1.
Người đàn bà choãi hai chân ra sau, nhúi đầu xuống, tay trái vẫn ôm chặt đứa con nhỏ giữ cho mũi mồm nó vẫn trồi trên mặt nước, tay phải khoát một nửa vòng tròn, rướn tới… Cùng lúc với nhịp lấy đà theo để bơi tiếp, chân chị bỗng chạm phải đất. Chị mừng rỡ kêu “ôi” một tiếng khẽ, đạp dấn chân kia xuống, đứng thẳng người dậy, lội… Nước ngang cổ, ngang ngực rồi ngang lưng quần… Thế là thoát, là đã sắp vào bờ, cái bờ mà gần suốt đêm chị vừa mong đợi lại vừa lo lắng không biết sẽ phải làm gì khi bước cái bước đầu tiên lên đó. Chị vỗ vỗ bàn tay ướt nhèm vào má đứa con gái nhỏ; cô bé lắc lắc đầu, ngọ ngoạy cổ, làm nước trên người văng ra hai bên thành những tia mát lạnh bắn vào lườn lưng bên trái chị. Chị mỉm cười lẩm bẩm: “Rõ là con nhà đầm phá!”. Vậy là hai mẹ con chị đã hơn một nửa đêm dầm mình trong nước. Chị thì không nói làm gì, đã bao năm sống trên mặt phá bao la, chị có thể lặn cả ngày dưới đáy đầm cũng như ở trên cạn, chỉ ngại đứa con nhỏ mang theo. Khi quyết định bỏ trốn vào bờ, rời bỏ vĩnh viễn vạn thuyền, chị đã tính để con gái nhỏ ở lại. Song nó còn bú, lại có đứa con trai đầu lên năm ở lại với cha nói rồi. Nó sẽ lớn lên, sẽ thành một chàng trai đầm phá giỏi giang để tiếp nối cái nghề vạn chài truyền thống của cha ông nó. Đó là của quý nhất chị đã để lại cho chồng, trả cái tình nghĩa vợ chồng ăn ở với nhau lâu nay, mặc dầu cái tình nghĩa đó lúc đầu chỉ là sự ép buộc. Thôi, tôi đành phụ anh, chắc anh cũng hiểu cho tôi, tôi còn cha mẹ, quê hương làng xóm nơi chôn nhau cắt rốn, đã bao năm rồi tôi chẳng biết ai còn ai mất! Cuộc đời tôi không phải là cuộc đời trên đầm phá xa lạ, hãi hùng này. Lạy Trời, lạy Phật, lạy ông Hà Bá, lạy bà Thủy Vương phù hộ cho vạn thuyền anh, phù hộ cho anh chóng lấy được vợ khác…
Chị vụt nhớ lại hoàn cảnh của mình. Đã lâu lắm rồi, chị gần như quên lãng, giờ đây hiện về mồn một trong đầu. Ngày đó, một buổi chiều tối, sau bao ngày lang thang kiếm ăn, cha mẹ chị dắt chị vào nghỉ ở cái lều tranh góc chợ bên đường. Bấy giờ là năm đói kém, làng quê chị ở bên bờ sông Hoàng Long đói xơ xác, bà con thất tán người lên tận rừng sâu, người xuống tới biển rộng để tìm nguồn sinh sống. Nhiều gia đình bồng bế nhau, bị gậy ra đi. Cứ đi, nơi nào có thể xin được là đi, không ai tính lấy đường về. Gia đình chị cũng trong tình cảnh bi thảm đó. Cứ đi… nhắm hướng nam mà đi, nơi nào có chợ búa là đến, kiếm miếng cho vào bụng đỡ đói, không còn nhận biết ra phương hướng nữa. May mà ông trời còn có ngày có đêm, buổi sáng mặt trời mọc, buổi chiều mặt trời lặn. Cứ đi… đi cho đến ngày hôm đó. Buổi chiều chị được ăn một nắm xôi to dễ bằng quả dừa điếc và mấy con tôm rim, do nhà chủ nọ có kỳ cúng giỗ mà cha mẹ chị dắt chị tình cờ bước đúng vào ngõ. Đó gần như “bữa tiệc” chia tay mãi mãi của chị với những người ruột thịt của mình.
Đêm càng lúc càng sâu, càng vắng vẻ. Cả nhà chị chìm vào trong giấc ngủ say sưa trên nền lều chợ mát lạnh. Gió từ đầm xa hiu hiu thổi vào như ru giấc ngủ thêm ngọt thêm muồi. Chị thấy mẹ nhẹ nhàng nâng đầu chị lên, đút cho chị ăn như hồi mới lên hai lên ba. Ôi mẹ, con đã no căng bụng rồi đây này! Mẹ nói cơm thương chứ ai thương, hãy cố mà ăn con ạ, no rồi cũng cứ ăn thêm, bù vào những lúc không có cả một cái dây khoai để nhai cho khỏi buồn cái chân răng. Mẹ ấn củ khoai luộc ép chị ăn thêm nữa. Củ khoai bùi quá, làm cổ họng chị đặc cứng, tắc nghẹn, muốn kêu mà không kêu được. Rồi bỗng mẹ buông tay. Chị thấy như được ai bồng bế, người nhẹ hẫng rồi bay đi, lượn lờ như con bướm trong vườn cải nhà chị hồi nào. Con bướm có đôi cánh lốm đốm vàng xanh cứ dập dềnh rồi chao chát, long bong, rồi phầm phập, phầm phập rất lạ. Con bướm cứ chúi đầu xuống ao, hai cánh giẫy run, cố cất lên nhưng cứ rũ xuống dần, lướt thướt trườn đi một cách tuyệt vọng…
Chị giật mình thức giấc, hoảng hốt ngồi nhổm dậy, hai tay bưng lấy mặt, chưa biết chuyện gì đã xảy ra vừa rồi.
– Đừng sợ! Đừng sợ nghe con!
Tiếng ồm ồm đùng đục của ai thế? Tiếng cha sao nghe lạ lùng! Mẹ, mẹ đâu rồi? Chị khẽ lách các ngón, nhìn qua kẽ tay. Trời ôi! Chị bỏ phắt hai tay xuống, rên rỉ, ngơ ngác, hãi hùng nhìn quanh. Hai người đàn ông, một già, một trẻ đang ngồi trước mặt chị. Dáng họ cao lớn, vạm vỡ, có vẻ bặm trợn nhưng nét mặt thì hiền khô, trên môi anh chàng trẻ còn in một nụ cười nữa. Họ đều cởi trần, quần đùi, da nâu bóng…
– Trời hỡi! Đây là đâu thế này?
Họ không trả lời. Chị nhìn quanh, nhận biết mình đang ngồi trên một chiếc thuyền đã được neo lại giữa dòng, bập bềnh bập bềnh phồng lên xọp xuống theo hơi thở của sóng. Trên đầu là trời cao, chung quanh bốn bề là nước. Thăm thẳm… mịt mù…
Chị òa khóc. Hai người đàn ông im lặng. Họ không hề làm gì chị cả, cũng không dỗ chị, kệ cho chị khóc, hình như họ cho là cần phải như thế. Ông già đưa mắt cho người con trai. Chị rú lên một tiếng. “Họ sắp làm thịt mình!”. Anh con trai đứng lên, im lặng chui vào khoang. Chị nhắm mắt lại, nghĩ nhanh: “Mình tới số rồi, trời ơi là trời!”. Chị đợi một nhát dao hay một cú búa, hay một cái gì tương tự như thế. Có tiếng lẹt xẹt trước mặt chị. Chị mở mắt ra, một bát cơm đầy tú hụ đặt trên một khúc cá kho khoanh tròn hình quả trứng to được đẩy tới.
– Ăn đi! Ăn đi kẻo đói con! – Ông già lại ồm ồm lên tiếng, giọng trầm mà nghe nhẹ nhõm. Chị vụt hiểu tất cả. Chị đứng bật dậy, mặt ráo hoảnh, ương bướng:
– Các người bắt tôi về đây làm gì, hả?
Ông già sắc mặt không hề thay đổi nhưng giọng điệu thì thay đổi, dỗ dành:
– Không làm chi đâu con ơi! Bắt con về làm dâu thôi mà! Con sẽ là vợ thằng trai lão đó, con nhé?
Đưa hai tay chống nạnh, chị nhìn cha con ông già, mắt long sòng sọc:
– Các người có thả tôi ra không hả?
Chàng trai cười rất tươi, rủ rỉ:
– Không thả! Mà có thả em biết đường nào mà đi, làm chi mà sống! Ở đây, trên trời dưới nước thế này, em có thấy không?
Tiếng “em” của chàng trai làm chị thoắt dịu lại:
– Tôi còn nhỏ, tôi không lấy anh đâu!
Chàng trai lại cười, nụ cười lần này thì như nụ cười của ông chủ, thỏa mãn và đầy tự tin:
– Thì tôi đợi em lớn đã mà! Có gấp gáp chi!
Chị gần như ngã ngồi xuống lòng thuyền, hai tay buông thõng, thở dài não nuột. Chị không muốn khóc nữa mà nước mắt cứ đầm đìa. Chị biết thế là cuộc đời chị đã được quyết định do những người xa lạ và hoang dã giữa vời phá bao la này. Chị đứng vụt, kêu xé lên một tiếng, nhào người xuống nước. Chàng trai nhanh như chim cắt, kịp túm tay chị lôi lại, đẩy chị vào trong khoang.
Bấy giờ chị mới là một con bé mười ba tuổi…
2.
