Trong khoang lái chiếc xe tải lúc ấy có năm người. Người thứ nhất tất nhiên phải kể đến là anh lái cao to, nước da đồng hun, có bộ râu cằm cố tình không cạo, nhác trông như người nước ngoài. Bên cạnh anh là một người đàn ông khoảng trên ba mươi tuổi, vóc dáng thanh thoát, khuôn mặt hồng hào sáng láng, hay có cái mỉm cười ý nhị. Ngồi nép vào con người dễ mến ấy là cô gái mặc áo khoác nâu có một nhan sắc bình dị chỉ cần nhìn qua cũng có thể chấp nhận được ngay. Bên cạnh cô gái áo nâu là cô gái áo len xanh, cùng trạc tuổi nhưng dáng điệu, lời lẽ nói năng có vẻ sắc sảo hơn. Và ngồi ngoài cùng, gần như ép dính vào cửa xe là một thanh niên mặc quân phục không quân hàm, thân hình mảnh khảnh, cặp mắt trũng sâu hơi mệt mỏi. Anh ngồi như mới vào mép ghế trong khi người khác có thể ngồi thụt sâu vào, lưng dựa tạm gọi là thoải mái. Đường lên chót vót cửa khẩu Na Mèo vào những ngày cuối năm ngồi lên chặt như thế càng ấm. Xe Zin mà vẫn xóc đến khiếp? Cứ nhảy chồm chồm thỉnh thoảng người lại giật nảy lên, đầu va lốp cốp vào mui xe hoặc ngả nghiêng, xô dạt vào nhau như trong xe có bão lớn. Gió lạnh vút qua ô kính bật lên những tiếng tanh tanh. Sương mù trắng xóa làm con đường chập chờn, lúc rõ lúc nhòa. Cái gạt nước chuyển động hết sức uể oải ở trước mặt. Tuy vậy, tiếng xe nổ vẫn êm ru, thoang thoảng mùi xăng thơm nồng. Đôi lúc anh lái múa cổ tay của một đường ràn rạt mép vực khiến hai cô gái bật rú lên, mắt nhắm nghiền như sắp rơi ra khỏi trái đất. Cây rừng xào xạc, thác đổ vang vọng dưới thung sâu càng thêm tăng vẻ chênh vênh của một đoạn đường toàn leo dốc. Nhiều đoạn chiếc xe chở nặng gạo chòng chành giống như đi trên dây, nhỡ tay lái một chút là tất cả sẽ biến khỏi mặt đường rơi thỏm đi đâu không ai dám nghĩ tiếp. Ấy vậy mà anh lái vẫn thản nhiên tru miệng huýt sáo Gặp đoạn đường phẳng một chút, anh lại còn hát nữa mà hát bằng thứ tiếng Anh khá chuẩn hẳn hoi. Nhìn nghiêng, những cọng râu cứng như rễ tre của anh lay động thấy tức cười. Cô gái áo xanh bấm nhẹ vào tay bạn, kín đáo đưa đôi mắt khá sắc về phía anh lái xe ngầm một ý thán phục và tin cậy: “A-ma-tơ gớm!”. Anh con trai trẻ đẹp khẽ gật đầu mỉm cười, cái mỉm cười rất hóm và thông minh, pha thêm một chút thấu hiểu của triết nhân: “Tất cả những cái đó đều bắt đầu từ sự hiện diện của các cô ra cả đấy, cô bé ạ?”. Cô gái áo nâu không có phản ứng gì, mắt vẫn nhắm hờ như lim dim ngủ, cũng lại như đang mải nghe tiếng hát trầm trầm rất đàn ông của anh lái xe vui tính mà dáng dấp hào hoa, ngang tàng hiện lên ngay cả ở bàn tay cầm lái. Rét quá? Càng lên cao càng rét. Một bàn tay đàn ông trắng trẻo sẽ sàng đặt lên những ngón tay con gái nhỏ nhắn, nắm chặt… Nét mặt cô gái không xao động. Gió rít như chó sói tru lưng trời.
Cô gái áo len xanh so vai rụt cổ lại một cách thật là bé bỏng:
– Ôi chao? Giá bây giờ có một chiếc chăn bông mà khoác nhỉ? – Lắng một chút như tự nghe tiếng xít xoa của mình, cô lại duyên dáng hạ vai xuống – Thoa ơi? Mày ngủ đấy à?
– Giá mà ngủ được – Cô gái áo nâu vẫn không mở mắt, nói thầm thì vào tai bạn – Nếu bây giờ có một đống lửa và mấy cái bắp ngô nếp nướng nhỉ – Và khẽ cười. Cái cười không được tự nhiên nhưng để bù lại, một hàm răng trắng muốt, đều chằn chặn ló ra. Có cảm giác cái cười ấy làm ấm cả khoang lái. Cô gái áo xanh hơi ngửa mặt ra sau, mắt nhìn lơ mơ lên trần:
– Anh Phụng ơi (anh con trai khẽ nhướng mày tỏ vẻ sẵn sàng nghe). Em như anh thì em sẽ bắt quách cái Thoa sang ở hẳn với anh. Chàng là bác sĩ, nàng là kỹ sư chế tạo máy, cũng sống trong một thị xã nước ngoài xa lạ, hay đứt đi chứ lị. Rồi cưới luôn hay hết thời hạn về nhà cưới, điều đó có hề hấn gì, miễn là gần nhau. Dăm bận đi thăm thế này, họa có thành bà già.
Bác sĩ Phụng vẫn chỉ mỉm cười rồi hào phóng, móc từ túi xách ra một cây Du Lịch bóc rèn rẹt:
– Để sang một lần thử xem: Cái đó là hoàn toàn do Thoa quyết định thôi.
Cô áo xanh chép lưỡi, giọng nói cố làm ra cái kiểu ghen tị nhưng nghe tinh lại có chút ghen tị thật:
– Cái Thoa là sướng nhất trần đời đấy. Nghỉ phép người yêu về tận nhà đón sang chơi. Chưa đủ, sợ nàng buồn, người ta lại có nhã ý mời cả cô bạn gái cùng đi làm thần hộ mạng cho nàng nữa. Ghê! Anh Phụng, em bảo này: Anh cứ giữ rịt cái Thoa ở lại về làm gì, xung quanh toàn những cái dớ dẩn, nhức đầu? Lúc này bứt đi đâu xa được một thời gian là tuyệt nhất. Xã hội biến động, không cẩn thận, chàng một nơi, nàng một nẻo rồi nàng cũng biến đi lúc nào không biết.
Phụng đáp lại với giọng nói bao dung:
– Tha hồ. Nhưng mà… nói cho cùng cũng mệt thật! Bây giờ các giá trị đều bị đặt trở lại cả. Sự thủy chung bỗng thành chớp nhoáng, cái yêu đương dễ hóa thành hận thù. Tìm một tình yêu bất diệt bây giờ còn khó hơn đi tìm dấu chân người nguyên thủy – Khoan khoái nhả một hơi thuốc, anh nói tiếp – Buồn thật? Cách đây chừng mươi, mười lăm năm, trong một đám tụ họp, giá thử có một anh kỹ sư, bác sĩ… tóm lại là một anh trí thức nào đó trót máy mồm khoe tao có cô người yêu làm nghề bán phở là lập tức bị chửi cho mất mặt ngay. Nhưng nay ấy à? Đó là tất cả sự vinh hạnh nếu không muốn nói là cứu cánh đấy. Ngược hết! Ngược lại hết!
– Hay! Hay đấy! – Anh lái tán thưởng ồn ào.
Cô áo xanh cũng cười rất tươi, nhìn sang người bạn trai đầy vẻ tự hào: “Đồng chí lái xe thấy chưa? Đồng chí sẽ không phải ân hận khi đã cho những con người hay ho như thế này đi nhờ”.
Phụng mồi thêm một điếu thuốc nhét vào ngón tay anh lái, tiện thế quăng luôn cả cây vào cốp xe rồi nghiêng mắt nhìn chếch xuống khuôn mặt người yêu. Cô gái vẫn nhắm mắt lim dim, đầu hơi tựa vào một bên vai vạm vỡ của anh nhưng nét mặt lại thoảng đi đâu.
Phụng hỏi nhỏ:
– Em mệt à?
– Cô gái khẽ lắc lắc đầu và mở mắt ra. Cặp mắt hơi buồn, có một cái gì bứt rứt ẩn thật sâu bên trong. Cô không ngước nhìn khuôn mặt đàn ông đẹp đẽ đang kề cận rất gần mà nhìn vuốt qua cửa kính ra ngoài. Xe đang đà xuống dốc. Không gian hiện ra thoáng đạt, rõ nét hơn. Mãi tận sườn núi bên kia, một vệt nắng vàng như rơm thoáng hiện rồi thoáng mất. Lát sau nó lại nhảy nhót trên một vùng săng lẻ thân dài thẳng thớm, xòe tán, xòe lá xanh biếc như thông.
– Đẹp quá! – Cô gái khẽ thốt lên.
– Bây giờ thế này – Anh lái xe như được cái vẻ thảng thốt của cô gái áo nâu đốt nóng, xướng to – Chuyến xe cuối năm không đi đâu mà vội, các vị thấy nơi nào có lý cần dừng, cần nghỉ lại cứ nói, tôi chiều hết. Cả đời tốc độ, thi thoảng cũng phải vẩn vơ ngơ ngác một tí chứ. Tiện thể thông báo luôn: Đây đi Na Mèo còn qua đèo Phỉ, đèo Mây, đến được cũng phải chiều tối hoặc nửa đêm, đấy là nói đường thuận lợi. Còn đường xấu thì…
Anh huýt một tiếng sáo dài như vượn hót và nhấn thêm ga.
