm khổ con bé thì tôi cạo trọc đầu!

Thế là tổ Lâm có thêm một thành viên thứ mười. Sim vác cuốc đi trồng thông hôm trước, hôm sau tiếng đồn đã bay khắp lâm trường, lôi cuốn nhiều chàng trai dập dìu tới chiêm ngưỡng người đẹp. Phú càng cố gắng trổ hết tài hoa, và càng làm đỏm hơn. Bộ quần áo bảo hộ lao động của Phú bao giờ cũng sạch sẽ, đêm đêm được cởi ra vuốt phẳng và gối đầu giường để thay bàn là. Phú xin nghỉ phép về thăm quê dưới Thái Bình, nhưng chỉ về tới thị xã Hòa Bình vài ngày rồi trở lên. Người đầu tiên nhận ra sự khác lạ trên mái tóc của Phú chính là Sim. Hôm Phú từ thị xã lên mang tặng Sim chiếc khăn bông bay óng ánh như mạng nhện đính sương, Sim ngắm chiếc khăn tặng thì ít, ngắm mái tóc của Phú thì nhiều. Cô bất giác kêu lên:

– Tóc anh làm sao rồi. Anh Phú?

Phú đỏ mặt cúi xuống, trả lời lí nhí:

– Không sao đâu. Nhưng… Sim không thích à?

Sim che miệng cười:

– Cũng thích chứ. Nhưng giá anh cứ để tóc đen thì đẹp hơn.

Lúc đó mọi người mới kịp nhận ra mái tóc đen mượt của Phú trước kia giờ vàng hoe và gợn lên thành mấy lượn sóng trước trán. Công bằng mà nói, những lượn sóng vàng có làm cho gương mặt vốn nhẹ nhõm của Phú đẹp hơn lên chút ít, nhưng là vẻ đẹp của thứ cây được uốn tỉa trong bồn. Tệ hại hơn nữa, vì mái tóc ấy mà Phú không dám tắm gội tự nhiên như mọi khi. Mọi khi, sau ngày làm việc người nhễ nhại mồ hôi, Phú cùng anh em cởi quần áo vắt lên đá, nhảy ùm xuống suối thỏa sức quẫy đạp, ngụp lặn, la hét, nô nghịch. Còn bây giờ, Phú chỉ dám men men ở chỗ cạn, khẽ vốc nước lên người, thà chịu những lời chế nhạo của chúng bạn còn hơn bị ướt tóc.

Tuy nhiên sự đời trăm người trăm ý. Có người chê mái tóc của Phú nhưng cũng có người khen. Bên cạnh đám con trai mon men đến làm quen với Sim, có cả đám con gái liếc trộm không chán mắt bộ tóc vàng râu ngô của Phú.

Phú xốn xang trước những đôi mắt vụng trộm ấy. Có điều càng ngày anh càng khắc khoải chờ đợi một tia sáng lạ lóe lên từ đôi mắt xanh mầu trời của Sim. Hay là tại Phú thiếu chững chạc? Phú thèm khát có được sự chín chắn, điềm đạm của tổ trưởng Lâm. Sim thường hay trò chuyện với Lâm, đòi anh kể chuyện này chuyện nọ, khâu vá cho anh, chăm chút anh hơn những người khác, chỉ vì Lâm biết sống như một người anh cả đối với bầy em nhỏ trong nhà. Về phía ấy Phú tự biết mình không thể có được. Phú kiên nhẫn, rồi Phú đau khổ. Đôi mắt của Sim nhìn anh thì vẫn trong trẻo, hồn nhiên như thế. Chẳng lẽ Sim không nghe những câu nói bóng gió, chòng ghẹo của đám chị em bạn gái với cô? Cho đến một hôm từ cái dạo vừa trồng xong cánh rừng thông trên núi Phượng Hoàng và chuyển sang trồng bương dưới chân núi Bò Liếm, Phú và Sim mỗi người vác một chiếc cuốc chim, lững thững đi bên nhau trên đường về lán, Phú buộc lòng phải hỏi:

– Sim ơi!

– Dạ.

– Em có nghe người ta đồn đại về hai chúng mình không?

– Có.

– Em nghĩ sao?

– Em chả nghĩ sao. Mình không thế thì thôi chứ anh. Lo gì!

