IM LẶNG

Tôi đến đấy vào lúc đã mờ mặt người. Chưa bao giờ tôi gặp ở miền Bắc có những chiều hè dai dẳng, nặng nề như thế. Không khí oi ói không gợn gió, mây phủ hết lớp này đến lớp khác như một tấm mền bông xám ngoét muốn úp lấy thân người, rơi xuống đầu người. Mây che mất ánh sáng và gói tròn không khí lại. Dưới cái mền bông khổng lồ ấy, những con người ngơ ngác nhìn nhau, lo ngại đến một ngày giông bão, đổ vỡ.

Tôi đứng lại bờ sông như phải đội cả khoảng trời nặng nề ấy trên đầu. Từng đống cá sắp được đem đi công trường xếp thẳng hàng ngăn trước mặt. Nước tháng bảy cuốn nhanh như chạy trốn, rủ những đám bèo bọt, cành cây lũ lượt sợ hãi chạy theo. Bên kia sông, bóng khu nhà quân y viện đen xám lẫn với mầu mây. Một hồi kẻng chiều rền rĩ, xoáy vào không gian, miệng tôi như cắn phải một múi chanh, nhăn mặt lại.

Bước khỏi cổng ngoài bằng nứa quét vôi của quân y viện, tôi nghĩ ngay đến việc mình đi thăm sai giờ. Ấy thế nhưng tôi cứ bước, cũng như những ý nghĩ lạ lùng đã thúc đẩy tôi phải đi, ngay từ lúc bước chân lên chuyến ô tô cuối cùng về đây.

Chị y tá nhìn tôi bằng con mắt rất tròn, trả lời như thương hại:

– Đồng chí Hải là người miền Nam phải không? Tiếc cho anh quá.

Linh tính đã báo cho tôi một việc không hay. Có lẽ anh bạn thân của tôi đã được đem đi nơi khác; hay là… chị y tá nói tiếp:

– Đồng chí Hải mắc bệnh thần kinh nặng. Anh gặp bây giờ cũng như không. Một ngày lên mấy cơn đập phá. Chúng tôi phải để riêng một nơi để phục vụ.

Sau khi đã khẩn khoản nhờ chị cho nhìn mặt, tôi đi theo cái bóng áo trắng ấy về mãi gian phòng cuối cùng của quân y viện.

Ngọn đèn dầu được vặn to hơn. Ánh sáng vàng không đủ chói nhưng mắt tôi hoa lên. Bạn tôi vừa dứt một cơn điên, không mặt quần áo, đầu ngoẹo sang một bên, nằm lăn trên nền gạch. Người ta phải đắp cho anh một chiếc khăn nhỏ ngang bụng. Hai chân anh phải cột vào hai chiếc vòng sắt để tránh sự huỷ hoại thân thể lúc lên cơn. Người anh gầy hẳn, vàng xạm đi như nhuộm phải ánh đèn. Tóc anh nham nhở, nhiều nấc, có lẽ người ta phải khó nhọc lắm mới cắt đi được. Tôi cố hình dung lại con người đã sống chung với tôi mấy năm trước. Ngày tập kết, anh còn đi chung chuyến tầu, hay đùa cợt, dám vật nhau cả với những thân hình to lớn của các đồng chí bạn. Con mắt nụ cười của anh bao giờ cũng đến trước với mọi người. Mỗi lần bắt tay, ai cũng phải nhăn mặt lại. Anh hay nháy mắt giơ bộ ngực nở nang của mình ra để xin lỗi và thường gồng lên để thách phụ nữ đấm vào đến đau tay thì thôi. Ngày chia tay ở Sầm Sơn, anh còn chạy theo cả trăm thước, cắn vào bả vai tôi một cái chảy máu, bảo rằng kỷ niệm để nhớ lâu.

Ba năm rồi bây giờ mới lại gặp anh ở căn phòng nhỏ hẹp này. Mùi lá gồi mới lợp vừa thơm, vừa mốc quyện với mùi thuốc sát trùng nồng nồng, khó thở. Tất cả đã đổi thay như trải qua một dĩ vãng tàn phá, ghê rợn. Có những mẩu đời trong cuộc sống hoà bình đã thách thức con người phải trả giá gấp trăm lần trong chiến tranh. Anh bạn tôi đang lao vào sự thử thách ấy mà anh không thể biết. Trí khôn anh đã mất rồi. Vầng trán thông minh ngày xưa của anh vẫn còn như đang lơ láo nhìn tôi, mắt anh bỗng mở trừng trừng, môi anh chu ra nhìn mọi người một cách dè bỉu khinh bỉ, tiếp theo là một tiếng cười khô khốc, nức nở như từ đường nẻ của đất hạn vọng lên, rồi tắt hẳn. Anh ngủ dễ dàng như trẻ thơ sau khi đọc chuyện thần thoại.

Tôi nghĩ rằng mình cũng sắp sửa lên một cơn điên trong buồng ngực. Cơn điên của một người còn đầy đủ trí khôn. Tôi đến đây để tìm người bạn có đôi mắt sắc sảo đáng yêu, có một tâm hồn mà nguồn vui tưởng như vô địch. Tôi đã từng nghĩ lúc gặp nhau, tha hồ chuyện miền Nam, chuyện lá dừa, đọt sắn, chuyện vợ con bè bạn… Tôi sẽ giơ vai cho anh coi vết sẹo anh cắn ngày trước và lúc đi, thế nào cũng được anh tặng thêm vết nữa cho cân đối. Tất cả bây giờ đều ngược lại.

Tiếng một người con gái làm tôi giật mình:

– Anh cũng là người miền Nam đấy à?

Mải nhìn bạn, tôi không thấy chị y tá đã về phòng thường trực từ lúc nào, bên cạnh tôi, khuất trong bóng tối còn một người con gái nữa. Chị nói tiếp, rõ ràng giọng miền Bắc ấm ấm, nhè nhẹ:

– Lắm lúc anh Hải lên cơn, mặt tái xanh, húc đầu vào cửa ầm ầm. Người ngày càng xọp đi. Thấy anh ấy bỏ cơm bỏ cháo tôi chẳng lòng nào mà nuốt được.

– Chị là y tá ở đây à?

– Không, tôi là hộ lý, là… công vụ.

– Chị được phân công giúp Hải?

– Vâng.

Chị soi đèn mở chiếc vòng sắt dưới chân Hải. Ánh sáng thu gọn vào hai mắt thì đúng hơn. Đôi mắt long lanh ươn ướt hình như vừa có ngấn nước. Trên gò má cao cao, nó càng sâu thăm thẳm như đọng ở đấy nhiều đêm nghĩ ngợi. Tóc chị xoã xuống lấp nửa vừng trán, tôi nhìn thấy rõ một vết sẹo dài nằm ngang thái dương. Mái tóc chị càng làm tôi ngạc nhiên, chưa che hết gáy. Chị cử động nhanh nhẹn, hơi thở mạnh từng giây đứt đoạn, mệt mỏi. Tất cả đã nói với tôi một con người chịu đựng và đang buồn.

Thấy tôi nhìn, chị sẽ khép tà áo đứt chiếc cúc dưới lại. Tôi biết ý quay đi, hiểu thêm một sự chín chắn nữa trong con người chị.

– Trong lúc lên cơn vừa rồi năm sáu người giữ cũng không được. Mấy người bị toạc cả áo.

