Ngay trong cuộc sống bình dị của mỗi người, cái bất ngờ cũng vẫn thường tìm tới. Đối với Tuân, việc thầy anh lấy cô giáo Nhâm quả là chuyện quá bất ngờ. Mới sáu tháng trước đây, khi anh còn là một cậu học sinh lớp mười, thì quan hệ giữa anh và cô giáo Nhâm hoàn toàn chỉ là quan hệ thầy trò. Nhưng bây giờ thì… khác nhiều rồi. Tuân rời ghế nhà trường đi làm lính nghĩa vụ được non năm tháng thì thầy anh và cô giáo Nhâm của anh tuyên bố xây dựng với nhau. Về sau, trong những lúc rỗi rãi, anh vẫn thường suy nghĩ chuyện này. Và anh cảm thấy cái bất ngờ nào đến với người ta cũng không hề đột ngột, không hề tình cờ mà nó đến dần dà, im lặng, chắc chắn. Chính vì thế mới có chuyện như chuyyện của thầy anh và cô giáo Nhâm.
Tuân chỉ thực sự biết mặt thầy anh từ sau ngày hòa bình lập lại mấy tháng. Một chiều, cậu bé Tuân đứng ở đầu xóm mải nhìn mặt trời đỏ ối đang chìm xuống phía sau núi Voi làng mình, thì có một anh bộ đội bước tới. Vai anh bộ đội khoác ba lô, bên hông có cả súng lục cẩn thận. Anh bộ đội ấy hỏi thăm vào nhà nhà cụ phó Huy. Tuân trố mắt nhìn lên một lúc rồi lúng búng trả lời:
– Cụ phó Huy là nhà em, là ông em đấy!
Thế rồi Tuân mừng rỡ chạy lên trước, dẫn anh bộ đội đeo súng lục ấy về nhà. Anh bộ đội ngậm ngùi nhìn thằng bé nét mặt đang rạng rỡ hẳn lên kia, khẽ hỏi:
– Làm sao… bị cụt tay? Máy bay bắn à?
Tuân ngớ người nhìn lại anh bộ đội một lát, rồi như sực nhớ ra, cậu bé cười phá lên:
– Không, có cụt đâu!
Rồi cậu ta lấy cánh tay phải đang đút trong túi, vén vạt áo lên ngậm vào miệng, thong thả cởi những vòng dây chuối đang buộc chặt cánh tay trái vào người. Thọc cánh tay “cụt” vào ống áo, rồi Tuân giơ cả hai tay lên vừa phân bua, vừa khoe:
– Ở xóm em, chỉ em giả làm thương binh tài nhất. Buộc ép cánh tay vào sườn như thế, không đứa nào nhìn thấy tay mình khuỳnh khuỳnh trong áo nữa.
Anh bộ đội nhếch mép cười mà lại như muốn khóc, ôm lấy Tuân và không nói gì nữa. Vào tới sân, Tuân gọi to:
– Ông ơi, có anh bộ đội!
Rồi cậu bé tụt lại phía sau, bẽn lẽn. Anh bộ đội cứ để nguyên ba lô trên vai, cúi đầu để khỏi cộc vào mái rạ, bước vào. Đứng im nhìn ông cụ đang ngồi trên phản một lát, bằng một giọng ồ ồ, anh nói:
– Ông vẫn khỏe!
Ông cụ đặt chiếc xe điếu lên đùi, ngửa mặt nhìn hồi lâu:
– Ai thế?
– Con, Huy đây! Thầy không nhận ra con ư?
Ông cụ kêu “Trời ơi” rồi hấp tấp đứng dậy, đỡ ba lô cho con trai, lính quýnh dìu anh ngồi xuống phản. Cụ nói to mà nghe như tắc ở cổ họng:
– Thằng Tuân đâu? Bố mày về đây! – Rồi cụ hạ thấp giọng: – Mười mấy năm xa cách còn gì nữa, bố con không nhận ra nhau là phải!
Tuân ngồi dựa lưng vào chiếc cột ở cửa ra vào, mắt trân trân nhìn bố. Ừ, chỉ có cái sẹo bên hàm là khác trong chiếc ảnh ngày xưa của u thôi, cũng có già hơn trong ảnh một chút, thế mà mình không nhận ra từ ngoài xóm. Huy đưa mắt nhìn qua gian nhà mới dựng một lượt rồi hai bố con anh cứ thế ngồi bên nhau. Trong những lúc gặp gỡ kỳ lạ như thế này, nếu là người lớn, người ta dễ dàng qua được những phút ngỡ ngàng xa lạ mà làm quen với nhau, còn đối với một đứa trẻ, nhất là những đứa trẻ đã lớn như con mình, thân mật được với nhau ngay thật khó lắm, Huy biết vậy.
Ngồi im trên phản, Huy hỏi con:
– U đâu?
Mắt thằng bé bỗng dịu hẳn xuống, buồn bã, nó bỏ ra ngoài sân. Ông cụ Huy từ trong buồng bước ra, Huy hỏi luôn:
– Nhà con đâu hả thầy?
Ông cụ không nói ngay, ngồi xuống một góc phản rồi hỏi lại:
– Anh đi mười mấy năm ròng, sao không gửi về một mảnh giấy?
– Ngày ấy, sau khi Nam tiến được mấy năm, con chuyển qua Lào chiến đấu mãi tới giờ mới về, thầy bảo gửi giấy bằng cách nào được! Đi xa, con vẫn nhớ làng nhớ xóm.
