Người mẹ tội lỗi

I.

Đành rằng câu chuyện sắp kể ra đây là câu chuyện buồn thì cũng không nên gọi là truyện “người mẹ tội lỗi”. Vậy mà người kể không sao cưỡng lại được mình, để cho cái ám ảnh nào đấy thúc đẩy, và khi đã trót buột miệng ra, người kể bỗng có cảm giác câu chuyện này là do từ một tiếng thì thào mơ hồ lẫn trong gió lạnh mùa đông đang lật từng chiếc lá vàng khô gợi nên. Cây bàng già trồng từ đời nào đứng ở ngã ba đường đi ra Cồn Mồ vào mùa này đang trút lá, những chiếc lá đỏ bầm như máu khô rơi đầy những lốt chân trâu. Theo từng đợt gió, chúng lặng lẽ trở mình chập chờn như những cánh bướm hấp hối, và kỳ lạ thay, có chiếc lá khô giòn bỗng dựng nghiêng dậy rồi sè sè bay đi. Thoạt đầu, dường như nó nhảy tâng tâng trên đường đất gồ ghề và đột nhiên nó cất mình bay là đà qua những nương củ đậu và cuối cùng rơi vào một bụi dứa dại um tùm. Trẻ con chăn trâu làng Mai thường tỏ ra sợ hãi khi nhìn thấy những chiếc lá bàng khô bay lên như thế. Chúng cho rằng đấy là hồn ma oan trái ở Cồn mồ đang cất lời than vãn với người đang sống ở dương gian. Phải chăng cái ý nghĩ tầm phào của lũ trẻ vẫn có thể ám ảnh người kể chuyện. Bởi vì người mẹ trong chuyện đã chết từ lâu. Chị chết hãy còn trẻ lắm, mới ba nhăm tuổi. Tên chị là Kiều. Cha chị, ông đồ nho ấy, có lẽ quá thương phận nàng Kiều trong truyện người xưa mà muốn con gái mình mang tên nhân vật chăng? Hay vì nhà ông đồ ở ngay cạnh chiếc cầu gỗ qua sông nên ông thích chơi chữ mà đặt tên con như thế? Cũng không ai biết. Bởi ông đồ cũng đã là người quá cố. Vả lại, biết để làm gì, khi chị Kiều cũng chết từ năm 1967. Ngôi mộ củ chị đặt ở Cồn Mồ ngay bên cạnh mộ chồng tên là anh Viễn. Sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng ít lâu, ủy ban nhân dân xã Mai Thủy đã xây dựng nghĩa trang liệt sĩ ngay dưới chân đồi thông. Người ta thu vén tất cả những hài cốt liệt sĩ trong xã về đặt nơi trang nghiêm này. Cố nhiên, anh Viễn vốn là huyện đội phó trong kháng chiến chống Pháp, sau này ở lại nằm vùng bị bọn Diệm giết chết năm 1957 là người được xã lưu ý đầu tiên. Hôm bốc mộ anh, người ta thấy lẫn trong đám xương đã mủn, một sợi dây điện màu xanh Bấy giờ, chỉ ông già Cận, bố anh Viễn là hiểu rõ sự tình của sợi dây điện bình thường ấy. Đấy là sợi dây bọn Diệm trói anh Viễn lúc chúng đem anh đi thủ tiêu ở trên Tứ Tây. Tay công an tên là Lê Phán “ba cùng” ở ngay trong nhà lão Cận rỉ tai cho chị Kiều biết tin đó. Lập tức chị Kiều cùng bố chồng và một người chú họ nữa đánh một chiếc xe trâu đi hái củi để lấy cớ. Và trên đường về, lúc nhập nhoạng tối, họ đã bới đúng xác anh Viễn lên cho vào bao tải. Anh bị chôn ngồi, tay trói quặt về phía sau. Khi đem về khâm liệm, ông già Cận cởi trói cho con trai, nhưng vẫn bỏ sợi dây tội ác kia vào áo quan. Để làm dấu hài cốt của con và để sau này – lúc cách mạng thắng lợi thì sợi dây đó sẽ nói nhiều điều với người đang sống. Quả thật thế, bây giờ sợi dây điện màu xanh ấy được đặt trang trọng trong tủ kính, cạnh đó là một mảnh bìa ghi rõ sự tích tội ác của giặc – một hiện vật quý của nhà truyền thống xã Mai Thủy. Trong nhĩa trang liẹt sĩ, tấm bia mộ có khắc tên Bùi Duy Viễn được đặt ở hàng đầu. Người ta đã đưa anh về nơi an nghỉ vĩnh viễn, vị trí xứng đáng với sự cống hiến của anh lúc sinh thời, để lớp lớp dân làng xã tưởng niệm. Ngôi mộ cũ của anh ở Cồn Mồ lúc này chỉ là một cái hố nước võng vãnh, nơi những con cóc bù bụng tròn căng, những chú nòng nọc đen ín bơi lượn loăng quăng giữa những sợi cỏ chỉ ăn lan ra mặt nước. Bên cạnh cái hố ấy, vẫn còn lại ngôi mộ chị Kiều. Chị không được công nhận là liệt sĩ. Đấy cũng là một chuyện rắc rối phức tạp, nhưng không ai thắc mắc. Có thắc mắc chăng là vợ chồng lão Cận và cô Thảo, con gái của chị Kiều. Nhưng thắc mắc để ăn cái giải gì, để được hưởng danh hiệu gia đình liệt sĩ thì một mình anh Viễn cũng đủ rồi. Với lại, cán bộ xã cũng có lý của họ. Nếu công nhận chị Kiều là liệt sĩ thì phải tính đến hàng chục trường hợp khác. Họ cũng bị đại bác của Mỹ bắn chết trong lúc đang sản xuất ngoài đồng. Rồi còn bao nhiêu vụ bị bom đạn Mỹ giết hại. Ở xã Mai Thủy này, nếu tính những người chết oan trái như thế trong hai cuộc chiến tranh thì phải đến vài trăm. Thực ra, trường hợp chị Kiều có khác. Chị là đảng viên, là du kích trong kháng chiến chống Pháp. Khi đất nước chia làm hai miền, chị không đi tập kết cũng còn vì anh Viễn được huyện ủy bố trí ở lại. Sau ngày chị được thả từ nhà tù của bọn Diệm ra, chị mất liên lạc với tổ chức Đảng. Thoạt đầu, thì mất liên lạc thật, vì hầu hết các đảng viên nằm lại đều bị bắt, bị thủ tiêu hoặc trốn tránh đi một vùng đất khác. Về sau, chị biết là mình bị bỏ rơi. Đấy là một nỗi đau của chị không biết nói cùng ai cho đến lúc chết một cách đột ngột. Thời kỳ năm 1967, xã Mai Thủy gần như hoàn toàn giải phóng. Mặc dù ở cạnh nách căn cứ ấp Năm của Mỹ, cán bộ và du kích phần lớn đã hoạt động công khai. Chị Kiều đã đứng tuổi không tham gia du kích nữa mà chỉ hoạt động phụ nữ ở thôn. Buổi sáng hôm ấy, chị Kiều vận động mấy chị em khác trong tổ đổi công cùng ra gặt lúa ở cánh đồng Trầm. Đấy là cánh đồng mà tụi lính dù Mỹ thường nổi da gà lên khi phải phóng xe qua. Bọn Mỹ không muốn hộ dân lai vãng quanh con đường không vui đó, nên đã dọa sẽ bắn bỏ bất cứ ai, nếu thấy xuất hiện. Dĩ nhiên trong dân chúng cũng có người sợ. Nhưng lúa vẫn cứ chín vàng rực cả cánh đồng. Chị Kiều xót xa về hạt lúa chín đã đành, lại nghĩ rằng mình là cán bộ nếu không đi thì làm sao vận động được dân làng. Thêm nữa, họ cho rằng thằng Mỹ dọa là dọa thế, chứ chúng cũng có mắt, nhìn thấy toàn đàn bà con gái cả, lẽ nào chúng lại dám làm liều. Vậy mà chị Kiều không kịp hiểu thằng Mỹ. Một quả cối 81 ly đã rơi đúng đám ruộng, nơi mấy chị em đang gặt. Chị Kiều và hai chị khác chết ngay, một chị còn lại bị thương nặng, về sau trở thành tàn phế. Không chỉ riêng các nhà thơ mà nhân dân làng Mai đều hiểu thế nào là hạt lúa đẫm máu, khi nhìn vào thửa ruộng tả tơi, nơi người ta khiêng những thi thể rách nát lên võng. Nhân dân xã Mai Thủy có một sức mạnh âm thầm và kỳ diệu. Không hiểu do gợi ý bằng cách nào đó của chi bộ Đảng, mà thoạt đầu bà con làng xóm đổ xô ra đường vây quanh mấy chiếc võng khiêng người bị giết hại. Trong tiếng khóc la đến xé lòng của những người thân cùng tiếng nguyền rủa tội ác của giặc Mỹ, một ông già nhân danh đại diện các khuôn hội phật giáo trong xã đã kêu gọi mọi người hãy kéo nhau lên quận, bắt những tên khốn nạn tự xưng là chính quyền quốc gia phải trả lời về vụ giết hại dã man này. Người ta hè nhau đi, người sống khiêng người chết. Người ta đốt hương lên, thắp nến lên. Và không đợi đến lúc làm lễ phát tang như phong tục cổ truyền, người ta kêu gọi người thân hãy đội khăn tang lên. Một súc vải trắng được mang đến. Người ta vừa đi vừa xé vải làm khăn chít lên đầu. Cái màu trắng trang nghiêm và lạnh lẽo ấy có sức gợi cảm mạnh mẽ làm sao! Thoạt đầu là những người thân chịu tang, rồi đến bạn bè, hàng xóm và dần dần người ta mau chóng nhận ra rằng, đấy là cái tang chung, cái tang của nhân dân xã Mai Thủy. Súc vải trắng được xé đến mảnh cuối cùng. Người ta mang đến súc vải khác. Và đoàn người vừa đi vừa vấn khăn tang, chỉ một lúc sau, khi ra đến đường quốc lộ thì đoàn người đã dài dằng dặc – trên đầu là một màu trắng nhìn đến lạnh gáy. Xe cộ ùn lại dẹp sang một bên, lính cảnh sát lính quân cảnh chạy bắng nhắng một lúc rồi cũng phải dẹp sang một bên. Đoàn người như một dòng thác trắng ùn ùn đổ vào trụ sở của quận. Viên thiếu tá trưởng không dám trốn tránh. Viên đại diện của căn cứ Mỹ cũng phải phơi mặt ra để trả lời cho dân chúng. Cố nhiên là bọn Mỹ đã phải chịu bồi thường tính mạng và tài sản cho nhân dân, còn phải hứa không được bắn phá vào bất cứ nơi nào dân thường sinh sống làm ăn. Khỏi phải kể lại cái không khí bi tráng và oai nghiêm lúc đó, lúc bọn Mỹ và bọn quận mắt tròn mắt dẹt không dám nhìn thẳng vào hàng nghìn cặp mắt bốc lửa. Bởi vì đấy là chuyện khác. Chuyện muốn kể ở đây là cái chết của chị Kiều vẫn có sự cống hiến – một cái chết được mọi người ghi nhớ. Dù sao chị cũng là một trong những người dám chấp nhận thử thách với thằng Mỹ. Trên thực tế, chị đã thắng. Cả cánh đồng Trầm chỉ vài ngày sau đó đã được gặt hái ung dung. Dù sao, gia đình lão Cận cùng họ hàng thân thích chị Kiều cũng đã cắn răng lại, nén chịu xót xa để dân làng khiêng thi thể rách nát của chị đi giữa nắng hè thiêu đốt để đòi quyền được sống, cho những người đang sống. Dù sao, chị cũng là đảng viên, là du kích cũ… Nhưng thôi, hẳn là không một người nào đi làm cách mạng lại ước ao mình sẽ trở thành liệt sĩ. Danh nghĩa liệt sĩ chỉ nhằm an ủi động viên những người đang sống. Vợ chồng lão Cận và cả cô Thảo, con gái của chị cũng đều cảm thấy không nên đòi hỏi làm gì. Chính sách là chính sách. Chính sách có những điều khoản quy định chặt chẽ, có thứ tự tiêu chuẩn của nó. Bởi thế, không làm sao tránh khỏi vài trường hợp máy móc. Người ta cứ mở những điều khoản, những tiêu chuẩn ra mà đối hiếu, cuộc đời và cái chết của chị Kiều chỉ thiếu hoặc chệch đi vài điểm là thôi. Lão Cận công nhận chính sách là đúng đắn, lão không thắc mắc. Nhưng trong cõi sâu xa, lão có buồn. Lão buồn khi nhìn ngôi mộ của con dâu nằm lại một mình. Y như thể có một sự chia cắt dưới cõi âm. Mai táng con dâu cạnh ngôi mộ con trai là lão Cận có ý tứ. Không phải chị Kiều trăng trối lại, chị không kịp nhận ra mình chết thì bảo trăng trối làm sao được? Vậy mà lão Cận vẫn coi như có lời thỉnh cầu của nàng dâu hiếu thảo. Đấy là lão nhớ cái buổi sáng ảm đạm ấy, chị Kiều đã khóc ngất đi bên cạnh mộ chồng. Khi chị tỉnh lại, lão Cận dỗ dành chị đi về nhà, chị cứ nằm úp mặt xuống đám cỏ ẩm ướt mà van xin lão: “Ba ơi! Ba cho con chết luôn thể! Để con được chôn bên cạnh nhà con…” Lời van xin trong khi cõi lòng tan nát của chị Kiều lúc ấy, mà lão Cận không quên. Mai táng chị, lão cho đào huyệt đúng vào nơi xưa kia chị đã vầy nát đám cỏ mà khóc lóc thỉnh cầu. Hơn nữa, với hai ngôi mộ song song cạnh nhau, lão muốn nói với bàn dân thiên hạ rằng, chúng nó sống có nhau, chết cũng ở kề bên nhau; chúng nó là đôi vợ chồng trọn đời chung thủy. Lời nói ngầm của lão là nhằm vào những miệng lưỡi lắt léo thị phi tung lời đồn đại về tiết hạnh của con dâu lão. Vậy mà nay ngôi mộ cô con dâu đành nằm lại một mình giữa quang quẻ mặt trời. Lão chỉ buồn mà không nói ra. Nếu người chết có linh hồn, thì chắc linh hồn chị Kiều sẽ phiền não vì người ta thực hiện chính sách đúng đắn quá. Lão Cận nghĩ như vậy vào hôm dân xã tổ chức bốc mộ liệt sĩ, rước hài cốt con trai lão về đặt ở nghĩa trang. Lão bấng cả gốc cây gieo trồng gần hai chục năm nay trước mộ con trai đem sang trồng song song với cây giao trước mộ con dâu. Lão Cận muốn chút kỷ niệm của con trai lão lưu lại nơi Cồn Mồ để vong linh con dâu lão được an ủi. Tưởng là cây giao già sẽ không chịu bén rễ, ấy mà nó chỉ ủ rũ dăm bảy hôm đầu, dần dần tươi tốt lại.