Gần như kiệt sức, chị nằm lăn ra bờ đầm hoang, mắt ngước nhìn bầu trời đang sền sệt như màu trứng cá. Đứa con nhỏ đang quờ tay tìm vú. Chị ấp con vào người, xốc cho nó bò bên bụng. Con bé chẳng khó khăn gì để trườn một cái rồi ngoạm lấy vú mẹ. Chị nghe nhồn nhột, giật mình sực nhớ là mình trên để trần. Đàn bà vùng đầm phá chuyên sống trên mặt nước vẫn thường như vậy, không mấy khi mặc yếm áo, để khỏi vướng víu khi chài lưới cá tôm, trừ khi phải lên bờ đi chợ mua gạo, mua dầu… Chị tự trách mình lúc đêm gấp quá và cũng hoảng quá, quên khuấy mất. Vạn thuyền nhà chị ngày hôm đó trúng mẻ lưới cá bầu. Người chồng tự thưởng một chầu rượu. Bạn nhậu là cô vợ trẻ và cậu con trai nhỏ. Thật ra chỉ một mình anh ta uống, vợ con chỉ ngồi cho vui mâm rượu mà thôi. Họ ngồi với nhau đến khuya thì anh chồng say lê lết, nằm xoài ngáy như sấm. Chị dọn dẹp xong, nhìn chồng, nhìn nước. Ý định trốn đi vụt đến. Thời cơ có một không hai đây rồi! Chị đã tự liệu sức mình, cái sức mà chồng chị không thể lường trước được, hoặc đã tin cậy nên không muốn lường. Không có người đàn bà nào, dù đàn bà đẻ trên đầm phá, lại có thể bơi từ giữa phá vào bờ, xa có đến sáu bảy cây số!
Nằm nghỉ một lát lại sức, chị xốc con ngồi dậy, nhìn quanh để xác định phương hướng. Đây là trảng cát, vậy bên kia là bờ biển, dọc sát biển là làng. Chị nhắm hướng trước mặt, chạy gằn. Chị cần tìm một cái gì để che thân trước khi gặp người thứ nhất trên cạn. Đứa con gái đã bú no, ngủ ngặt nghẽo trên tay, hơi thở của bé phả âm ấm chỗ xương bả vai chị. Có tiếng gà gáy xa xa. Trời xem chừng đã hơi loang loãng, sắp sáng rồi. Chị chạy gấp thêm, nhắm cái vệt mờ mờ xám xám của xóm làng đằng xa mà băng tới. Đôi vú trần trẻ trung của chị nảy tưng tưng. Trước mắt chị là một chiếc cầu và phía bên kia, chị đã nhìn rõ ánh đèn le lói trong ngôi nhà ai đó khuất lấp qua một khu vườn rậm rạp cau dừa. Chị đoán sau xóm này chắc là chợ làng. Ở cái chợ này, ngày mai chị sẽ kiếm vài thứ cần thiết và đi tiếp, đi tiếp. Lần hồi, hỏi han… thế nào cũng có ngày chị sẽ về đến quê hương làng xóm, gặp lại cha mẹ, bà con xóm giềng của chị. Bố mẹ của chị ngày đó mất chị, chắc họ cũng đã quay về, lòng dạ đâu mà đi tiếp nữa, chị chắc chắn như thế…
Một vật ngáng làm chị bổ ngửa người ra sau, suýt nữa thì hất đứa con gái xuống đất. Chị định thần nhìn. Thì ra mải suy nghĩ chị đã không kịp thấy những thanh chắn cửa một khu vườn. May mà chúng chỉ là những thanh tre tròn, không có gai mấu gì. Vừa lúc chị đứng dậy phủi bụi cho con nhỏ thì một giọng đàn bà cất lên thong thả, thản nhiên:
– Ai đó? Đi đâu sớm thế?
Chị luống cuống chưa biết nói gì. Từ trong nhà, người vừa hỏi đã xách cây đèn bão nhanh nhẹn đi ra. Chị co rúm người lại, ngồi nép vào bóng tối của bụi chuối. Ánh đèn đã soi rõ mặt chị. Người vừa hỏi là một bà già chừng sáu mươi. Thấy hai mẹ con chị trần như nhộng, lại run lên vì sợ hãi, nhìn khuôn mặt còn quá trẻ của chị không có vẻ gì dối gian, bà bỗng động lòng hỏi:
– Chị ở đâu đến đây? Ai đuổi bắt chị hả? – Bà nhìn đứa bé gái bụ bẫm – Con của chị đó à?
– Dạ thưa bà… thưa bà…
– Chị đừng sợ, nói đi nào! À mà khoan, hãy vào nhà cái đã. Cháu nhỏ đã lạnh run cầm cập lên rồi kia kìa. Vào nhà, tôi lấy áo quần cho mà mặc!
Linh tính cho chị biết rằng chị đã gặp may. Chị như bị hút theo bà già. Bà mở toang cánh cửa khép hờ. Đặt cây đèn bão xuống góc nhà, bà vặn to ngọn đèn tọa đăng đặt trên sập. Ánh sáng lan tỏa khắp gian nhà. Bà đi vào gian trong. Chốc sau bà mang ra một mớ áo quần, nói như ra lệnh:
– Chị mặc vào ngay kẻo lạnh. Ra sau hè mà thay!
Chị bàng hoàng như trong giấc mộng, rùng mình như đang sống trước cảnh bụt hiện. Bà già đứng đó, mỉm một nụ cười thương cảm nhìn hai mẹ con chị giờ đã áo quần tinh tươm, mái tóc đốm bạc của bà phơ phất, phơ phất…
Tự bao giờ, có lẽ lúc mẹ con chị thay áo sau hè, một mâm cơm có cá kho, dưa chua đã đặt bên phản dưới. Bà già đến ngồi lên sập, chân co chân duỗi, nhai trầu chóp chép:
– Cơm khi tối còn lại đó, nguội cả rồi, nhưng tạm ăn đi cho đỡ đói. Ăn có sữa cho cháu nó bú. Chuyện chi nói sau. Trời sắp sáng rồi đó!
Bây giờ chị mới thấy bụng cồn cào ghê gớm. Con bé chị gần như suốt đêm ngâm mình dưới nước, giờ được mặc ấm liền chuồi khỏi tay chị lăn ra ngủ, đầu ngoẹo về một bên, hai tay khuỳnh vuông góc, hai chân chạng ra, ống hơi khép vào, nom như con ếch đang bơi…
– Cha cha. Con nhỏ ngủ “dễ ghét” chưa? – Bà nắc nỏm.
– Được mấy tháng rồi?
– Dạ thưa bà, cháu được chín tháng rồi ạ.
Chị nhìn bà. Trong thoáng chốc, chị tưởng trước mặt mình là mẹ. Mà phải, giờ đây nếu mẹ còn sống, chắc mẹ cũng bằng ngần ấy tuổi như bà. Ôi mẹ ôi…! Nước mắt chị lã chã rơi xuống bát cơm. Chị vừa ăn vừa kể lại…
Trời sáng rõ lúc nào không ai hay. Bà già khẽ thở dài, thõng hai chân xuống quờ tìm dép, ngoảnh mặt vào bên trong gọi to:
– Quý! Quý! Dậy con! Dậy rửa mặt, ăn uống rồi đi học kẻo trễ giờ con!
Chị luống cuống, ngại ngùng đứng lên. Bà già nói:
– Chị cứ nằm ngủ đi một chặp cho lại sức. Con Quý là đứa con gái út của tôi, đang học lớp nhì trường tổng. Nhà chỉ có hai mẹ con. Có thằng anh nó nữa, nhưng vắng nhà, đang học trên tỉnh, thỉnh thoảng mới về thăm. Thôi nằm ngủ đi!
– Dạ thưa bà, cháu không ngủ. Cảm ơn bà đã giúp đỡ mẹ con cháu. Giờ xin phép bà cho mẹ con cháu đi…
– Đi đâu?
– Dạ thưa, đi…
Bà già nhíu trán, im lặng một lúc rồi thủ thỉ tâm sự:
– Ông nhà tôi mới mất năm ngoái, nhà giờ đây neo đơn lắm, vắng vẻ lắm. Tình cảnh của chị nghe thật thảm thương, đường ra Bắc lại xa xăm mù mịt, mẹ con chị thân gái dặm trường, làm sao đi tới nơi về tới chốn cho được yên bình? Tôi nói thế này coi chị nghe có được không: giờ mẹ con chị cứ ở lại đây với tôi, giúp tôi coi ngó việc trong nhà ngoài vườn, chờ lúc nào thuận tiện, chắc ăn, để xem đường sá xe đò ra sao đã rồi hãy lên đường. Tôi coi chị như con, bé gái nhỏ như cháu…
Chị ngẩn người, nghe có cái gì chẹn ngang cổ họng, cứ nghẹn ngào nhìn chăm chắm vào bà già mà không nói được câu nào. Không ngờ câu chuyện lại xoay sang hướng này, cái hướng mà chị chưa bao giờ nghĩ tới. Số phận của chị ông trời đã định như thế này chăng? Ôi bà ôi…
3.
Truyến trở về nhà khi trời vừa chạng vạng. Anh chuyền va ly qua tay trái, lấy tay phải nhẹ nhàng đẩy các ống tre then cài vườn, bước vào.