Nói xong chị hộ lý lại nhìn Hải, tay quạt cho anh đều đều như đã thành một thói quen. Thấy Hải ngủ say sưa, chị thở một hơi dài. Cái thở dài nhẹ nhõm của một người đàn bà vừa qua một thử thách. Tôi hỏi:

– Chị ở đây suốt ngày suốt đêm à?

– Vâng.

– Được bao lâu rồi chị?

– Năm tháng.

– Chị có biết tại sao Hải bị điên không?

Tự nhiên tôi thấy hai mắt chị cùng với ngọn đèn nhìn tôi như soi mói. Một lúc lâu chị sẽ quay đi, lắc đầu. Từ lúc ấy chị không nói gì nữa cho tới lúc tôi rời khỏi quân y viện.

Lần ấy là lần thứ nhất tôi gặp Hải từ ngày ra Bắc. Cũng từ đêm ấy tôi giữ mãi hình ảnh một người điên và một người con gái lạ lùng trong đầu.

*

*        *

Khi một gã con trai, vì một sự xúc động quá mạnh nào đó, phải để rơi vài giọt nước mắt, thì lập tức sau đó gã sẽ tìm thấy ngay ở mình một sự hèn yếu. Lòng tự ái sẽ làm cho mắt gã nẩy những tia uất ức, gã sẽ lao vào cuộc sống phá cho tan những gì làm cho gã thành kẻ yếu hèn. Có lẽ cũng vì thế mà trên trán những gã con trai cứ ngày càng cứng cỏi, dày dạn hơn, bình tĩnh và trầm lặng hơn, để đến một ngày nào đó, không một cái gì có thể làm hoen được mắt gã nữa.

Lần thứ hai tôi gặp Hải trong câu chuyện ấy.

Tôi trở lại quân y viện vào một sáng mùa đông chớm nắng, không lạnh lắm. Sau mười tháng điều trị, Hải đã khỏi, anh sắp trở về đơn vị.

Chúng tôi ngồi trên đống đá cạnh bờ sông. Hải hút thuốc hết điếu này đến điếu khác. Còn mấy điếu cuối cùng tôi đưa anh cả. Hải nói:

– Bây giờ tôi nghiện thuốc thực sự rồi anh ạ. Chỉ có những lúc quá buồn hay quá vui người ta mới sinh ra hút thuốc. Trên đời này mấy ai bỗng dưng quen với thuốc lá bao giờ.

Tôi hiểu. Ngay lúc mới gặp, tôi đã thấy cái bắt tay, tiếng cười, giọng nói của anh khác ngày tập kết nhiều lắm. Người anh có nhiều thay đổi, duy đôi mắt quầng đen lồ lộ là rõ nét nhất. Hải nói tiếp:

– Bây giờ cũng chẳng giấu anh làm gì. Rồi thì anh sẽ hiểu tại sao tôi không nói với anh trong mấy năm qua. Đằng nào vợ tôi cũng không còn nữa. Anh là người thứ hai sẽ nghe chuyện đời tôi. Người thứ nhứt là nữ hộ lý anh đã gặp mấy tháng trước. Đó là việc tình cờ.

Thấy tôi hơi ngạc nhiên, Hải tiếp:

– Những người điên không hợp với sự săn sóc khô khan cứng cỏi của đàn ông, bệnh họ chỉ hợp với bàn tay người đàn bà. Do đó chị ta được phân công phục vụ tôi. Tôi không rõ chị ta bao nhiêu tuổi chỉ biết chị cũng đã đáng tuổi phải lấy chồng. Chẳng bao giờ tôi được nghe chuyện đời riêng chị ta, mặc dầu chị ta lại hay hỏi chuyện riêng của tôi tỉ mỉ. Lúc đầu bệnh nhẹ, cả tuần lễ tôi mới lên một cơn. Những chiều tỉnh táo, chúng tôi thường nói chuyện với nhau. Tôi biết chị ta hỏi chuyện riêng để an ủi chữa bệnh cho tôi, nhưng đã hỏi thì tôi cứ nói. Tôi cũng không hiểu chuyện mình có thành một tiếng động, đánh thức một nỗi gì trong lòng chị. Tôi thấy nét mặt chị có nhiều biến đổi. Khi những biến đổi ấy dằn vặt đến lúc không tự chủ được nữa, chị sắp nói đời riêng với tôi thì tôi bị bệnh nặng. Câu chuyện bị cắt dứt từ đấy. Khi khỏi bệnh, tôi không thấy chị đâu nữa. Người ta bảo chị đã đổi đi một quân y viện nào xa lắm.

Hải nhìn vào mắt tôi như đắn đo gởi gắm một điều gì, rồi tiếp:

– Bây giờ anh có thể nghe chuyện riêng của tôi như tôi đã từng kể với chị ta. Từng đoạn anh sẽ hiểu thêm về người hộ lý ấy:

… Năm anh xuống miền Tây công tác, chúng mình chia tay tại Vàm Cỏ Đông, anh còn nhớ đấy. Chính dòng sông ấy sau này tôi đã gặp vợ tôi. Một người con gái không đẹp lắm, không gan dạ như những cô du kích khác nhưng tôi xin bảo đảm là ngoan ngoãn và yêu chồng. Tất nhiên trước khi gặp tôi, cô đã quen nhiều người. Tại sao chúng tôi thành vợ chồng, đó là một việc khác. Cô ta làm liên lạc với huyện trong vùng địch hậu. Cứ cách vài đêm tôi lại ra chỗ hẹn gặp cô để lấy gạo, tiền, giấy tờ và nhận thêm một ít… nụ cười. Cái cười nửa miệng chỉ mờ mờ trong ánh trăng, không dám thành tiếng vì đồn giặc bên cạnh, nhưng nó gắn chặt mãi vào mắt tôi. Mỗi lần chia tay, cô ta đều ghé sát tai tôi, nói nhỏ:

– Em chào hết mấy anh ở nhà nhe!

Mái tóc loà xoà của cô cọ vào má tôi ngưa ngứa. Tiếng “hết” kéo dài một cách nhũng nhẽo dễ thương, phà một hơi nóng trên má tôi và dần dần chạy khắp cơ thể. Sau này nói chuyện về đàn bà, anh thấy tôi hay xoa tay lên má là do đấy. Không hiểu sao chỉ một hơi thở nhẹ mà đàn bà họ cũng chinh phục ngay được những thằng con trai mình.

Thế rồi chúng tôi yêu nhau. Suốt một năm trời tôi chỉ được ngắm khuôn mặt và nụ cười người yêu qua bóng trăng. Nói chuyện bằng chữ nhiều hơn bằng lời. Bóng đêm lúc ấy đối với tôi là chiến thắng và hạnh phúc.

Dắt nhau về vùng căn cứ làm lễ cưới xong, chúng tôi lại trở về địch hậu. Vợ tôi cất một quán nhỏ bán trà thuốc ở ven sông, cách xa xóm để tiện đường liên lạc với tôi và trên huyện. Tuổi trẻ thà chưa bước vào yêu, khi đã nếm phải mùi, lúc nào tôi cũng như người khát nước. Cuộc đời, xin thú thật, nó thu gọn chỉ trong một người đàn bà. Chiến trường ngày càng găng. Mấy tháng tôi mới mò mẫm về thăm được vài giờ rồi đi. Mỗi lần đi tôi lại mang về ít đồ ăn cho anh em, và không bao giờ quên cái hơi âm ấm và cảm giác ngưa ngứa trên da mặt. À, hình như tôi chưa bao giờ thấy vợ tôi khóc. Trước mặt tôi chỉ toàn là động viên, cười tươi như hoa coi bộ cứng cỏi lắm, nhưng nhìn trong mắt, tôi biết cô ta còn để dành nước mắt. Lát nữa tôi đi, tha hồ úp mặt xuống giường. Những đau khổ trong lòng cũng như ngoài thể xác chẳng bao giờ người đàn bà tốt nết lại dễ dàng thổ lộ với chồng anh ạ.