II.

Vào đúng tháng 7 năm 1977, xã Mai Thủy khánh thành nghĩa trang liệt sĩ bằng một buổi lễ tưởng niệm trọng thể. Quả là mát mặt vong linh người đã hy sinh cho đất nước, càng mát mặt thân nhân các liệt sĩ. Lão Cận nhận bằng liệt sĩ của con, nhận cả huân chương nữa về treo trên bàn thờ. Cũng vào dịp ấy, Thảo, cháu gái của lão được xã giới thiệu lên tỉnh đi dự học lớp trung cấp thương nghiệp theo tiêu chuẩn con em liệt sĩ. Thực tình thì vợ chồng lão Cận cũng phân vân. Vợ chồng lão đều già lắm rồi, lão bẩy nhăm, vợ lão bẩy ba. Đành rằng lão còn một lô một lố cháu ngoại, nhưng cháu ngoại là cháu ngoại, chỉ mình Thảo là cháu nội. Dù Thảo đã học đến lớp 12 trước giải phóng, thì vợ chồng lão cũng chỉ muốn nó ở cạnh mình. Vài nơi ngấp nghé rập rình muốn nhắm Thảo, nhưng lão Cận không ưng. Lão chỉ ưng cái nhà anh trung úy Thắng trên huyện đội. Anh Thắng là người cùng xã đã đành, lại mồ côi cha mẹ. Lão tính, nếu hai đứa duyên ưa phận đẹp lão sẽ cho Thắng ở rể. Cháu rể cũng như cháu nội, trong thâm tâm lão không muốn cho Thảo đi xa. Lão băn khoăn. Vợ lão càng băn khoăn hơn, nghiêng về phía cự tuyệt. Bà lão khuyên cháu:

– Đi học cái nghề bán hàng mần chi, con? Mệ coi bộ mấy đứa bán hàng trên huyện, đứa mô cũng vênh vênh cái mặt lên như cứt bò được nắng. Hỏi không thèm thưa. Thôi ở nhà mần ruộng, chằm nón cũng đặng!

Ông lão tính toán chán rồi bàn với vợ: Thôi bà nó ạ! Để cho cháu nó đi! Học cái nghề là một chuyện, nhưng đây là cái hương thơm cha nó để lại! Cha nó có hy sinh cho cách mạng, chừ cách mạng mới tri ân. Lớp học này xã ta được có hai đứa – có phải ai cũng được đi đâu.

Bà lão vỡ lẽ ra và cả hai ông bà lo toan sắm sanh cho Thảo lên Huế nhập trường. Sắm cho nó chiếc va li có khóa cẩn thận để bỏ tư trang và sửa sang lại cho nó chiếc xe đạp. Từ Huế về nhà mươi cây số, có chiếc xe đạp tốt để thỉnh thoảng nó về thăm ông bà. Hôm Thảo ra đi, vợ chồng lão Cận giết gà làm cơm. Trước nữa là để thắp hương khấn khứa vong linh ba mẹ nó, sau đó là cả nhà liên hoan. Bữa cơm có mặt hai cô con gái của vợ chồng lão Cận lấy chồng ngay trong làng, lại có cả anh trung úy Thắng trên huyện đội. Có chén rượu vào, lão Cận rất vui, lão cảm thấy những ngày cuối đời của lão thực sự đã có chút ít đền bù. Lão muốn quên tất cả quãng đời dài đầy gian truận, khổ đau của lão. Hết thời thằng Pháp đến thời thằng Mỹ, không phải lão không kiếm ra miếng cơm manh áo, thời nào lão cũng sống được nhờ hai bàn tay của mình. Nhưng no cơm ấm áo mà lòng dạ luôn luôn đau đớn tủi nhục thì đâu phải hạnh phúc? Ôi, lão cũng không muốn nhắc đến những đớn đau tủi nhục của tháng năm đã qua nữa, lão sẽ quên, sẽ quên hết. Cách mạng đã thắng lợi rồi, có nghĩa là độc lập, tự do, hạnh phúc sẽ đến. Làm sao lão lại không vui được? Vậy mà… Vậy mà buồn thay, niềm vui của lão Cận vừa mới nhen đã tắt ngúm. Sự thể xảy ra sau ngày Thảo nhập trường vừa đúng bốn hôm. Buổi trưa, lão Cận vừa mới ngả lưng, chợt thấy Thảo đạp xe về, chiếc va li nhỏ cột luôn sau xe. Cô gái dựng vội xe đạp vào vách hiên, chiếc xe đạp ngã chổng kềnh cô cũng không buồn nâng dậy và chạy ù vô buồng úp mặt xuống gối khóc tấm tức. Vợ chồng lão Cận ngẩn ngơ không hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao. Hỏi nó, nó không nói, chỉ khóc. Vừa khóc vừa kêu thầm: “Mạ ơi! Mạ ơi! Mạ chết đi để tội cho con gánh chịu, mạ ơi!”. Bà già tưởng cháu ốm, cuống quýt sờ đầu sờ trán, nhưng Thảo gạt tay bà đi. Bà vừa cáu vừa thương. Bà mắng yêu cháu, mệ nội mi Thảo à! Có chuyện chi thì nói cho ông mệ biết chớ. Thằng mô trêu mi hử?

Ông già Cận nhìn hai vai cháu run lật bật theo từng tiếng nấc, bèn bảo vợ:

– Bà cứ để yên cho cháu nó khóc. Nó có chuyện ấm ức nó mới khóc. Nguôi nguôi rồi cháu sẽ nói. Không phải giục!

Lão Cận bỏ ra ngồi ở tràng kỷ. Lão rót một ly rượu. Lúc có điều suy nghĩ, lão thường nhấp vài hụm rượu. Loại rượu nếp tự cất lấy ngâm thêm lục vị, uống một ly là ấm mặt. Nghe tiếng khóc tấm tức của cháu, lão xót xa vì dự cảm cái điều đã chôn vùi vài chục năm nay giờ lại phải bới lên. “Mạ ơi! Mạ chết đi để tội cho con gánh chịu…”. Ôi, tội nghiệp cháu lão! Nào nó có tội tình gì?

Quả thật thế, sau khi lau nước mắt, Thảo mới trao cho lão Cận tờ giấy của phòng tổ chức nhà trường trả Thảo về địa phương vì lý do không đủ tiêu chuẩn. Bà lão ít chữ nghĩa, không hiểu tiêu chuẩn là cái gì. Ông lão bèn giải thích cho vợ, và bà lão nổi xung lên. Con Thảo thiếu tiêu chuẩn gì nữa nào? Nó đẹp gái, không đui què mẻ sứt này! Nó đỗ tú tài rồi này! Người ta đòi tiêu chuẩn chi nữa? Mà đã không đủ tiêu chuẩn thì loại con bé từ đầu, chứ triệu tập nó lên tỉnh, rồi trả về là nguyên cớ làm sao? Bà lão cứ xồn xồn rầy la, coi như rầy la vào khoảng không vô hình. Còn lão Cận cứ ngồi im, chòm râu lốm đốm bạc cũng im phăng phắc. Lão nhìn ra ngoài sân nắng, như thể nói với bóng cây cau in một vệt đen xuống góc sân:

– Thì bà cứ để cháu nó nói sự tình đầu đuôi, coi răng.

Sự tình đầu đuôi mới xảy ra sáng nay được Thảo kể lại qua giọng nói còn phập phệu. Thảo kể về sự bất ngờ lúc được gọi lên gặp chú Sơn, phòng tổ chức. Chú Sơn nghe nói ở rừng về, nhưng nom chú hồng hào trắng trẻo, ăn bận lịch sự, đeo kính trắng dáng vẻ một trí thức thành phố. Chú Sơn kéo ghế mời Thảo ngồi, rót một ly nước trà đưa tận tay Thảo. Chú tủm tỉm cười nhìn Thảo và nói:

– Trông cháu giống mẹ cháu lắm!

Thảo mừng rơn, thế là chú Sơn cũng biết cả mẹ Thảo. Quả thế thật, chú còn biết nhiều người trong xã Mai Thủy. Chú bảo là hồi kháng chiến, chú có về công tác ở xã Mai Thủy dăm bảy lần. Với lại, chú quê ở Dương Thủy, xã cạnh nách Mai Thủy đó thôi. Chú nói chuyện thân mật, vòng vo tam quốc một chặp rồi mới đưa cái giấy cho Thảo, vào bảo:

– Cháu thông cảm. Đây là việc của tổ chức. Chú cũng không muốn vì chú rất thương cháu, quý cháu. Nhưng tổ chức đã xem xét thấy cháu chưa đủ tiêu chuẩn mới phải trả về. Cháu cứ yên tâm về nhà đi! Để chú coi có lớp học nào thích hợp…

Đến câu cuối cùng ấy thì Thảo nhận biết chú Sơn không giấu được vẻ hời hợt, đãi bôi. Và Thảo vụt đứng dậy, cầm tờ giấy, chạy ào ra ngoài, không kịp chào. Thảo chỉ sợ mình khóc trước mặt con người nói năng lịch thiệp kia. Nhưng Thảo đã không kìm được nước mắt, lúc về phòng ở tập thể. Thấy Thảo vơ tất cả quần áo chăn màn, kể cả quần áo mới giặt chưa khô nhét vào va ly, bạn bè xúm lại hỏi. Thảo chìa tờ giấy cho chúng nó xem. Bọn chúng nó đều kêu toáng lên: “Thiếu tiêu chuẩn là thiếu cái chi, răng mi không hỏi?”. Thảo lắ đầu. Mấy đứa con gái quê ngoài Quảng Bình, Vĩnh Linh – tụi nó ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa lâu rồi, nên đứa nào cũng bạo, cũng trách Thảo là không hỏi cho ra lẽ, chứ sao lại chịu ấm ức như vậy mà về. Và mấy đứa giật tờ giấy của Thảo: “Để tụi tao lên hỏi cho!”. Lát sau, chúng nó trở về, nhưng mỗi đứa tản đi một nơi. Hình như đứa nào cũng lảng tránh Thảo, chỉ riêng con Chanh một lúc sau mới kéo Thảo ra góc sân. Chanh cũng là con liệt sĩ, cha nó hy sinh trong trận Mậu Thân ở Quàng Trị, nó bảo Thảo: “Chú Sơn nói đó là quyết định của tổ chức, chứ không phải cá nhân chú. Tổ chức đã điều tra và xác minh lại lý lịch của Thảo và nhận thấy Thảo khai man là con liệt sĩ. Thực ra, Thảo chỉ là con một tên ác ôn”. Trời ơi! Thảo choáng váng thốt lên! Thế là Thảo cột va li vào xe đạp, chẳng thèm thanh toán tiền ăn nữa, cắn răng lại cho khỏi trào nướ mắt mà phóng xe về.