– Nhưng Sim có nghĩ đến anh không?

– Nghĩ chứ.

– Sim có thương anh không?

– Thương chứ.

Phú gần như phát điên trước những câu trả lời quá ngắn gọn và vô tâm của Sim. Anh nín thở lấy thêm can đảm, giống như người lính bắn đến viên đạn cuối cùng rồi sau đó hoặc là thắng trận hoặc là chết.

– Sim. Em có yêu anh không?

– Anh nói đùa!

– Không. Phú thét lên. Em phải nói cho anh rõ, em có muốn làm vợ anh không?

– …

Phú cướp lời Sim để nói hết ý, môi lắp bắp, tái ngắt:

– Anh yêu em gần năm nay rồi, ngay từ hôm anh gặp em ở Mường Lay. Nếu em không yêu anh, anh sẽ chết. Sim ạ!

Lần đầu tiên Sim bối rối trước mặt Phú. Song thật tội nghiệp cho Phú. Đấy không phải là biểu hiện của tình yêu, mà là nỗi hoảng sợ của người con gái, Sim ù té chạy và luôn luôn có cảm giác một tiếng sét sắp giáng xuống đầu mình.

Tối hôm đó sáng trăng non. Lâm đi họp trên đội về chợt giật mình thấy một bóng người đứng vẩn vơ ở chỗ lội ngang con suối Nại: Sim. Sim níu chặt lấy cánh tay Lâm và òa khóc. Lâm lay gọi cô gái:

– Sim. Có chuyện gì? Có chuyện gì? Nói anh xem nào! Nói!…

Lâm chột dạ nghĩ đến Phú, rồi lại nghĩ lướt qua vẻ mặt của mấy chàng trai lâu nay vẫn theo đuổi cô bé. Đứa nào vừa mới “làm gì” Sim? Ngực Lâm bỗng nhói đau. Anh nổi giận quát:

– Nín! Nín!

Cô gái không nín. Sim càng ghì chặt cánh tay Lâm vào bộ ngực đang phập phồng của cô, giụi cả gương mặt ướt đầm vào tay áo, vào vai, vào ngực Lâm. Bất ngờ Sim lên tiếng:

– Anh không muốn lấy em à?

Lâm bàng hoàng, hoàn toàn không hiểu gì, đứng trơ.

– Anh không muốn lấy em à?

– Hả?

– Anh chê con gái Mường à?

– Hả? Cô nói gì thế cô Sim? Cô không ốm đấy chứ? Lâm vừa nói vừa đưa bàn tay còn được thả lỏng sờ lên trán Sim. Tỉnh lại đi Sim. Anh là Lâm đây mà!

Lúc sau hai người bình tĩnh lại, Sim thôi khóc, Lâm thôi cái cảm giác ù đặc trong tai như nằm dưới làn đại bác, thì trăng lên. Sau núi ông Cọp như có đám cháy lạnh lẽo vừa nhóm lên và loang rất nhanh. Lâm cùng Sim ngồi xuống một đoạn cây vứt cạnh lối đi.

– Sim ạ, Phú yêu em lắm. Sao em không yêu anh ấy?

– Em không biết.

– Phú tốt đấy. Lại trẻ và có tài…

– Anh ấy bảo anh ấy muốn ở rể. Em không đồng ý. Em chỉ muốn cho anh ở rể thôi.

– Tôi nhiều tuổi rồi. Sim biết không?

– Ai già ai trẻ em khắc biết. Anh không phải nói! Hay là anh đã có vợ dưới xuôi?

– Tôi chưa có vợ. Nhưng Sim hãy chịu khó mà nghe lời tôi. Nếu tôi lấy Sim, anh Phú sẽ nghĩ sao? Anh em trong tổ, trong đội, trong cả lâm trường sẽ nghĩ thế nào về tôi?

Giọng Sim đau đớn bất lực:

– Anh lấy vợ hay là lấy tiếng?

Gà rừng bắt đầu gáy sáng. Sương mù mới đó còn lảng bảng, thoắt cái đã đặc ngầm thành một vành đai bông trắng quấn quanh chân núi. Hai người đứng dậy đi về lán ở. Người nọ thấy cái bóng của người kia nhòe nhoẹt trong sương, buồn tê tái mà chẳng biết nói gì.