Đêm ấy, trên đường công tác trở về, tiện đường tôi được phép ghé nhà. Trời không mây nhưng sao cũng biến mất. Bóng tối lành lạnh vùng địch hậu không một ánh đèn làm người không quen thấy rợn người.

Tới nhà, tôi làm ám hiệu mấy lần vợ tôi vẫn chưa ra mở cửa. Lúc ấy tôi không tin đã có chuyện xảy ra, cũng như trước đây tôi rất ít nghĩ đến. Tình yêu và tuổi trẻ đã làm tôi nhìn đời bằng cái thế bách chiến bách thắng, hai mắt mình chẳng còn một kẽ hở nào để lọt vào được vài mất mát đau xót. Tôi yên trí gọi ám hiệu.

Một lúc lâu lắm, cánh cửa khẽ hé ra, dè dặt. Một tiếng nói khẽ, hoảng hốt, ướt những nước mắt:

– Anh mới về…

Vợ tôi hiện ra và khóc mùi. Tôi chỉ còn biết giương to mắt nhìn một việc mà mình cho là hết sức lạ. Qua bóng tối, nước mắt người đàn bà lần đầu tiên trở thành mũi dao nhọn nay cứa tim tôi. Tất nhiên tình thương đến với tôi trước nhứt. Tôi ước ao chịu được thay cho vợ mình những đau khổ gì vậy.

Nửa đêm ấy tôi đã biết rõ mọi việc. Ai ngờ thủ phạm lại chính là thằng Lộc, bạn tôi. Trước kia vợ tôi còn con gái, nó đã say mê theo sát hàng năm. Nhưng đôi mắt hay đảo ngược của nó không ai có thể ưng ý được. Hôm trước, vì thân tình cùng đơn vị, tôi đã dẫn nó ghé nhà chơi một lần. Đêm ấy, vợ tôi đã nấu cháo gà, bưng tới mời tận miệng nó. Không ngờ nhân những ngày tôi đi công tác vắng, đêm vừa qua nó lại mò về. Nó nói dối tôi chết rồi. Chết bỏ xác trong lúc nghiên cứu giữa đồn giặc. Vợ tôi như một con gà giẫy chết, lăn lộn trên giường, chỉ ấm ứ trong miệng, không dám khóc to. Nó đưa cái đồng hồ mới ăn cắp của tôi cho vợ tôi coi để làm tin. Tỏ lòng thương hại xong, tất nhiên nó thi hành tới ngón sở trường của nó. Gạ gẫm, dụ dỗ mãi không được, nó giở tới cái sức mạnh của một thằng đàn ông. Anh coi, một tên lưng rộng như một thớt trâu đang mang một sự thèm muốn cuồng dại, đối với một người đàn bà suốt đời hai tay chỉ cầm nổi hai mái chèo làm ăn ở ven sông, thì anh đã hiểu câu chuyện nó xảy ra như thế nào…

Nghe vợ nói đến đấy, máu trong người tôi như dồn hết lên mặt, tay run lên, tôi xách cây tiểu liên bước ra cửa. Phải về gặp nó ngay đêm nay và nếu cần, tôi sẽ dành cho nó một băng vào giữa ngực. Mắt tôi đỏ ngầu như con thú bị đạn. Tôi vừa bị mất một cái gì quá lớn: một cánh tay, một bàn chân hay một trái bom từ trên cao rơi xuống giữa đỉnh đầu. Nhưng không hiểu sao, lại đàn bà, tiếng khóc của người đàn bà như mũi dao giữ chân tôi lại. Tôi trở vào với hai con mắt nhìn kẻ tình địch. Trước mặt tôi đang hiện rõ ràng một thằng Lộc không sai một nét. Tôi bước tới sau lưng vợ tôi, giọng nghiến ngấu giữa hai hàm răng:

– Nó đã làm gì được cô chưa?

Vợ tôi không trả lời, càng khóc to hơn. Tôi vẫn chưa dám tin và mong cái “việc” ấy đừng đến. Giọng tôi rít lại, điên dại:

– Nó đã làm gì được chưa?!

Vợ tôi lại nức nở… nức nở… Tiếng khóc đã cho tôi biết sự thực tàn nhẫn ấy. Mắt tôi nhắm lại, một cái tát rất mạnh, rất gọn in trên má vợ tôi.

Việc thân thể vợ bị xâm phạm có lẽ không làm tôi khổ bằng cái tát này anh ạ. Mãi mãi về sau tôi sẽ nói với người còn sống như thế nào để chuộc lại tội lỗi ấy. Lúc giơ tay lên, tôi cũng không hiểu mình đánh để làm gì. Chỉ loáng thoáng thấy vợ tôi đáng ghét, tiếng khóc như một lũ yêu ma, đĩ thõa. Nhưng khi tát xong, đầu cô ta chúi vào tường, tiếng khóc bị câm lặng ri rỉ trong miệng, người tôi mềm ra, chân đứng không vững nữa. Khi tình thương trở lại, tôi mới bắt đầu hiểu được cái đức tính nhịn nhục yêu chồng vô giá của người đàn bà. Tại sao những đau khổ nhỏ nhặt khác họ thà chịu đựng một mình, không hé răng với chồng, nhưng những đau khổ lớn người ta dám nói thật ngay với mình. Rõ ràng họ mong tìm ở mình một sự che chở chứ không phải cái thái độ như tôi.

Lúc bị cưỡng ép, vợ tôi có la lên một tiếng là giặc sẽ ập lại ngay. Người bị bắt nhứt định phải là thằng Lộc. Nhưng cô ta không muốn làm như thế. Thằng Lộc là một trinh sát giỏi, liều lĩnh, gan dạ. Bọn giặc gọi nó là con mèo rừng. Bao nhiêu lô cốt khó khăn nguy hiểm nó đều mò vào đặt mìn được. Ban chỉ huy tiểu đoàn coi nó như con cưng. Nhân dân tôn sùng nó như đấng thánh thần. Mất nó như mất cánh tay của đơn vị, mất sức che chở thiêng liêng của đồng bào. Vợ tôi vừa sợ vừa không nỡ để nó bị bắt. Để nó mất đi là mất một người cơ sở. Không chịu được tra tấn biết đâu nó chẳng làm hại bao nhiêu người khác. Những ý nghĩ ấy đã làm vợ tôi cắn răng, im lặng chống trả với nó. Chửi bới chán rồi van lậy nó, mong nó hồi tâm. Cho đến khi quần áo rách hết, đầu bị đập vào tường đau quá, mệt lả đi, thằng Lộc mới được tự do làm cái việc khốn kiếp của nó.

Đêm sau tôi về tới đơn vị. Vợ tôi tha chết cho nó nhưng tại sao tôi lại không thể tha chết cho nó được. Ý nghĩ ấy dằn vặt tôi suốt dọc đường, ngay cả lúc nói chuyện với đồng chí bí thư. Không, vợ tôi không phải là nạn nhân chính, chính tôi mới là nạn nhân chính. Tôi xin phép nói thẳng với đồng chí bí thư, tôi đã để dành cho nó một băng đạn. Nhớ lúc đi, vợ tôi run run van tôi đừng nóng. Tôi nghĩ ngay đến chuyện cô ta muốn che chở cho nó. Mắt tôi ngùn ngụt lửa. May sao vợ tôi đã giúp cho tôi vượt qua một tội lỗi nữa, cô ta lùi ra xa, nếu không một cái tát khác đã đến rồi.