– Cha cố tổ có tiên thằng mô nói – Bà lão hét toáng lên sau khi nghe cháu kể lại – Thằng mô dám nói mi không phải là con thằng Viễn! Sau thì tau đào mồ đào mả cả họ nhà hắn! Thằng mô? Mi nói tau nghe!

– Mệ cứ chửi tùm lum lên mần chi, con đã nói với mệ rồi. Họ nói đó là ý kiến của tổ chức – Thảo van vỉ bà, nhưng bà lão vẫn sôi máu:

– Tổ chức à? Tổ chức là thằng con mô? Hắn cũng phải có mặt ngang mũi dọc chớ. Tau từng ni tuổi rồi tau mà lại thèm sợ lệnh chi hắn.

Lão Cận từ nãy giờ ngồi yên trên tràng kỷ, bây giờ mới đổi tư thế ngồi, quay sang phía bà lão:

– Bà không phải chửi. Chửi không ăn nhằm chi. Để mặc tui – Ngừng một lát, lão Cận tiếp – cán bộ hồi ni nhiều nơi có cái lý lẽ lạ rứa đó bà ạ! Mần được việc chi hay ho thì họ ra mặt tự xưng tên tuổi hẳn hoi. Mần việc chi sai trái hoặc mù mờ thì họ giấu mặt đằng sau cái cánh cửa lim, mà họ kêu là tổ chức. Việc con Thảo chắc có sự tình trắc ẩn chi đây, chớ không dưng người ta lại dựng chuyện lên? Bà đừng có ầm ĩ. Miệng mình chửi thì tai mình nghe. Để mặc tui.

Lão Cận lầm lũi đi thay quần áo, lão bận chiếc áo bà ba bằng lụa tơ tằm màu mỡ gà, chiếc quần cũng bằng lụa nhưng nhuộm màu nâu nhạt. Thắp ba nén nhang lên bàn thờ con trai và con dâu, lão đứng im một lúc ngắm nhìn hai tấm ảnh chúng nó. Chắc lão khấn thầm trong bụng.

Đoạn lão vấn một điếu thuốc lá sâu kèn, rồi bảo Thảo:

– Con lục tìm đưa cho ông cái giấy khai sinh của con.

Tờ giấy khai sinh đã ố vàng. Lão Cận đeo kính vào, cặp kính gãy một bên gọng được lão thay bằng sợi dây cước. Rõ ràng chỗ mục họ và tên người cha đã ghi là Bùi Duy Viễn. Quả thật, hồi đó ghi được mấy chữ kia cũng khá rắc rối. Thằng Côi, phụ tá hộ tịch cho lão đại diện xã không chịu ký. Hắn quát rằng, tên Bùi Duy Viễn, việt cộng nằm vùng vẫn còn lén lút quanh đây hay sao hở ông già? Chớ hắn biệt vô âm tín rồi sao còn về ngủ với vợ mà sanh con. Muốn khai sinh con bé này là con đẻ Bùi Duy Viễn thì lão phải gọi tên Viễn ra trình diện chính quyền đã! Cách truy hỏi của bọn đại diện xã, lão Cận cũng đã tính trước. Có cắt cổ lão đi, lão cũng không lôi anh Viễn dưới hầm bí mật lên mà nạp cho chúng. Biết tính nết của tên Côi, lão Cận đã ấn vào tay hắn hai tờ giấy bạc Đức Thánh Trần 500 đồng và gãi đầu thưa với hắn. “Ông phụ tá thông cảm. Quả là thằng con tôi bị các ông truy nã từ chiến dịch tố cộng đợt một, đã trốn biệt từ lâu. Không chừng nó vượt biên ra Bắc Việt cũng nên. Nhưng thôi ông ạ! Dù con dâu tôi có trót lỡ làng thì vợ chồng tui cũng không biết tính cách răng! Các cụ ta thường nói – gà nhà ai đẻ vô ổ nhà mình cũng là trứng của mình – vợ chồng tui phải theo cái đạo lý của các cụ xưa vậy”. Thằng Côi nhét bạc vô túi lẹ làng, nheo nheo mắt cười, hạ bút ký giấy khai sinh cho bé Thảo. Hắn vờ than thở rằng sau này có chuyện gì rắc rối xảy ra, hắn sẽ chết đầu nước. Đấy là cáh vừa vòi khéo vừa dọa dẫm. Hôm chẵn tháng cho bé Thảo, lão Cận phải mời thằng Côi đến nhậu. Hôm đó, hắn còn trắng trợn giở giọng ỡm ờ chòng ghẹo chị Kiều, làm lão Cận tức muốn nổ tròng mắt. Lão nghĩ bụng, thằng này thấy quả đỏ tưởng chín, lão nói con dâu lão trót lỡ làng là nói cho qua chuyện, chứ đâu phải con dâu lão đã hư nết. Cái hầm bí mật của con trai lão, đào ngay dưới chân giường vợ nó, chứ đâu xa. Lão phải đuổi khéo thằng Côi về bằng cách nhét vào túi hắn một chai rượu để gọi là tri ân ông phụ tá. Thế là tên phụ tá hộ tịch đi đâu cũng bô bô kháo chuyện làm quà rằng, con Kiều cộng sản tưởng gan vàng dạ sắt hóa ra cũng… he he… cũng “ấy” ra phết. Vậy nó “ấy” cùng thằng nào? Thì còn thằng nào vào đấy nữa, nếu không phải là Lê Phán cán bộ công an tỉnh được phái về “ba cùng” ở ngay trong nhà hàng mấy tháng liền từ lúc chị Kiều ở tù về. Thằng Phán điển trai cưỡi chiếc xe máy Nhật Bổn mà tụi trẻ con thường gọi là “quạ đen”. Không cận thị mà cũng đeo kính trắng cho ra vẻ trí thức, hắn ngọt mồm ngọt miệng, gọi các ông bà già bằng ba bằng mẹ, gọi chị Kiều bằng o, đôi lúc còn gọi bằng út, mà mắt cứ lúng liếng như thuyền đứt neo. Chẳng đợi tên phụ tá hộ tịch đi kháo chuyện mà lúc chị Kiều mang bầu, đã có người nghi hoặc nói bóng nói gió rằng cũng chẳng biết con trê hay con rô mà tin. Dào, ai có mồm thì người ta ngồi lê đôi mách bậy bạ, hơi đâu mà đi phân bua? Vợ chồng lão Cận và cả chị Kiều cũng nghĩ vậy. Mà phân bua sao được, biết nói thế nào? Đùng một cái, anh Viễn bị lật hầm trên Tứ Tây, lúc cái Thảo mới đầy ba tháng, còn ẵm ngửa trên tay. À, thì ra tay Viễn vẫn bám trụ quanh vùng đất này thôi. Những người nghi hoặc vỡ lẽ ra và cũng bớt chào xáo đi. Lời cháo xáo im dần là sau cái chết đau đớn của anh Viễn. Dân làng và cả hàng huyện thương anh, quý anh. Có ai lại nữa, nói điều gì làm ân hận vong linh người mình thương tiếc. Người ta đồn, chính Lê Phán giết Bùi Duy Viễn. Lê Phán người bên Dương Thủy trước kia đi bộ đội với Viễn, về sau đầu hàng quay ra làm cảnh sát an ninh cho Pháp và dĩ nhiên cho cả thời Mỹ Diệm. Lê Phán được tụi nha cảnh sát giao đặc trách theo dõi Viễn, bởi thế hắn mới về Mai Thủy và “ba cùng” ngay trong nhà lão Cận. Hắn là một thằng trai lơ, có vợ có con bên Dương Thủy mà tối thứ bẩy nào cũng “dọt” về Huế với con bồ nghe đâu hãy còn là sinh viên măng tơ lắm. Dân Mai Thủy đồn hắn trai lơ là để lưu ý chuyện hắn ở ngay trong nhà lão Cận, cái giường hắn nằm kê sát cửa sổ, nơi có thể nhìn xuống buồng chị Kiều ở dưới nhà ngang. Chị Kiều vốn là hoa khôi của đám du kích Mai Thủy hồi trước. Hắn ở trong nhà lão Cận những ba tháng sau đó mới lên Tứ Tây. Chẳng ai rõ sự tình anh Viễn bị lật hầm ra sao, nhưng họ tin là có bàn tay Lê Phán. Chính hắn là người rỉ tai cho chị Kiều biết nơi anh Viễn bị chôn ngồi. Có điều này ai cũng biết: Sau khi chị Kiều chôn cất chồng xong, Lê Phán có mò đến vờ vịt thăm hỏi chia buồn. Hôm ấy, lão Cận tránh mặt hắn không tiếp, kêu ốm nằm trong buồng. Bà lão hái rau ngoài vườn cũng kệ thây hắn, không vào nhà. Hắn xách đến một bao hương và đôi nến. Hắn đốt ba nén hương lên bàn thờ anh Viễn. Nhưng chị Kiều, với đôi mắt bò rừng đã chạy tới rút ba nén hương vừa mới bén ra, đem dụi đi và đuôi hắn cút. Chị còn ném cả bao hương và đôi nến ra bàn bảo hắn mang về. Thằng cha trơ trẽn vẫn cười cười: “Có chuyện chi mà o nóng nảy rứa o “Kiều”? Hắn thủng thẳng nhặt hương, nhặt nếnn còn nhặt cả ba nén hương bị dụi tắt vất dưới đất, tất cả hắn nhét vô cặp, mặc cho chị Kiều vẫn mắng nhiếc hắn xa xả. Ra về, hắn chỉ nói một câu:

– Đừng nổi khùng lên út! Được rồi! Chúng ta còn duyên nợ với nhau!

Dân Mai Thủy không có chuyện gì là không bàn tán được. Người thì khen chị Kiều cao tay đã cho thằng chó chết ấy một cái tát nhớ đời. Con Kiều quả là xinh gái đấy, nó có mái tóc dầy đen nhánh bới lên bằng trái gáo dừa, nước da trứng gà bóc lại thêm đôi mắt mượt như nhung. Nhưng xưa nay, nó có tai tiếng trai gái gì đâu, nói phải tội chứ, nó là đứa chính chuyên đứng đắn. Có người lại xì một tiếng, chẳng qua đóng kịch với nhau thôi. Đấy! Đấy! Cha Lê Phán còn bảo cô ả rằng hãy còn duyên nợ với nhau cơ mà. Duyên nợ cái cóc khô gì, nếu không dính tới chuyện con bé bọc tã lót đang đặt trong nôi chỉ biết huơ tay đấm trời? Trời thì cao và xa. Trời cũng không biết nó là con rô hay con trê. Thằng Viễn – nói có vong linh hắn, chứ hắn không thể biết. Còn thằng Phán cũng “mắm sốt cà chua biết thế quái nào được. Họa chăng chỉ mình con Kiều. Mà cái giống đàn bà thì sắt đá về khoản ấy lắm, sống để bụng chết mang đi. Ha ha, nói thiệt tình, chú bạc ạ! Có lẽ chính con Kiều cũng không biết nốt.

Những lời đồn đại ấy, cuối cùng cũng đến tai vợ chồng lão Cận. Bà lão thì chửi vụng vài câu cho hả dạ, còn ông lão im như thóc. Hai ông bà già chỉ trả lời thiên hạ bằng cách chăm bẵm đứa cháu nội và hết lòng thương mến con dâu. Trong nhà êm ấm đùm bọc nhau là minh chứng cho sự thật.

Chuyện ở nông thôn thường là thế, rộ lên một chốc rồi lại nguôi. Người ta lo làm ăn, lo cuộc sống lúc nào cũng nơm nớp cái “luật 10 – 59” đã in lên giấy cho mọi người đọc. Nhưng chỉ đọc thì không nổi da gà bằn nhìn ái máy chém cổ điển, người ta đã biểu diễn cho bàn dân thiên hạ xem. Lấy thân cây chuối ngự thay cho đầu người, lưỡi dao phập một cái, ai cũng phải nhắm mắt lại để biết cái oai của Ngô tổng thống. Cuộc sống của dân làng Mai Thủy căng thẳng như thế, ai hơi đâu mà để bụng chuyện vặt. Nhưng chuyện vặt tự thân nó lại cứ lai rai. Những người nhân hậu hay lui tới nhà lão Cận thường có chút quà gì trong vườn, quả chuối, trái thơm v.v. cũng mang đến cho “con chó con” tức là bé Thảo. Họ nựng với bé, đùa với bé và thường khen là nó giống thằng ba nó như đúc. Họ khen thật lòng, cốt có cái cớ để nhắc tới anh Viễn – nhắc từ nết ăn nết ở đến cuộc đời gian truân của người cách mạng chân chính, một lòng một dạ vì nhân dân đồng bào. Ngày làm lễ cầu siêu cho vong hồn anh ở trên chùa, cả mấy khuôn hội phật giáo đầy đủ thiện nam tín nữ đã đành, còn vô khối kẻ quen người lạ đến dự. Chị Kiều bế bé Thảo. Mẹ, một chiếc khăn sô bỏ múi, con cũng một chiếc khăn sô bỏ múi. Nhìn cảnh đó, không ai cầm được nước mắt. Nước mắt dành cho kẻ hy sinh và nước mắt còn chảy dài vì sự đồng cảm cảnh mẹ góa con côi. Trong cõi lòng sâu xa ai cũng muốn thêm vào đấy một lời chứng giám cho hạt máu của anh Viễn để lại. Nhưng lễ cầu siêu trọng thể ấy đã bị giải tán. Cảnh sát từ trên Huế tới bao vây chùa, dùng lưỡi lê và dùi cui xua mọi người. Họ lặng lẽ ra về, không ồn ào, không khiếp sợ trong lúc các nhà sư cùng vợ chồng lão Cận và mẹ con chị Kiều đều bị tống lên xe đưa về Nha cảnh sát thẩm vấn. Chuyện ông già Cận quắc mắt lên đốp chát lại với nha cảnh sát là chuyện khác. Chuyện muốn kể tiếp ở đây là lời đồn rằng chính Lê Phán chỉ huy vụ đàn áp này. Lê Phán không xuất hiện, chi đứng phía sau điều khiến, bởi hắn đã được thăng chức gì to lắm.