– Eo ơi! Đèo gì mà lại là đèo Phỉ? – Cô áo xanh thu người lại – Chắc nơi đó trước kia nhiều phỉ lắm hả anh? Làm như một cuộc hành trình đi Nam Mỹ không bằng – Giọng cô trong vắt, nghe rõ cả tiếng gió ở đầu lưỡi – May quá là gặp anh ở dọc đường chứ không thì chết, chả còn biết đối phó ra sao. Xe khách không có, xe
con thì bất lực, bản làng lại xa tít mù khơi. Gớm? Đường với đất, đi một lần tởm đến già. Chắc anh chạy con đường này nhiều?
– Ít thôi. Thiếu hai năm nữa là tròn… hai mươi.
– Úi giời!
Anh lái xe chìa bao thuốc lá lại phía anh bộ đội. Đang mải nghĩ ngợi đi đâu, người mặc quân phục giật mình quay lại, ngượng nghịu lắc đầu:
– Cám ơn? Tôi… Tôi bị viêm cổ.
– Xì! Viêm vủng gì! Lại mấy cha thầy thuốc lẩm cẩm dính vào đây! – Anh quay qua anh bác sĩ, cười ấy chết, xin lỗi đồng chí bác sĩ nhé. Tôi vốn ăn nói tứ tung.
Cô gái áo xanh ghé vào tai bạn nói thật nhỏ:
– Xương với xẩu! Đau quá!
– Cái gì đau?
– Cái xương hông ông ấy tì vào đùi tao đau quá!
– Con ranh! Thì ngồi dịch vào tao đây này.
Bất giác Thoa đưa mắt nhìn người mặc quân phục. Như mọi người đàn ông khác gặp trên vùng đất này: khắc khổ và lành hiền, chả có gì đặc biệt. Cô lại lim dim mắt.
Xe ì ạch bò qua một đoạn đường nhoe nhoét đất đá. Rải rác đó đây có những tốp chiến sĩ làm đường đứng ngập chân trong bùn nhìn chăm chăm lên xe. Vài ba cô gái nước da mai mái vui vẻ gọi bới lên:
– Anh tài ơi! Chở ai mà xanh đỏ tím vàng như đi hội thế?
– Con Thơm nó ghen đấy. Cho chết! Lính lục lộ mà cứ đòi yêu anh… vi vu.
– Ừ tao yêu. Thì đã sao? Còn hơn đứa nào suốt từ sáng đến giờ, động một chiếc xe nào đi qua cũng hiếng mắt lên. Dơ!
– Cẩn thận cây cầu gỗ đó! Lăn kềnh ra đấy thì lại mất công ối đứa khóc.
Tiếng cười râm ran lan khắp mặt đường. Trên xe, anh lái cũng đáp lại bằng một tràng cười rất vang và giòn, hai ngón tay ám vàng khói thuốc thi nhau đưa lên môi hôn gió. Chiếc xe bậm bạch bò vào một đoạn đường khô hơn nhưng rải toàn đá hộ. Toàn bộ sắt thép trên xe cứ va nhau cục kịch tưởng như sắp long ra từng bộ phận.
Bác sĩ Phụng nheo nheo mắt nhận xét:
– Có vẻ tất cả các cô gái trên cung đường này đều mê ông cả?
Anh lái không trả lời chỉ nháy mắt một cái không ra phản đối, cũng chẳng ra tán thành. Tiếng thổi sáo càng véo von hơn. Bằng giọng trả lời, Phụng nói tiếp:
– Kiểu này là lại thêm một bà vợ phải chịu đựng cái bi kịch của sự cam chịu đây.
– Chưa! Tôi chưa có, chưa có một mụn vợ nào.
– Kén à? Hay ngại?
– Không kén, không ngại nhưng chưa đủ tư cách làm chồng, chưa đến tuổi.
– Anh bao nhiêu rồi?
– Gần bốn mươi.
– Quỷ thần ơi! Thế định đến bao giờ anh mới đủ tuổi?
– Khi nào các cô gái trên đời chỉ nhìn tôi như nhìn một cây gỗ mục đã. Hiện nay… sức quyến rũ cũng đang còn kha khá, chưa đến nỗi.
Cô áo xanh bĩu môi:
– Đàn ông các anh lắm lý lẽ thật. Sao mà giống nhau thế?
– Đâu có! Anh lái đáp lại trơn tru – Lý lẽ, lý luận gì đâu, tham thôi.
Bác sĩ Phụng cười to, vỗ mạnh hai tay vào nhau.
Cô áo xanh nhoài người về trước, môi cong lên:
– Sao nữa? Nói tiếp nữa đi xem nào? Nghe nói đời tư mấy ông lái xe đường dài là phong phú lắm. Tự đặt cho mình những cung chặng người tình và suốt đường đi, cả chục cô tình nhân các cô ấy cung phụng cơm nước, nơi ăn chốn ngủ như ông hoàng?
– Chị biết nhiều nhỉ?
– Tôi còn biết nhiều hơn nữa kia.
– Có duyên quá?
– Duyên gì. Tôi…
Anh bác sĩ kín đáo bấm tay cho cô gái đừng nói nửa: “Đành hanh không đúng chỗ rồi. Đi nhờ xe người ta mà!…”
Nhưng anh lái đã cười ầm ầm, cười rung cả người:
– Biết ngay mà. Đàn bà đáng yêu thật! Đùa đấy. Quanh năm gió bụi lêu têu mà cứ ỉu ỉu như cô kỹ sư kia thì cầm cự thế nào được. Khai thật lòng đây: một vợ và ba nhóc rồi, toàn vịt giời cả. Và một năm dù chỉ ở với vợ con vài tuần nhưng trách nhiệm hết ga, không kém bất cứ một anh chồng chỉ biết quanh quẩn bên vợ nào.
Bỗng anh phanh két xe lại. Hú vía! Ngay trước mũi xe là một đoạn đường xói lở nham nhở, để lộ một miệng vực toang hoác nhớt nhát.
Người đàn ông mặc quân phục lặng lẽ mở cửa xe nhảy nhanh xuống tưởng như anh vẫn thường nhảy xuống như vậy trong những trường hợp tương tự.
Lúc này mới thấy rõ anh mảnh khảnh thật. Đứng trước mũi xe, áo quần bị gió táp tứ tung, người anh cứ xiêu vẹo đi. Uốn theo bàn tay xi-nhan khá thành thạo của anh, chiếc xe ì ạch bò dần từng nấc.
Cô áo xanh chép miệng:
– Đi đường này chính ra anh phải lựa một ông phu xe khỏe như vâm mới phải, khéo kìa? Coi chừng gió lạnh búng luôn ông ấy xuống vực bây giờ.
– Nhầm rồi cô gái đáo để ơi! – Anh lái vừa thận trọng đạp, nhả ga, vừa nói – Người ta không phải lơ xe đâu. Cũng khách đi nhờ thôi.
– Bạn anh à?
– Không? Nhưng cũng là bạn. Vùng này chỉ có dân lái đánh bạn với cánh biên phòng thôi.
– À thì ra đó là một chiến sĩ biên phòng đấy – Anh bác sĩ gật gù – Bất ngờ nhỉ! Hồi về nước đi qua biên giới Hung, tôi đã từng uống bia đen với những tay biên phòng tướng tá nhìn phong trần, tráng kiện lắm.
– Trông còn trẻ quá! Chắc chưa vợ con gì: – Cô áo xanh chậc lưỡi – Hiền nhỉ?
– Đời lính quanh năm núi rừng heo hút kể cũng tội – Phụng lắc đầu – Chuyện vợ con chả biết thế nào? Con gái thời này họ thường nhìn vào thực chất.
Anh lái nói to:
– Ấy, đừng có đùa bác sĩ, mấy ông biên phòng ông nào cũng có duyên thầm cả đấy, đắt giá ra phết. Con gái từ đường Một trở lên đây là cứ say tít.
– Cũng có thể – Phụng cười nhân nhượng – Nhưng yêu và thương là hai cái khác nhau rất xa đấy nhé!
Những lời bàn tán xung quanh dường như đã kéo cô kỹ sư ra khỏi cơn ủ ê. Thoa khẽ cựa mình lơ đãng nhìn con người “tội nghiệp” mà thiên hạ đang sồn sồn nói đến. Con người đó lúc này hai vai áo mưa đã đậu trắng xóa, thỉnh thoảng lại khẽ rùng mình trước một cơn gió phũ phàng thổi tới. Anh đang đi thụt lùi trước mũi xe và bước đi chập chỗm không bình thường.
Khi mảng đường xói lở đã lùi xuống nằm ngang thân xe, anh lái thò đầu ra quát to:
– Thôi lên? Đi được rồi đấy. Khổ thật. Đã bảo cứ để mặc người ta, nhảy xuống nhảy lên làm gì nhiều cho vất vả.
Xe rồ mạnh máy. Anh bộ đội mở cửa chui vội vào. Toàn thân anh như một tảng băng không ngừng tỏa giá lạnh. Không hiểu sợ dính ướt hay có ý nhường chỗ, cô áo xanh xoay nghiêng người ngồi hẳn vào trong, trìu mến đưa cho anh lọ dầu nóng:
– Anh xoa mạnh vào cổ vào ngực cho ấm.