Đồng chí bí thư nói chuyện với tôi suốt đêm tới sáng. Cuối cùng, trước sau tôi cũng phải làm như vợ tôi, không còn con đường nào khác. Đêm mai chúng tôi đã phải đi hạ một đồn lớn. Nếu vắng thằng Lộc không ai kịp đảm nhiệm phá lô cốt chính. Không thắng trận này, cả huyện quê tôi sẽ hỏng chương trình phối hợp, công lao chuẩn bị cả năm nay sẽ toi công. Chính vợ tôi cũng phải lặn lội bao lâu để đổi lấy chiến thắng này.

Cả ngày hôm sau tôi tránh không gặp mặt nó. Nó yên trí tôi mới đi công tác về chưa biết gì, nên vẫn nghiêng nghiêng nhìn mọi người bằng nửa đuôi mắt. Suốt ngày tôi ngậm sự im lặng trong lòng như mang một mụn nhọt đã cương lên không được nặn. Mấy lần lời nói đưa ra tới miệng, lại uốn lưỡi nuốt vào. Do đó, sự cắn răng chống trả với thằng Lộc của vợ tôi đã làm tôi mến phục đến khiếp sợ.

Tối ấy đang hành quân đi đánh đồn, bỗng nhiên chúng tôi bị giặc phục kích giữa đường bắn dữ đội. Cả cuộc tấn công đồn bị lộ. Thì ra thằng Lộc đã trốn về với giặc. Bọn phòng nhì đã lợi dụng được nó trong hàng ngũ chúng tôi từ bao giờ. Cái kiêu ngạo và sự được trọng vọng quá trớn đã làm nó sa ngã. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao nó dám liều lĩnh cưỡng ép một người vợ bạn nó.

Lập tức đêm ấy tôi xin phép về thăm nhà đồng thời chuyển trạm liên lạc của vợ tôi đi nơi khác. Tới nơi, vợ tôi lại ôm chặt lấy tôi khóc nức nở như vừa qua một sự khủng khiếp. Quần áo rách tả tơi, trên thái dương một vết máu ri rỉ chảy. Hồi nãy thằng Lộc lại mò tới. Trên đường ra đồn giặc, nó ghé lại đây để gỡ gạc lần cuối. Vợ tôi vẫn cắn răng chống trả quyết liệt. Cái tát của tôi như còn nóng hổi trên má. Nhứt là lời tôi nói đêm qua, câu nói mà vợ tôi bảo sẽ nhớ mãi trọn đời không bao giờ quên được: “Em hãy bảo vệ tình yêu như bảo vệ sinh mạng của mình. Thà chết còn hơn chịu nhục”. Không, vợ tôi không bao giờ chịu nhục. Hôm trước phải chịu thua nó vì muốn bảo vệ cho kháng chiến còn một người trinh sát giỏi. Câu nói ấy của một người nóng nảy, thiếu suy nghĩ như tôi, nhưng đêm nay đã làm vợ tôi tăng sức chống trả. Cô ta đã lấy dao chém lại nó, chạy thoát được ra ngoài, vẫn không hề hé răng một tiếng. Anh coi, sự im lặng của một người đàn bà.

Nghe vợ nói lại, tôi vừa tức vừa mừng. Từ lúc ấy tôi càng thấy yên trí, sung sướng với câu nói chí tình ấy của mình. Tôi tin lời tôi như con bồ câu tin hạt thóc vàng trước mặt. Nhưng cuộc đời cứ tạm như vậy cả, có lẽ tôi đã không ra thế này.

Hải ngừng kể. Trong khuôn mặt chỉ có đôi mắt anh hơi biến sắc. Nó vụt loé lên rồi nheo lại như vừa chạm phải một tia sáng quá mạnh. Một lúc, Hải nói:

… Anh đừng vội cho tôi không xứng đáng làm chồng. Với lòng yêu vợ không bao giờ tôi có thể quên được lỗi của tôi. Nhưng trước đây, chị hộ lý trong quân y viện này lại hiểu khác. Tôi đã kể cho chị ta nghe đoạn trên đây vào hai buổi chiều liền nhau. Khi mặt trời xuống đỏ dãy núi đằng kia, chúng tôi cũng thường ngồi nhìn ra quãng sông này nói chuyện. Làm sao mà đọc được tâm tư của người con gái khó hiểu này. Khi nghe đoạn vợ chồng tôi yêu nhau, chỉ nhìn nhau qua ánh trăng, mắt chị cũng tự nhiên sáng lên óng ánh. Nhưng chỉ được một lúc người chị lại rũ xuống. Nụ cười vẫn động viên tôi tắt hẳn. Chị cố giữ kín đáo nhưng dù sao cũng là sự kín đáo của đàn bà, chỉ đến tối tôi đã thấy hai mắt chị sưng lên. Tôi nghĩ rằng mình đã làm điều gì có lỗi. Chiều hôm sau tôi ngỏ ý ấy, chị gạt ngay đi. Yên trí, tôi lại tiếp tục kể. Lúc tôi kể tới đoạn vợ tôi bị cưỡng hiếp, mặt chị bỗng co lại, gò má nhô lên, tia mắt ánh lên một điều gì kinh khủng. Một hình ảnh hiện ra trước mắt chị chăng? Khuôn mặt ấy cứ giữ như thế cho tới khi nghe vợ tôi bị tôi tát, chị bỗng nhìn thẳng vào mặt tôi như soi mói. Ánh mặt trời từ trên ngọn núi trong mắt chị vài tia lửa đỏ, mặt tôi cũng cảm thấy từng vết nóng nóng như bị đôi mắt kia in vào. Bắt đầu từ hôm ấy, chị không nói chuyện với tôi nữa. Đôi lúc chị cố khuyên tôi một cách bâng quơ, ngây ngô như nói trong quãng trống.

– Anh làm sao cho mau khỏe mạnh kẻo tội nghiệp chị ấy ở miền Nam…

Chị bưng cơm tới cho tôi rồi đi, không ngồi quạt hoặc mời như mọi khi. Một buổi sáng chị mang tới cho tôi phích nước đầy. Không hiểu tôi chưa cầm kịp hay chị vội quay đi, cái phích rơi xuống đất nổ tung. Chiều hôm ấy chị mua về đền quân y cái phích mới hơn vạn đồng. Anh biết đấy, lương tháng người hộ lý vừa hơn hai vạn.