Những người hay hoài nghi trong lòng thường quan tâm đến Lê Phán. Không phải họ ưa gì tên ác ôn này, họ phản đối vụ giải tán lễ cầu siêu, coi đây là hành động thất đức. Họ quan tâm tới hắn là để xem hắn “duyên nợ” với chị Kiều nhưng gì nữa. Họ có tới nhà lão Cận, đùa với bé Thảo là cốt để xem mặt nó, coi nó giống ai. Cuối cùng họ đành chịu, vì bé Thảo càng lớn càng giống mẹ. Họ để mắt xem chiếc xe máy “quạ đen” có nổ phành phành vào lối nhà lão Cận không. Nhưng sau cái vụ bị chị Kiều đuổi đi, không thấy Lê Phán quay lại. Có vài lần về Mai Thủy, hắn chỉ lái xe đến trụ sở hội đồng hương chính. Nghe nói trong một bữa nhậu ở nhà chánh đại diện, bạn bè đùa Lê Phán là tay cự phách trong việc chinh phục phái đẹp. Với lối đùa tếu, người ta bảo rằng Lê Phán vãi giống ra khắp huyện Hương Thủy này. Để cho dễ nhớ tên các đứa con giai, y lấy tên xã đặt tên cho con. Thí dụ: đứa bé sinh ở Hải Thủy tên là Lê Hải. Đứa ở Minh Thủy là Lê Minh, ở Hồng Thủy là Lê Hồng… chà, cứ cái đà này, thì chẳng mấy chốc dòng dõi họ Lê… lan nhanh như cỏ gấu… Nhân đà tán phiệu, tên Côi phụ tá hộ tịch mới mượn chén châm chọc Lê phán rằng, về Mai Thủy này, thế nào ông Phán chẳng đến thăm mẹ cô bé Lê Thị Mai. Ha ha! Chính tay hắn đã ký giấy khai sinh cho con bé ấy. Gái một con trông mòn con mắt, con mẹ nó trông còn hay lắm. Cộng sản thì mặc mẹ nó, nó là gái góa đang thèm đàn ông. Lê Phán mà không tới thăm thì uổng quá. Với lại… Tên Côi nói chưa hết câu đã bị một bàn tay tàn nhẫn thộp vào cổ áo. Lê Phán không say, hắn nghiến răng quát tên Côi là im cái mồm thối hoắc của anh đi. Nếu còn nói lếu láo hắn sẽ quẳng ra sông Đại Giang cho tha hồ bốc phét với Thủy thần. Tên Côi phải cười cười xin lỗi mà trong bụng thì rủa thầm: mẹ nó chứ, ai lạ đếch gì cái thứ công an tỉnh phải xuống “ba cùng”. Đáng lẽ phải gọi là “bốn cùng” – cùng ăn, cùng ở, cùng làm và thêm cùng ngủ với chị chủ nhà nữa mới phải.

Chuyện đồn đại này lan truyền khắp xã Mai Thủy và cố nhiên cũng đến tai chị Kiều và vợ chồng lão Cận. Có những nỗi ấm ức mà không biết nói cùng ai, thanh minh cùng ai, người ta chỉ muốn tự tử chết quách đi hoặc làm một việc gì đó cho tung hê sự đời lên. Chị Kiều thì không thế, chị cắn răng chịu đựng, đêm đêm ôm bé Thảo vào lòng và khóc thầm. Bà lão thì lúng búng chửi, còn lão Cận, cái cột trụ của gia đình lại càng trở nên lầm lỳ hơn ngày thường. Lão lôi rượu ra uống và khi đã ngấm men, lão nói với vợ và con dâu:

– Đối với lũ ác nhơn rồi trời sẽ có mắt!

Trời thì không có mắt, nhưng con người có mắt. Mắt người cách mạng đã nhìn thấu tội ác của Lê Phán. Một buổi sáng, lê Phán cưỡi xe máy từ Huế về Phú Bài vừa đi vừa cười nói vui vẻ với một cô gái xinh đẹp xin “đi quá giang” ngồi phía sau yên, áp bộ ngực nở nang vào lưng người lái. Cô gái vờ lả lơi thọc tay vào túi áo măng tô của Lê Phán mượn bật lửa châm thuốc lá và khi trả lại cô gái biệt động đã thay vào chiếc bật lửa, một trái mìn hẹn giờ nhỏ xíu nhưng có sức công phá khá mạnh. Đến chợ Hôm cô gái cảm ơn xin xuống và tất nhiên là có hứa hẹn tái ngộ chu đáo. Mười lăm phút sau, mìn nổ. Lê Phán cùng hiếc xe Suzuki đều tan bành.

Cái chết của Lê Phán đúng vào lúc giỗ hết tang anh Bùi Duy Viễn. Thôi thế là có vay có trả, ở đời này coi vậy cũng là sự công bằng. Người dân Mai Thủy hả hê sau cái chết của Lê Phán, nhưng ngoài miệng cũng chỉ dám đàm luận với nhau như thế. Hẳn ai cũng biết, hả hê nhất là vợ chồn lão Cận và cả chị Kiều nữa. Hắn chết, cái gai trước mắt gia đình lão coi như nhổ xong. Bây giờ, không ai chào xáo gì chuyện bé Thảo là con rô hay con trê nữa. Hiển nhiên, nó là con anh Viễn, cháu nội lão Cận. Nó là dòng dõi họ Bùi chứ không phải họ Lê. Những người hay hoài nghi nhất cũng không kiếm được cái cớ gì để nói khác được. Chị Kiều vẫn là người đàn bà thùy mị, nết na được làng xóm yêu quý. Su khi mãn tang chồng, có vài nơi ngấp nghé mối lái muốn dạm chị về làm vợ kế hoặc vợ bé, nhưng chị đều từ chối. Chị ở vậy nuôi con, phụng dưỡng hai ông bà già, và cứ vài tháng lại ra Cồn Mồ thăm mộ chồng cho đến lúc chị bị giết hại bất ngờ. Dân xã Mai Thủy ai cũng thương xót chị, đều nói những điều tốt lành cho chị, có ai nỡ lòng nào mà bới chuyện không đâu vào đâu lên. Vậy mà bây giờ… cô con gái của chị đang úp mặt lên gối, đầm đìa nước mắt mà kêu thầm “Mạ ơi! Mạ ơi! Mạ chết đi để tội cho con gánh chịu, mạ ơi!”.

III.

Không! Chúng nó không có tội. Con dâu lão không có tội, cháu lão lại càng không có tội tình gì hết trơn! Đấy là lời phản kháng mãnh liệt trong lòng lão Cận, lúc lão trên đường đi tới trụ sở ủy ban nhân dân xã. Lão phải làm cho ra lẽ, phải chỉ mặt đứa nào làm bậy bới móc chuyện này lên. Lão phải hỏi xã, bởi đấy là cái gốc của mọi chuyện liên quan tới cuộc sống của dân xã. Chủ tịch là một thanh niên hai mươi chín tuổi, hồi trước Thiệu bắt quân dịch đã đào binh về hoạt động du kích, đánh giặc rất khá, được tặng thưởng huân chương. lúc lão Cận tới, chủ tịch đang bận giải quyết vụ hai dân quân lợi dụng đi tuần tra ban đêm đã đánh cắp ống cống bán cho một tay nhà giàu dùng xây giếng. Lão chờ hàng tiếng đồng hồ. Lão không muốn gặp các vị ủy viên, lão chỉ gặp chủ tịch. Khi lão được mời vào anh chủ tịch trẻ niềm nở bắt tay xin lỗi lão vì để lão phải chờ quá lâu.

– Bác thông cảm cho cháu. Làm việc ở xã như người nội trợ, toàn việc không tên cả, mà lúc nào cũng rối bận.

Đón chén nước từ tay chủ tịch, nhưng lão chưa uống. Lão vào đề ngay và đặt xuống trước mặt chủ tịch tờ giấy của phòng tổ chức trường thương nghiệp tỉnh trả cô Thảo về xã. Chủ tịch lướt đọc tờ giấy rất nhanh, chưa kịp nói gì, lão Cận lại ấn thêm vào tay tờ giấy khai sinh của cháu lão:

– Anh thử nói tui nghe: Hà cớ răng mà người ta dám nói con Thảo không phải con thằng Viễn, không có tiêu chuẩn con liệt sĩ?

Mặt lão đanh lại, như thể chực gây gổ. Chủ tịch ớ người ra, kêu lên:

– Răng lại có chuyện ni hè!

Trông nét mặt chủ tịch, lão Cận cũng nguôi nguôi. Quả là anh ta ngạc nhiên thật. Anh nói với lão rằng anh cũng buồn phiền về chuyện này. Lão cứ yên tâm, để anh sẽ hỏi bí thư đảng ủy xem cấp trên có trao đổi gì với đảng ủy không. Để anh… thì để đến bao giờ? Lão Cận sốt ruột. Và lão xuống xóm Hạ tìm đến nhà bí thư đảng ủy. Bí thư cùng lớp hoạt động với con trai lão, tập kết ra Bắc làm cán bộ Bộ Nông nghiệp. Khi đất nước thống nhất, ông xin về hưu ở quê và người ta mời ông ra làm việc xã. Hôm đó nhà bí thư có kỵ. Một ngôi nhà ngói năm gian mới xây cất khang trang nhộn nhạo những khuôn mặt đỏ gay. Họ hàng bà con đang ăn uống. Thấy thế, lão Cận không vào, chỉ đứng ngoài cổng, nhắn bí thư ra cho lão xin gặp. Bí thư đã ngoài năm mươi, tóc hoa râm, nhưng hãy còn nhanh nhẹn:

– A, chú! Việc chi mược! Chú vô đây làm một ly đã!

Bí thư nắm tay lão Cận kéo, nhưng lão Cận nhất định xin kiếu, và chẳng phải rào trước đón sau gì, lão hỏi luôn việc lão cần hỏi. Bí thư đứng luôn ngoài ngõ, đeo mục kỉnh vào đọc mọi thứ giấy lão đưa rồi cũng ngẩn người ra, cặp mắt cứ nháy nháy liên hồi.

– Răng lại có chuyện ni hè!

Bí thư lại khuyên lão cứ yên tâm, ông sẽ hỏi đồng chí ủy viên thường vụ phụ trách công an xã, xem thử đồng chí ấy có làm việc ngành dọc với công an cấp trên không? Lại vẫn một lời khuyên và một lời hứa. Dù lời khuyên, lời hứa đều chân tình, thì lão Cận cũng không thể chờ đợi, lão quyết đi thẳng lên xóm Thượng tìm gặp anh công an xã. Trời đã ngả chiều, lại phải leo qua hai cái dốc, nhưng lão không nản. Anh công an xã đang đánh trần ra cuốc đất trên đồi. Anh chống cuốc, đứng bắt chéo chân tiếp chuyện lão Cận ngay trên mảnh đất vừa xới. Im lặng nghe lão trình bày sự tình, anh không tỏ vẻ ngạc nhiên, bình thản đáp:

– Chuyện ni thì cháu chịu. Để cháu hỏi thêm phó công an. Bác ạ! Có nhiều việc ông tỉnh ông huyện cần điều tra xác minh, họ có hỏi ý kiến tụi cháu đâu.

Họ có lưới cộng tác viên riêng. Mà cộng tác viên của ai thì kẻ ấy biết thôi.

Lão Cận hỏi thắt:

– Rứa là chuyện ni anh hoàn toàn không biết?

Thay cho câu trả lời là một cái lắc đầu.