Trời vừa mưa giông lúc chiều, những giọt nước còn đọng trên các sợi dây thép chăng làm dây phơi giăng hàng long lanh như những dây cườm. Truyến nhìn quanh, bỗng thấy có điều gì lạ vương vấn đâu đây. Những vệ lan tóc tiên hai bên sân dường như được vun vén lại, cả những sợi cỏ râu mèo mọc len vào các gốc của chúng cũng được nhổ sạch sẽ. Bờ chè tàu làm hàng rào ngăn cách nhà với vườn cũng được cắt xén bằng bặn và phẳng phiu như có thể nằm lên trên được. Cái lu đựng nước đầu hè kia hình như cũng được bắt thêm một cái máng nhỏ bằng những chiếc mo cau chằm rất khéo đặt vát vào miệng, để hứng được nhiều nước mưa từ hàng giọt tranh chảy xuống. Còn đằng này, cạnh cửa sổ nơi anh vẫn kê chiếc bàn ngồi học thì mọc lên ở đó từ bao giờ một khóm dạ hương đang kỳ lấm tấm…
Một giọng hát khe khẽ cất lên khiến Truyến giật mình:
Ờ… hờ hơ… ngó lên hòn Kẽm đá dừng
Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi!
Ơ… hờ… hờ…
Anh lắng nghe và lấy làm lạ rằng sao cô em gái nhỏ của mình mới đó mà đã hát được giọng người lớn và đổi âm sắc đến thế. Anh hèm một tiếng, cất giọng gọi:
– Mẹ ơi!
Tiếng hát ngưng bặt. Mẹ anh bước ra, tay bồng đứa con gái nhỏ:
– Con đã về đó hả Truyến? Nghỉ hè rồi ư?
– Dạ. Ủa cháu bé con ai thế mẹ?
– Ờ ờ – Bà mẹ vỗ vỗ vào má đứa bé, nựng – Cháu bà đây mà! Cháu ngoại cưng của bà đây!
Truyến đặt va ly xuống sập, trố mắt ngạc nhiên nhìn mẹ, nhưng lại hỏi chuyện khác:
– Quý đi đâu hở mẹ?
– Nó đi qua chơi với con bạn bên xóm. Nói để mượn sách đọc, dặn nhà đừng chờ cơm.
– Khi nãy ai hát thế mẹ?
Bà mẹ gọi với xuống nhà dưới:
– Đào ơi! Lên đây! Anh con đã về này!
Một khuôn mặt hiện ra cùng với vòng tay lễ phép khoanh lại trước bụng:
– Dạ thưa cậu. Cậu mới về nghỉ hè!
Người con gái da ngăm ngăm, vẻ mặn mà in rõ trên cánh môi hơi dầy và đôi mắt mở ra tròn to màu nâu cháy vừa chân chất lại vừa như chứa đựng điều gì bí ẩn, làm Truyến bỗng cảm thấy nửa như yên ổn nửa như hoang mang. Anh không biết nói gì, chỉ gật đầu nhẹ để đáp lễ, nhìn mẹ như chờ đợi sự giải thích.
Bà mẹ mỉm cười:
– Em Đào người ngoài Bắc, lỡ vận sa cơ, mẹ mới nhận làm con nuôi hồi đầu năm. Thôi nói chuyện sau, bây giờ xuống dọn cơm ăn cái đã!
Đào xuống bếp. Lát sau cô bưng mâm cơm lên:
– Mời mẹ và cậu xơi cơm! Con để phần cho cô Quý rồi ạ.
– Ngồi đây ăn cơm luôn đi con. Cậu, cậu cái gì. Gọi bằng anh nghe chưa?
– Dạ, xin phép mẹ, con còn cháu nhỏ, sợ nó quấy. Để con chờ chút, ăn sau cùng cô Quý cũng được ạ!
Truyến rửa ráy, thay quần áo xong, đi ra.
Hai mẹ con ngồi vào mâm.
Suốt từ lúc về nhà đến giờ, Truyến không sao xua được cái cảm giác lạ lùng là vừa thanh thản lại vừa phấp phỏng như sắp có điều gì xảy ra. Người thiếu phụ trẻ nọ có mặt trong nhà anh mà mẹ anh – qua lời kể lại cùng với thái độ đối xử của bà – đã như là một sự hiển nhiên, đã xảy ra rồi, dù anh có muốn hay không cũng vậy. Từ bé đến giờ, và có lẽ mãi mãi về sau – chừng nào mẹ anh còn sống – anh vẫn có thói quen nhìn nhận những việc làm của mẹ đều xác đáng, đều như là của chính mình, phải vậy chứ không thể khác. Vậy thì điều gì sẽ xảy ra sắp tới, ít nhất là đối với anh, trong kỳ nghỉ hè này?
Truyến hình dung lại mọi sự việc. Anh không thể nào tưởng tượng cô gái mới hai mươi mốt tuổi nọ đã là mẹ của hai đứa con, là vợ của dân chài đầm phá mà người trong vùng anh vẫn thường gọi một một cách vừa sợ hãi vừa khinh khi là “bọn mọi đầm”. Dĩ nhiên, gia đình anh là gia đình nho học, biết tôn trọng và thương yêu con người; anh lại là dân tây học, anh không bao giờ chấp nhận cách đánh giá đó. Trường hợp này, trường hợp Đào, liệu bà con hàng xóm có nghĩ rằng mẹ anh đã mua chuộc người con gái vạn đầm kia để biến cô thành người làm công không? Điều này khó xảy ra vì chuyện chạy trốn của cô không ai hay biết. Và tấm lòng nhân hậu của mẹ anh, của gia đình anh, thì trong làng không ai nghi ngờ. Rồi về phần cô gái, một ngày nào đó phải ra đi, lúc bấy giờ tình cảm của cô và những người trong gia đình anh đã sâu nặng, liệu mọi người trong cuộc có đủ sức để thu xếp làm sao cho trọn nghĩa vẹn tình…?
Bao nhiêu ý nghĩ dồn dập làm Truyến trằn trọc, không sao ngủ được. Cô em út đi chơi với bạn học xóm bên về khuya, đang thủ thỉ rúc rích chuyện gì đó với mẹ con Đào nhà dưới làm cho lòng anh thêm xốn xang, bứt rứt. Anh ngồi dậy, đi ra vườn. Mảnh trăng non thượng tuần lai láng, trải một lớp ánh sáng như màng tơ màu vàng chanh trên cây lá…
4.
Ngày tháng qua nhanh.
Truyến trở lại thành phố với những dự cảm ngọt ngào êm ái. Chỉ còn năm học cuối cùng nữa thôi, anh sẽ tốt nghiệp tú tài toàn phần.
Ba tháng hè tưởng như dài hóa ra quá ngắn. Khác với các kỳ trước, kỳ này Truyến không nhấp nhỏm về ngày lên trường sớm với bạn bè, với đèn sách. Anh cũng tự hỏi lòng mình vì sao. Câu trả lời vừa mơ hồ vừa rõ rệt thoáng qua trong óc làm anh mỉm cười bâng quơ. Anh bước lên đò đúng lúc đò đã khẳm, người lái đò nhẹ nhàng xô ra, nhảy lên. Gọi là đò ngang nhưng dòng sông ở đây rộng ngút mắt. Đó chỉ là một trong những nơi eo thắt lại của cả một dải đầm phá chạy dài từ cửa Thuận đến cửa Tư có đến dăm chục cây số, và chiều rộng của nó thì có nơi phình ra mênh mông như biển cả, chẳng biết nơi đâu là bến là bờ. Đây là vùng giang sơn riêng của các vạn thuyền quanh năm sống trên các mặt nước, với bao nhiều chuyện huyền bí, bao nhiêu tập tục lạ lùng của người dân quanh năm ở trần ở lổ như con cá con tôm, kể cả đàn bà con gái. Đây cũng là nơi mà từ xa xưa đã là nỗi kinh hãi cho những ai mới lần đầu đặt chân tới hay phải vượt qua:
Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang
Câu ca dao dân gian đó kể từ lúc xuất hiện cho đến bây giờ và mãi mãi về sau, luôn luôn được chắp nối phần tiếp theo cho hợp với tình cảnh từng lúc từng nơi, từng con người từng số phận…
Ngồi trên đò, Truyến miên man suy nghĩ. Chuyện dân đầm phá đi bắt vợ, anh đã từng nghe kể, tuy chưa được nhỡn tiền, nhưng cũng như bao nhiêu người khác sống trên cạn, anh tin là có thật. Bởi nếu không, thì trai vạn đầm chỉ có thể chết già mà thôi, gái trên bờ không ai dám lấy họ cả. Rằng ban ngày họ rời thuyền, lảng vảng các chợ búa quán lều, dò la đàn bà con gái thất cơ lỡ vận, ăn mày, ăn xin để dễ nhập bọn, dễ hòa đồng. Rồi đêm tới họ vác bao tải đi, nhét một củ khoai hoặc cục cơm vào mồm cô gái định bắt, trùm bao vác về, chèo thuyền ra giữa vời phá bao la. Người bị bắt về, bất kể lớn hay nhỏ đều trở thành vợ của họ, còn nhỏ thì họ muôi cho lớn; dạy cho thành người đầm phá chính hiệu, đợi đến ngày nở nang có thể làm vợ được…
Người dân đầm phá tin rằng Hà Bá đã cho phép họ làm như vậy, cho họ được cái quyền tạo ra người nối dõi, gìn giữ nghề truyền thống của cha ông họ, tiếp nối giòng máu riêng của dân đầm phá.