– Cảm ơn chị – Anh đưa tay đón lấy lọ dầu và thoắt trở nên lúng túng trước cái nhìn dịu dàng của cô gái.
Bác sĩ Phụng cũng mồi cho anh một điếu thuốc. Từ lúc đó hình như ánh mắt, thái độ của mọi người trong xe đối với anh khác hơn. Còn anh, sau khi đưa trả lọ dầu, lại nhích sát người vào cửa xe, im lặng, chốc chốc húng hắng ho.
– Ở đồn biên phòng, anh có biết ông Thân không? – Anh lái gợi chuyện – ông Thân đồn trưởng ấy?
– Có anh ạ? – Người lính trả lời.
– Một tay cự phách đấy – Anh lái nói to với cả khoang lái – Khét tiếng đấy! Bọn phỉ, bọn buôn lậu vùng này cứ nghe thấy tên đại úy Phạm Thân là rúm vó lại rồi. Cánh lái đường dài chúng tôi toàn những tay giang hồ bạt tử cả mà đố có thằng nào dám qua mặt ông ta.
– Anh biết à? – Cô áo xanh tò mò hỏi.
– À… Không? Là cũng nghe nói vậy thôi, này, hình như tháng trước trong một cuộc rượt đuổi mấy chú phản động đang tìm đường vượt biên, ông ta bị dính đạn phải không? Không rõ đi viện về chưa chả biết?
Về chưa anh?
– Về rồi anh ạ! – Người lính trả lời mà không quay lại.
– Con người tuyệt vời đấy! Đợt này quay về phải ghé vào thăm ông ta một chút mới được. Ấy, nghe nói trước đây cũng là một tay lái có hạng ở chiến trường Tây Nam, con người đầy mình chiến tích, ngang dọc một thời nhưng đời riêng cũng lắm cái lận đận! Cánh xế kháo nhau cô vợ chưa cưới của ông ấy đẹp kinh người nhưng… Hả?
– Chắc ông đồn trưởng này phải tài hoa, mắt sáng và râu quai nón xanh rì – Cô áo xanh phán đoán một cách háo hức từ đầu tới giờ cô luôn tỏ ra háo hức cực kỳ trước bất cứ một chuyện gì lạ xảy ra trên đường – Giá gặp được viên thủ lĩnh trấn ải ấy được một chút nhỉ. Chắc ối chuyện ly kỳ, rùng rợn.
Nghe cô gái xuýt xoa vậy, anh bác sĩ chỉ mỉm cười không góp chuyện. Còn người lính, núi rừng mù mịt vẫn hút lấy tầm mắt của anh. Xe đang gặp chỗ khó. Khoang lái thoắt chìm đi trong im lặng. Lát sau, người đầu tiên không chịu được bầu không khí gượng gạo này là Phụng. Bằng cách nói lưu loát hấp dẫn, anh cất tiếng:
– Thực ra tuyến đường này còn đỡ, tuyến đi qua Điện Biên mới thật gian nan. Trúng mùa mưa xem, phải hàng tuần, có khi cả tháng. Năm rồi nghe xì xào một câu chuyện tình sử bi kịch lắm? Một người vợ trẻ cũng đi nhờ xe như thế này lên thăm chồng tít mãi tận Tuần Giáo. Cuộc hành trình ròng rã suốt hơn mười ngày trời mà trên xe chỉ có hai người: cô ta và anh tài xế khỏe mạnh. Dù có là thánh thì cái kết cục tất yếu rồi cũng sẽ phải xảy ra… Vậy mà khi đến nơi, gặp chồng, cô ta bật òa khóc nức nở, khóc thực sự như bất cứ người vợ chính chuyên thủy chung nào. Oái ăm thay, anh chồng bộ đội thấy vợ lăn lộn vất vả lên tận đây thăm mình, xúc động quá cũng khóc theo. Bi kịch? Thật là bi kịch.
Anh bác sĩ lặp đi lặp lại kết luận ấy với giọng điệu ráo hoảnh. Cô kỹ sư rùng nhẹ người, cái sống mũi xinh xinh chun lại như bị tức ngực.
– Gớm! Làm gì có cái chuyện ấy – Cô áo len xanh phản đối yếu ớt – Anh nói đến cái tình nghĩa vợ chồng nghe ghê chết được!… Nhưng mà này, giá cái anh chồng bộ đội ấy biết được nhỉ? Đố tất cả xem cái gì sẽ xảy ra nào? Chắc phải dữ dội lắm nhưng… biết đâu họ lại ôm nhau khóc nữa. Em cũng có biết một chuyện tương tự như vậy nhưng tình tứ hơn. Một cô sinh viên Hà Nội lên tàu đi thăm người yêu bị thương ở mặt trận Tây Nam được chuyển về Sài Gòn điều trị. Dọc đường không biết nghĩ ngợi thế nào lại quay sang mê luôn một anh chàng đẹp trai ngồi cùng toa. Mê hẳn hoi chứ không vờ vịt, lấp chỗ trống đường dài gì đâu. Thế là anh thương binh cứ ngày ngày ôm bức điện chờ đợi, còn cô ta; gần như không cần tính toán, theo ngay anh kia về Lâm Đồng.
– Theo tôi – Phụng vẫn lạnh lùng – Trong cuộc sống hỗn tạp nhiều khi phải biết bỏ qua những tiểu tiết. Ví như đôi vợ chồng Tuần Giáo ấy, biết đâu đó chỉ là một cách trả công sòng phẳng của cô ta còn tình cảm thực vẫn luôn hướng về người chồng. Mất gì, được gì?
Như chợt thấy đã đi quá đà, anh dừng lại nhìn nhanh sang Thoa rồi bật lên một tiếng cười khe khẽ, không ăn nhập vào đâu.
Cô gái lại khẽ rùng người. Cô lặng lẽ rút những ngón tay nhỏ nhắn của mình một cách không tự giác ra khỏi bàn tay anh con trai vẫn đang nắm chặt. Bàn tay hồng hào ấy bị hẫng, chuyển dịch, quờ quạng một chút rồi để nguyên, lay động…
– Thằng khốn!
Trong suốt câu chuyện anh bác sĩ kể, anh lái xe tỏ ra thờ ơ, miệng vẫn huýt sáo vẩn vơ nhưng đột nhiên lúc này anh văng ra một tiếng gằn gằn nhưng cũng vẫn vu vơ, chẳng rõ ám chỉ ai. Tuy vậy cái tiếng gằn đó cũng làm cho Phụng thoáng giật mình, anh nhìn xéo qua người lái xe, chuẩn bị đón nhận những tiếng văng còn dữ dằn hơn nữa. Song cũng chỉ thế thôi vì ngay sau đó người lái xe đã lại phun mạnh mẩu thuốc lá còn khá dài ra ngoài sương:
– Chuyện như vậy thường – Tôi còn thấy một chuyện ác hơn – Anh hắng giọng – Cái bản bên kia kìa, có một ông già người Mông tóc dài tới vai, bạc phơ, suốt ngày ngồi ngậm pí bên cạnh bà vợ bị thần kinh nằm trong buồng, ấy vậy mà không hiểu tại sao có một cô gái dưới xuôi, trẻ lắm, mới tròn hai mươi tuổi, trông cũng được, lại phải lòng rồi nhận luôn làm vợ bé của ông ta và sống hạnh phúc hẳn hoi. ấy không? Không hẳn là bùa ngải gì đâu. Đàn bà họ bít bung không hiểu được. Ví như cái cô đi thăm người yêu ấy… rừng càng đi càng lạc, đố ai cắt nghĩa được, nào!
– Hoàn toàn đúng! – Phụng lại khẽ vỗ tay.
Cô áo len xanh nguýt dài một cái:
– Khiếp. Thì ra là thế đấy. Thảo nào ông bác sĩ phải lặn lội về tận nhà đích thân đưa bà chị đi.
– Loan! Tao không thích mày nói mãi thế đâu – Cô kỹ sư áo nâu bỗng gắt khẽ khiến cho miệng cười của cô bạn đang tươi chợt méo đi. Tiếng gắt đột ngột ấy cũng làm cho người lính biên phòng bất giác quay lại, cái nhìn đọng một chút trên khuôn mặt bứt rứt của cô gái. Vô tình đụng ánh mắt cô, anh vội ngoảnh đi, lại nhìn hun hút ra ngoài. Tiếng gắt ấy cũng khiến cho buồng lái chìm đi. Anh lái cất tiếng hát giả tạo, giai điệu và lời sai lung tung. Lát sau, chính người lính bật tiếng nói đầu tiên, anh nói nhỏ mà hình như cũng chỉ nói với chính mình:
– Đường còn ngổn ngang thế này, ít nhất một năm nữa may ra mới rải được nhựa. Thôi thì mong cho chóng xong… Vất vả quá, mỗi lần qua đây lại hình như thấy thiếu đi một vài khuôn mặt… Rét! Năm nay sao rét nhiều thế?
– Nhưng chắc cũng chưa ăn nhằm gì với chỗ của ông – Anh lái nói – Người ta bảo tuần trước khu đồn biên phòng nước đóng băng đấy. Bộ đội chẳng còn gì ăn, cơm toàn muối cục, đi kiết hàng loạt, thay nhau vào nằm chật trạm xá. Bọn xấu dễ lợi dụng cơ hội này để hành động lắm đây.