Lão Cận thở dài ngán ngẩm và hậm hực ra về. Tới nhà, trời đã nhá nhem. Con chó vàng chạy ra vẫy đuôi mừng rỡ hít hít vào chân lão, lão tống cho một đá làm nó kêu oẳng, cúp đuôi chạy biến. Lão đang bực mình. Đêm, lão làm hai ly rượu, đặt lưng xuống mà vẫn khó ngủ. Tội nghiệp, cái Thảo vẫn ti tỉ khóc, còn bà lão vừa dỗ dành cháu vừa chửi đổng. Không có một cái tên cụ thể để trút lời nguyền rủa, bà lão chỉ gọi cái kẻ ác tâm kia là hắn. Lão Cận nói vọng vào buồn:

– Thôi, bà cháu ngủ đi! Chửi thì ăn chung chi! Phải vạch mặt chỉ trán cái thằng cái con mô thất nhơn thất đức mới đặng!

Sáng sớm hôm sau, lão Cận lên huyện. Lão đã tính rồi, trước tiên lão đến huyện đội gặp anh trung úy Thắng là chỗ thân tình với gia đình lão, rồi lão sẽ cậy Thắng dẫn lão tới gặp chủ tịch huyện. Trung úy Thắng, hai mươi sáu tuổi, dáng nhỏ nhắn, bảnh trai, trong chống Mỹ là đội trưởng biệt động nổi tiếng xuất quỷ nhập thần suốt cả dải đất từ Phú Bài lên An Cựu. Cha thắng là huyện ủy viên hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Mẹ đi tái giá. Anh được người cô ruột nuôi cho ăn học, đỗ tú tài rồi mới đi kháng chiến. Thắng quen thân với cháu gái lão cũng nhờ bàn tay sắp xếp của bà cô. Hôm ấy, Thắng đón tiếp lão Cận ở nhà khách huyện đội rất niềm nở. Anh còn giới thiệu lão với huyện đội trưởng. Sau tuần nước trà, lão Cận mới kể lể sự tình đầu đuôi câu chuyện không hay đến với Thảo. Nghe chuyện, nét mặt Thắng tái dần đi. Anh không bình phán gì về sự việc xảy ra, nhưng sự thắc thỏm trong lòng anh lộ ra trên nét mặt. Dường như tâm trạng anh có một sự đột biến, anh tự hỏi mình xem có nên dính líu vào mối tình này nữa không? Nếu sự thật vỡ ra như lời nói ngầm đằng sau tờ giấy trả Thảo về xã, thì đời sống chính trị của anh sẽ ra sao, nếu anh vẫn yêu Thảo, cưới Thảo. Anh nói:

– Cháu bận việc lắm! Ông thông cảm.

Nói vậy, chứ anh cũng dẫn lão tới ủy ban huyện. Vào liên hệ với phòng thường trực, biết chủ tịch huyện đang bận tiếp đoàn nhà báo Trung ương và tỉnh về tham quan một hợp tác xã nông nghiệp tiền tiến của huyện, Thắng bảo lão Cận cứ ngồi chờ ở phòng thường trực, anh phải về dự cuộc họp quan trọng:

– Cháu bận việc lắm! Ông thông cảm…

– Cái Thảo nó nhắn anh tối ni xuống nhà, nó muốn gặp anh…

Thắng ngần ngừ:

– Tối nay thì cháu không về được. Có lẽ vài ba bốn hôm tới lúc nào rỗi rỗi…

Đến như tuổi lão Cận, lão còn linh cảm thấy điều gì thiếu mặn mà vừa xảy ra trong quan hệ tình nghĩa hai đứa. Tuy nhiên vốn là người cổ dù linh cảm thế nhưng lão cũng chỉ trách Thắng trẻ người non dạ, chưa biết được cái tai bay vạ gió đến đã làm khổ cái Thảo như thế nào. Lẽ ra, anh ấy phải xuống an ủi vỗ về nó, phải xuống ngay mới ra thằng con trai đang say gái.

Chủ tịch huyện tiếp lão Cận vào lúc gần tan giờ làm việc buổi sáng. Nhà khách của huyện khá sang. Nhìn những bộ sa lông có bày bình hoa cùng những cốc tách ấm chén đắt tiền lão Cận cảm thấy có phần rụt rè hơn. Chủ tịch huyện là người lịch sự và vui tính. Lời thỉnh cầu của một lão nông dân không quen biết mà ông vẫn chăm chú lắng nghe. Ông đọc kỹ các giấy tờ lão đưa, đoạn cất tiếng cười.

– Bố ơi! Sao chuyện này bố phải đi hỏi loanh quanh hết xã lại lên huyện cho mất công mệt xác. Bố cứ phải nhè cái anh phòng tổ chức nhà trường cháu Thảo theo học, mà truy cho ra lẽ… Trời ơi, bố chờ con từ sáng đến giờ à? Chà, mấy cha văn phòng ở đây nó ngớ ngẩn, chẳng biết hướng dẫn cho bố…

Chủ tịch mời lão uống nước, đưa tận tay lão điếu thuốc lá đầu lọc đắt tiền, tiễn lão ra cổng…

Thế là công cốc, bụng đói chân mỏi, chẳng được việc gì, lão Cận về nhà nằm dài ra. Lại dậy nhâm nhi ly rượu và nghiền ngẫm, trong lúc cháu lão nom người gầy xọm đi, mắt lúc nào cũng đỏ hoe.

– Thảo, sáng mai cháu lấy xe đạp chở ông lên cái trường của cháu để ông hỏi chuyện, coi thử…

Từ xưa nay chưa bao giờ Thảo trái ý ông, nhưng lần này Thảo lắc đầu. Nhất định Thảo không thèm đặt chân đến cái nơi đã gây ra nỗi đau khổ cho Thảo. Thôi thì lão đi một mình vậy. Lão ra đường số Một vẫy xe lam về Huế. Hỏi đường quanh co một chập rồi cũng tới được trường. Hôm nay, lão gặp may. Cái chú tên là Sơn mà lão cần gặp có mặt ở nhà. Lão chỉ đợi mất mười phút là được tiếp.

Sơn trạc bốn mươi tuổi, có mã người phải nói là đẹp. Vóc tầm thước, mái tóc uốn lượn tự nhiên, da dẻ trắng trẻo, đôi mắt tươi vui lấp lánh sau cặp kính cận, áo quần là ủi hằn rõ đường ly. Anh có bàn tay đặc biệt mềm mại, lạnh tanh. Lúc đưa tay ra cho lão Cận bắt, lão hơi giật mình, cảm giá như bàn tay người chết. Sau khi lão tự giới thiệu, anh kêu lên mừng rỡ:

– Ôi, bác là ông nội cháu Thảo? Sao, cháu nó về nhà có buồn không bác? Con bé trông thật xinh xẻo, dễ thương! Từ dưới xã lên đây bác đi bằng cái gì? Bác ngoài bảy mươi tuổi rồi, có việc gì bảo cháu Thảo nó lên, sao lại bắt tội bác phải cất công khó nhọc!

Lão Cận ngồi đối diện với Sơn, nét mặt lầm lầm. Lần này thì lão không cần phải mềm mỏng lịch sự làm gì, lên đây là lão vặn hỏi cho ra lẽ. Lão đặt lên bàn vẫn hai tờ giấy mà lão đã đặt vào nhiều bàn tay. Sơn chỉ đọc giấy khai sinh của Thảo, còn tờ kia chỉ liếc nhìn anh cũng biết rồi. Lão thộp được câu nói của Sơn để bắt đầu cuộc tấn công:

– Anh vừa hỏi, tui là ông nội của cháu Thảo. Đúng! Tui đẻ ra thằng Bùi Duy Viễn, thằng Viễn đẻ ra con Bùi Thị Thảo. Giấy khai sanh rành rành ra đó. Vậy hà cớ răng, anh lại nói con Thảo không phải là con Bùi Duy Viễn, không đủ tiêu chuẩn con gia đình liệt sĩ để lấy cớ thải nó về. Anh nói tui nghe!

Mặc cho lão Cận nói gay gắt, chòm râu và bàn tay lão đã run run, Sơn vẫn thong thả chế trà ra tách. Anh bưng tách trà bằng hai tay và đặt trước mặt lão:

– Bác xơi nước! Chuyện đâu có đó bác ạ! Bác cứ bình tĩnh xơi nước đã!

Sắc mặt không hề thay đổi, Sơn liếc mắt vào giấy khai sanh lần nữa, rồi buông một câu dường như có vẻ bâng quơ:

– Giấy khai sanh thời ngụy!

Hiểu ý câu nói, lão Cận đang ngồi, chồm ngay dậy:

– Anh nói vậy! Tui hỏi anh: Anh cũng cùng cỡ tuổi con trai tui. Vậy khi anh ra đời, ông bà già khai sanh cho anh là thời ngụy hay thời cách mạng? Thời mô cũng có chánh quyền. Chánh quyền sai trật là ở chỗ cai trị dân, chứ không sai trật về sanh tử, giá thú…

– Là cháu nói vậy thôi. Bác đừng nóng. Để cháu nói bác nghe. Quả thật không ai dám kết luận cháu Thảo không phải là con liệt sĩ. Nhưng công bằng mà nói, trường hợp xét tiêu chuẩn của cháu Thảo là có sự nghi vấn. Bởi có nghi vấn, nên tổ chức chưa xét được thì hãy tạm dẹp lại đã. Có thế thôi. Cháu đã nói chuyện rõ ràng với Thảo trước lúc ký giấy giới thiệu cháu về xã.

– Ai bảo anh là nó có nghi vấn? – Lão Cận nóng nảy hỏi thắt.

– Đây là một vấn đề tế nhị của tổ chức bác ạ! Mà tổ chức là một bộ máy hoàn chỉnh của Đảng và Nhà nước, một tập thể chặt chẽ, chứ không thuộc quyền một cá nhân nào. Đáng lẽ cháu không có quyền nói, nhưng bác có vẻ sốt ruột muốn biết vì sao khi rà xét lại tiêu chuẩn cháu Thảo còn có chỗ nghi vấn, thì cháu xin thưa rằng chúng cháu làm việc có cứ liệu, mà cứ liệu lại do bên công an tỉnh cung cấp. Nếu bác muốn hiểu kỹ, xin mời bác sang Ty công an, còn chúng cháu chỉ biết có thế thôi. Qua những lời nói đầy chữ nghĩa của Sơn, lão Cận chỉ hiểu là Sơn muốn đẩy lão sang Ty công an tỉnh mà hỏi. Không, nơi đây đuổi cháu lão về vì lý do thiếu tiêu chuẩn thì lão cứ xoay nơi đây. Lão to tiếng chất vấn Sơn rằng, anh đã ký giấy thì phải chịu trách nhiệm giải thích, không đổ vấy như thế được. Lão còn buộc Sơn đã nói Thảo khai gian là con liệt sĩ, kỳ thực là con một tên ác ôn, vậy tên ác ôn đó là thằng nào? Về lời buộc tội này thì Sơn chối bai bải rằng anh không hề nói, vì anh cũng không biết tí gì về lai lịch cháu Thảo. Tất cả là do bên công an.

Mặt đỏ gay vì tức giận, lão Cận cất giọng oang oang khiến nhiều người ở phòng kế cạnh tò mò đứng xem ở cửa. Sơn giơ tay ra hiệu cho mọi người giải tán và anh vẫn ôn tồn lễ phép với lão Cận. Trước sau, Sơn đều bảo anh chỉ được phép nói thế và khuyên lão tới Ty công an, đây lại đấy đi bộ cũng chỉ mười lăm phút thôi. Sự bình tĩnh khôn khéo của Sơn làm lão Cận rơi vào tình thế chàng võ sĩ đấm vào khoảng không. Lão buông vài câu đe dọa rồi đành ra về.

Nhưng lão chưa về nhà. Ra quán làm một ly rượu vừa đủ ấm mặt, làm một tô bún bò cho chắc bụng, rồi lão tìm đến Ty công an. Chà, lão tức thật. Cán bộ làm việc nước, mà nơi này đùn cho nơi kia, không ai dám chịu trách nhiệm về việc làm của mình thì thằng dân có điều ấm ức biết hỏi vào đâu. Lão chỉ mong có người nào đó nói thẳng toẹt ra với lão về sự nhận xét lai lịch của cái Thảo. Để lão còn có đường mà cãi, mà chứng minh. Hoặc là lão đành phải chịu trước cái lý lẽ cứng rắn của họ. Không, nói vậy thôi, chứ lão không đời nào chịu lép trước cái nhận xét hồ đồ, vô đạo đức ấy được. Lão không chịu để mất đứa cháu. Sự tức giận làm lão kém bình tĩnh và không qua nổi cổng gác Ty công an. Anh lính công an cầm súng đứng gác yêu cầu lão trình giấy giới thiệu. Thế là lão quắc mắt lên. Lão làm đếch gì mà có giấy giới thiệu. Lão là thằng dân già có điều thắc mắc là lão đến hỏi, mà phải hỏi ông to nhất ở Ty chứ lão đâu biết ông phòng ông ban này nọ thêm rách việc. Thấy lão sừng sộ lại bừng hơi men, anh lính công an làm đúng chức trách của mình nhất thiết không cho lão vào. Thế là lão làm toáng lên. Nghe tiếng ồn ào, một công an sắc phục chỉnh tề, đeo băng đỏ trên cánh tay, chạy ra. Anh này khuyên lão, giọng ngọt ngào:

– Bác ạ! Bác cứ về xã xin giấy giới thiệu rồi Ty sẽ tiếp. Đấy là nguyên tắc chứ bác! ồ, hay là thế này: Bác vừa nói trường thương nghiệp bảo bác sang đây sao bác không xin họ mấy chữ? Thôi, bác quay lại trường xin giấy đi rồi tới đây. Bác muốn gặp ai cũng được, kể cả ông to nhất là ông giám đốc.