Truyến thoáng mỉm cười nhớ lại. Một hôm đang ngồi đọc sách Truyến thấy cô gái cứ lấp ló, thập thò, chốc lại vén màn nhìn ra, chốc lại đi vòng ra sau cửa sổ cúi xuống làm cái gì đó như nhổ một cây cỏ chẳng hạn, nhưng mắt thì liếc trộm anh. Anh thấy hơi khó chịu, gấp sách lại, cầm bút viết vài câu bâng quơ, bất chợt, gọi là cho có việc làm và cũng để có một khoảng lặng trong đầu nghĩ xem chuyện gì đang đến đây. Một cái chạm lướt đằng vai sau làm Truyến hơi giật mình quay lại, cái chạm mà anh biết chắc không phải là bàn tay mà chỉ là tà áo hoặc cái gì nhẹ mềm tương tự. Anh hơi quắc mắt:
– Em làm gì vậy hả Đào?
Đào như bị bắt quả tang, đứng khựng hơi cúi mặt, đôi má bừng đỏ, tay mân mê chéo áo.
– Dạ… Dạ thưa!
– Chuyện gì thế, em nói đi!
Đào ngẩng nhìn lên, nói một hơi như sợ chậm một giây thì không nói nổi:
– Anh Truyến! Anh dạy em học chữ với. Đời em khổ cực dốt nát lắm anh ơi!
Truyến như bị bước hụt. Anh nhìn cô gái đứng trước mặt như một kẻ chịu tội, vẻ khẩn cầu van xin toát ra từ dáng điệu chưa quá tuổi ngây thơ làm anh thương cảm quá đỗi. Đã hơn một tháng từ ngày gặp gỡ, đây là lần đầu tiên anh nhìn kỹ cô em nuôi. Trời! Thời gian nhanh như vậy ư? Da dẻ cô không còn ngăm ngăm nữa mà nó mịn màng hẳn lên, cái màu hồng pha chút nâu thoáng làm cho khuôn mặt có những đường nét hơi đầy đầy của má và môi bỗng trở nên sang trọng một cách xa vời. Bộ quần áo mà mẹ anh sắm cho cô bằng lụa màu trái cây ôm khít lấy tấm thân với bờ vai tròn trịa và bộ ngực như ngực thiếu nữ con nhà lành, thì rõ ràng thời gian và cuộc sống bao năm chèo kéo trên mặt đầm với một ông chồng và hai đứa con, chưa hề chạm tới được.
Truyến hơi sững sờ, giọng dịu hẳn:
– Em muốn học chữ à? Em không hổ ngươi đấy chứ, Đào?
– Dạ không! Anh dạy cho em nhé, anh…?
– Vậy thì được. Ngồi xuống đây! Nhưng trưa nay mẹ về, em phải thưa lại với mẹ và xin phép mẹ.
– Dạ.
Cô gái sáng dạ một cách cũng kỳ lạ như chính quãng đời đã trải qua của cô. Gần hai tháng hè còn lại, Truyến đã biến Đào thành một cô gái đọc thông viết thạo, biết làm phép tính thuần thục. Bây giờ Đào có thể đọc truyện cho mẹ nghe mỗi khi rảnh rỗi, các cuốn truyện ấy chất một rương đầy của Truyến gom góp từ hồi còn học tiểu học ở trường tổng. Những ngày chưa lên tỉnh học, công việc ấy là của Truyến. Giờ đây là Đào thay thế…
5.
Ba năm sau khi Đào bị bắt về vạn thuyền.
Cô bé ngày nào còn đuồn đuỗn như con cá kìm nay đã trở thành một cô thiếu nữ dậy thì, đầy đặn và mỡ màng như con cá đối.
Ông già chăm bẵm Đào chẳng khác gì con đẻ. Vạn thuyền không phải lúc nào cũng đầy đủ, có ngày kiếm được mớ cá, mớ tôm để đổi lấy gạo, củi cũng cực nhọc vất vả. Song ông già không bao giờ để cô con dâu tương lại phải thiếu đói. Mọi thứ ngọn vật hiếm của đầm phá, vạn khác không kiếm ra thì vạn ông vẫn tìm được. Cá dìa hoa thịt dẻo bùi như hoài sơn tươi, thơm như trầm. Tôm sú rằn con nần nẫn bằng cổ tay, ăn một con no suốt buổi. Cá buôi lườn béo như thịt mỡ, béo mà không ngán, bụng no rồi mà miệng vẫn thèm… Tất cả những thứ đó, ông già không bao giờ kho nấu, hoặc chiên rán lôi thôi, mà bắt dưới đầm lên đang giẫy đành đạch, liền thả vào nồi nước sôi sẵn trên bếp. Muối ớt là thức chấm duy nhất. Cái món nước luộc cá tôm tươi rói đó ngọt lừ, thơm lừng, bổ hết chỗ nói, húp một bát, người đang sốt gây gây lập tức tỉnh ra, nhẹ thênh. Ông già nói những thứ này là của Thần Phá ban phát, thần diệu hơn cả thuốc tiên. Ông già ép cô con dâu nhỏ ăn ngày ngày.
Đào mười sáu tuổi đã nở nang gấp mấy con gái cùng lứa trên bộ, đôi vú suốt ngày để trần rám màu bồ quân, câng câng trên ngực, hai cái núm hồng hồng cứ chóc lên như thách thức cả trời đất, sông đầm.
Anh con trai ông già suốt ba năm không lúc nào tỏ ra thô lỗ với cô gái, bỗng một hôm nhìn xoáy vào ngực cô, anh ta không chịu nổi, cứ đấm thụi tay, chân vào ván thuyền huỳnh huỵch, côm cốp. Anh ta như bị lửa đốt, toàn thân rừng rực cháy cả tim gan phổi phèo…
Ông già nom thấy, hô:
– Được rồi! Bày lễ cúng Bà Thủy!
Nghe lệnh cha, người con trai hú lên một tiếng sung sướng.
Lễ hợp cẩn lập tức được tiến hành. Một thau nước có hai con cá được bưng ra, một chai rượu đặt cạnh. Ông già bày bát hương đầu mũi thuyền, chọn hai cây hương to và một nạm hương nhỏ. Thắp hương khấn vái xong, ông già lại hô:
– Xuống đầm!
Đôi trai gái đến nhót từ trong thau ra mỗi người một con cá ngậm ngang mồm, trút bỏ áo quần, trần truồng dắt tay nhau xuống nước. Hai con cá ấy là lễ vật dâng Thần Đầm. Chúng sẽ chứng kiến cái giờ phút thiêng liêng hòa nhập làm một của đôi vợ chồng mới cưới, ngay trong lòng nước…
Cuộc giao phối xong, đôi trai gái mới được há miệng. Hai chú cá liền bơi đi. Thế là kết thúc buổi tân hôn.
Ông già nhìn con trai và con dâu từ dưới đầm lên, ướt giầm giề. Cô con dâu từ nỗi kinh hoàng ban đầu giờ đã hết sợ. Cô xấu hổ, một tay che một tay khèo vội chiếc quần mặc vào. Còn anh con trai thì rạng rỡ, nước từ tóc tai chảy tong tong xuống ướt cả một vạt thuyền, mặt mày cứ đờ đẫn ra.
Ông già gật gật đầu mãn nguyện. Ông vớ lấy chai rượu cúng, ngửa cổ dốc ừng ực. Hết chai, ông nằm xoài ra sạp.
– Cha đã già lắm rồi, việc đánh bủa trên đầm cũng đã hết hơi, chết là được! Hai con phải lo mà làm ăn, sinh con đẻ cái, gìn giữ vạn thuyền, thờ cúng Thần Phá cho phải, cho đúng, nghe!
Và từ đó, ông đi luôn.
Hai vợ chồng chôn cất cha già tử tế. Người chồng trở thành chủ vạn thuyền từ đó. Anh đã ngoài ba mươi nhưng sức vóc, lực lưỡng, chài lưới bơi lặn có tiếng trong vùng. Và cũng như cha anh, anh không bao giờ chịu thua bất cứ người đàn ông đầm phá nào. Anh hiền như sợi rong đầm, chiều cô vợ trẻ như chiều vong. Đẻ xong thằng trai đầu, anh nói với Đào:
– Em đẻ tiếp mấy thằng nữa, nghe!
Đào nguýt:
– Đẻ nhiều không đủ sức, rồi ốm đau bão gió, một bầy con lộn chộn như cua rạm, một mình anh chài lưới, nuôi sao nổi?
Anh chồng toe toét:
– Tôi nuôi được! Em chớ lo. Tôi khỏe như ông voi, tôi đánh bắt như con rái mà!
– Không được! Giờ em mới sinh, con còn non, anh không được…! Khi nào em bảo, anh mới…
– Ờ ờ phải! Thôi, tôi nghe em rồi. Đừng buồn đừng lo nghe, em!
…
6.
Chợ Cồn là một khoảnh cát rộng, bụi cây lúp xúp, mô đất rải rác. Gọi là chợ nhưng người ta không họp ở đây mà họp ở nơi khác. Nơi đó mới thực sự là ngôi chợ của làng, nơi hàng ngày người dân trong vùng vẫn đến mua bán, trao đổi các thứ. Còn chợ Cồn là nơi để mỗi năm chỉ họp một lần vào ngày mồng hai Tết. Những người được đến chợ Cồn vào ngày đó là những người ăn mày. Ngoài ra, không ai được đến đó. Bởi vậy, dân làng gọi ngày đó là ngày “lễ hội ăn mày” một cách trịnh trọng. Bất cứ ăn mày trong vùng hay từ đâu đến đều được dự lễ hội. Ai đến trước dự trước, ai đến sau dự sau, không ai phải chờ ai. Nhưng thường không ai đến sớm hơn hoặc muộn hơn giờ quy định. Đó là giờ Thìn. Thìn là rồng, dân làng tin rằng chọn giờ đó sẽ đem lại may mắn, cầu được ước thấy cho những người nghèo đói bất hạnh, phải lâm vào cảnh ăn mày ăn xin.