Cô kỹ sư hơi mở mắt nghe chuyện. Người ta thấy rõ cô khó nhọc nén đi một tiếng thở dài.
Bàn tay anh con trai một lần nữa tìm bàn tay cô gái nhưng lại bị hẫng. Những ngón tay nhỏ nhắn ấy đã giấu kín giữa hai cặp đùi tròn trịa rồi.
Đến gần cây cầu gốc, chiếc xe bất thần dừng lại. Phía trước nó cũng đã có một chiếc Zin ba cầu khác đang nằm sát lề đường.
Hai anh lái gặp nhau xô bồ và bổ bã. Sau một vài tiếng chửi tục, sau một hơi thuốc lá rít thật dài là những tiếng càu cạu:
– Cầu sắp gục cha nó rồi!
– Từ sáng đã qua được chiếc nào chưa?
– Qua hết rồi mới tức chứ. Nhằm đúng tới lượt mình thì nó giở quẻ. Cái số chết tiệt.
– Thôi kêu vừa chứ, xem nào!
Hai anh lái khụng khiệng bước xuống đầu cầu. Người lính cùng lặng lặng theo sau. Trước mặt ba người là chiếc cầu dài chừng hơn bốn thước, bắc qua một cái khe nhỏ. Cầu được kết bằng những phiến gỗ kếch sù đặt nằm ngang, mới trông thấy còn chắc chắn. Nhìn kỹ đoạn ở giữa, kéo sang bên phải một tí đã hơi khấp khiểng. Chỗ ấy thấy rõ những vết nứt nhỏ, sâu, trên mấy thanh gỗ xơ xước đen mun.
– Thế thì còn hòng chó gì nữa. Mẹ! Chậm có vài giây mà đâm lỡ cả – Anh lái râu ria tung chân đá mạnh vào một tảng đất cho lăn xuống khe – Kiểu này cũng phải ngày kia, ngày kìa may ra mấy bố con giời mới cho người xuống sửa. Tối đến nơi rồi, hóa ra xe mình lại đi cuối cùng mới uất chứ. Mẹ! Nằm lại đây hai ba ngày thì buồn thối ruột. Biết thế cứ dừng bố nó ở dưới kia lại có cơm rượu đàng hoàng.
Bác sĩ Phụng cũng bước xuống, mái tóc đẹp bay tơi:
– Thế nào anh? Hỏng cầu à?
– Hỏng! Đến chậm có chút ít. Chuẩn bị dựng trại kiếm củi nấu cơm thôi!
Cô gái áo xanh tái mặt:
– Thôi chết! Thế không còn cách nào hả anh? Mưa gió thế này mà nằm lại giữa rừng giữa rú… Hay là ta kiểm tra kỹ lại coi. Có khi…
– Mời chị. Xin mời bà chị! Chưa lăn xuống khe còn là may đấy!
Trên xe chỉ còn lại mình kỹ sư Thoa. Cô hơi ngúc ngoắc đầu gối lại ngồi im. Thấy rõ chuyện đi được hay không đối với cô không có vấn đề gì.
Phụng bước xuống cầu. Vừa giậm giậm chân lên mấy thanh nứt, anh vừa lẩm bẩm:
– Hỏng! Hỏng thật! Thế này thì nguy! Chả lẽ không còn ai dòm ngó đến nó nữa à? Thế đấy! Cái tiêu cực vô trách nhiệm mò lên hoành hành tới ngay cả nơi rừng thiêng nước độc này. Lỡ hết kế hoạch. Phải tóm cổ những tay có trách nhiệm ra đây chớ!
Chỉ có tiếng nước chảy đến sốt ruột dưới khe, phù họa vào câu nói đó. Người chủ của chiếc xe trước to ngang, nét mặt thuần hậu rên rỉ:
Mình đâu có định đi chuyến này. Vợ sắp đẻ, chẳng có ai trông coi, đỡ đần ở nhà! Cũng tính cắm mày cắm mặt đi vượt cung đường may ra lúc quay về vừa kịp. Kiểu này thì… – Mặt anh nhăn lại như chính anh sắp đẻ.
– Thì tớ nhênh nhang à? Anh lái râu ria nói như quát lại – Bên kia hết gạo rồi. Tắc xe hai ngày là lính dám ăn cháo lắm chứ đừng nói chỉ đến tết nhất, bánh chưng bánh tét cả.
Đổ trút giận dữ vào nhau chán, hai anh lái, một cao to, một thấp lùn đều cùng hạ đít ngồi phịch xuống khúc gỗ lát đỏ thẫm bên lề đường.
Cô gái áo xanh nói nhỏ vào tai anh bác sĩ:
– Ta tính sao anh? Nằm ở đây hai ngày không chịu nổi đâu. Lại còn… Hay là ta xách đồ đi bộ sang bên kia cầu, gặp xe nào nhờ đi tiếp? Thế nào chả có chiếc xe nghỉ đêm lại.
– Ừ… Để xem sao đã – Phụng ngập ngừng – Để xem thái độ của ông tài ra sao đã. Mới vậy đã bỏ đi coi không thật tiện. Vả lại cũng do chúng ta lần chần mà xe đến đây chậm. Chờ chút! – Phụng lôi chai rượu ngoại xinh xắn dáng dẹt dẹt trong túi áo khoác ra, vui vẻ đi lại chỗ hai người – Nào! Làm một tý cho ấm bụng đã, mọi chuyện từ từ sẽ tính. Thỉnh thoảng có như thế này mới là cuộc đời chứ.
Hai anh lái đón lấy chai rượu uống luôn, không nói năng gì. Vừa lúc mưa có chiều nặng hạt, mọi người trèo vội lên xe, ập cửa lại. Dưới lòng đường chỉ còn người lính biên phòng đang lui cui ngó nghiêng xuống mặt cầu.
– Thôi lên đi ông ơi! – Anh lái gọi – Còn ngắm nghía cái gì nữa. Chắc không phải do phỉ nó phá đâu.
Bật lên một tiếng cười nhỏ của anh bác sĩ.
Người lính có vẻ không nghe thấy, anh vẫn nán lại thêm một chút nữa rồi mới đi lên, dáng đi phấn chấn khác hẳn lúc thường. Anh vẫy tay gọi cả hai anh lái xuống. Quái lạ! Không rõ cái vẫy tay ấy có ma lực gìmà hai ông tài vạm vỡ vội ngoan ngoãn nhảy ra khỏi khoang lái ấm áp bước đến cạnh con người mảnh khảnh ấy.
Trên xe, anh bác sĩ và hai cô gái chỉ thấy họ ngồi xuống, chụm đầu bàn bạc điều gì hăng lắm. Người lính lúc chỉ ra cầu, lúc vẽ xuống đường, lúc lại khoát rộng cánh tay về phía trước, lúc vỗ nhẹ vào tay vào ngực mình… Hai anh lái không biết nghe được gì mà cứ thay nhau một mực lắc đầu, thậm chí còn đưa sống tay lên phạt ngang cổ. Người lính tiếp tục nói, mắt sáng lên… Giây lâu thấy hai anh tài gật gật đầu không được dứt khoát lắm và cả ba cùng đứng dậy.
Anh lái râu ria trở về xe của mình mở toang cửa.
– Đánh thử canh bạc liều coi. Nào! Xin mời tất cả quý vị xuống!
Bác sĩ Phụng bồn chồn ra mặt:
– Sao? Ta nghỉ lại đây thật ư?
– Thì đã bảo cứ xuống mà.
Cả ba người lóng ngóng bước ra, nhường lối cho người lính và anh lái nhảy lên. Chỉ khác lần này, người lính ngồi vào chỗ anh lái, trước vô lăng, còn anh lái lại thế vào chỗ người lính, sát cánh cửa.
Một trao đổi ngắn nảy ra giữa hai người.
Người lính:
– Anh xuống đi. Mình tôi đủ rồi.
– Không! Tôi ngồi với anh. Dù sao tôi cũng đã quen tính quen nết của nó.
– Không cần thiết. Tôi cần anh đứng bên kia cầu xi nhan kia. Đã tin nhau thì tin cho trót chứ.
– Thôi được. Rõ!
Anh lái miễn cưỡng nhảy xuống, chạy ù qua cầu.
Còn lại một mình, người lính ngoảnh mặt ra cửa dịu dàng nói với bác sĩ Phụng.
– Anh có thể đưa các chị đứng vào dưới tán cây cho đỡ ướt.
Ba người bất giác không ai bảo ai đều tự động làm theo. Anh lái to ngang cũng đứng nhập vào với họ. Khi chiếc xe bắt đầu nổ máy, cô gái áo xanh đột ngột tỏ ra hốt hoảng:
– Ấy? Sao lại thế? Sao lại để cho người ấy lái. Người ta là lính biên phòng chứ có phải lái xe đâu.
Phụng gạt đi với một cái chau mày:
– Loan! Em không nên dính vào công việc của người khác.
– Nhưng mà… Liều quá! Nhỡ ra thì sao?
Ngồi trước vô lăng, hình như người lính đã nghe được những lời ấy, thoáng thấy anh mỉm cười. Anh lái to ngang không tham gia vào câu chuyện, chỉ trân trân nhìn như bị hút dính vào chiếc xe. Cùng nhìn vào đấy người ta thấy cả ánh mắt bồn chồn của cô kỹ sư. Bác sĩ Phụng khẽ nhún vai rồi rút thuốc ra hút, lơ đãng nhả khói lên tán cây.