Lời nói ngọt ngào của anh công an đeo băng đỏ làm lão Cận thôi sừng sộ. Lão tỉnh người ra, ở sao mình khờ thế, biết vậy xin cái anh Sơn kia vài chữ. Nào lão có hiểu nguyên “tắc” với nguyên “rì” gì đâu.

Lão đành lủi thủi quay lại trường thương nghiệp. Nghĩ cực thân, nhưng lão cũng bấm bụng lại mà chịu đựng. Khốn khổ thay cho lão, vừa bước chân đến cổng trường, kẻng tan giờ làm việc buổi sáng vang lên. Lão ra vườn hoa cạnh sông Hương ngồi chờ. Mọi hôm bằng giờ này, lão đã ngả lưng xuống cái giường giát tre nhà lão. Thế mà hôm nay lão chỉ ngồi ghế đá dưới bóng một cây mù u, vấn hết điều thuốc này sang điếu thuốc khác. Đầu giờ làm việc buổi chiều, lão đã có mặt ở phòng thường trực. Mười phút sau, nhân viên thường trực bảo cho lão biết chú Sơn bận họp không tiếp lão được. Chao ôi! Họp với hành! Họ tránh mặt lão đấy thôi! Lão buồn phiền nghĩ vậy và uể oải đi về bến xe lam, nước mắt ứa ra chảy dài xuống bộ râu cằm lốm đốm bạc. Hành khách trên xe tưởng lão có người thân vừa mất ở bệnh viện Huế, đều lên tiếng hỏi thăm, nhưng lão Cận chỉ lắc đầu không nói gì.

IV

Trong lúc lão Cận chạy đông chạy tây gõ đến các cửa để hỏi tức là hỏi những người đang sống thì Thảo lại làm một việc xem ra cực kỳ dớ dẩn là đi hỏi những người đã chết.

Thoạt tiên, Thảo đi ra Cồn Mồ, thắp hương và ngồi thụp xuống trước mộ mẹ. Cô sụt sùi khóc, kể lể với mẹ. Đằng nào thì mẹ cũng là mẹ của con, mẹ sanh ra con, con yêu mẹ nhất trên đời này. Giá mà mẹ được sống lại, dù chỉ trong giây lát để con được ngồi vào lòng mẹ, được mẹ âu yếm xoa đầu con và hôn con như thuở xa xôi nào. Thuở ấy con còn là một con bé lên mười, tóc lút cút chưa chùm hết gáy, còn thích nhảy chân sáo tới trường. Và lúc tan học về, vất cặp ra là con phải gọi mẹ trước tiên. Mười mấy năm nay rồi, con không còn được gọi mẹ nữa, con khóc mẹ, khó hoài tưởng nguồn nước mắt sẽ cạn mất. Nguồn nước mắt không cạn, mẹ ơi! Giá lúc này mẹ hiện về với con, con sẽ quỳ dưới chân mẹ lạy mẹ trăm lần để mẹ nói cho con biết con là con của người đàn ông nào? Dẫu sự thật có cay đắng bao nhiêu vẫn là sự thật con hằng mong đợi. Con chấp nhận sự thật. Và nếu mẹ cũng như bất cứ người đàn bà nào có phút lỡ lầm đáng thương thì con là con gái yêu của mẹ, sao con lại không chia sẻ nỗi buồnn với mẹ, sao con lại không thể tình cho mẹ? Xã hội bây giờ người ta cũng độ lượng lắm rồi, ai nỡ nào lên án mẹ, mẹ ơi!

Thảo cứ khóc lóc kể lể âm thầm trong mùi khói hương thơm ngát. Trời trong xanh và dâng cao. Nắng chiều nhuốm vàng cánh đồng và bãi tha ma một màu vàng quái dị. Khói hương màu xanh lơ cứ quấn quýt trên hai cây giao trước mộ chị Kiều. qua làn nước mắt lờ mờ, Thảo nhìn sang cái dấu huyệt để không, nơi những con nòng nọc đang vẽ vòng trong vũng nước vàng bủng. Trước kia đấy là nơi đặt mộ ba. Bây giờ ba đã về nơi vinh quang của xã, để mẹ con ở lại cô đơn một mình ở đây… Và Thảo lại khóc như người trong cơn mê sảng. Thảo cũng muốn mình mê thật, nghe người ta bảo lúc nào xua hết mọi ý nghĩ trong đầu đi, con người ở vào tình trạng mê về thể xác, nhưng lại tỉnh về tâm hồn, con người có thể chu du sang thế giới bên kia. Thảo ước gì mình được chu du một chuyến, chỉ một chuyến thôi, để gặp mẹ gặp ba và gặp cả con người mà Thảo nghe xì xầm rằng có liên quan tới nỗi buồn của Thảo.

Bó hương đã tàn để lại những lõi hương cong vòng. Thảo tin như vậy là nén hương đã thấu vong linh mẹ. Thế nào mẹ cũng hiện về trong giấc mơ để chuyện trò với Thảo.

Trời đã xế chiều. Thấp thoáng đằng xa thấy có người sắp đi qua bãi tha ma. Thảo lau nước mắt đứng dậy ra về. Đến chỗ ngã ba, Thảo ngồi xuống gốc cây bàng nghỉ nắng. Thảo chờ xem có chiếc lá bàng nào dựng nghiêng lên bay sè sè không, nhưng hôm nay im gió, trời oi. Bỗng một con bướm từ đâu bay tới đậu ngay dưới đất, trước mặt Thảo. Con bướm cánh đen tuyền lốm đốm những vòng vàng vòng trắng đang dập dình khép mở. Thảo lấy làm lạ và khấn thầm “Bướm ơi bướm, bướm có phải là linh hồn của mẹ thì hãy đậu lên vai con” nhưng con bướm vẫn dập dình khép mở đôi cánh. Thoắt cái, nó bay lên đậu vào cành bàng thấp. Ngày xưa, lúc mẹ còn sống Thảo cũng đã cùng lũ con gái trèo lên cành bàng này. Bây giờ nom cành bàng vững chắc ra nhưng có vẻ thấp hơn. Thảo đứng dậy, nón cầm tay nhón chân với tới con bướm. Thảo muốn xua nó bay đi lần nưa xem có linh ứng vào lời khấn của Thảo không. Nhưng con bướm thấy động đã bay vút ra cánh đồng. Trước mắt Thảo cái chấm đen mỗi lúc một nho xíu và biến mất.

Đêm hôm ấy, thảo trằn trọc mãi rồi cuối cùng cũng ngủ được. Trong giấc ngủ chập chờn Thảo chỉ thấy bỗng nhiên mình biết bay. Người Thảo nhẹ tênh, đang đi bỗng cất mình lên cao lướt trên đường làng, ruộng đồng nhà cửa, sông ngòi, phố xá… Thảo không gặp mẹ trong giấc mơ.

Nếu quả thật, mẹ không linh ứng hoặc là linh hồn mẹ không muốn gặp Thảo nữa, thì Thảo tìm đến ba. Thảo đến nghĩa trang liệt sĩ, kính cẩn đọc tên ba mình khắc trên tấm bia, lòng đầy tự hào và ngưỡng mộ. Thảo lại thắp hương và khấn thầm. “Ba ơi! Ba sống khôn chết thiêng, cầu xin ba hãy báo mộng cho con. Con chỉ mong ba chứng nhận con là giọt máu của ba, ví bằng có điều gì trắc ẩn, con vẫn coi ba là niềm tự hào củ con, vinh dự của con…”. Khói hương bay mờ bia mộ. Thảo đọc lại ngày mất của ba 25.06.1957. Vậy là lúc ba bị giết hại. Thảo mới sinh được chín mươi hai ngày… Ôi đứa bé mới hơn ba tháng làm sao biết được, nỗi mất mát lớn lao này. Ông bà và các cô cùng bà con trong làng đều nói rằng, lúc sinh thời ba là người sống nhân hậu tình nghĩa. Hãy vì tình yêu đối với con mà nói với con một lời trong mộng. Con chưa hề biết mặt ba. Hai mươi năm qua, con vẫn ngắm ba trên tấm ảnh lưu lại. Đêm nay, con sẽ đặt tấm ảnh ba lên đầu giường con… Ba gần gũi là thế, xin ba chớ có xa vời…

Đêm hôm thứ hai, Thảo đã thực hiện lời hứa của mình, vậy mà trong giấc mơ Thảo vẫn chỉ thấy mình bay. Thảo đi một thôi lại bay lên, rồi hạ xuống đi bộ, lại nâng người bay là đà… Thảo bay qua những miền đất xa lạ… giống như sa mạc Sahara rồi đến miền rừng cây cối chằng chịt dường như ở lưu vực sông Amazoon – Nam Mỹ mà Thảo đã học trong những tiết địa lý lớp 12… Thảo không hề gặp ba… Buồn thay, sao Thảo lại bay đi xa thế, mà chẳng tới được nơi ba. Ba Viễn ơi! Ba ở nơi đâu? Đây là lời kêu thất vọng của Thảo và Thảo có một quyết định mạnh dạn. Ngày hôm sau, Thảo tìm đường sang Dương Thủy. Nười ta đồn rằng nghĩa địa xã DươngThủy được sắp xếp khá chu đáo chứ không như ở quê Thảo. Con người ấy – nghe nói lúc chết được Diệm truy tặng “anh dũng bội tinh” và huy chương “Tiền phong diệt cộng”. Ngôi mộ của người ấy được xây cất trang nghiêm, coi như một công thần thời Diệm. Hai năm nay, đất nước được giải phóng, nhưng ủy ban nhân dân xã Dương Thủy theo đúng chính sách nhân đạo đã không đụng chạm gì tới phần mộ của người từng cộng tác đắc lực cho phía bên kia. Quả thật, Thảo tìm ra ngôi mộ của người ấy không khó khăn lắm. Đấy là một cái lăng nhỏ, có tường bao quanh. Trên tấm bia đá hoa cương có mái che, vẫn còn tấm ảnh lồng kính cùng những dòng chữ khắc tên tuổi, ngày sinh và ngày bạc mệnh. Thảo ngắm kỹ tấm ảnh đã ngả sang màu vàng và tự khẳng định với mình – không, mình chẳng có nét nào giống con người này cả. Mình là con ba Viễn. Dù sao, Thảo đã mạnh dạn tới đây. Thảo cũng thắp cho người này vài nén hương. Thảo khấn: “Hỡi con người đã gây ra đau khổ cho gia đình Thảo! Khi sống, người mang đầy tội lỗi, khi chết chắc linh hồn người cũng đã hối hận ăn năn… Người hãy vì nỗi đau khổ đang dày vò ta mà báo mộng cho ta. Hãy nói với ta tất cả sự thật về mối quan hệ của người và người mẹ tội lỗi của ta. Ta sẵn sàng chấp nhận sự thật, dù sự thật đó có cay đắng gấp ngàn lần tình cảnh hiện nay. Cầu mong cho linh hồn người đã trở lại lương thiện sạch sẽ. Hãy nói với ta vài lời chân thực, đấy là lòng mong mỏi của đứa con gái tội nghiệp này!”

Duy chỉ có lần thắp hương cầu khấn ấy là đôi mắt Thảo ráo hoảnh. Thảo thương mẹ, nhưng là tình thương đối với người mẹ tội lỗi. Đêm ấy, Thảo nằm mơ thấy cảnh trâu húc nhau. Một đôi trâu bùn vấy đầu mình đang găm sừng vào cổ nhau mà vặn, mà ghì xuống đất. Người ta vây quanh đứng xem hò reo cổ vũ cho đôi trâu thêm hăng tiết. Và những đôi sừng nhọn hoắt múa lên chém vào nhau răng rắc. Cổ con nào cũng ứa máu, và mắt thì đỏ như hai miếng tiết. Rắc! Sau một cú tai dữ dội, chợt một con bị gãy sừng bên trái, chiếc sừng bị gãy tận gốc văng ra xa. Thất thế, nó bỏ hạy. Và con kia được đà thắng, đuổi riết. Dân làng chạy dạt ra hết. Thảo cũng chạy. nhưng lạ chưa, con trâu gãy sừng cứ chạy theo chân Thảo. Cuống quá, Thảo bỗng nhớ là mình bay được, cô nhún mình vọt lên bay là đà qua cánh đồng về nhà. Quái, ngoái cổ lại Thảo bỗng giật mình, cả đôi trâu cũng đều bay phía sau lưng Thảo. Trong lúc bối rối, Thảo bỗng vấp phải cành bàng và cô hốt hoảng la lên: “Mẹ ơi! Cứu con với!”.