– Anh Lâm chờ em với, em bảo cái này.

– Sắp sáng rồi đấy Sim.

– Sáng cũng được. Mai em về rồi.

Lâm sửng sốt.

– Em về đâu?

– Mai có chợ Mường Vang, em ra đó theo người quen về nhà. Em không làm công nhân nữa đâu.

Lâm rùng mình sởn gai ốc, khi cô gái nói tới đoạn này:

– Em trốn bố mẹ đi làm công nhân để khỏi phải lấy chồng. Chồng em là thầy cúng ở Mường Sinh. Nhà nó giàu, nó mua em bốn mươi nén bạc. Nó bắt em về nhà nó, em không về, nó lắp tên thuốc độc vào nỏ định bắn em chết, em cũng không về…

Đằng sau lời nói đơn giản là cả một câu chuyện dài.

Gã thầy cúng người xứ Mường Sinh cầm nỏ và cưỡi ngựa đến Mường Lay để đón Sim về. Sim không chịu. Gã đứng trên bậc cầu thang nhà sàn gọi Sim: “Lại đây bảo!”. “Bảo gì?”. Gã tì cán nỏ vào bụng, lên dây, rút mũi tên trong chiếc ống đeo vắt sau lưng, đặt vào rãnh nỏ, “Trông đây!”. Gã ưỡn ngực giương nỏ lên nhằm con lợn khoang nhà Sim đang nằm cho con bú dưới gốc chuối. Phực. Mũi tên bay sợt qua đám lông gáy con lợn, cắp phập xuống đất. Lúc sau gã kéo tay Sim lôi tới, đã thấy con lợn mẹ nằm trợn mắt, máu ộc ra miệng, và nhễu giọt theo hai hàng núm vú dưới bụng. Sim bưng mặt rú lên. Gã thầy cúng cười hềnh hệch rút thêm một mũi tên giơ ra trước mặt Sim. Gã trừng mắt: “Phần cô đấy!”.

Liền mấy ngày sau Sim mất ăn mất ngủ, bỏ nhà trốn lang thang trong rừng. Nhưng Sim đi khắp mấy cánh rừng mấy ngọn suối đất Mường Lay, cô vẫn không sao gạt bỏ được hình ảnh gớm ghiếc của mũi tên tẩm thuốc độc và đôi mắt nhìn trừng trừng của gã thầy cúng. Đó là những ngày trước lúc Sim gặp Phú.

– Sim định về ở với người ấy?

– Vâng. Ở được thì ở. Không ở được, em ăn lá ngón em chết.

– Trời ơi. Sao không bắt cổ thằng ấy đi?

– Có bắt đấy. Ủy ban bắt nó lên huyện học tập mấy tháng rồi lại thả cho nó về. Nó không dám đi cúng nhiều như trước. Nhưng tính ác thì vẫn…

Sim không kịp nói hết câu. Lâm đột ngột quay người lại, bằng tất cả sức mạnh của đôi cánh tay người lính, anh ôm ghì lấy Sim và nhấc bổng cô lên.

*

*         *

Công việc trồng bương dưới chân núi Bò Liếm được khởi sự từ đầu tháng giêng, những ngày sương mù lẫn mưa bụi, thỉnh thoảng mới thấy nắng hửng lên để liền sau đó bầu trời lại sùm sụp một mầu đá xám. Tình yêu thuần phác biến Sim thành một cô gái nhí nhảnh, bạo dạn, cười nói suốt ngày. Riêng Lâm, bên cạnh sự ban phát thần thánh mà anh được hưởng, anh còn phải chịu đựng biết bao điều tiếng. Mấy chàng trai sinh lòng ghen ghét rủ nhau đặt vè chế giễu Lâm, và để trả thù Sim, họ nhất loạt gán cho anh thêm một chữ già. Cái tên già Lâm sinh ra là như thế. Còn Phú, hàng tháng sau Phú vẫn chưa thể tin cô gái xinh đẹp kia lại yêu Lâm một cách mê say mà không hề yêu mình.