Từ tinh sương, các gia chủ trong làng, mỗi nhà một mâm cỗ, to nhỏ tùy theo hoàn cảnh và lòng thiện của từng nhà, bưng ra bày ở chợ Cồn, để ở đấy và về. Kèm theo mâm cỗ là những vật chúc phước khác – cũng tùy ý tùy tâm từng nhà – như pháo, câu đối viết trên giấy hồng điều, bộ bài thẻ ghi phúc lộc thọ hoặc phú quý an v.v… Ăn mày tứ xứ tối mồng một đã kéo về, tụ tập quanh chợ Cồn, nhưng chưa ai được vào, phải đợi giờ hành lễ. Hiệu lệnh bắt đầu do chủ lễ hội gióng lên. Chủ lễ do dân làng cử ra hàng năm, thường là một cụ già. Cụ già khăn áo đàng hoàng làm nhiệm vụ khấn vái thổ thần và gìn giữ trật tự suốt lễ hội.
Cụ già tay cầm chiêng, chiếc dùi đầu tròn bọc vải đỏ.
– Ù… ù… ù… bù rù… bù rù! Bù rù!!!
Một hồi chín tiếng chiêng vừa dứt. Lễ hội bắt đầu. Mọi người ăn mày vào mâm. Muốn ăn gì thì ăn, muốn ngồi mâm nào cũng được, vừa ăn vừa hò hát bất cứ bài gì, câu gì mình thích. Lạ một điều là trong suốt quá trình lễ hội, những người ăn mày, già trẻ, con nít… họ đều từ tốn không hề tranh ăn cướp uống, đàng hoàng và đĩnh đạc như ăn cỗ ở nhà mình vậy. Rồi đốt pháo, rồi khoác lên mình nhau những vật cầu may đầu năm mà dân làng đã dành cho họ, rồi chúc tụng nhau mong cho nhau được mạnh khỏe được mau chóng thoát khỏi cảnh đầu đường xó chợ, sống có cửa nhà, có cái ăn có cái để… Người lớn thì vậy còn trẻ con ăn mày thì tụ tập lại một góc, chơi nhảy lò cò, kéo co, chồng búp chồng bông, tập vồng vông tay không tay có… Những trò chơi dân dã, bình thường mà bất cứ trẻ con nào cũng có quyền được chơi…
Chờ cho người ăn mày cuối cùng no nê rời khỏi bãi chợ Cồn, cụ già chủ lễ mới gióng một hồi chiêng báo hiệu tan hội. Lúc bấy giờ, các gia chủ trong làng mới ra dọn dẹp mâm bát của mình mang về.
Từ tối mồng một, gia đình mẹ Truyến – người làng đều quen gọi là bà Hương, theo chức sắc của chồng bà – đã sửa soạn cho mâm cỗ lễ hội ăn mày. Bà sai Đào và Quý, hai chị em sắp sửa mọi thứ để gánh ra chợ Cồn. Là gia đình vào loại vai vế, giàu có trong làng, năm nào cỗ ăn mày của bà cũng to nhất nhì làng. Chợ Cồn cách phía sau khu vườn nhà bà không xa. Đứng ở cuối vườn, có thể thấy khá rõ người đi lại, ăn uống, vui chơi.
Sau khi gánh cỗ ra bày biện vào mâm xong, hai chị em Đào, Quý về nhà. Nghe tiếng chiêng gióng, Đào rủ Quý ra vườn sau.
Lần đầu tiên trong đời thấy quanh cảnh lễ hội ăn mày diễn ra, lòng cô gái chợt bừng lên một cảm giác khó tả, bâng khuâng, buồn nhớ, thương tiếc… Những hồi niệm xa gần hiện về trong đầu cô, cái đêm hãi hùng giữa mênh mông đầm phá, rồi lễ cúng Thần Đầm, hợp hôn dưới nước với người chồng vừa như bắt buộc vừa như tự nguyện, rồi sinh nở, rồi thật sự gắn bó với đầm phá, tưởng như không thể di dời… Vậy mà… ôi cái đêm bồng con bơi vượt phá, vừa liều lĩnh vừa hy vọng, rồi lên bờ gặp được bà Hương, rồi cuộc đời bỗng rẽ ngoặt, thực mà ảo, đời như tiên, nào mẹ nào em gái anh trai, con nuôi mà chẳng khác chi ruột rà, chẳng máu mủ mà con hơn máu mủ…
Đang miên man thả lòng theo dĩ vãng, Đào bỗng giật thót. Bóng một người ăn mày dắt theo đứa con trai đang lách đám đông đi vào giữa lễ hội. Anh ta đội chiếc nón cời, đóng khố lá tọa trước bụng, chiếc bao gai đã rách mướp quàng trên người, tay chống chiếc gậy cong cong sần sùi. Trời, cái lưng khòm khòm như lưng rùa kia thì không thể lẫn được, còn ai vào đó nữa trời! Thằng con trai như có lớn hơn một chút, trần truồng, nhem nhuốc đang nắm tay cha vừa đi vừa ngó nhìn đây đó. Khác với những đứa trẻ con khác, nó không hề nhìn vào các mâm cỗ mà lại lia đôi mắt von vót hình đuôi cá chình xoi mói vào mặt người này, người nọ như thể đang tìm kiếm cái chi.
Đào ôm ngực, một mũi kim nhọn như đang ngọ ngoạy trong tim cô, cô bước vào nhà lòng rung lên dữ dội.
– Chị Đào, chị làm sao vậy? – Quý gọi giật.
– Không sao cả, chị hơi nhức đầu. Quý cứ ở đó xem, chị vào lấy dầu xức, chốc sẽ ra!
Đào loạng choạng như người say sóng. Bước thấp bước cao, cô vội vàng nhào tới ôm chập lấy đứa con gái đang nằm chơi trên sập với bà, bế vào buồng trong. Bà Hương ngơ ngác:
– Có chuyện gì vậy con?
– Dạ không có chi. Con hơi nhức đầu chóng mặt một tí thôi!
Trong lúc bà Hương như linh tính mách bảo, bước vội ra góc vườn sau thì trong buồng Đào nằm vật ra, nước mắt đầm đìa mặt gối. Cô ư ử rên: “Con ơi! Anh ơi!… trời xui đất khiến thế nào mà cha con giả làm ăn mày lần mò được đến đây? Con ơi! Con nhớ mẹ, trách mẹ lắm phải không? Mẹ lầm lỗi rồi, mẹ nỡ bỏ con mà đi, trời phật ôi… Trên mặt đầm phá kia, mẹ đã qua bao nhiêu đắng cay ngọt bùi, bao nhiêu nước mắt mẹ đã đổ xuống, bao nhiêu nụ cười mẹ đã vớt lên, vậy mà mẹ đành đoạn, mẹ nhấn chìm… Thuyền nốc đâu rồi, chèo lưới đâu rồi, sóng nước đâu rồi… anh ơi! Mẹ Hương ơi! Em Quý ơi, anh Truyến ơi, em biết làm sao bây giờ, sao anh không về bảo cho em biết với…?”
Đào quằn quại, giằng xé, nỗi niềm rối như tơ vò. Cô nằm liệt giường sau đó.
7.
Người già thường yêu trẻ con, con bé gái của Đào quả đã làm cho bà Hương thỏa mãn tình cảm bà cháu. Bà chăm sóc, dạy dỗ và sắm sửa cho con bé đủ thứ, quần áo đồ chơi, kể cả những thứ đắt tiền phải gửi mua tận trên phố tỉnh, mặc dù con bé mới chập chững biết đi. Hai bà cháu cứ ríu rít cả ngày trong nhà ngoài sân, tiếng cười, tiếng nựng cả già trẻ như không lúc nào vắng.
Vậy mà lâu nay, sau lễ hội ăn mày, bà bỗng đâm ra tư lự. Không biết bà suy nghĩ điều gì mà thỉnh thoảng bà đi ra đi vào, ra chiều bứt rứt không yên, có lúc bà nhìn hai cô con gái một đẻ, một nuôi chằm chằm như thể đang so đo, lượng định, rồi bà nhè nhẹ thở dài, vừa lấy cau trầu ra giã vừa nhai chầm chậm. Vô tình bà ngước nhìn lên bức hoành phi treo trên xà: Truy viễn đường. Bức hoành phi này được để lại từ thuở ông nội của chồng bà. Tìm nhà xa! Có sự ngẫu nhiên huyền bí gì đây chăng? Tìm nhà xa! Ôi! Bà chạnh nỗi lòng, gọi:
– Đào ơi!
– Dạ!
– Con dọn dẹp xong chưa, lên đây mẹ bảo!
– Dạ rồi, con lên ngay đây.
Quý vừa đi học về, chạy vào nhà, quẳng ra ván một cuốn vở, nói ào ào:
– Chị Đào! Chị làm bài luận này thử coi! Mà chị dạo này nhác lắm nghe, không chịu học, viết gì cả, anh Truyến về em mách, anh mắng cho!