Chiếc xe rùng mạnh một cái rồi bắt đầu chuyển động. Trên khoang lái, xuyên qua màn mưa bụi, chỉ thấy vầng trán người lính căng ra, đôi mắt nhìn rất găm về phía trước. Xe tiếp tục thả trôi xuống dốc một đoạn như muốn dưỡng sức và khi cách chiếc cầu khoảng vài chục mét, nó hơi dừng lại gài số. Lúc đó ai cũng tưởng rằng nhất định nó sẽ lấy đà bay bổng lên, vọt qua cầu nhưng chiếc xe càng bò chậm hơn, lì lợm. Chạm thanh dầm đầu tiên, mũi xe hơi hất lên bướng bỉnh rồi lấy thăng bằng liếm nhanh hai bánh trước vào, thân cầu ọp ẹp. Cả cây cầu rung chuyển kêu cót két. Không cần biết, hai bánh sau tiếp tục nghiến lên. Thoáng chốc cả tám chiếc bánh xe đã cùng lăn trên cầu, lăn gượng nhẹ, lăn từng phân gỗ một, lăn sát mép cầu bên trái, sát lắm, gần như chỉ mớm nửa bánh vào thanh dầm, tưởng chỉ cần một luồng gió mạnh ào tới là chiếc xe sẽ mất thăng bằng lạng đi, đâm đầu xuống lòng khe… Bên kia cầu, anh lái râu ria vẫn cúi gập người xuống, vẹo đầu vẹo cổ nhìn trừng trừng vào từng lốp xe. Xe càng lăn, mặt anh càng căng chằng ra, mồ hôi đọng từng giọt trên sống mũi, ngón tay xi nhan có khoảnh khắc dừng lại, cứng đờ. Anh liếm môi. Hai bánh trước đã nhích đến gần chỗ gỗ nứt. Chiếc xe chở nặng nhọc càng có ý bò xiêu về bên trái, bò tránh đi. Hình như có tiếng động không bình thường từ bụng xe phát ra.
Anh lái to ngang uốn người một cách kỳ quái tại chỗ, mồm miệng lắp bắp như niệm chú:
– Khoan!… Tí! Tí nữa! Rồi, hay lắm! Tí nữa! Rồi! Được rồi! Sắp được rồi ấy khéo… Đừng sang trái quá. Trời! May quá! ấy kìa…
Trên cầu, bánh xe đã lăn đúng tới chỗ hiểm nghèo. Đúng ra, chiều dài chiếc cầu cũng chỉ nhỉnh hơn độ dài thân xe chút ít nhưng thời gian như ngừng lại ở dưới sức đè của những chiếc bánh cao su lăn rất chậm ấy. Chỉ cần một bánh nào đó đè xuống chỗ gỗ nứt là cả chiếc xe năm tấn sẽ lật nghiêng… Nhưng chiếc xe vẫn như con quái vật bị mù, cứ gầm gừ nhích dần từng phân không cần biết điều gì sẽ xảy ra ở ngay trước mắt. Nó thở hồng hộc, phả khói mù mịt. Trong làn khói, người ta nhìn thấy cái đầu người lính im phăng phắc như tượng. Rắc! Chiếc cầu bật kêu lên và oằn xuống…
Cô gái áo xanh bưng chặt tay vào mặt, kêu lên:
– Ôi! Ghê gớm quá! Nói người ta dừng lại đi! Tôi không thể nhìn được nữa.
Nét mặt cô gái áo nâu cũng tỏ ra thất sắc, những ngón tay nhỏ nhắn xoắn vào nhau. Riêng anh bác sĩ vẫn không ngừng đốt thuốc, vầng trán nhăn lại trong một nỗi lo toan rõ ràng là không dính dáng gì đến cảnh tượng đang xảy ra.
Bất cần tất cả, chiếc xe vẫn mớm sát về bên trái bò tiếp. Một bên là khe, một bên là những thanh gỗ nứt, chiếc xe chỉ còn một khoảng rất hẹp để chuyển động, cái khoảnh ấy quá mỏng manh, tưởng như không được chênh đi bằng sợi chỉ.
Đột nhiên chiếc xe dừng lại như hút hơi, như thây kệ muốn đến đâu thì đến, rồi bất thần vượt nhanh lên. Trong tốc độ rối loạn ấy, hàng bánh xe bên phải có vẻ động lòng trắc ẩn, chỉ lướt êm bên rìa vết thương tích của cây cầu. Và không đầy mấy giây sau, chiếc xe đã bám lên được mặt đường, kiệt sức không hay rằng nó đã để lại phía sau một cảnh tượng rùng mình: những vết nứt ấy rộng hoác hơn, rung lên bần bật. Xe tắt máy.
Anh lái râu ria như chỉ chờ có vậy là tung chân nhảy lên, mở toang cửa bế bổng người lính xuống đất. Anh lính cười ngượng nghịu, đẩy tay vào phản ngực vạm vỡ của bạn, chòi chân xuống, trên vầng trán xanh xao đọng lại những giọt mồ hôi lấm tấm. Sau giây phút bàng hoàng, người ta nhanh lên, xô lại với anh. Nhưng anh đã lại lặng lẽ đi xuống cầu. Người lính chăm chú quan sát lại thân cầu một lần cuối rồi nhanh chóng đi ngược lên, tiến đến chiếc xe thứ hai.
– Thấy vậy, anh lái to ngang vội chạy theo, kêu váng lên:
– Thôi, thôi! Như thế là đủ rồi, tha cho nó. Tim tôi đến vỡ mất. Lần này chiếc cầu không chịu nổi đâu cứ để nó cho tôi, mọi người cứ đi trước đi! Đành vậy…
Câu cuối, miệng anh nói méo xẹo như sắp mếu!
Người lính vỗ vỗ vào mu bàn tay to bè của anh lái mỉm cười:
– Chưa đến nỗi đâu. Tin tôi đi? Hồi còn là lái xe tôi cũng đã gặp những trường hợp giống thế này, thậm chí đằng trước đằng sau còn đầy mìn nữa. Vả lại – Anh chỉ cây cầu – nó cũng tã quá rồi, cần để những chỗ hư hỏng đứt rời ra sửa một thể, để lấp lửng vậy nguy hiểm cho những xe sau.
Rồi không chờ cho người chủ xe thuận hay không, anh bước nhanh vào khoang lái. Ngẫm nghĩ một chút, anh lái cũng nhảy lên, mặt lì lì như sắp ra pháp trường, bàn tay chuối mắn xoa mạnh vào mặt kính mờ nước.
Tiếng nói của anh lái râu ria bỗng cất lên run run:
– Nào ông thầy thuốc, làm ơn cho tí lửa.
Chiếc xe lấy đà ngay từ lúc chuyển bánh và khác với lần trước, gần đến cầu nó đột ngột tăng tốc độ tối đa. Thế rồi trước sự hãi hùng tột độ của những người đi nhờ, nó phóng vọt qua cầu như một quả đạn khổng lồ. Chỉ nghe thấy “rầm” một cái rất mạnh, chiếc xe đã ghếch mũi bò an toàn trên mặt đường như vừa hoàn tất một trò chơi tinh nghịch. Sau nó, cả chiếc cầu đã bị sập xuống hoàn toàn, để hoác ra một lòng khe trắng sương.
– Hoan hô! Hoan hô! Đây là một trò xiếc chứ không phải là lái nữa – Anh lái râu ria nhảy choi choi lên như một đứa trẻ – nửa đời người qua lại đường này, đây là lần đầu tiên gặp một tay lái thần sầu. Sư phụ! Đàn em xin bái phục sư phụ! Kỳ này xin bỏ nghề về đuổi gà cho vợ thôi.
Anh cười ha hả, nắm chặt hai bàn tay người lính rung tít, không cần biết đến khuôn mặt xương xương ấy khẽ nhăn lại. Anh bác sĩ cũng khoan thai đi tới, cố nở một nụ cười rất tươi, một tay chìa ra khoáng đạt, tay kia vỗ nhè nhẹ lên vai người lính:
– Khá lắm! Cho tôi xin được bắt tay con người dũng cảm một cái nào. Rất khá! Xin cám ơn!
– Có gì đâu anh! Nhớ lại một chút kinh nghiệm trước kia thôi – Anh lính tỏ ra bối rối trước sự vồ vập hơi thái quá của mọi người – Kìa! Mọi người lên xe cả đi không ướt hết.
– Anh quay người tìm đường đi xuống khe có vẻ muốn rửa tay chân. Trong bóng chiều, người ta thấy chân trái anh bước hơi hụt hẫng, cái thân hình gầy gầy đổ xiêu sang bên phải.
Anh lái râu ria nhìn theo bỗng kêu lên:
– Chết cha! Không khéo do cử động mạnh quá, chân anh ấy bị đau rồi!
– Thế nào anh? Đau chân à? Phải bóp dầu nóng cho anh ấy chứ!
Cô gái áo xanh đã hoàn toàn lấy lại được vẻ duyên dáng đáng yêu vội vàng săn đón hỏi và có ý định trèo lên xe lục tìm cái túi xách.
– Loan! – Anh bác sĩ nhắc khẽ, mặt nghiêm lại.
Cô gái khẽ “hứ” một cái rồi mỉm cười bẽn lẽn trong cái tư thế phục tùng vừa ngoan ngoãn vừa nũng nịu.
Kỹ sư Thoa quay lại nói nhỏ với người yêu:
Anh Phụng!.. Hay là anh chạy theo đỡ người ta xuống một chút. Đường trơn lắm!