Công việc thì mỗi ngày một thêm vất vả. Mười con người cặm cụi suốt từ sáng sớm tới chiều tà để bấng từng nhò gốc bương non ra khỏi búi cũ, đem trồng vào khoảnh đất mới. Nguồn cây giống ở gần chẳng được bao lâu. Về sau họ phải cơm đùm cơm nắm ngược mãi lên tận nguồn suối Nại để đào bới, gồng gánh mang về. Khoảng đất trồng bương cứ thế được loang rộng ra một cách khá chật vật. Cái vạch đỏ trong tấm biểu đồ trồng rừng treo ở phòng giám đốc lâm trường nhiều ngày chỉ nhích được vài ly, nhiều ngày bị chững hẳn lại. Công việc theo kế hoạch phải kết thúc vào đầu mùa hạ, nhưng mãi tới đầu mùa xuân tổ của Lâm mới kéo được những hàng bương từ phía sông Lùng tiến đến sát bờ tới suối Nại. Những gốc bương cuối cùng được cắm xuống đất dưới bầu trời mưa dông sấm chớp đùng đùng, những hàng cây trồng đầu tiên thì đã tỏa cành và mọc măng tua tủa. Cái thung lũng hình chiếc lá bàng khô vênh xưa nay dành cho sỏi đá và cỏ dại nay khó lòng mà nhận ra.

Con người cũng có biết bao biến đổi. Trong khoảng thời gian từ khi tổ trồng rừng kéo về dựng lán tới nay, nhiều người đã đi từ quãng này sang quãng khác của cuộc đời.

Anh tổ phó đẹp trai giờ đã có “đối tượng” mới ở trường cấp hai huyện, một cô gái dưới xuôi mới lên. Phú dành dụm sắm được chiếc xe đạp sơn đỏ chót, thứ bảy nào cũng xin phép Lâm biến hút từ nửa buổi chiều. Một cô gái khác tên là Thảo lấy chồng bên đội khai thác, mới sinh con trai. Thằng bé chẳng những là con cưng của bố mẹ nó, mà còn là niềm vui chung của cả tổ, cả đội. Bấy giờ ngay cả những tác giả đặt vè châm chọc Lâm dạo nọ cũng không ai còn nghĩ việc Sim yêu Lâm là điều vô lý. Trước đây họ “cào ra”, nay họ lại “vun vào”. Anh tổ trưởng đã trải qua quá nửa đời người giờ mới hiểu thế nào là thời trai trẻ. Và cô gái bản Mường Lay như một chiến sĩ quả cảm vừa vượt ngục thoát ra khỏi những gông cùm của cả một xã hội nghìn năm vua quan, lang đạo, giờ mới tin rằng tình yêu là điều có thật trên đời.

Đời sống công nhân lâm trường chưa thể gọi là đầy đủ, song họ thật yên ổn và sung sướng. Những con người được yêu thương, được đổ mồ hôi nước mắt cho rừng, được mong đợi, và được tin cậy vào hạnh phúc…

Già Lâm cho tới những ngày này vẫn đinh ninh mình đã đi qua cái đỉnh cao tuyệt vời của hạnh phúc. Điều đó đã giúp già sống giữa cô đơn vắng lặng mà vẫn thấy thỏa mãn, dường như trên trái đất không thể có một ai khác từng được như già.

Vào một đêm… khi cánh rừng bương mới trồng nhích dần đến bên bờ suối Nại, tổ trưởng Lâm đã mua sẵn mấy con gà, chờ trồng nốt dăm bảy hàng cây nữa là phủi những bàn tay lấm đất, thay quần áo mới, mở tiệc ăn mừng xong công việc… Phải rồi… Vào một đêm sau trận mưa rào khắp trời trăng sao vằng vặc, Sim mang đến chỗ Lâm một dải vải chàm rộng bằng bàn tay và khá dài, ngồi mải miết thêu bên ngọn nến trám tỏa khói thơm hăng hắc.

– Em thêu khăn quàng đấy ư Sim?

Sim ngước lên nhìn Lâm khiến anh thảng thốt trước những tia sáng mầu than đá đang im lặng tưới lên người mình. Sim mủm mỉm cười, giọng nói rung lên vui sướng:

– Hôm cưới, anh có thích em mặc váy Mường không?

Lâm chăm chú nhìn chiếc sơ mi vải xanh trứng sáo trên người Sim, khẽ gật đầu.