Đào tay nách con tay cầm cuốn vở giở ra xem, mỉm cười gật gật:
– À đề ra cũng khó đấy. Nhưng được rồi, chị sẽ làm. Rồi Quý chấm cho chị nghe!
Bà Hương nhìn thấy quang cảnh ấy, cảm thấy cay cay nơi sống mũi. Điều bà định nói với Đào bay đâu mất. Bà chợt nghĩ đến Truyến. Dường như anh con trai bà không dửng dưng với quãng đời trước đây của cô gái đầm phá này, và càng không bỏ qua những gì thay đổi nhanh chóng của cô. Có điều chi đó khác lạ trong tình cảm, nếu không thì tại sao lại chịu khó dạy chữ cho cô, việc mà cô có thể nhờ Quý, người gần gũi hơn, thuận tiện hơn? Và bà nữa, điều gì khiến bà đồng tình với việc làm của con trai bà đối với cô gái? Phải chăng chỉ là tình thương con đơn thuần của một người làm mẹ?
Bà day dứt với tình cảnh hiện tại của Đào. Một cô gái bỏ chồng con ra đi, dù thế nào đi nữa, cũng là chuyện không nên, ít ra là chuyện bất đắc dĩ. Một ngày là nghĩa, một đêm là tình! Nhưng còn bố mẹ cô, quê hương cô, có lẽ nào đó lại không phải là con đường hiếu nghĩa mà cô phải tìm về, phải báo đáp? Giữ cái nghĩa này, bỏ cái nghĩa kia đâu phải là chuyện hay ho. Phải làm sao cho vẹn cả đôi bên chứ!
Đã mầy lần bà thu xếp nhưng rồi lần lữa không muốn để Đào ra đi. Cũng là vì mẹ con cô ấy nữa. Không biết rồi có tìm được quê không, hay lại sa cơ lần nữa. Đường đời bất trắc biết đâu mà lường!
Tự sâu trong lòng, bà yêu thương Đào như con đẻ, phải dứt bỏ tình cảm đó, bà thấy đau đớn như mất đi người ruột thịt. Nhưng cứ giữ mãi cô ở lại, liệu bà có được yên ổn trong lòng, mặc dù vậy, cuộc đời cô gái sẽ có thể được đảm bảo hơn, sung sướng hơn, hạnh phúc hơn. Lâu nay bà để ý thấy mẹ con Đào hay tha thẩn ở góc vườn sau, lòng mẫn cảm của người mẹ đã đoán định được rằng tâm tư Đào đang bị dày vò, giằng kéo bởi đi hay ở, mà đi thì đi đâu?
Trở lại với chồng con vạn thuyền đầm phá hay tìm về nguồn cội cha mẹ để xây dựng lại cuộc đời đã một lần cơ nhỡ? Trong hai đường ấy, đường nào thuận lẽ hơn, hợp với nhân nghĩa hơn, trọn vẹn hơn. Nhưng mà, trong hai đường ấy phải chọn một, không thể chọn đường thứ ba là ở lại với bà. Nghĩ đến điều này bà Hương thấy lòng đau nhói…
8.
Truyến tốt nghiệp vào loại ưu. Qua giới thiệu của một ông chú họ công chức lâu năm trong ngành đường sắt, anh được bổ đi làm ở một nhà ga tại Quảng Bình. Anh về quê nghỉ một tuần trước khi trở lại thành phố, lên đường đến nhiệm sở.
Trên con đường cát dẫn từ bến đò, nơi thắt lại của dòng sông nối liền với giang sơn đầm phá mênh mông và kỳ bí, Truyến rảo bước để kịp về nhà trước khi trời tối. Lòng anh hồi hộp như mỗi lần về quê thăm mẹ thăm em sau những ngày đêm chúi đầu vào đèn sách. Nhưng lần này anh tự phát hiện trong sâu thẳm lòng riêng, còn có một cái gì thoắt ẩn thoắt hiện làm anh gần như chơi vơi một cách dịu ngọt. Người con gái lạ lùng hơn một năm trước đây xuất hiện gần như bất ngờ ở nhà anh như một ngọn gió, một ngọn gió vừa quen thuộc lại vừa hoang vu như ngọn gió chướng thường thổi trên mặt đầm vào tiết chớm xuân. Ngọn gió ấy làm cho người ta thốt rùng mình vì hơi lạnh xa xôi nó mang về, vội khép lại tà áo. Cùng lúc là một nỗi khấp khởi gần như hy vọng về những ngày sắp tới tràn trề nắng ấm dịu trong sự nấn ná của cái rét mùa đông.
Truyến bước vào cổng vườn quen thuộc có những thanh chắn bằng ống tre khô đã nhẵn bóng. Anh chăm chú nhìn như thể thấy được dấu tay người thiếu phụ trẻ vừa lạ vừa quen bao năm nay đã in lên đó. Bất giác anh mỉm cười, nhớ lại những cảm giác trong kỳ nghỉ hè vừa qua. “Không, không phải như thế!”. Anh tự nhủ lẩm bẩm mà không biết mình đang nghĩ gì nói gì. Như một ánh chớp lóe lên trong đầu, Truyến ngừng bước, mắt anh chạm phải cành dạ hương bị gió đánh gãy rũ xuống bên cửa sổ. Không biết vì sao anh vụt nhớ đến một thiên truyện cổ bằng tiếng Pháp mà anh đã đọc đâu đó không còn nhớ tên nhan đề và tác giả của nó. “Một hoàng tử trong một buổi đi săn trong rừng gặp một người con gái điên. Chàng thương xót, đem về dinh riêng. Giấu vua cha, hoàng tử nuôi nấng chăm sóc người con gái điên với tất cả tấm lòng nhân hậu quý báu của mình. Người con gái tưởng tượng hoàng tử là người tình của mình đã bị chia rẽ bao lâu khiến nàng trở nên điên dại. Hoàng tử do muốn đưa lại cuộc sống bình thường cho người con gái nên cũng không nỡ nói lên sự thật. Một ngày kia người con gái hết điên, cũng là lúc người tình của nàng xuất hiện sau bao nhiêu năm chàng ta lang thang khắp chốn tìm kiếm bóng dáng người yêu. Nhưng hỡi ôi, chàng ta bây giờ đã trở nên ngớ ngẩn do bị bọn dã tâm chia rẽ hai người đã hành hạ. Người con gái nửa muốn trở về với người yêu nửa muốn ở lại với hoàng tử, lúc này hai người đã chớm nở tình yêu. Hoàng tử biết chuyện, hết lời khuyên nàng trở về, mặc dù trong lòng chàng đau như dao cắt. Người con gái một ngày nọ ra đi với người yêu cũ, nước mắt nàng dài theo bước chân tiễn đưa của hoàng tử. Hoàng tử trở về dinh đau đớn và ngạc nhiên thấy nơi những giọt nước mắt nàng rỏ xuống đất bỗng mọc lên một hàng cây có những cành lá mềm tươi nhưng cứ rủ xuống, thướt tha mỗi khi làn gió lướt qua. Người ta sau này gọi cây đó bằng cái tên “cây liễu rũ”.
Truyến bước vào nhà. Cảnh tượng đập ngay vào mắt anh là mẹ và em gái mỗi người ngồi một góc, đang trễ tràng làm gì đó, mẹ têm trầu một cách băn khoăn, bồn chồn, còn em gái thì đưa những nhát lược lên mái tóc với vẻ lười biếng, nhát gừng. Hai mẹ con lơ đễnh đến mức không nhìn thấy anh xuất hiện, bóng dáng cao và hơi gầy của anh che tối cả khung cửa ra vào. Anh lên tiếng:
– Mẹ, mẹ mệt à? Có chuyện gì phải không?
Quý ngước lên, òa khóc, chạy đến níu khuỷu tay anh trai:
– Ối anh đã về, chị Đào đã đi rồi, anh ơi!
– Đi đâu, hả. Đi đâu? – Truyến giật giọng.
Bà Hương thở dài, ra hiệu cho con trai ngồi xuống rồi điềm tĩnh, thẽ thọt, bà nói:
– Mẹ con nó về quê tìm lại bố mẹ anh em. Vậy là đã thấm thoát gần mười năm trời lưu lạc. Mẹ đã suy nghĩ nát nước nát cái ra rồi, Truyến ạ. Gia đình ta hơn một năm qua đã coi nó như là một người cùng dòng máu. Không ai muốn cắt chảy dòng máu của mình. Nhưng mà không được, con ơi. Trước sau gì rồi cũng phải lo liệu cho tròn đạo lý. Đã nhiều lần, nó cũng muốn thưa với mẹ, nhưng rồi tình cảm ngày một gắn bó, nó cũng lần lữa, đi không dứt, ở cũng không đành, dằn vặt, khắc khoải đêm ngày. Mẹ và em Quý cũng vậy, chuyện chưa tới thì chưa nên bàn, nhưng mà phần con, con đâu có phải như gió thổi ngoài đầm, mây bay trong núi… Nó ra đi mà bước chân nặng trĩu. Đêm qua bốn mẹ con bà cháu đã khóc hết nước mắt đó con ơi! Nó vừa đi lúc trưa. Phải chi con về sớm một buổi thì anh em đã gặp nhau rồi…
Truyến im lặng ngồi nghe, lòng buồn rười rượi. Hồi lâu, anh đứng dậy:
– Thưa mẹ! Cô ấy tìm về quê là phải. Con cũng biết thế nào cũng có ngày đó, con đã dự định rằng: Con về sẽ đưa cô ấy đi. Từ đây ra Ninh Bình đường sá xa xôi, biết điều gì trắc trở, khó khăn dọc đường sẽ xảy ra? Nhưng muộn rồi, tăm cá bóng chim, biết đâu…
Truyến ngừng, đi đi lại lại. Bỗng anh chụp vội mũ lên đầu, xách quai va ly lên:
– Thưa mẹ, mẹ hãy cho phép con đi tìm cô ấy, thế nào cô ấy cũng lên Huế để từ đó kiếm cách ra Bắc. Con sẽ tìm được cô ấy! Nhất định sẽ tìm được!