Thảo choàng dậy, mồ hôi vã ra trên trán. Vợ chồng lão Cận đều tỉnh giấc, châm đèn vào buồng cháu, tưởng có chuyện gì xảy ra. Bà lão chạy đi lấy khăn mặt dúng nước lã bảo cháu lau mặt cho tỉnh. Còn ông lão thì dặn cháu phải nằm nghiêng, chớ có nằm ngửa mà bị “mộc đè”. Từ đấy đến sáng, Thảo không ngủ được nữa, nằm nghĩ ngợi miên man.

Từ hôm Thảo ở Huế trở về đến nay, không khí trong gia đình lão Cận chùng xuống, buồn tẻ và tấm tức. Lão Cận hùng hổ ra đi, để khi trở về lão lại nằm vật xuống giường thở dài.Rồi lão uống rượu, lão uông hơi nhiều so với ngày xưa… Lão giải khuây trong cơn say. Bà lão thì hay cáu bẳn, thỉnh thoảng lại lúng búng chửi một thằng, một con vô hình nào đó. Bà lão ngồi một mình, chân co chân duỗi trên chõng, bỏm bẻm nhai trầu, ít đi chơi nhà hàng xóm. Có cái khuôn nón lợp dở mấy hôm nay, bà vẫn để thế, chả buồn ngó ngàng… Dào, nón với khăn! Kệ cha nó đấy đã!

Thảo thì khóc cho đỏ hoe con mắt! Khóc chán rồi ngồi bần thần như người bị ma lấy hồn. Chẳng làm được việc gì, thổi cơm cũng bà, giặt giũ cũng bà, vườn tược cũng bà… Mọi ngày, Thảo vẫn được tiếng là con gái học đến tú tài mà luôn tay luôn chân, chịu thương chịu khó làm lụng đỡ đần ông bà. Nỗi buồn làm cho người Thảo gầy rạc đi nhanh chóng, mắt trũng sâu thâm quầng, tóc tai bơ phờ, tính nết lẩn thẩn, bỏ đâu quên đấy. Điều đau khổ của Thảo không được giải đáp, Thảo hy vọng sẽ được những linh hồn chết báo mộng, nhưng cuối cùng chỉ thấy mình biết bay. Dường như có một kết luận vô thanh nào đó bắt Thảo phải cam chịu làm thân phận con gái một tên ác ôn bị nhân dân căm ghét. Lẽ nào số phận Thảo lại khốn khổ đến như thế? Lẽ nào Thảo không còn được là cháu của ông bà, những người nuôi Thảo từ bé đến giờ? Lẽ nào Thảo không còn là cháu của các cô, của các chú các bác trong dòng họ Bùi mà đời Thảo đã gắn bó? Ôi, sao đời Thảo lại không được êm chèo mát mái như bọn con Lăng, con Thái – bạn của Thảo! Chúng nó cũng on cái gia đình liệt sĩ đấy, nhưng chúng nó thanh thản tâm tư, chứ đâu như Thảo. Ôi, Thảo muốn chết quách đi cho rảnh nợ. Chỉ còn một người bạn trai thân thiết nhất mà Thảo trông tìm sự đồng cảm, sự vỗ về an ủi là Thắng thì bỗng biệt vô âm tín. Lão Cận đã nói chuyện với Thắng, nhắn Thắng về, vậy mà vài ba hôm rồi vẫn chẳng thấy bóng dáng anh chàng.

Thế là Thảo đổ ốm. Thảo lên cơn sốt mê man. Vợ chồng lão Cận lo thuốc thang chạy sốt vó lên. Hai người cô ruột của Thảo thay nhau chăm nom cháu. Hai đứa bạn thân là Lăng và Thái đêm nào cũng đến ngủ ở đấy để an ủi săn sóc Thảo, bởi vì hai cô Thảo đều có con mọn không ở đêm được. Vào một buổi tối, sau khi Thảo ốm được vài hôm, Thắng đạp xe đến. Vợ chồng lão Cận và hai đứa bạn đều giữ ý tứ, ra nhà ngoài để dành cho đôi lứa tâm msự. Chẳng biết họ rì ầm với nhau những gì, mà chỉ mươi lăm phút sau, Thắng đã xin phép ra về, nói là bận công tác. Khi Lăng và Thái vào, thấy Thảo úp mặt xuống gối, đôi vai run lên. Thảo cắn răng vào gối nén tiếng khóc lại, trong lú các bạn gái ngồi bên cạnh tay vuốt ve lên đôi vai Thảo. Một lúc sau, Thảo nói với các bạn rằng, chính Thảo đuổi anh ta về. Chỉ có lão Cận là đoán biết sự tình. Sự linh cảm của lão từ hôm nọ đã giúp lão nhận biết bản lĩnh của trung úy Thắng. Lão nhấp một ngụm rượu rồi nói với Lăng và Thái:

– Các cháu ạ! Có đứng giữa bão tố mới biết cây cứng mềm! Âu cũng là hiểu thêm lòng dạ một con người! Cha nội đó sợ làm con rể một tên ác ôn!

Và lão cất tiếng cười vang. Tiếng cười vừa mỉa mai vừa đau xót.

Không hiểu vì mấy chén thuốc bắc đã có tác dụng hay vì Thảo vừa dứt khoát một bề được mối tình với Thắng, mà Thảo đỡ dần. Cơn sốt đã tạnh Thảo bắt đầu ăn cơm thấy ngon miệng. Vợ chồng lão Cận chăm chút cái ăn cái uống cho cháu và khuyên cháu lui tới nhà bạn bè chơi bời cho khuây khỏa. Lão Cận đã nói với bà vợ rằng, thôi bỏ ngoài tai tất cả mọi chuyện phiền nhiễu. Lão cũng chẳng hơi sức đâu mà chạy hết cửa này sang cửa kia để minh oan cho cháu lão, cho vong linh con dâu lão. Chỉ cầnn vợ chồng lão, họ hàng làng xóm đều yêu quý cái Thảo là đủ rồi. Nó không đi làm nhà nước thì ở nhà chằm nón, làm ruộng cũng đã chết ai? Nó không lấy thằng Thắng thì còn bao nhiêu nơi ngấp nghé mối lái, cháu lão đâu đến nỗi ế chồng? Vợ chồng lão tìm cách cho Thảo khỏi buồn. Cháu cứ đi chơi với bạn bè cho thỏa thích khi nào thiệt khỏe hãy làm lụng giúp ông bà – lão Cận vỗ về Thảo và Thảo vâng lời. Sức khỏe Thảo có hồi phục, nhưng nét mặt Thảo vẫn rầu rĩ, đôi mắt thườn nhìn xuống như tìm kiếm cái gì dưới đất. Thỉnh thoảng Thảo vẫn khóc thầm. Thảo đâm oán giận mẹ, buộc tội mẹ đã gây ra nỗi đau buồn này! Ôi, giá thằng Mỹ không tàn nhẫn giết chết mẹ! Mẹ chết lúc Thảo còn thơ dại quá, chưa đủ trí khôn để mẹ có thể chuyện trò những điều sâu kín của cuộc đời. Chỉ còn một cách là chờ đến lúc nào Thảo sang thế giới bên kia. Thảo sẽ gặp mẹ, gặp ba và gặp cả con người ấy. Thế giới bên kia tưởng là xa mà cũng nhẹ như bông. Chỉ là cảm giác đến một chốn sương mù trắng xóa trời đất. Hoặc là cảm giác của một sự im lặng giữa cánh đồng đêm không một chút gió…

Một buổi chiều, Thảo xin phép ông bà đến chơi nhà bạn, nhưng cô lại đến nhà truyền thống của xã. Cô ở đấy khá lâu… Chập tối không thấy Thảo về, vợ chồng lão Cận nhao nhác đi tìm. Dạo ấy, lúa bắt đầu chín. Mùi thơm của lúa chín theo gió bay vào làng làm dậy lên cảnh náo nức chuẩn bị ngày mùa. Một tốp du kích xã được phái đi tuần tra ngoài đồng về ban đêm. Bấy giờ vào quãng tám giờ tối, trăng mươi chín dường như đã lấp ló phía chân trời mưng sáng. Đi ngang qua cây bàng ở ngã ba đường đi ra Cồn Mồ, tốp du kích chợt kêu rú lên. Một người con gái nằm sóng soài dưới đất. Họ soi đèn pin lên nhận ra Thảo. Cô gái hãy còn thở nhưng mê man bất tỉnh. Một sợi dây điện vấn quanh cổ cô. Và trên cành bàng, lủng lẳng một đoạn dây điện khác. Cô gái đã treo cổ tự tử, nhưng sợi dây mủn quá, đứt đôi. Đám du kích hô hoán lên. người thì làm hô hấp nhân tạo, người chạy về làng báo cho người nhà. Cần phải cấp cứu ngay cho nạn nhân! Đám du kích chợt nhớ, có một chiếc “com măng ca” của tỉnh đang đậu trong sân nhà bí thư đảng ủy. Một anh du kích chạy như bay đi gọi xe. Chỉ một lát sau bà con trong làng đổ ra, ai cũng tay đèn, tay đuốc. Vợ chồng lão Cận, hai người cô ruột, con Thái con Lăng bạn của Thảo đều hớt hơ hớt hải chạy bổ đến. Tiếng khóc lóc hờ trời hờ đất, tiếng thăm hỏi bàn tán cứ rùm beng, ồn ồn. Rồi tiếng quát mọi người lui ra cho y tá tiêm long não, tiếng gọi mang nước lã tới vã vào mặt. Bà lão vừa khóc mếu vừa chửi toáng lên. Chỉ lão Cận là bình tĩnh nhất. Lão im lặng gỡ sợi dây điện ra, vấn lại bỏ vào túi. Lão biết sợi dây điện màu xanh này là ở đâu ra rồi. Một nỗi đau làm lão đứng sững sờ giữa đường quên cả ánh đèn pha tô tô chiếu lóa mắt. Chiếc com măng ca đỗ xịch. Bước xuống đầu tiên là đồng chí ủy viên thường vụ tỉnh ủy trạc ngoài bốn mươi, tóc cắt cao, da ngăm đen, bận áo sơ mi cộc tay. Ông tên là Liêm. Sau ông là bí thư đảng ủy xã, tóc hoa râm, lưng đã khòm khòm.

– Đưa cô ấy lên xe ngay đi! Lên thẳng bệnh viện tỉnh!

Ông Liêm ra lệnh.

Khi chiếc “com măng ca” chở Thảo và những người hộ tống đi rồi, ông Liêm và bí thư đảng ủy xã Mai Thủy bỗng nhiên lọt vào giữa một vòng người và đèn đuốc. Người ta nói nhộn nhạo. Người ta thương Thảo, người ta trách Thảo liều lĩnh dại dột, người ta bào chữa cho Thảo, dào! Nó còn trẻ người non dạ mà! Trách là trách những anh to đầu làm việc Đảng và Nhà nước mà nhẫn tâm đẩy nó vào bước đường cùng! Chà, Đảng là công minh thì phải trị tội thẳng thừng những thằng làm bậy. Chúng nó là những con quỷ dữ nhân danh các đấng thánh thiện! Trách làm gì xa xôi, cứ nhè mấy ông làm việc ở xã ra mà khảo, xem thử có anh nào tư thù tư oán gì với nhà lão Cận… Người ta nói với nhau nhưng cốt lọt tai đồng chí ủy viên thường vụ tỉnh, lọt tai đồng chí bí thư đảng ủy xã.

Chẳng những lọt tai mà còn tràn tai, ông Liêm đã biết chuyện từ lúc anh du kích chạy đến xin xe cấp cứu. Ông lấy làm phiền lòng về chuyện này. Ông cùng với bí thư đảng ủy vào thẳng nhà lão Cận. Mấy người họ hàng và bà con quanh xóm cũng vào theo. Ông với tư cách là một thành viên chủ chốt của cơ quan lãnh đạo Đảng bộ cấp tỉnh, ông có trách nhiệm phải hiểu kỹ nguồn cơn chuyện này. Đây không phải là chuyện vặt, mà là chuyện có liên quan tới niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng.