Phụng chớp chớp mắt:
– Hả?… Anh cũng chợt nghĩ như thế. Nhưng… em kìa! Anh ta sắp xuống tới nước rồi. Vả lại… tính cách những con người như thế thường không thích phụ thuộc, cái gì cũng muốn tự mình. Nhiều khi sự can thiệp không đúng lúc lại trở thành xúc phạm.
Cô gái nhìn theo người lính đang lần tìm những bước khó nhọc trên đá trơn, nhíu mày lại:
– Anh có thể ít bình luận và ít triết lý đi được một chút không? Em nhức đầu lắm!
– Anh đưa em lên xe nhé! Lạnh quá đấy mà – Anh bác sĩ sượng lại, nói át đi – Đường đất này đáng lẽ không nên bắt tội em đi. Đáng lẽ phải để em…
Cô gái không nghe hết câu, quay lưng bước đến xe.
*
* *
Hai chiếc xe cặp kè nhau chạy được một đoạn đường nữa thì trời ụp tối. Trong buồng lái chiếc đi sau, chuyện trò lại nổi lên râm ran. Có lẽ sau những việc xảy ra như thế, người ta trở nên gần gũi, thân mật với nhau hơn. Người lính cũng bắt đầu tỏ ra linh hoạt, tuy chỉ thỉnh thoảng anh mới trả lời phải chăng những câu hỏi của mọi người. Đèn ca-bin được bật sáng, tạo nên sự thu nhỏ tuyệt vời của một căn phòng ấm cúng.
Anh lái hất mặt về phía chiếc xe trước nói:
– Đó là một thằng chồng yêu vợ chưa từng thấy. Đi đâu cũng chỉ nhắc đến vợ, nghĩ về vợ, vợ là tất cả, nhất vợ vậy mà vợ con nó có yêu đâu, sểnh ra là phải lòng thằng khác. Thằng chồng như ăn phải thuốc ngải, càng bị đòn lại càng say như điếu đổ. Và những đứa con cứ tiếp tục ra đời.
– Không có lý! Làm sao mà tin được kia chứ. Các anh là chỉ hay phịa – Cô gái áo mầu xanh lên tiếng phản đối và tỏ vẻ sẵn sàng được tranh luận – Thế hóa ra đàn bà chúng tôi không yêu chồng chỉ vì người chồng quá tốt, quá đại lượng với chúng tôi à? Vu cáo!
– Ơ hay…! Anh lái bỗng ngân nga như bài ca cải lương – Tôi không yêu anh ấy được vì anh ấy tốt quá! Đơn giản thế mà mình không nghĩ ra.
– Có đấy! Từ lúc đi đến giờ, Phụng giở một tờ báo nước ngoài ra đọc lãnh đạm, lúc này mới cố lấy lại vẻ chủ động tự nhiên lúc đầu – Đàn ông đẹp ở khát vọng. Thông thường những phụ nữ có trí thức, có tình cảm mãnh liệt sẵn sàng làm nô lệ cho người mình yêu còn hơn những kẻ mình không yêu làm nô lệ cho mình.
– Như kỹ sư Thoa của anh chẳng hạn – Cô gái áo xanh chen vào.
– Tất nhiên có rất nhiều ngoại lệ – Anh bác sĩ dừng lại.
– Ôi chà? Rắc rối! – Anh lái nhăn nhó – Theo tôi ấy à đối với người đàn bà, anh cứ hết lòng là họ hết long lại, còn nếu anh đểu, họ sẽ đểu gấp mười lần. Mà họ cũng hay đáo để. Nếu họ thực sự yêu thì dù anh tốt hay thỉnh thoảng có “vấp” một chút, họ cũng vẫn yêu, tha thứ hết, như bà mẹ già ấy. Đàn bà họ chúa ghét sự lộn sòng thiếu thành thực. Được không?
Nói dứt, anh lái thở phào một cái như sắp bị đứt hơi. Cô áo xanh không chịu:
– Vậy thì anh giải thích thế nào về vợ chồng cái anh ở Tuần Giáo kia? Cả cô sinh viên bất thần đổ bộ lên Lâm Đồng và cả ngay vợ chồng ông tài kia nữa?
Bim! Bim!… Có vẻ đuối lý, anh lái nhấn còi om sòm mặc dù đoạn đường này không có cái gì đáng phải bấm còi như thế cả.
Tiếng còi ấy làm chiếc xe trên dừng lại.
– Cái gì thế – Anh lái to ngang ngoái cổ lại hỏi. – Buồn ngủ bỏ mẹ! Tớ nghỉ lại đây… Đằng ấy có vội cứ dông trước đi, không rồi… Hả?
Im lặng một lát rồi một tiếng nói to:
– Đành vậy, tớ bay luôn nhé! Con đầu lòng! Thông cảm. Gửi lời tớ chào ông bạn biên phòng tốt bụng, nói ông ấy sau tết mình sẽ ghé, đón xuống nhà chơi và kiếm cho một cô vợ thật giòn, nếu quả thật chưa có vợ. Gửi lời chào tất cả. Đi an toàn! Tha lỗi, tớ không xuống xe được, cóng chân quá!…
– Đi đi! Nhưng mà khi về rửa mặt nhìn cho kỹ đấy không khéo lại ra… con lão hàng xóm.
– Gớm! Ông này ăn nói ác miệng thế – Loan buột miệng kêu lên.
Anh lái cười khà khà. Thoáng chốc, chiếc xe trên đã mất hút, chỉ còn tiếng động cơ vọng vào khe núi nghe âm âm.
– Bây giờ thế này – Anh lái tắt máy – Hiện ta đang ở chính giữa đèo Phỉ. Gần đây có một cái chòi quân báo, tôi đề nghị tất cả vào đó kiếm chỗ nấu ăn rồi nghỉ. Gạo và thực phẩm trên xe có, đừng lo. Riêng tôi ở lại trông xe, mai sớm đi tiếp.
Mọi người nghe nói vậy gật đầu liền. Người lính từ nãy ngồi im, bây giờ mới rụt rè đề nghị:
– Vùng này không nên ở lại xe một mình. Anh cũng cần phải ngủ để lấy sức cho ngày mai. Tôi ở lại với anh, người thức kẻ ngủ càng vui.
– Không được! ông trông đuối lắm. Vào đó kiếm đống lửa mà sưởi cho hồi sức. Tôi thức đêm quen rồi. Hơn nữa, hôm nay ông có quyền được nghỉ ngơi kỹ càng.
– Thôi thế thì trừ đồng chí bộ đội, ta cũng ở cả lại cho vui. Thức một đêm để nhớ – Cô áo xanh nói:
– Theo tôi – Bác sĩ Phụng nói át luôn – nhiệt độ gần bằng không thế này, không thể đùa cợt được. Lá phổi của chúng ta chưa thích nghi được ngay đâu. Có lẽ nên thế này: tất cả cứ vào lán ngủ và cứ thứ tự thay nhau trực xe, tất nhiên ưu tiên cho phụ nữ trực giờ đầu – Nói xong anh ta ghé tai cô kỹ sư nói một câu gì đó nhưng không thấy cô gái trả lời.
– Thôi được rồi – Anh lái sốt ruột khoát tay – ăn đã! Đói bỏ mẹ, trước hết phải làm một bụng cơm đã. Có cái xe ranh, bàn tán chi cho nhiều.
*
* *
Nhưng rồi cuối cùng cũng chỉ có anh lái và người lính biên phòng ở lại ngoài xe. “Bọn mình sương gió quen rồi, bắt mấy ông mấy bà trí thức ấy ra xe thấy không nỡ”. Anh lái nói vậy. “Hơn nữa cái tay bác sĩ đẹp trai ấy nói thì nói vậy nhưng trong bụng cũng không thích thú gì”. Anh nhận xét thêm.
Họ đi rút, lượm củi rác ở xung quanh về chụm thành đống lùm lùm rồi xòe diêm nhét vào giữa. Ngọn lửa khó nhọc bò lan tí tách rồi phụt lên.
– Sống rồi. Anh lái xoa tay cực kỳ khoái trá – Chà! Bây giờ có cút rượu với mấy hạt lạc rang giòn nhỉ?
Chắc tay bác sĩ còn rượu?… Nhưng thôi, cách rách?
Chưa tới chín giờ, còn sớm quá không biết làm gì anh lái lóc cóc lôi cây đàn ghi-ta trong ca-bin ra đánh xèng xèng. Cây đàn chắc cũng rong ruổi nhiều nên xây xát, cũ mèn như chính cái khoang lái lem nhem của anh ta. Anh đàn không hay, thậm chí còn khá dở nữa nhưng bù lại, giọng hát của anh lại rất quyện với nó nên nghe cũng đỡ buồn. Vả lại, giữa bốn bề sương gió, chỉ có một ngọn lửa hồng làm điểm tựa cho tâm hồn, tiếng đàn nào mà chẳng gây xốn xang? Sự quạnh vắng làm cho tiếng hát hay hơn, ngọn lửa nhỏ đưa đẩy tiếng đàn vào chiều sâu khác lạ. Tất cả cảnh sắc nơi đây phủ khoác lên người anh lái xe một hình hài nghệ sĩ đẹp dị thường. Có lẽ bị thu hút bởi tiếng hát của bạn, người lính dừng tay cời lửa, mắt trượt đi đâu trong những suy tưởng bâng quơ.