Truyến gấp gáp, vội vàng luống cuống, khác với bản tính thường ngày của anh.
Bà Hương nhìn con trai vừa lắc đầu vừa gật gật, trong lúc Quý trố mắt tràn đầy những hy vọng nhìn anh rồi lại nhìn mẹ, mồm cứ há ra…
Ngoài sân, chiều đã sậm. Những tia nắng cuối cùng trong ngày chiếu xiên từ các vòm cây vườn xuống, vẽ thành những đường chéo sáng vàng, run run theo làn gió nhẹ vừa lướt qua…
9.
Chị quấn chiếc địu bà mẹ nuôi đã may cho thêm một vòng quanh eo lưng, buộc hai múi thắt lại. Có vẻ nhẹ hơn rồi! Con bé nằm trên lưng chị, y như nó nằm ngủ ở nhà, lúc nào cũng tay chân xoãi ra như con ếch đang bơi. Chị quay đầu nhìn chừng con. Nó đang liu riu ngủ theo nhịp chân mẹ dùng dằng trên đường về. Chị hình dung trong đầu khi chị bước chân vào mái tranh thân yêu ở quê nhà. Cha mẹ chị giờ chắc đã già thêm, nhà cửa ao vườn kỳ đói kém chắc đã trở lại xanh tươi mỡ màng. Gia đình chị không còn thất tán, lại trở về đông đủ sum họp như xưa. Dòng sông Hoàng Long quê chị vốn đậm đặc phù sa như đang vẫy gọi chị về.
Trời ngả về chiều. Đã qua một ngày chị rời mái nhà thân yêu không phải của chị mà còn hơn của chị. Ở đó, có biết bao kỷ niệm êm đềm, biết bao nỗi niềm sâu kín mà níu kéo, mà giằng co. Từ cái ngày lễ hội ăn mày nọ, bóng dáng chồng và con trai tưởng đã gửi lại, trả lại cho mù sương mặt đầm mỗi đêm dài thấp thỏm, cho trải nắng màn mây mỗi sáng mai đợi mong, bỗng trồi lên trong lòng chị vừa tan loãng, vừa như có hình khối rõ ràng. Chị đã muốn xóa đi tất cả, lãng quên để bước vào cuộc đời khác, nhưng là cuộc đời của chị, do chị định đoạt. Oái oăm thay, không những chị đã không thanh thản mà còn bị xáo động, bị đánh thức, những ngày gần đây nó còn làm rối tung cả những ước mơ đẹp đẽ của chị nảy sinh từ những tấm lòng như của bà Hương, anh Truyến…
Phải chăng chị trốn khỏi đầm phá là một sai lầm, hơn nữa là một tội lỗi? Vạn thuyền chị, chồng con chị nào có lỗi lầm gì mà phải gánh lấy nỗi đau mất mát? Dù bị bắt buộc nhưng giọt máu của chị đã rơi ra, giọt máu ấy cũng thiêng liêng như bất cứ giọt máu của người mẹ nào, trên cạn hay dưới đầm cũng là người mẹ, cũng là nỗi đau và hạnh phúc, sao chị lại dứt bỏ nó, từ chối nó?
Đã mười năm nay chị chèo kéo trên mặt đầm, lớn lên cùng sóng nước, thở theo nhịp thở của thủy triều lên xuống, con tôm, con cá đã là bạn bầu của chị, trời nước bao la đã là tầm nhìn của chị, màu nước sắc mây đã là dung nhan của chị, sao chị lại dễ dàng đánh mất…?
Đang bước nhanh, chị thốt dừng như bị một bàn tay nào đó níu lại. Chị ngồi xuống bên một gốc cây, cởi địu, lấy nắm cơm mà Quý đã vắt gói trong bẹ tàu cau lụa, bẻ một miếng cho con ăn. Con bé cười toe, ngọng líu cái giọng tập nói: “Măm măm mẹ, ui!”.
Đoạn đường dài với nỗi lòng lê thê suốt gần một ngày ròng rã đã làm chị mệt nhoài. Chị uống một hớp nước trong ống tre mang theo, hai mắt từ từ díp lại, chìm dần… chìm dần…
“…Lễ nhập vạn đò của dân chuyên sống trên mặt đầm phá diễn ra trên lòng thuyền, đơn độc giữa vời phá mênh mông. Bốn phía là trời là nước, nước và trời. Bến bờ chỉ là những sợi chỉ mong manh, mờ mờ tít tắp, tưởng như chèo hàng tháng hàng năm mới tới.
Người nhập vạn giờ đây là chị, một cô bé mười ba tuổi.
Một chậu nước đặt ở ván đầu mũi thuyền, nơi vẫn diễn ra các tập tục riêng biệt của người dân đầm phá. Trong chậu, lượn lờ một con tôm, tượng trưng cho bản mệnh người nhập vạn. Cá tràu hoặc cá ngạnh là tượng mệnh người trai. Con bống hoặc con tôm là tượng mệnh cho người gái. Trên mũi thuyền, con sào chống vát lên thành góc chéo trên chỗ bịt sắt buộc một dải vải đỏ bỏ thõng hai múi, tượng trưng cho sức mạnh dân vạn đầm, hai mái chèo gác hai bên chìa ra khỏi lòng thuyền theo hình vây cá, tượng trưng cho lòng chung thủy với nghề sông nước.
Cuộc hành lễ đơn sơ mà tráng lệ. Ông già cởi trần, ngực quấn một vòng vải đỏ như dải trên đầu sào, cầm một bó hương nghi ngút khói cắm lên đầu mũi thuyền. Đoạn ông lui về sau, rạp đầu lạy hai lạy, đan hai bàn tay vào nhau khuỳnh lên ngang trán, khấn xin. Xong, lạy tiếp hai lạy nữa. Bấy giờ chị – người nhập vạn, cũng cởi trần như thân chủ – mới đứng lên đu vào hai cánh tay của ông già và anh con trai bện chặt lấy nhau như một sợi dây. Hai người đánh võng chị và hú: “Hu hầy! “Hu hầy! “Hu hầy!”. Đến nhịp thứ ba thì chị buông tay để toàn thân rời “sợi dây” rơi tự do xuống đầm. Người ta nghe tiếng rơi của người mới nhập vạn để biết lòng Thần Phá. Tiếng rơi càng to càng gọn là Thần Phá vui lòng. Tiếng rơi xòe ra, lọc bọc, loc bóc… là Thần Phá không ưng, phải làm lễ khác vào một ngày khác.
Hai người vạm vỡ nên đánh võng mạnh quá làm chị sợ hết hồn co rúm cả bốn chân lại, người như một cục thịt tròn vo. Chị rơi như một hòn đá rơi. Mặt đầm bị chị khoét một lỗ thủng chui tọt xuống gọn gàng như không. Vậy là Hà Bá đã chấp nhận một người con mới của đầm phá. Thân chủ vái tạ. Bó hương cháy dở và các dải vải cúng điếu được thả xuống đầm cùng với con tôm bản mệnh. Lễ tất…”
Cùng lúc, tiếng lao xao ơi ới của người qua ngang gọi đò. Chị bừng tỉnh, chiếc đò ngang đã cập bến. Sang bên kia, dấn thêm non nửa buổi nữa là chị sẽ đến ven thành. Chị như nghe rõ tiếng gọi: “Đào ơi… ời” cùng cái vẫy tay quấn quýt của mẹ chị trước mặt. Rồi chị thấy hai cánh tay như hai cách chim non của thằng con trai lên năm đứng trên thuyền cạnh cha nó với tấm lưng khòm khòm như mu rùa mốc thếch rong rêu đầm phá. Thoắt cái, chị lại thấy hiện lên bóng ông già cùng lời trối trăng của ông văng vẳng bên tai. Thoắt cái, chị mường tượng hai cha con tơi rách nón mê lùi lũi đi giữa lễ hội ăn mày, đôi mắt von vót đuôi cá chình của nó không thèm liếc ngang mâm cỗ mà lại liếc xéo lên mắt chị như trách, như hỏi, như cầu mong chị trở về. Có lẽ, hai cha con không chỉ một lần đó, còn bao lần nữa rạc cả người, hết cả hơi, đi tìm chị…
Từ đâu đó, một giọng hò cất lên, vô tình mà làm lòng chị như muối xát:
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
Truông nhà Hồ nội tán cấm nghiêm
Tìm em như thể tìm chim
Chim ăn biển Bắc anh tìm biển Nam
…
Đang dợm chân bước xuống đò bỗng chị rên “ồi ồi” một tiếng trong cổ họng, rồi vụt quay người, chạy lui. Con bé trên lưng chị bị ngật đầu một cái, khóc ré. Chị vừa chạy vừa vỗ vào mông con. Con ơi! mẹ con ta trở lại với vạn thuyền với sóng nước, con à! Đừng khóc con ơi! Con sẽ gặp lại cha con, anh con, con à…
Chị cứ cúi cổ chạy, như thể nếu quay đầu lại nhìn một thoáng thì không thể nào trở lại đầm phá được nữa…
10.