Nhưng một tuần sau chị lại đến với tôi bằng nụ cười như cũ. Bệnh tôi vẫn chưa bớt được chút nào, cách năm sáu ngày lại lên một cơn. Chị an ủi tôi như một cái máy làm nhiệm vụ chữa bệnh. Cái máy có đôi mắt rất buồn và khó hiểu. Dù sao tôi cũng cảm thấy có một bàn tay trìu mến. Những lời an ủi của người con gái vẫn ngọt như chùm nhãn ngày hè. Nể lòng chị, tôi lại kể tiếp câu chuyện của mình…

*

*         *

… Từ khi thằng Lộc theo giặc, cơ sở bị lộ, vợ tôi phải chuyển công tác khác. Chúng tôi xa nhau từ đấy. Ngày tập kết, vợ tôi mới có dịp xuống thăm tôi. Nửa tháng trời sống chung với nhau tại Cao Lãnh, đó là lần gần nhau lâu nhứt kể từ khi cưới. Nụ cười nửa miệng qua ánh trăng bây giờ tôi mới được ngắm rõ nét giữa ban ngày. Lần đầu tiên chúng tôi được tự do trao đổi thoải mái. Đêm đêm nằm gần nhau tôi ước ao có một đứa con gởi lại miền Nam trong lúc mình tạm thời ra Bắc. Vợ tôi chỉ đỏ mặt cắn vào vai tôi im lặng. Hình như đã từ lâu cô ta muốn có con hơn cả tôi.Tôi tin tưởng ngày về vợ tôi sẽ trao cho tôi bồng một đứa con gái rất giống má nó, có đôi mắt nâu nâu, đôi môi nho nhỏ hay chu ra và lấm tấm mồ hôi những lúc buồn. Mái tóc mai của nó cũng loà xoà trên mặt, biết đâu lúc lớn lên nó chẳng làm ngứa má một người con trai nào khác. Vì thế, trên chuyến tầu tập kết, tuy nhớ vợ nhưng anh thấy lúc nào tôi cũng nhẩy nhót như một con chim. Con chim đang đi tha mồi cho vợ ở nhà ấp trứng. Mệt mỏi mà hí hửng.

Tôi nhớ mãi lúc tầu sắp chạy, thấy tôi đứng tần ngần suy nghĩ, vợ tôi như hiểu ý. Cô ta khuyên tôi bằng tất cả sự thông minh của một người đàn bà:

– Em biết rồi, anh đừng lo. Có bề gì đã có bà con lối xóm. Em vẫn nhớ lời anh. Em sẽ giữ gìn… như giữ gìn sinh mạng của mình. Thà chết còn hơn chịu nhục.

Ngừng một lúc để trút tiếng thở dài, cô ta nói tiếp:

– Nếu có con em sẽ cố gắng nuôi nó một mình, sau này anh về nuôi phụ với em…

Tôi nhìn chăm chú như muốn nuốt cả khuôn mặt, thân người vợ vào gan ruột.

Ra đây một năm tôi mới nhận được thư. Vợ tôi có thai, đẻ con gái thật. Phần vui chỉ ở đoạn đầu, đoạn sau toàn chuyện buồn. Thằng Lộc bây giờ là thiếu tá quân đội Diệm, nó phụ giúp bọn cố vấn Mỹ ở tỉnh tôi. Chúng lùng bắt người kháng chiến như chó hục hặc ổ chim trên cây. Vợ tôi bị nó chọc ghẹo chán rồi hăm dọa, phải gửi con cho mẹ vợ tôi rồi đi trốn. Cô ta đã phải nhịn ăn liên tiếp để thân thể gầy ốm lại, rồi xin phép tôi cạo trọc đầu để làm xấu duyên mình đi. Chờ một lời tôi gửi vào mái tóc đó sẽ không còn. Anh coi, khi làm một người chồng, anh có thể bảo vệ mái tóc vừa ấm vừa thương của vợ như con mắt mình. Huống chi mái tóc ấy đã ghi cho tôi bao kỷ niệm ngưa ngứa trên da mặt.

Sau đó tôi nhận được mấy cái thư nữa. Tình hình ngày càng găng. Vợ tôi trốn mãi ở nhà mẹ tôi và cháu có thể đói. Cô ta đã phải cạo trọc đầu thật rồi. Vài sợi tóc gửi ra cho tôi làm kỷ niệm. Trước khi cạo cô ta đã bồng con đi chụp hình. Mái tóc cố ý xõa ra, biêng biếc dài, che lấy thân con. Bức ảnh ghi như thế này: “Anh hiểu giùm em. Thà chịu xấu. Thà cái thân em không còn. Bao giờ em cũng giữ lời hứa với anh…”.

Bắt đầu từ ngày ấy, vết thương cũ trên đầu làm tôi nhức nhối trở lại. Mắt tôi nhoi nhói, có lẽ mái tóc vợ bị mất, đôi mắt mình ai cũng đã moi đi một ít ánh sáng. Có chiều tôi nằm im lặng hàng giờ. Có đêm hình như rân rấn nước mắt. Liền sau đó tôi lại xấu hổ vì sự yếu đuối. Tôi lao vào tập luyện. Có lần xung phong, tôi đâm vào bù nhìn rơm đến nỗi tôi và nó cùng lăn xuống chiến hào. Nắng hè nóng gay gắt, muốn nóng tôi cho nóng, tôi đứng lì ngoài trời không thèm vào bóng mát. Anh em bảo tôi có đôi mắt đỏ ngầu như cá sông.

Cách năm tháng sau tôi mới lại nhận được thư. Một nét chữ khác của người chú họ gửi ra. Chắc chắn từ nay tôi sẽ không bao giờ điên nữa nên mới đủ sức kể anh nghe chuyện này. Anh coi, vẫn cái lưng như một thớt trâu của thằng Lộc, với đôi mắt hau háu trả thù và thèm muốn đến cực độ; còn vợ tôi chỉ có hai bàn tay của người đàn bà xa chồng chống lại. Nhưng lần này vợ tôi không im lặng nữa. Đã đến lúc phải cất tiếng lên, mặc dầu biết rằng những tiếng nói cuối cùng của đời mình. Tiếng chửi rủa tố cáo của vợ tôi vọng ra bên ngoài đồn, dân xóm đều biết. Đêm ấy vợ tôi đã vĩnh viễn trao con lại cho bà ngoại nó. Bây giờ thì có lẽ cô ta đã nằm yên trong một miếng vườn nhỏ, mặt nhìn ra ngã ba sông, ở đấy có ngôi nhà cũ của mẹ tôi, hồi còn bé tôi cũng thường hay ngồi trong miếng vườn ấy nhìn ra, ngóng mẹ trong đám xuồng về chợ. Sau này trở về, xuống chúng ta cũng lại sẽ đi ngang con sông ấy. Tôi sẽ có dịp nhắc lại với anh lời hứa của cô ta ngày tập kết. Câu nói bây giờ như còn văng vẳng bên tai.

Như vậy anh đã hiểu tại sao hai ngày sau người ta phải mang tôi vào bệnh viện với vết thương cũ trên đầu nhức nhối trở lại. Tôi đã để lỡ vài giọt nước mắt. Người yêu tôi sống lại chắc sẽ nhìn tôi bằng con mắt trách móc. Cứ ném câu chuyện vợ chồng tôi vào giữa thế hệ chúng mình thì nó chỉ lọt thỏm như giọt sương rơi xuống giữa cánh đồng, nhưng nhiều khi, tôi vẫn nghĩ những người như tôi là khổ nhứt trên đời. Khổ hơn cả những sự đói cơm rách áo, mất chân mất tay. Sự khó chịu ấy nghiền ngấu tôi thành điên dại.

Rồi cũng lại đàn bà, hình như trời đã sinh ra đàn bà để cho chuyện đời sâu thêm nhiều lý lẽ. Tôi gặp người nữ hộ lý ấy ở tại đây, ở cái quân y viện nhỏ bé của người điên này. Tôi chưa kịp hiểu chị ta có những tâm sự gì day dứt hơn tôi, nhưng tôi biết, trong sự im lặng ấy chắc có nhiều điều đáng nói.

Đến đây, Hải ngừng kể, anh lượm mấy tàn thuốc hồi nãy xé ra vấn thành điếu mới hút lại. Trưa mùa đông mây chỉ còn đọng dưới chân đèo xa xa. Trên ngọn núi, nắng đã dọn thành màu ửng hồng. Kẻng quân y lại rền rĩ báo tin giờ ngủ, bầy chim như bị hất tung ra khỏi tổ, náo động.