– Này – Anh lái ngừng tay – Hai cô gái ấy đẹp ác đấy chứ? Chậc! Mà cũng chắc gì đã đẹp. Sướng! Đàn bà… kỳ lạ thật?
Người lính bật cười nhìn vào mắt bạn, với vẻ thấu hiểu.
– Nhưng mà này, – Anh lái nháy mắt – cái cô áo xanh xanh ấy có vẻ khoái ông tợn. Chỉ cần nhìn khóe mắt, cái miệng của cô ta là có thể đoán ra ngay. Cô ta đang lệch đôi hay là ông…
– Lại tầm phào nữa rồi. Thôi đi ngủ đi ông tướng – Người lính lại cười – Mệt quá nên toàn nghĩ nhảm. Ngủ một chút đi, để tôi trông cho…
– Ừ thì ngủ. Hai tiếng nhé. Đúng mười hai giờ nhớ gọi mình dậy. Mà này! Cái cô kỹ sư ấy sao trông buồn thế, nhìn vào mắt cô ta, mình cứ thấy héo cả ruột. Chắc là…
– Ơ hay! Đã nói đi ngủ mà. Ngày mai xuống phố Việt Kiều rồi tha hồ mà nói.
Anh lái xe đi rồi còn ngoái lại.
– Còn điều này nữa: cái lúc ông ngồi lái, cô bé áo xanh có tiết lộ ngày xưa bạn của cô ta cũng đã có lần từng yêu mê mệt một tay bộ đội nhưng không thành, chẳng biết tại sao?
Trời như càng thêm lạnh. Lúc lúc cơn gió thổi đến kéo rạp ngọn lửa xuống đất. Cơn gió đi qua, ngọn lửa mỏng mảnh và yếu ớt leo lên, ngúng nguẩy. Đâu đó dưới thung sâu, có con chim gì kêu đêm nghe buồn đứt ruột. Người lính đi ôm thêm một nắm lá khô về rải vào đống ủ rồi ngồi ôm gối nhìn sâu vào ngọn lửa, tư lự. Chắc giờ này đã quá nửa đêm? Trong xe, anh lái không được đánh thức vẫn ngủ ngon lành. Gió lật cây đàn rơi nghiêng xuống đất, anh cầm lên dựng trở lại. Gió lật nữa anh ôm luôn cây đàn vào lòng, rồi như một hành động không tự biết, tiện tay anh lơ đãng gảy nhẹ vào dây. Sợi dây đàn rung lên, vang xa, ngân mãi… Âm thanh ấy quyến’ rũ, thúc đẩy anh nâng cần đàn lên ngang ngực. Những ngón tay lạnh cóng của anh tự nhiên chuyển dịch như một sự nhớ nhung quen thuộc. Một hợp âm vang lên mềm mại. Một hợp âm khác… Rồi liên tiếp những hợp âm xuất hiện. Trong chuỗi âm thanh xô bồ ấy, người ta nhận rõ được một giai điệu đứng hơi tách ra; nổi dần lên, rõ nét hơn; cái giai điệu rì rầm như một lời tâm sự. Trăm nghìn đốm lửa lúc quẩn quanh, lúc long lanh dồn tụ vào tiếng đàn. Con mắt anh lúc ấy tỏa sáng, tràn trề sinh khí đang mở to nhìn sâu vào chính lòng mình. Anh không hề biết rằng hai cô gái đã đi ra, đứng sau anh tự bao giờ.
Cho đến một lúc dường như cảm nhận được sức tỏa ấm của thân thể hai cô gái, người lính dừng lại, hạ đàn xuống.
Hai cô gái ngồi xuống bên lửa.
– Anh đàn nữa đi…
Người lính thoắt giật mình.
– Chết! Các chị… Sao các chị lại ra đây?
– Trong ấy lạnh quá cũng không ngủ được – Cô áo xanh cúi đầu xuống khe khẽ trả lời – Anh đàn nữa đi? Anh đàn hay lắm.
Ngồi buồn chẳng biết làm gì gẩy bậy bạ cho qua đêm ấy mà.
– Hình như anh đang có tâm sự gì, nghe tiếng đàn…
– Chị cứ hay tưởng tượng ‘ra thế thôi – Anh lính lúng túng – Lính tráng chúng tôi đơn giản lắm? Có gì là buột ra hết, có lưu cái gì trong bụng đâu.
Anh chợt dừng lại khi bắt gặp cái nhìn của cô kỹ sư từ nãy vẫn im lặng rọi thẳng vào mắt anh. Cái nhìn ngay thật, hồn hậu nhưng sao mà thấu đáo.
– Chết! – Anh đứng dậy – Lửa sắp tắt rồi, tôi đi kiếm ít củi gộc đốt thêm. Chà! Mưa xuân mà dữ thế!
Bóng anh vừa khuất vào sương, anh lái xe đã nhảy phốc xuống, giọng tỉnh khô:
– Tôi cũng không ngủ được. Ta cùng ngồi cho ấm. Anh xoa xoa tay lên ngọn lửa hết sức tự nhiên.
Cô áo xanh kê guốc ngồi hẳn xuống mặt đường:
– Sao cái ông bộ đội của anh ít nói thế? Muốn gợi chuyện cũng khó khó là.
Anh lái nhón một hòn than đỏ rực đặt gọn vào lòng bàn tay, châm thuốc:
– Biết đâu anh chàng lại đang gặp sự cố gì trong tình cảm? Tôi để ý thấy lúc các người luận về yêu đương trai gái, mắt anh ta cứ tối sầm tối sì. Coi chừng đấy, không khéo lại chạm lòng người ta.
Suýt! Cô áo xanh vội đưa ngón tay trỏ lên môi như vừa làm điều gì đó dại dột.
– Chết không! Thế mà em không biết. Suốt buổi cứ… Bọn mình nhiều khi vô ý quá Thoa nhỉ?
Cô bạn gái không trả lời.
Có bước chân người lính sào sạo dẫm trên đá sỏi lộn về. Anh lái đứng dậy, vặn lưng răng rắc…
– Thôi, nói đùa vậy thôi, thức cả đêm với nhau ở đây để thành hấp cả à? Mấy chị trở về vị trí đi! Hai đứa tôi cũng đi kềnh đây, trực làm quái gì. Nằm tráo trở đầu đuôi trong ca-bin cũng vừa chân. Chỉ ngại hơn một tuần rồi… cái mùi bít tất… khà!
Hai cô gái làm như không nghe thấy vẫn im lặng tiếp lá cành vào lửa. Hai khuôn mặt sáng hồng lên, hai đôi mắt dựng lửa cháy long lanh. Tự nhiên anh lái đứng ngây ra một chút, khuôn mặt râu ria mềm hẳn đi… nhưng tiếp liền đó là một cái hất tóc khá khinh bạc, anh lừng lững đi lại xe.
Người lính đặt xuống đất một ôm củi gộc, nói vui:
– Ngồi trên xe lúc sáng chị Thoa có nói thèm một cái bắp ngô. – Đụng ánh mắt cô gái nhìn lên anh hỏi nhỏ – Chị có lẽ mệt? Nên vào lán mà nằm, đừng ngồi đây, sương muối độc lắm?
Cô gái không nói gì, chỉ khẽ lắc đầu.
Vừa lúc đó có tiếng giày bước nhanh tới:
– Kìa Thoa! Em ở đây à! Cả cô Loan nữa! Liều thật đấy, vậy mà anh đi tìm khắp. Vào ngủ đi, anh vừa mượn được chiếc chăn không sạch lắm nhưng đắp cũng được. Vào đi!
Bác sĩ Phụng từ bóng đêm đi ra, người co ro, mắt mòng mọng sau một giấc ngủ chưa đẫy. Loan tươi tỉnh hẳn lên:
– Biết ngay mà. Em đoán thế nào rồi anh cũng phải mò ra đây thôi, chắc đang ngủ nằm mơ thấy nàng biến hả? Thôi quá nửa đêm rồi, ta ngồi cả đây trò chuyện cho vui, anh! Đã mấy khi có một đêm hoang dã. Ngồi xuống! Ngồi gần lửa đây cho ấm, anh! – Giọng cô gái bỗng trở nên nũng nịu, và khéo léo dịch người nhường chỗ.
Chính lúc đó, cô gái áo nâu đứng dậy:
– Thôi về lán đi Loan? Tao buồn ngủ lắm rồi!
– Ơ… Cái con này hay nhỉ? Vừa mới lúc nãy… Ma phỉ nó nhập vào người mày phỏng?
Nói thế nhưng cô cũng miễn cưỡng đứng dậy đi theo bạn. Anh bác sĩ ngần ngừ một chút rồi cũng cáo từ hai người về theo, dáng đi vồi vội…
– Cái thằng! Chỉ được cái phá quấy!
Anh lái văng theo một câu rồi cũng xít xoa leo lên xe. Dưới mặt đường, bên đống lửa, chỉ còn một mình người lính.
*
* *
Sáng hôm sau, đất trời có quang quẻ hơn nhưng gió vẫn nhiều. Những chỗ nào trên da thịt bị gió thổi vào đều tím ngắt đi cả.
Chiếc xe tiếp tục nổ máy vào lúc sương bắt đầu tan. Có lẽ suốt đêm qua trừ anh lái, không ai ngủ được nên sáng nay nét mặt người nào cũng phờ phạc.