– Thú thật, anh thích em mặc thế này hơn. Đẹp và gọn. Nhưng…

Sim ngừng thêu, lắng đợi.

– Nhưng thế nào. Anh?

Lâm gãi gáy, mặt thoáng đỏ biết mình nói quanh co.

– Nhưng nếu em thích mặc váy Mường, anh cũng đồng ý. Miễn em thấy là đẹp.

Sim lại ngẩng nhìn Lâm, cái nhìn vừa biết ơn vừa thương anh chan chứa.

– Phải chi em là người xuôi, chắc anh đỡ buồn?

– Sim. Sao em lại nói thế? Không khi nào anh phải cân nhắc em là người Mường hay người Kinh. Chỉ cần em yêu anh là đủ.

Sim cúi nhìn mấy ngón tay cầm kim của Sim nằm gọn trong bàn tay ấm nóng và ram ráp của Lâm. Sim khẽ cựa.

– Buông em ra cho em thêu. Nào! Nào!…

Lâm buông bàn tay bé nhỏ của Sim ra, nhưng chính cô lại ngả hẳn vào lòng anh. Sim giật vội mấy chiếc cúc trên tấm áo quân phục của Lâm rồi giấu mặt vào sau lớp vải, như thở hít mùi mồ hôi mặn của anh thấm nồng trong đó.

– Bao giờ chúng mình có con. Em? – Lâm thì thào.

Sim đáp lại càng nhỏ hơn, vừa đáp vừa dũi sâu mãi vào ngực người yêu:

– Anh đã muốn chưa? Anh muốn… thì…

Bầu trời trăng sao sà xuống thành một trận bão ngũ sắc quanh chỗ họ nằm. Cô gái khóc nghẹn ngào vì không có cách gì nói hết được niềm say đắm trong lòng. Người con trai thì biết chắc từ phút ấy mình đã là một con người khác, một cuộc đời khác – một con người của hai người, một cuộc đời của hai cuộc đời.

Hôm sau Lâm về họp ở ban chỉ huy đội. Buổi sáng nắng chói chang ngay từ lúc ngọn cỏ còn dính sương. Sim chạy theo đưa cho Lâm chiếc áo mưa. Lâm không muốn cầm. Sim trách anh bằng một câu tục ngữ đất Mường Lay:

“Người khôn sắm chăn giữa năm. Người dại gặp mưa mới đi tìm nón”.

Lâm đành ngoan ngoãn nhận chiếc áo mưa, và nắm luôn cổ tay mát rợi của Sim, làm cô bật cười khanh khách.

– Người ta cười cho đấy!

– Ai thấy mà cười?

– Rừng thấy. Núi thấy. Suối thấy… Buông ra. Anh!…

Hơn một tiếng đồng hồ leo dốc, tiếng “anh” lúc nào cũng ngân vang bên tai Lâm. Lâm ngồi ở hàng ghế đầu trong phòng họp, cố tập trung đầu óc lắng nghe ông giám đốc lâm trường thuyết trình trên bục mà không sao được. Giám đốc lâm trường mọi khi thường nói vắn tắt, sao hôm nay ông nói lê thê đến thế! Lúc lúc Lâm lại ngoảnh nhìn bóng nắng sắp xiên vào thềm, người nóng như lửa đốt. Giá cuộc họp vắng mặt ông giám đốc, hẳn giờ này Lâm đã được chạy về với tổ, với Sim, để được nghe giọng nói dịu ngọt của tình yêu. Đôi mắt ấy, giọng nói ấy, cả lồng ngực ngọc ngà phát ra nó, hiện lên gần gũi trong vòng tay Lâm.