Hải chỉ cho tôi xem những đường vá rất khéo léo trên áo anh:

– Trong những ngày điên tôi đã xé mất mấy bộ quân phục. Chính chị hộ lý ấy đã vá giùm tôi. Trên cổ lại thêu thêm một chữ H rất xinh nữa. Anh xem, rõ ràng đường chỉ của một bàn tay cẩn thận.

– Chị ta có hỏi gì chuyện riêng của anh nữa không?

Hải không đáp. Tôi biết lòng anh bây giờ đang mang hai con đường, mỗi con đường có một người đàn bà, mỗi người đàn bà đều để ở trong anh một cái gì rất nặng. Một lúc sau, Hải kể tiếp:

– Tôi kể cho chị hộ lý ấy nghe đoạn sau của vợ chồng tôi vào nhiều buổi chiều nữa. Từ đấy cứ sáng dậy, tôi thấy hai mắt chị sưng lên. Ngồi bên tôi chị hay quay đi, giấu mặt. Chị nói ít hơn và quấn quýt bên tôi hơn. Người chị ngày càng xanh xao. Đôi mắt thiếu ngủ sâu vào, tỏa ra những cái nhìn tím sẫm. Đôi lúc chị lại hỏi đến vợ tôi. Lúc này chị không còn an ủi tôi nữa, mà có lẽ, giá tôi được tỉnh táo như bây giờ, tôi phải an ủi chị mới đúng. Chị nói buồn buồn:

– Tội nghiệp chị Hải nhỉ, chị không còn sống ra đây mà săn sóc anh Hải…

Tôi chỉ thở dài. Rồi chị nói bâng quơ:

– Em cũng ước gì được vào Nam mà cắn chết chúng nó như chị Hải. Chết như vậy mà sung sướng anh ạ. Tội nghiệp cái thân người đàn bà…

Câu chuyện chỉ chấm dứt ở đấy vì như có cái gì đã chặn ngang cổ, chị không nói được nữa. Trong sự nghẹn ngào ấy, chị đã có một tâm sự gì với vợ tôi chăng? Cùng một giới với nhau có lẽ chị hiểu vợ tôi hơn tôi cũng nên. Tôi hiểu như thế và tự nhiên như có một cái gì đã làm gần chị lại với tôi. Giống như sau cuộc đắm thuyền còn lại có hai người, cùng gặp nhau trên một tấm ván.

Có một buổi tôi còn nhớ rõ, giữa trưa nắng gắt chị mang về cho tôi một chùm nhãn trái lớn lắm. Suốt từ ngoài cổng vào ai xin chị cũng không cho. Chị vuốt mồ hôi trên mớ tóc ngắn ngủi, nhìn trước sau không có ai, khẽ bảo tôi:

– Anh ăn đi, nhãn quê nhà ta đấy!

Quê nhà nào? Tôi mở tròn đôi mắt. Chị nói tiếp:

– Ngày xưa anh hay ăn nhãn lắm mà. Nhãn Hưng Yên đấy, anh ăn đi!

Một lần nữa tôi lại phải kiếm lại bộ óc không bình thường của mình. Rõ ràng quê tôi ở Nam Bộ. ở cái miền Lái Thiêu đất đen, nước phèn, nhiều sầu riêng, măng cụt. Từ nhỏ tôi thích ăn măng chớ có khi nào thấy trái nhãn bao giờ. Tôi ngơ ngác hỏi:

– Hưng Yên ở đâu? Tôi có ăn nhãn hồi nào đâu?

Biết tôi không phải lúc loạn trí, chị hơi ngượng ngùng. Giọng chị khào khào trong hơi thở dài:

– Ở Hưng Yên quê nhà em đấy. Nhãn ở quê em đấy. Anh ăn đi!

Nói xong chị bỏ đi, đôi vai khẽ cúi xuống. Tôi biết chị sắp khóc.

Nhưng chỉ có lần sau này là tôi không thể nào quên được. Hôm ấy nếu chỉ nhìn bộ quần áo gọn gàng, mái tóc vẫn chải một cách bình thường thì không ai biết được chị đang có sự gì giận dữ trong lòng. Sau khi dọn mâm cơm của tôi, lời chị cộc lốc, ngắn ngủi:

– Như thế này mà anh không ăn được à?

Tôi chưa kịp trả lời, chị lại nói:

– Anh làm khổ cho người ta ở miền Nam rồi. Anh nói có một câu mà chết người. Các anh ích kỷ vừa vừa chứ!

Chị ngồi xuống quay ra ngoài cửa, mặt hầm hầm. Tôi ngơ ngác:

– Chị nói gì tôi không hiểu?

– Phải, chờ chừng nào các anh hiểu cho thì chúng tôi chết cả rồi!

Nói xong chị bưng cơm đi. Tôi biết câu chuyện riêng của mình có gì làm buồn lòng chị. Thú thật, trong những ngày bệnh nhẹ, trí óc mình còn có thể nhớ được đôi chút, tôi vẫn thấy lòng mình không lúc nào có thể rời được người hộ lý ấy. Nói rằng yêu thì không phải, vì chuyện vợ con đang còn nặng nề làm mình đến trở thành bịnh hoạn. Mến phục thì đúng hơn. Chị đã phải thức khuya dậy sớm hầu hạ tôi rất cực. Hơn nữa, dù không phải là một người con gái đi nữa, khi người ta đã nói tâm sự với bất cứ ai, sự thân thiết cũng đến rất mau chóng.

Bệnh tôi ngày càng nặng, hai ba ngày lại lên một cơn. Mắt chị hộ lý có những nỗi lo lắng trông thấy. Có bao giờ anh phải khiêng một người bạn bị đạn trúng bụng từ mặt trận về y viện không? Ngoài miệng anh vẫn phải an ủi bạn là không hề gì, nhưng trong lòng anh đã chắc mười phần chết chín. Dù cứng rắn cách mấy anh cũng phải buông tiếng thở dài khi thấy bạn mình ôm bụng quằn quại cố níu lấy sự sống. Đấy, chị hộ lý đã có những cái nhìn như thế đối với tôi. Cho tới một hôm, tôi bỗng thấy trên má trái chị sưng tím lên phải quấn băng. ít bữa sau lại thấy chị nằm li bì trên giường bịnh. Lúc khỏi, thái dương chị lộ ra một vết sẹo dài. Chính cái sẹo ấy đã chọc vào mắt tôi như một lưỡi dao nhọn. Vợ tôi cũng bị một vết ngay chỗ ấy từ đêm chống lại với thằng Lộc. Những đêm ở cao Lãnh, mỗi lần sờ má vợ là tôi lại đụng phải. Nó như một cái dấu in sâu trong những trang hạnh phúc chúng tôi. Từ đấy, lúc nào nghĩ đến vợ, tôi không thể quên cái sẹo của người hộ lý. Về sau nhìn mái tóc ngắn ngủi của chị ta tôi cũng hình dung thấy mớ tóc bị cắt cụt của vợ tôi. Bệnh thần kinh đã làm tôi nghĩ loạn chăng? Tôi không rõ lắm. Nhưng cả đến bàn tay đưa cháo của chị hay những lời an ủi sau này tôi cũng đều thấy giống. Đêm đêm nửa tỉnh nửa mê tôi thấy vợ mình đang ngồi quạt cho mình. Có lúc không hiểu chị ta hay vợ tôi đang dắt tôi đi chơi dưới trăng cạnh bờ sông, trèo lên cây rồi tắm mát. Có những lúc tôi gọi chị bằng tên vợ tôi, thử xem có đúng vợ tôi thật không, chị đáp lại một tiếng “Dạ” rất ngoan. Tiếng “dạ” êm êm man mát cứ quấn lấy bên tôi suốt đường về trong những đêm trăng còn ở địch hậu.