Xe chuyển bánh với một tốc độ thật dễ chịu mặc dù vẫn tiếp tục lên dốc. Trong khoang lái, như hôm qua, những tấm lưng ê ẩm ngả hẳn vào thành ghế, riêng người lính vẫn chọn cho mình một tư thế ngồi mớm mép ngoài chân phải liên tục bắt chéo lên nhau vì cô gái áo nâu không còn tự nguyện bớt đi một chút diện tích của chính mình bằng cách nghiêng vai nép sát vào người yêu như trước nữa.
Khoảng gần trưa, chiếc xe bỗng nhô đầu vào một vùng thoáng đãng đến ngỡ ngàng. Những đỉnh cao chất ngất triền miên bưng lấy mặt con người bất chợt nứt ra, toác rộng thành bầu trời. Bầu trời xuân.
– Đã đến cổng trời, thưa quý vị!
Anh lái xe xướng to, mặt mũi rạng rỡ như một nhà vô địch thế vận hội đã về tới đích. Tất cả thở phào nhẹ nhõm. Thế là đoạn đường khổ ải nhất đã nằm lại phía sau. Từ đây tới cửa khẩu không còn là vấn đề gì nữa, cứ nhắm mắt xe cũng êm ả bon tới nơi.
Sau một phút nhấp nhổm, người lính biên phòng quay sang anh lái:
– Anh cho tôi xuống đây.
– Xuống đây? Sao không đến khẩu luôn?
– Cũng… có chút việc.
– Lại có chiến dịch gì nữa rồi? Gớm! Mấy ông làm ăn vừa vừa thôi chứ, muốn tự sát chắc. Thôi được, xuống thì xuống.
Mọi người quay lại nhìn anh. Chỉ đến lúc ấy họ mới kịp nhận thấy sự ra đi của anh bất ngờ quá! Họ cứ chắc mẩm rằng con người đã có những kỷ niệm gắn bó ấy sẽ đi cùng với họ đến điểm cuối cùng đông vui, tấp nập rồi sau đó… Nhưng chiếc xe đã dừng lại ở điểm cao rộng thoáng.
– Nghỉ! Nghỉ xả hơi luôn thể! – Anh lái tắt máy – Nào! Xin mời tất cả xuống xe làm một động tác tiễn biệt bạn bè.
Người lính loay hoay lôi ở gầm ghế ra một cái balô bạc phếch, nắp có nẹp một chiếc chiếu hoa đã cũ, khoác lên vai. Mọi người đã đón đợi sẵn anh ở dưới đất.
Vẫn cái dáng điệu ngượng nghịu không quen bộc lộ tình cảm, anh chìa tay ra với từng người, miệng cười thật hồn hậu:
– Đi mạnh khỏe an toàn! Chúc các anh các chị đi mạnh khỏe an toàn. Đường từ đây đi dễ rồi. Bữa nào có dịp, mời các anh các chị ghé vào chỗ tôi chơi. Mùa hè cảnh đẹp lắm, mát lắm!
Không ồn ào, không chúc tụng, người ta siết chặt bàn tay lạnh cóng của anh. Duy chỉ có anh lái là vẫn tỏ ra thật vô tư:
– Tôi chả bắt tay đâu. Tháng nào chẳng gặp mà bắt với bớ. Cứ làm như tiễn nhau đi “B” không bằng. Khóc bây giờ đây này – Nói vậy nhưng anh cũng ôm lấy bạn siết chặt, giọng chìm đi – Nhớ giữ gìn sức khỏe nhé! Có thiếu món gì cứ nói với tôi… Tính tặng anh cây đàn nhưng sợ mang đi khó, để lượt về, tôi sẽ tự tay mang đến, mang quà tết luôn. Cho gửi lời thăm ông đồn trưởng.
Đến lượt cô gái áo xanh không cần giấu sự bịn rịn:
– Anh còn phải đi bộ xa không?
– Khoảng hơn năm cây.
– Chao ôi! Xa thế kia ư? Chắc toàn đèo dốc, gập ghềnh, chân anh đau thế đi thế nào?
– Cám ơn chị! Bọn tôi đi bộ quen rồi.
Với tất cả sự đỏ đắn, tráng kiện, bác sĩ Phụng lại đặt bàn tay lên vai người lính, giọng nói cố tỏ ra ấm áp mà cái miệng cười sao vẫn truội đi:
– Thôi, đồng chí bộ đội đi nhé! Mong gặp lại nhau. Nếu có dịp, mời đồng chí đến làm khách chỗ chúng tôi. Cứ hỏi bác sĩ Phụng, chuyên gia y tế ở Phôn – xa – vằn hay Lê Thị Thoa kỹ sư cơ khí cũng được. Chào! Chúc thượng lộ bình an.
Người cuối cùng anh bắt tay là kỹ sư Thoa. Cô hơi đứng lùi lại sau mọi người một chút và từ đầu đến giờ chưa nói một câu nào, chị lặng nhìn anh.
– Chị Thoa đi nhé! Sang bên ấy ấm trời hơn, chắc chị sẽ vui vẻ trở lại. Chúc chị một kỳ nghỉ phép hạnh phúc.
Cô gái vẫn chỉ lặng nhìn. Cái nhìn ấy khiến người lính thấy ngột ngạt, anh nói khẽ:
– Có thể không bao giờ tôi còn gặp lại chị… các chị nữa… Chị có một đôi mắt rất giống… Thôi tôi đi!
Anh quay nhanh người lại, cười vẫy tay với tất cả, rảo bước… Và chỉ đến lúc đó, mọi người mới chợt nhìn thấy trên nắp ba-lô có buộc chiếu của anh có viết một dòng chữ bằng mực đen tô đậm: “Phạm Văn Thân – Đồn biên phòng số…” Họ đưa mắt nhìn nhau… Anh lái lầm bầm, mặt nhăn quắt lại:
– Khổ tôi chưa? Tôi mù!… Chắc anh ấy vừa ra viện? Khổ!…
Anh lính vẫn rảo bước… Dáng anh đi khập khiễng trên chiếc cầu treo đang lung liêng theo chiều gió, chốc chốc chiếc ba-lô buộc chiếu lại tuột xuống bả vai. Bóng anh khuất dần trong sương. Thỉnh thoảng ngoái đầu nhìn lại, thấy mọi người vẫn dõi theo mình, anh lại như vấp nhẹ một cái, người hơi chao đi.
Chợt cô gái áo xanh kêu lên:
– Tôi đề nghị hay là chúng ta cùng đi tiễn anh ấy một đoạn. Dù sao cũng mang đỡ được cái ba-lô và cho anh ấy đỡ tủi.
Anh bác sĩ cười rất lạnh, giọng nói không chỉ còn là khúc chiết nữa mà rắn đanh lại, nhọn hoắt:
– Thật là một sự lãng mạn khờ khạo. Tiễn ư? Thật là quá dễ dàng và rất nên làm nhưng thử hỏi đưa nhau một đoạn ngắn cũn trên cả đoạn đường dằng dặc năm ki-lô-mét, phỏng có ích gì? Chưa nói đồng chí lái xe tốt đây có đủ kiên nhẫn để chờ chúng ta kết thúc trọn vẹn màn cải lương mùi mãn ấy không? Đúng thế chứ đồng chí lái xe?
Đang mải suy nghĩ điều gì, anh lái hạ luôn một câu:
– Tùy!
Không khí lặng hẳn đi. Gió thổi qua cổng trời ào ào như bão. Bóng dáng người lính khuất dần xuống dốc, nơi ấy có một cái khe khá sâu phải vượt qua. Đúng lúc mọi người chuẩn bị quay lại bước lên xe thì cô gái áo nâu bỗng xuất hiện từ phía sau. Mặt cô gái tái nhợt đi rồi thoắt đỏ bừng, tất cả lửa đêm hầu như đều bay về dồn tụ vào đôi mắt buồn buồn ấy, tạo nên sắc thái sáng rực của người đang lên cơn sốt cao. Dường như có chứa cả sự giận dữ tức thì và cả những điều chất chứa từ lâu, tiếng nói cô ngạt đi:
– Nếu mọi người không ai đi thì tôi đi. Tôi sẽ đưa tiễn người ấy… Không thể vô tình như thế được.
Nói rồi cô hất mạnh mái tóc cắt ngắn ra phía sau, bước đi luôn. Dáng cô đi thoăn thoắt như không phải để cho mau tới điểm trước mặt mà cho mau xa cái điểm sau lưng. Bước lên cầu treo, bước chân cô hơi dừng lại… ngập ngừng rồi lại đi nhanh hơn. Cái thân hình con gái cân đối, uyển chuyển sớm chìm dần vào sương.
Anh lái cho tay lên miệng gọi với theo:
– Đi cẩn thận đấy! Cái cầu!
Nhưng không có tiếng đáp lại, chỉ có giọng anh âm vang giữa cổng trời.
Cạnh anh, bác sĩ Phụng ngớ ra một chút và khi chợt hiểu, anh há miệng định kêu lên một tiếng gì đó dữ dội lắm nhưng không được, ở đó chỉ có một làn hơi nước trắng đục bay ra… Nhìn theo bóng dáng cô gái đang mất hút ở phía bên kia cầu treo, mắt anh sẫm lại, bạc đi. Giây phút thất thần ấy chỉ có một mình anh hiểu: cái bóng dáng đáng yêu kia sẽ không bao giờ còn là của anh nữa, dù cho ngay bây giờ, cái con người ấy có quay lại, có ngồi cạnh anh đi tiếp chặng đường.
Qua cổng trời, gió lạnh vẫn từng đợt từng đợt lồng lộng thổi về.
Chu Lai