Lão Cận lại móc túi lấy những tờ giấy hôm nọ ra đưa cho ông Liêm, và lại kể lể sự tình đầu đuôi câu chuyện cho ông nghe. ông Liêm nghe chăm chú, thỉnh thoảng hỏi thêm lão vài chi tiết. Cuối cùng ông nói:

– Thế là cháu nghe thủng chuyện rồi. Gia đình bác không có lỗi, cháu Thảo cũng không có tội tình gì. Cái sai này thuộc về tổ chức của Đảng và Nhà nước trong tỉnh. Dù sai ở xã, ở huyện hay ở tỉnh cũng đều trong phạm vi lãnh đạo của tỉnh ủy. Cháu là ủy viên thường vụ, cháu xin thay mặt tỉnh ủy có lời xin lỗi bác và gia đình, cháu xin hứa sẽ làm sáng tỏ điều ám muội này ra. Chả khó đâu bác, chỉ là ngày một ngày hai thôi. Đã nhận sai, chúng cháu sẽ sửa sai. Vấn đề này không chỉ là quyền lợi chính trị của cháu Thảo mà là sự công minh của Đảng, uy tín của Đảng. Đây còn là một bài học về cách nhìn người một cách nhân hậu.

Những người họ hàng, kẻ thì ngồi ở chõng, kẻ đứng tựa cửa hoặc ngồi xổm dưới đất đều tỏ vẻ hài lòng sau lời nói của ông tỉnh ủy. Họ thở phào khoan khoái, nhưng mỗi người góp một ý, nhất thiết yêu cầu cấp trên phải nghiêm trị anh nào làm bậy. Ông Liêm vui vẻ nói:

– Thì còn gì nữa! Năm ngón tay có ngón dài ngón ngắn, chú bác ạ! Cán bộ Đảng có nhiều người tốt, nhưng cũng còn lắm kẻ xấu… Đảng không nghiêm minh thì người tốt không muốn tốt nữa phải không chú bác? Vậy là hại cho Đảng biết chừng nào.

Ông Liêm lấy bút máy ra ghi địa chỉ mình vào sau tờ giấy trường thương nghiệp trả Thảo về xã và dặn lão Cận:

– Địa chỉ của cháu đây! Việc này mà chưa xong, bác cần gì cứ đến gặp cháu, ở cơ quan tỉnh ủy cũng được, mà ở nhà riêng cũng được.

Chợt ông quay sang hỏi bí thư đảng ủy xã:

– Từ hôm bác Cận lên trình bày sự việc với anh đến nay, các anh trong thường vụ có trao đổi gì với nhau không?

Bí thư gãi đầu:

– Báo cáo anh, cũng búi việc quá! Mà chuyện này e mắc míu trên tỉnh.

– Vậy là trật rồi anh ạ! – Ông Liêm có ý nói cho cả gia đình lão Cận và họ hàng nghe – Cứ cho là mắc míu trên tỉnh, nhưng các anh có chính kiến của mình chứ. Các anh thấy việc làm sai rành rành ra đấy mà cứ lờ đi! Mắc míu trên tỉnh thì có trách nhiệm gỡ mắc míu giúp dân chứ! Cứ để dân chạy ngược chạy xuôi gỡ không được thì đành chịu ấm ức sao? Chà, xung quanh vấn đề Đảng lãnh đạo một thể chế vô sản chuyên chính còn nhiều vấn đề cần phải làm sáng tỏ.

Ông Liêm đón chén nước trên tay lão Cận đưa, hớp một ngụm rồi chỉ thị tiếp cho bí thư đảng ủy:

– Đêm nay, tôi phải trở về tỉnh. Trước mắt, các anh cần phải quan tâm theo dõi sức khỏe của cháu Thảo. Sau nữa, phải lo cho cháu Thảo tiếp tục học hành. Thôi, trường thương nghiệp thì dẹp, sắp tới nếu có chiêu sinh lớp học nào ở tỉnh hoặc ở Trung ương và cả đi nước ngoài nữa, các anh phải ưu tiên xếp cháu Thảo đi. Nếu việc này các anh không làm được thì tỉnh sẽ làm. Tối mai, tôi sẽ xuống nhân thể xem lại cái đề án tổng kết của Đảng bộ xã. Cứ qua một việc này, tôi cũng hiểu thêm thực chất sự lãnh đạo của đảng ủy.

Có tiếng ô tô và ánh đèn pha quét sáng rự. Chiếc “com măng ca” về, đỗ xịch ở cổng nhà lão Cận. Có tin mừng. Thảo đã tỉnh, tim mạch đã trở lại bình thường. Thảo chỉ kêu đau ở lưng. Phải chờ ngày mai chụp điện mới kết luận xem có ảnh hưởng cột sống không. Thôi thế là yên tâm rồi. Ngồi trên xe, ông Liêm đưa tay ra nắm tay lão Cận:

– Bác cứ yên trí! Cháu đã hứa với bác là cháu làm.

Bí thư đảng ủy xã không lên xe với ông Liêm, ông nán lại chuyện trò với gia đình lão Cận rồi thủng thẳng đi bộ về nhà.

Chuyện của Thảo lan nhanh khắp xã, lan truyền đến nhiều vùng đất khác. Mỗi lúc chuyện lại ly kỳ thêm. Anh cán bộ phụ trách nhà truyền thống của xã lúc ấy mới giật mình, sợi dây điện màu xanh bỗng nhiên không cánh mà bay chắc là có lý do. Anh chạy đến nhà lão Cận, nì nài với lão xin lại cái hiện vật quý giá ấy.

Lão Cận nói:

– Thôi, sợi dây điện kia bây giờ nói thêm những điều khác rồi. anh đừng lấy nữa mà khó thuyết minh với người đến tham quan.

– Cháu lạy bác – Anh phụ trách nhà truyền thống van vỉ với giọng thiểu não – Cháu xin bác giữ kín cho những gì xảy ra không hay gần đây liên quan tới hiện vật. Cháu sẽ thuyết minh đúng như trước đây cháu vẫn làm.

– Vậy là anh sẽ nói dối với người đến tham quan?

– Không, cháu không nói dối. Có những sự thật đau lòng thì nói ra phỏng có ích gì phải không thưa bác?

Lão Cận bằng lòng trả lại, với điều kiện lúc nào câu chuyện mờ ám kia được sáng tỏ.

Câu chuyện chưa sáng tỏ hoàn toàn nhưng hé mở nhanh chóng ngay ngày hôm sau. Về tỉnh ủy, ông Liêm phái một cán bộ kiểm tra sang trường thương nghiệp trực tiếp làm việc với Sơn, phó phòng tổ chức. Được biết, Sơn quê Dương Thủy, trước kia có biết Lê Phán, biết Bùi Duy Viễn và chị Kiều. Sơn đã từng công tác ở xã Mai Thủy một thời gian trong kháng chiến chống Mỹ. Tóm lại, Sơn rất hiểu những lời đồn đại dị nghị về quan hệ bộ ba ấy. Sau khi Thảo rời khỏi trường, người thay thế vào chỗ trống ấy là cô cháu họ xa của một cán bộ có chức quyền ở Ty thương nghiệp. Cô này không phải con em liệt sĩ, nhưng khoác danh con em trong ngành nghề. Chỉ với hai cứ liệu đó, ông Liêm có thể xét đoán được điều gì đã xảy ra, và ai là đạo diễn chính trong màn kịch bất minh này.

Người kể lại câu chuyện này là một nhà sưu tầm truyện cổ dân gian đã đứng tuổi. Ông vốn người Huế, tập kết ra Bắc sống ở Hà Nội lâu năm. Có thể nói, ông là một người yêu Huế, say Huế một cách cực đoan. Ông luôn tìm cách chứng minh cho bạn bè chịu rằng, cái gì Huế cũng hay hơn mọi miền đất khác.

Vào một ngày mùa thu 1984, ông lên tàu Thống Nhất từ hà Nội đi Huế. Vừa về thăm quê, vừa muốn nhân dịp này sưu tầm thêm ít truỵen cổ của người Pakôh. Mua được vé tàu nằm, nên nhà sưu tầm truyện cổ lấy túi xách gối đầu, mải mê đọc sách. Giường đối diện với ông là một đôi trai gái, họ chỉ mua được một vé nằm, nên thay nhau ngả lưng. Thấy cả hai đều nói tiếng Huế, ông bắt quen với họ và được biết đấy chỉ là một đôi sắp thành vợ chồng thôi. Họ đều là bác sĩ vừa tốt nghiệp ở Hà Nội nay về nhận công tác ở bệnh viện Huế. Họ sẽ làm lễ cưới sau khi nhận công tác. Trông họ thật đẹp đôi. Trong nhịp tàu lắc lư, nhà sưu tầm mải đọc sách và suy nghĩ. Còn đôi trai gái chẳng lúc nào thôi kề vai nhau rì rầm. Thỉnh thoảng nhà sưu tầm và đôi trai gái mới trao đổi với nhau vài câu, toàn là những câu xã giao thủ tiếp thông thường. Câu chuyện cũng sẽ nhạt nhẽo nếu không có một sự cố xảy ra. Chiều hôm ấy nhà sưu tầm đang tì tay vào cửa sổ ngắm nhìn những cồn cát vàng xa xa bỗng nhiên bị một nắm đá từ dưới đất ném loảng xoảng lên tàu. Nhà sưu tầm không may bị một viên đá trúng đầu, máu chảy trào ra. Chết thật, thời buổi đến là mất trật tự, chắc là trẻ con hư hỏng mới chơi trò chơi bạt tử như thế. Con tàu cứ chạy và người ta xúm nhau lại băng bó giúp nhà sưu tầm. Đôi trai gái bác sĩ là những người nhiệt tình nhất. Có tay nghề, họ xát cồn, băng vết thương, lại còn mở túi xách lấy xi ranh tiêm thuốc chống choáng, cho ông uống thuốc phòng vi trùng uốn ván. Thôi, sự cố cũng chỉ có thế nhưng tình cảm giữa đôi bạn trẻ và nhà sưu tầm đứng tuổi trở nên thân thiết hơn. Câu chuyện từ đồng quang sang đồng rậm chuyển dần sang tâm sự. Và câu chuyện vừa chép lại trên đây chính là do cô gái bác sĩ kể cho nhà sưu tầm nghe vào lúc trăng lên.

Có thể do ánh trăng hạ tuần yếu ớt chiếu vào màn đêm một thứ ánh sáng nhờ nhờ đã làm cô gái động lòng trắc ẩn mà khơi nguồn câu chuyện hăng? nào ai biết được? Chỉ biết cô đã kể cho nhà sưu tầm nghe với cái giọng thỏ thẻ ngùi ngùi, và với tình cảm chân thành của một cô cháu gái kể cho chú mình nghe vậy.

Nghe xong chuyện, nhà sưu tầm băn khoăn:

– Vậy sau kết thúc ra sao? Thủ phạm làm chuyện bậy bạ đó là ai, có bị kỷ luật không, cháu?

– Dạ, cháu cũng không rõ lắm. Nghe đâu tay Sơn kia bị cảnh cáo, đổi đi nơi khác. Chắc là còn dính một số người nữa, mỗi người một động cơ sai lầm khác nhau. Nhưng cháu tin rằng lãnh đạo có những người như chú Liêm thì mọi xử trí sẽ công minh.

– Vậy số phận cô Thảo sau đó ra sao?

Cô gái lúng túng đáp:

– Cô Thảo sau khi bình phục, được ban tổ chức tỉnh ủy gọi lên. Lúc đầu, tỉnh định cho cô đi học nghề dệt ở Liên Xô nhưng cô sợ xa ông bà nên không nhận. Tỉnh bèn cho cô ôn thi đại học và cô đỗ, chắc bây giờ cô đã tốt nghiệp.

Cô gái nghiêng mặt đi giấu một nụ cười. Nhà sưu tầm bắt nọn một câu.

– Chắc là tốt nghiệp bác sĩ?

– Cháu không rõ – Cô gái cười thành tiếng.

– Chết thật, chú quên hỏi, tên các cháu là gì nhỉ, các cháu học y nhưng về ngành nào?

– Dạ thưa chú. Bạn cháu tên là Tùng học khoa ngoại, còn cháu học khoa thần kinh, tên cháu là Thơm.

– Vậy Thơm có họ hàng gì với cô Thảo trong chuyện không đấy?

Cô gái lấy tay che miệng cười:

– Dạ thưa chú… không ạ?

Không sao cưỡng lại được ý nghĩ câu chuyện cô gái vừa kể chính là tâm sự riêng của cô, nhà sưu tầm khôn khéo hỏi một câu đột ngột:

– Thế ông bà cháu có còn khỏe nữa không?

– Dạ, ông bà cháu cũng yếu rồi… Trên tám mươi rồi còn gì…

Cô gái biết lỡ lời chợt im bặt. Còn nhà sưu tầm thì cười vang:

– Vậy là giấu đầu hở đuôi rồi đó cháu! Không sao! Không sao! Chú mừng cho cháu, mừng cho hai cháu – Nhà sưu tầm bỗng chuyển sang bình luận – Chà, dân Huế mình mà cũng có những thằng cán bộ tầm bậy thế! Ờ nhưng cũng may còn có những người như ông Liêm. Cán bộ lãnh đạo là phải sâu sát như thế! ấy, nếu chú được quyền, chú sẽ bầu ông ấy vào Trung ương.

Nhà sưu tầm lại cất giọng cười sảng khoái trong nhịp tàu lắc lư.

1984 – 1985

Xuân Thiều