Có một đêm, hình như quân y viện tổ chức đám cưới. Từ hồi chiều người ta lôi kéo mời mãi chị mới đi dự. Đêm ấy, sau một cơn mệt mỏi tôi chợt tỉnh dậy. Tiếng vỗ tay trong đám vui còn văng vẳng xuống. Mưa lâm râm hắt vào buồng, tôi cảm thấy lành lạnh thật sự. Rõ ràng tôi tỉnh thật chứ không phải loạn trí như mọi khi. Tôi bắt gặp chị đang nằm gần tôi, ôm chặt tôi vào ngực khóc nức nở. Mắt tôi không chớp được vì ngạc nhiên. Hơi nóng trong ngực chị toả ra ủ lấy tay tôi âm ấm. Không hiểu có một sức mạnh gì làm tôi không thể rút tay về được nữa. Mạch máu trong người tôi căng lên. Thân thể như làm băng hơi bong bóng. Một ý nghĩ thoáng qua: Không hiểu người nằm đây và khuôn ngực tròn trĩnh kia có phải là vợ tôi không? Nhưng không, rõ ràng là chị hộ lý. cái cảm giác vừa sợ vừa êm ái ấy làm tôi miên man khó nghĩ. Thấy để lâu không tiện, tôi khẽ trở mình, rút tay ra. Nhưng không hiểu sao chị cứ giữ chặt lấy. Tiếng nức nở rõ hơn. Tôi muốn nói một câu gì với con người đáng thương kia nhưng răng cứng lại. Mà biết nói gì đây? Đầu óc tôi tối mò mò. Tôi chỉ đoán rằng chị có một tâm sự gì dính với tôi nhiều lắm. Một lúc sau, bỗng chị ôm chặt cổ tay tôi lần chót, rồi thả ra, đứng dậy bỏ ra ngoài. Qua tiếng mưa và tiếng lội nước bì bõm, tôi còn nghe thấy cả tiếng khóc, tiếng xuỵt mũi ấm ức…

*

*         *

Hải chỉ kể được đến đấy. Sau đó chắc còn nhiều chuyện nữa nhưng bệnh thần kinh ngày càng nặng không cho anh nhớ hết. Tôi đi tìm chị y tá trên phòng thường trực. Người ta nói chị là bạn thân của chị hộ lý.

Tôi hơi lạ vì sự càu nhàu của chị y tá. Hình như đối với tôi, chị đã có sự bực bội nào trước;

– Các anh hỏi làm gì? Chuyện chúng tôi có gì đáng nói!

Tôi biết mặt chị còn trẻ lắm, chưa có nét gì tỏ ra sắt đá mà ngại. Sau vài lời khẩn khoản quả nhiên chị đã nói hết với tôi, nói thật dài như chẳng ai có thể ngăn lại:

… Nó ở nhà tên là Nhãn. Từ khi ra đây làm hộ lý nó đổi tên là Vân. Nhà nó cách nhà tôi một con đê. Hai đứa tôi thân nhau từ ngày còn đi chăn trâu, coi nhãn, tắm sông ở bến Chùa. Nghịch lắm anh ạ, bẻ cả đầu bụt, ăn cắp oản chùa về nhà cho mẹ. Nhà chùa bắt nó cạo trọc đầu bôi vôi, nó dám chặt chuối lội qua sông cái về nhà. Năm mình giải phóng biên giới chúng tôi đã mười sáu mười bảy tuổi. Tôi đi theo quân y, Vân vào du kích xã. Ở quê nhà, cô ta đánh hăng lắm. Giặc lơ mơ ló ra bẻ nhãn là ăn lựu đạn của cô gài dưới chân sào. Cách một năm sau Vân có yêu một người trong bộ đội, tên anh ta cũng là Hải. Hai người yêu nhau ghê lắm. Thư từ anh chàng gửi về hàng tệp. Năm năm ba Vân bị giặc bắt trong lúc đi liên lạc vào thị xã. Khả nghi thì chúng bắt thôi, năm hôm sau nó thả ra. Ai ngờ từ khi được về người Vân xanh xao vàng vọt đi đứng không được nữa. Vân đã bị nó truyền cho cái bệnh khốn kiếp anh ạ. Thì ra lúc ở trong đồn nó đã trói chặt người ta lại để làm chuyện đồi bại. Từ đấy tóc Vân ngày càng rụng dần, rồi phải cạo trọc đi. Người ghẻ lở hôi hám như một con ma, đi đến đâu ruồi bâu theo đến đấy. Thuốc men nào trong kháng chiến mà chữa nổi. Một tự tử, hai tự tử, chị em khuyên nên vui vẻ mà chờ Hải. Hoà bình được một năm, Vân mới được chữa khỏi. Người trông khác hẳn không ai nhận ra. Vân xin làm hộ lý ở đây được một năm nay. Tên Nhãn mất đi từ đó.

Giọng nói trầm lạnh của chị y tá xoáy vào lòng tôi như những tiếng động âm vang trong lòng chiếc chum lớn. Mặt chị lặng ngắt như đã quá quen thuộc với câu chuyện này. Tôi hỏi:

– Thế còn người yêu của chị Vân?

– Anh Hải ấy à? Năm ngoái về thăm được một lần vội vàng rồi đi. Sau đấy viết thư về ngại đường tương lai con cái gì đó, xin với Vân cho cắt đứt. Anh ta mới có vợ khác rồi.

Tôi cảm thấy mình đang đứng gần một hơi nước đá. Chính cái hơi lạnh ấy làm tôi chợt hình dung lại tất cả những cử chỉ của người hộ lý mà anh bạn điên đã kể với tôi. Một lát, tôi hỏi:

– Có phải anh Hải là người cùng quê với chị Vân. Ngày còn ở nhà thích ăn nhãn lắm phải không?

Chị y tá hơi ngạc nhiên:

– Đúng, trước anh có làm du kích cùng với Vân ở xã. Anh ta thích ăn nhãn nhưng người có tên là Nhãn thì anh ta chóng quên lắm.

Tối hôm ấy chị y tá còn kể với tôi nhiều nữa. Trước kia ở nhà, Vân hay đùa bao nhiêu bây giờ càng sợ cuộc vui bấy nhiêu. Nhất là đám cưới, chẳng ai mời được Vân dự cả. Hôm cưới chị y tá, bạn thân nhất, Vân cũng chỉ ngồi một tí rồi bỏ đi. Đêm ấy trừ chị y tá ra, không ai biết được Vân đã ngồi giữa trời mưa lâm thâm khóc ấm ức một mình. Từ đấy Vân càng ít nói hơn, như một căn buồng khép nốt cánh cửa cuối cùng lại.