Đó là chuyện hơn ba mươi năm về trước. Sau Cách mạng tháng Tám, tôi là cán bộ lưu dung vẫn làm ngành giao thông ở nhiều nơi trên miền Bắc, năm hòa bình được chuyển về Tổng cục. Phải mấy năm sau, tôi mới có dịp hỏi thăm về tới cái làng nhỏ bé nằm cạnh bờ sông Hoàng Long, Ninh Bình, dò tìm được tung tích cha mẹ cô Đào. Ông bà cụ không may đã mất vì bệnh tình, vì suy sụp vụ mất con dạo đó. Lạ một điều trong làng không ai chứng kiến được mẹ con cô Đào trở về quê hồi đó. Thế là biệt tin. Tôi trở về cơ quan với nỗi lòng nặng trĩu đau buồn. Không biết cô ấy còn hay mất. Chuyện gì đã xảy ra với cô ấy sau khi từ biệt mẹ và em gái tôi ra đi, tìm đường về quê cũ?
…Rồi cuộc kháng chiến kéo dài, mọi chuyện riêng tư, mọi éo le của hoàn cảnh đều được gác lại một bên.
Cho đến ngày thống nhất đất nước, tôi mới có dịp trở về quê thăm lại những người ruột thịt và làng xóm nơi chôn rau cắt rốn, sau mấy mươi năm xa cách. Bấy giờ tôi đã là một ông già sắp bước vào tuổi “nhĩ thuận”. Mẹ tôi đã mất. Cô Quý vẫn ở ngôi nhà cũ với một đàn dâu rể con cháu đông đúc. Chồng cô ấy là học sinh, lớn lên lấy vợ và theo cách mạng, hoạt động ở nội thành Huế và hy sinh trong một trận vây lùng của giặc hồi Mậu Thân. Chính nhờ cô Quý mà tôi gặp lại được người cũ trong một buổi chiều tôi cứ ngỡ là hao hao buổi chiều nào trong ký ức.
Bà Đào bấy giờ không còn sống trên mặt đầm nữa mà đã định cư trên bờ, tại vùng cửa Tư Hiền cách làng tôi không xa, chỉ non nửa giờ chạy xe máy. Chồng bà, người con vạn đầm hiền như ngọn rong ngày đó cũng đã mất. Bà có đến sáu người con. Hai người con mà ta đã biết, cô gái thì đi lấy chồng buôn bán bên kia đường quốc lộ, thỉnh thoảng đáp ca nô hoặc tàu nước vượt qua đầm để về thăm mẹ bên này. Còn người con trai mắt vót đuôi cá chình ngày nào giờ vẫn theo nghề trên sóng nước, có điều giờ đây anh ta là chủ của một đội thuyền máy khá lớn, chuyên đánh bắt khơi xa. Những ngày không đi biển hoặc từ biển trở về, anh ta neo thuyền ở mép cồn hoang giữa đầm nơi hồi xưa bố con anh vẫn găm thuyền mỗi khi nghỉ ngơi, rồi bơi xuồng gắn máy lên bờ, về nhà.
Tôi còn nhớ bà Đào thua tôi hai tuổi. Tóc bà không thấy bạc mà vẫn nhưng nhức y như làn tóc tiên bà vẫn chăm sóc hồi nào ở nhà tôi. Vẫn cái nước da ngăm ngăm mằn mặn. Vẫn đôi mắt to màu nâu cháy vừa cởi mở chân thật vừa bí ẩn xa xăm. Có điều đôi mắt ấy giờ đã nhăn rạn chân chim ở đằng đuôi, dấu vết của thời gian và cuộc sống gieo neo trên mặt đầm phá thời xưa.
Chúng tôi nhận ra nhau ngay trong phút đầu gặp lại sau bao năm dài bặt tin nhau. Có lẽ hình ảnh của hai đã in sâu trong tâm khảm của mỗi người, thời gian và sự ngăn cách không thể xóa nhòa được.
Bà kể lại những gì tôi chưa biết sau đó.
“…Khi chị tìm về chỗ góc đầm hoang vu, nhìn ra cái cồn nhỏ giữa phá, chị không thấy tăm hơi vạn thuyền chồng con đâu cả. Chị những tưởng hai cha con đã rời chỗ, đi làm ăn nơi khác, tại một nơi nào đó của cái dải đầm phá mênh mang chi xứ này. Một trên bờ, một dưới nước, bóng cá chớp chim… Chị cứ đi dọc đầm mà ới gọi, mà soi nhìn, nát cả chân, khản cả giọng. Ba ngày ròng rã như vậy, ba ngày dài như ba thế kỷ. Không khéo cha con vạn thuyền tan nát rồi, đã lưu lạc rồi, đã bị Hà Bá gọi về hầu hạ rồi…! Nghĩ như vậy nhưng chị vẫn chưa hết hy vọng. Chỉ mong sao cha con còn sống, có thể ngày nào đó chị sẽ tìm ra. Ngày đó, nếu như anh bắt được vợ khác, cũng là điều may mắn, cũng tốt, miễn là còn sống… Đến ngày thứ tư vẫn không thấy tăm hơi gì, chị định quay về nhà mẹ nuôi thì bỗng trong tiếng gió, chị nghe mơ hồ một tiếng chém nước phầm phâm đâu đó, rất xa… Tiếng chèo chém nước nhịp đôi một, ngọt và hơi ngâm của chồng chị thì tai chị nghe đã thuộc, không thể lẫn vào ai. Bao nhiêu năm sống trên đầm phá đã luyện cho chị một đôi mắt tinh như rắn nước, một đôi tai thính như vịt trời. Chị nhìn lướt một vòng cung ra mặt phá, định vị nơi phát ra tiếng chèo mà chỉ có chị mới nghe được, mới phân biệt được. Và chị quay lui, hướng tầm nhìn về phía hòn Thúy Vân. Kia rồi, từ bên kia mép hòn, một chấm mờ xuất hiện, to dần, to dần. Đến khi cái màu nâu như gan cá của nó hiện ra, chị đưa cả hai tay lên khoảng không mà ngoắt, ngửa cổ lên trời mà réo gọi. Chị lội ra giữa dòng nước ngập ngang ngực rồi bơi đứng. Con bé trên lưng chị khoái quá, vỗ tay a á. Vừa lúc chồng chị lướt thuyền tới, nhận ra vợ con mình. Anh quẳng chèo, nhảy xuống nước, như một con rái tơ, chỉ vài ba vòng rướn, anh đã xáp đến bên chị. Rồi một tay quặp lấy chị, một tay giật con bé ra khỏi tay chị, ấp chập vào ngực, dùng hai chân quẫy nước, bơi ngồi về thuyền. Thằng con trai đứng hai chân trên thuyền mới hơn năm tuổi nhưng đã ra vẻ ông chủ tương lai lắm; nó choãi hai chân ra, hai tay chống nạnh, mặt cứ ngất lên, nhắm tít mắt, cười hết cỡ… Mấy tuần sau đó, vợ chồng chị đánh được mẻ cá lớn, nách một rổ to đến thăm mẹ và cô em nuôi trên bờ để tạ cái ơn mà chị gọi là ơn “biển trời đầm phá”…
Tôi ngồi lặng phắc nghe bà Đào nói, lòng bâng khuâng không bút nào tả xiết. Sau một tiếng cười dường như vô tư, bỗng bà trầm ngâm, nói như thì thầm:
– Ngày đó, tôi yêu ông lắm mà không dám thổ lộ, ông có biết không ông?
Tôi cố nén một tiếng thở dài, không trả lời. Mà thật, bà Đào hỏi có phải để mong câu trả lời đâu! Bà nói tiếp hồn nhiên như không:
– Ờ mà ngày đó, tôi cũng lạ cũng liều ông nhỉ? Ai lại gái “mọi đầm” đã có hai con, lại dám đi yêu một ông tú tài tây, lại là ông anh nuôi của mình! – Bà cười khanh khách, tiếng cười nghe rất trẻ.
Lát sau bà chép miệng:
– Chuyện gần hết một đời người, ông nhỉ? À mãi sau này, vợ chồng tôi mới về Hoàng Long được, sau cái ngày ông đến tìm. Bây giờ thì đâu cũng là đất nước mình, tôi ở đây cũng được, cũng thuận, ông thấy có phải không?
– Vâng, cái hồi đó bà nghĩ sao mà quay lại đầm phá vậy bà? – Bất giác tôi hỏi một câu ngớ ngẩn.
Bà Đào im lặng một lát, thấp giọng lại, hơi xa xôi:
– Ông có nhớ về cái lễ hội ăn mày hàng năm ở làng ông không? Đấy, chuyện này chắc vừa rồi o Quý đã kể ông nghe. Có thể nói là bắt nguồn từ cái lễ hội đặc biệt kỳ lạ mà tôi được thấy tận mắt lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong đời. Bây giờ nước mình đâu có còn cái lễ hội nào như thế nữa. Đấy…!
Nói rồi, bà vào nhà trong để soạn sửa cơm đãi khách.
Tôi đứng lên, ra thềm ngoài. Ở đây, có thể nhìn vọi ra mặt đầm mà không bị cây cối bụi bờ che khuất. Bấy giờ, ráng chiều đã nhuộm. Cả một vùng bao la vốn ngun ngút xanh bỗng bừng lên, đổi sắc màu, đỏ ối cả trên trời dưới nước…
Hồng Nhu
Tạp chí Sông Hương số tháng 07 – năm 2000