Vừa ra khỏi phòng họp, Lâm liền chạy như lao mình xuống con dốc dài, những tưởng chỉ sau chớp mắt là anh được ghì chặt Sim vào lòng. Nhưng. Hỡi ôi. Cái chớp mắt ấy. Ai ngờ…

Xế chiều. Anh chị em trong tổ trồng cây còn đang ngồi trốn nắng dưới bóng râm chợt vùng dậy nhớn nhác nhìn quanh. Có tiếng gì ầm ầm như gió bão. Mà trời thì vẫn không một gợn mây. Tắt gió. Nóng ngột. Một người sợ líu lưỡi chỉ tay lên đỉnh thác Nại, nơi vừa xuất hiện một khối trắng đục, lừng lững ngang ngọn cây, đang lao xuống vùn vụt. Nước! Trời ơi nước! Chẳng ai kịp nghe những tiếng kêu thất thanh nữa. Ngọn sóng đã cuộn réo, gầm thét kinh động trên khoảng rừng bương mới trồng…

Những người ít tuổi chưa biết gọi hiện tượng quái dị này là gì. Những người già thì gọi đó là họa vỡ con nước.

Họa vỡ con nước ở miền rừng nào cũng có, lâu lắm mới xảy ra, cả đời người chưa chắc gặp một lần. Song đó là công việc của những nhà khoa học chuyên nghiên cứu về thủy văn. Những hiểu biết về hiện tượng này dường như không dính dáng gì đến số phận của mười nhân vật trong tổ trồng rừng của già Lâm.

Sáu người trong họ may mắn thoát nạn. Một cô gái quá hoảng sợ đã trốn biệt trên đỉnh núi Ông Cọp, mặc dầu sau đó chỉ mươi phút đồng hồ nước đã rút hết mà cô vẫn không dám bén mảng xuống chân núi. Khi anh em tìm thấy cô trong một hang đá nhỏ, cô đã kiệt sức vì đói. Gần nửa tháng sau, Lâm leo hết tất cả những ngọn núi, anh sục sạo vào tất cả những cánh rừng trong vùng, chỉ với chút hy vọng le lói rằng Sim cũng có may mắn rơi vào trường hợp giống như cô gái nọ. Mấy tháng sau, Lâm tìm về tận đất Mường Lay quê hương Sim, xuống tận thị xã và rảo qua hầu khắp những xứ Mường Bi, Mường Vang, Mường Trắng, Mường Dốc… để cuối cùng Lâm tìm thấy dấu vết người vợ chưa cưới của anh ngay ở sát mép vực – vực áo Trắng bây giờ – Một mảnh áo sơ mi rách tướp còn mắc lại trên một nhò bương vừa kịp nảy măng! Chính là chiếc sơ mi mầu trứng sáo mà Sim mặc trong đêm cô ngồi thêu cạp váy, bên cạnh Lâm. Mầu trứng sáo chỉ riêng mình già Lâm biết. Sự thực, mưa nắng đã biến mảnh vải ấy thành mầu trắng.

*

*          *

Tôi không gọi Lâm bằng già Lâm, mà gọi bằng anh.

Sau đêm thức trắng với Lâm, sáng nay anh tiễn tôi đi dưới vòm trời không biết đâu là cao thấp, vì dày đặc sương mù. Tôi theo anh đi vào một lối mòn xuyên qua rừng áo Trắng. Anh đi trước, những bước chân vững chãi, nhanh nhẹn, con dao rừng giắt vào tấm phẻn vắt vẻo sau mông. Thỉnh thoảng Lâm dừng lại cạnh một khóm bương nào để phạt những dây sắn rừng quấn vào ngọn mưng, hoặc chặt một vài cây bương đổ mất trật tự làm ảnh hưởng tới sức vươn thẳng của bạn bè nó. Chúng tôi không nói chuyện, và cũng không có cảm giác ly biệt nặng nề trước lúc chia tay. Chi tiết cuối cùng Lâm kể cho tôi nghe là có vài người phụ nữ khác đã tự nguyện đến với Lâm, nhưng chẳng thành chuyện gì. Họ đều là những người tốt, cùng là công nhân lâm trường, và ai cũng nhẹ nhõm dễ ưa. Tuy nhiên, vẫn không một ai thay thế được hình bóng Sim trong cuộc sống của anh. Tôi không muốn hỏi thêm Lâm chuyện gì nữa. Lúc anh dừng lại bên bờ vực áo Trắng nhìn theo, tôi đã “nấp” vào sương mù để ngắm trộm anh khá lâu. Dáng đứng của anh quả thật rất ung dung, thư thái. Anh đang tựa vào cánh rừng của anh.

Chúng ta có ai không cần một chỗ tựa như thế để mà sống?

05.01.1983

Triệu Bôn