Chị y tá kể:

– Vân làm việc đến rạc người đi. Suốt từ sáng đến tối, cơm nước, tắm rửa cho bệnh nhân, quét hót phân tro. Như anh Hải bộ đội miền Nam vừa qua, trong những ngày điên nặng, Vân đã phải dỗ cho ăn từng thìa cơm. Đêm anh hay chạy đi đập phá, Vân phải buộc chân anh vào tay mình để ngủ. Vân bị anh chửi bới, đánh đập nhiều lần. Một hôm Vân bị anh đạp dập mặt xuống tường, phải nằm mất mấy ngày. Vân không sợ đau nhưng chỉ buồn trên mặt mình có một vết sẹo. Có những buổi anh Hải bỏ ra sông, Vân phải chạy theo lôi lại. Có đêm Hải leo tít lên ngọn cây cao, Vân cũng phải trèo lên lạy van dỗ xuống. Anh em biểu dương Vân về tinh thần phục vụ, về đoàn kết Bắc Nam. Ngược lại, tâm tính Vân ngày càng khó hiểu, lúc cười vui, lúc càu nhàu. Có đêm Vân ôm lấy tôi khóc như trẻ con…

Chị y tá thở dài:

– Có những lần anh Hải lên cơn, nắm chặt tay Vân, gọi tên vợ ở miền Nam luôn miệng. Có khi anh ôm chặt Vân vào lòng. Lần đầu tiên, Vân ngơ ngác tìm đến tôi như một kẻ mất hồn. Nhưng những lần sau, quen đi, Vân cứ im lặng để anh ôm, vuốt ve trở lại nói như một người vợ an ủi chồng. Có như vậy anh Hải mới dần dần hạ được cơn điên xuống.

Ngừng một lát như để nghĩ chuyện gì, chị y tá nói tiếp:

– Chuyện đàn bà chúng tôi các anh biết đấy. Ai đến tuổi chẳng mong có một tấm chồng. Chưa có, người nó cứ chông chênh lo lo đến lạ. Nhưng Vân thì như cây củi khô trôi đi, còn mong gì đáp được vào bến nào nữa. Bây giờ chỉ còn lăn vào công việc thì nó lại cứ phải ra như thế.

Chị y tá thở dài. Hai làn mi cong cong hơi khép lại nhìn xuống đất. Một nỗi buồn thẫn thờ, buông xuôi khi có cái gì chạm vào giới tính. Tôi bỗng nhớ lại các cách chữa bệnh, đôi khi người ta phải lấy sự cho chung đụng với đàn bà để chữa cho những anh điên vì tình khỏi bệnh. Vài phút sinh lý để cứu một mạng người, sau này họ sẽ thành cặp vợ chồng chính thức. Tôi nghĩ tới những lúc Hải mê man nhìn người hộ lý thành vợ mình. Những lúc đêm khuya trong căn buồng nhỏ hẹp ấy còn lại có hai người… Câu chuyện một người loạn trí và một người đang giận dỗi cuộc đời ấy sẽ đi đến đâu? Trong một lúc nào đó, với bộ óc mê muội, anh bạn tôi nhìn người bên cạnh là vợ anh, anh phải làm tới cái tính tự nhiên của loài người. Còn chị hộ lý, tôi biết chị đang đau khổ, nhưng càng giận đàn ông người ta lại càng phải nghĩ tới đàn ông… Vài phút yếu đuối khi trong lòng đang sôi nổi tình yêu thương chân thật, có gì là vô lý trong lúc này? Ai cấm được người ta không nhìn thấy ánh sáng khi đôi mắt mình tưởng như khép lại.

Tiếng chị y tá làm tôi trở lại câu chuyện:

– Lạ lắm anh ạ. Một hôm đột nhiên Vân bảo với tôi là sẽ lấy chồng. Người ấy biết thương vợ, thương con, thương Vân lắm. Vân nói như muốn khóc. Tôi gạn hỏi ai, Vân chỉ trả lời lấy cái anh chàng đã bỏ Vân từ hơn năm nay. Một lúc sau bỗng Vân cười, đấm vào vai tôi. Cái cười lâu lắm mới thấy trên đôi môi nứt nẻ. Tôi cho là Vân nói đùa, buồn quá nên nói nhảm với bạn.

Nghe chị y tá, tôi càng thấy ước đoán trên kia là sự thật. Tôi hỏi:

– Chị có thể cho tôi biết chị Vân bây giờ ở đâu không?

Chị y tá không trả lời, tay di di giọt nước trên bàn. Tôi hỏi lần nữa, lông mày chị bỗng hơi nhăn lại, giống như sự cau có lúc đầu. Một bóng mây bay qua che mất bóng nắng ngoài cửa sổ. Khung trời hiện ra một màu nâu, bàng bạc của trưa mùa đông. Tôi không hỏi nữa, lòng phân vân một sự gì không hay. Một lúc lâu lắm, chị y tá mới quay mặt đi, nói ấm ức:

– Vân về… nhà rồi. Chẳng bao giờ còn lại đây nữa. Có một buổi anh Hải lên cơn điên chạy xuống sông bơi giữa nửa đêm. Chúng tôi nghe được tiếng thét kêu cứu của Vân chạy ra thì đã thấy Vân và bạn anh đang giằng co nhau chới với giữa dòng. Nước tháng bảy chảy băng băng. Anh em nhảy xuống cứu đều bị nước cuốn bạt đi. Một lúc lâu lắm, cố hết sức người ta cũng chỉ vớt được một người lên. Người ấy là bạn anh, anh Hải…

Tôi hỏi vội, đầu óc quay như chong chóng:

– Thế còn Vân?

Chị y tá khẽ nhìn tôi rồi đứng dậy, vừa đi vừa rút chiếc khăn đưa lên mắt:

– Con sông ấy nó chảy về Hưng Yên, quê nhà Vân đấy…

*

*        *

Hải tiễn chân tôi ra tận bờ sông của quân y viện. Nước hôm nay không đỏ ngầu như mùa tháng bảy. Mặt sông vàng vàng như còn rơi lại ít nắng của những ngày vừa qua. Tôi cố tìm một dấu vết gì mà thời gian có thể gửi ở đó một người con gái.

Có lẽ vì cái bệnh nguy hiểm của Hải không bao giờ tôi được phép quân y nói cho anh nghe đoạn đời sau của người hộ lý. Có thể khi về Nam anh sẽ kể cho mọi người nghe câu chuyện những ngày thương vợ nhớ con ở miền Bắc. Có thể anh sẽ nói đến người con gái Hưng Yên đã săn sóc anh tận tình như người ruột thịt. Nhưng anh sẽ không thể kể được vì sao người con gái ấy đã thương mến anh, một tình thương dậy lên từ những đau khổ, dậy lên từ những mất mát không chịu chung với đất nước, cũng như trước kia, vợ anh đã im lặng để yêu anh trọn đời.

Tôi xiết chặt tay Hải, bắt anh phải kêu đau để cố tạo một sự vui vẻ. Hải nói nhỏ:

– Vợ tôi không còn nữa, con gái tôi bây giờ nó cũng phải sống một mình. Ai dám bảo trẻ con không có những thử thách ngang với chúng ta.

Rồi anh nói tiếp, miệng khẽ mỉm cười:

– Anh cố tìm hộ tôi địa chỉ của cô hộ lý. Có lẽ tôi phải đi thăm cô ta mới được. Biết đâu lại chẳng được cô mời ăn nhãn ở một miếng vườn nào đó.

Tôi cười, gật đầu. Tôi muốn nói với anh là mùa nhãn đã qua rồi. Những trái nhãn ngọt lịm trong ngày hè vừa qua đã qua hết rồi. Bây giờ thì anh đang đứng giữa bóng mát của một con sông, chảy về nơi có rất nhiều vườn nhãn.

NGUYỄN THI

Tạp chí Văn nghệ Quân đội  số 12 – tháng 12 năm 1957