– Ừ thì ở nhà cũng vẫn biết là như thế. U thằng Tuân nó vẫn chờ đợi mày. Nhưng… nó không thể chờ để gặp mày nữa rồi.
– Vâng, thì vợ con mỗi tuổi mỗi già, có giải quyết sao thì con cũng chẳng dám trách gì.
– Không, anh đừng nghĩ như thế, tội cho nó! Nó là nó nhất định nuôi con chờ chồng. Tôi ngỡ tưởng anh hy sinh ở đâu rồi cơ, mấy lần cũng cứ giục nó liệu mà tính xem sao kẻo lại uổng tuổi xanh, nhưng lần nào nó cũng lắc đầu không nghe. Thật hiếm người được như nó! Năm ngoái, trên bốt chúng nó kéo xuống dưới này, biết u thằng Tuân cất giấu cán bộ, chúng nó lôi ra đánh đập đến chết ở bãi “Vòi Voi” ngoài kia kìa! Chết mà chẳng cậy được ở nó lấy một câu. Anh về có nhìn thấy cái bốt chúng nó chưa kịp phá trên “Đầu Voi” không?
Tuân ngồi ở ngoài liếp, lắng nghe ông nói chuyện với thầy. Gặp thầy mà thằng bé cảm thấy vui ít, buồn nhiều. Thương u biết bao!
Ráng chiều tắt hẳn, những đám mây vàng trên đỉnh núi Voi lóa rực lên lần chót rồi chìm trong bóng tối. Đêm phủ xuống im lặng, đầu tiên ấm áp rồi sau đó mát mẻ cho tới sớm mai.
Đêm ấy, hai bố con Huy rủ nhau đi khắp xóm. Vẫn như lúc chiều, Tuân đi trước dẫn đường, Huy theo sau con. Đứa con đã thấy mình không thể nào xa được bố nữa rồi. Gió từ trên đỉnh núi dịu dàng thổi xuống, những cây tre đực trên lũy cọ vào nhau kêu ken két như có ai cầm mảnh sành ném vào đấy. Đi dưới lũy tre làng mình trong đêm tối như thế, những cảm giác xa xưa quen thuộc bỗng trở lại bao quanh lấy Huy. Hình như phảng phất có mùi gì thơm ngai ngái, đường làng mát lạnh cả gan bàn chân, và trước mắt, bóng đêm tím lại, hiền lành, quyến rũ. Nếu là người ở làng khác đến, khó mà nhận ra được cảm giác ấy.
Thầy Tuân về nghỉ phép nửa tháng rồi trở lại đơn vị. Trong những ngày ấy, hai bố con thường quấn quít lấy nhau. Chỉ có một lần Huy rủ con cùng ra thăm mộ u nó là nó lắc đầu, vội vàng gỡ tay ra khỏi bàn tay của anh, nó quay vào trong nhà.
Huy biết vậy, mặc con, anh tìm ra thăm vợ một mình bãi Vòi Voi. Mấy năm liền, Huy không gửi lá thư nào về gia đình. Đơn vị anh đóng cách nhà không xa lắm, cho nên chẳng mấy chủ nhật anh không về thăm quê.
Bây giờ lại đến lúc ông cụ giục Huy lấy vợ:
– Gà sống nuôi con mãi sao được, thương con thì cũng phải tìm xem có ai thay u nó mà chăm sóc cho nó chứ!
Những lúc ấy, cũng giống vợ ngày xưa, Huy thường ôm riết con vào lòng, xoa xoa mái tóc của nó, cười như người biết lỗi, không trả lời. Và Tuân, những lúc ấy, lại tưởng như được lặn vào lòng người mẹ dịu hiền, cúi đầu xuống, chờ đợi một bàn tay vuốt vuốt trứng chấy trên tóc, và khi nghe thấy một tiếng thở dài ấm cả gáy, không chờ phải đẩy ngồi dậy, cậu bé đã nhổm hẳn lên, chờ mẹ lấy tay nhẹ nhàng phủi bụi khắp vạt áo, đũng quần cho mình.
Mấy năm trước, Tuân giận ông khi thấy ông giục u mình đi lấy chồng. Bây giờ, mỗi tuổi một biết hơn, Tuân không giận ông khi ông giục thầy lấy vợ, nhưng trong thâm tâm, cậu bé rất sợ thầy mình nghe lời ông.
Cho tới ba năm trước đây, khi Tuân vừa thi đỗ vào một trường cấp ba trên thị xã, thì Huy cũng được lệnh cùng đơn vị lên Tây Bắc khai hoang. Tuân nghe nói thầy mình phụ trách cả một nông trường rất rộng. Trước khi đi, Huy tới trường gặp con, và ở đó, lần đầu tiên anh gặp cô giáo Nhâm.
Trường Tuân học cách quê trên ba chục cây số, Huy phải tìm chỗ trọ ở một phố nhỏ trong thị xã cho con. Tháng tháng, anh sẽ gửi tiền về đó, như thế Tuân đỡ phải vất vả về quê mang gạo lên.
Chỗ ăn chỗ ở của con yên ổn rồi, Huy còn lo việc học hành của nó nữa thôi. Cái này là điều Huy khó yên tâm nhất.
Thằng bé năm nay mười bảy tuổi rồi, tuy chẳng bao giờ đi xa nhà lâu, nhưng ở làng, cái tính nghịch ngợm lười học của nó thì đã nổi tiếng. Lo lắng về con, Huy tìm đến cô giáo Nhâm phụ trách lớp Tuân học. Anh thành thực trình bày hoàn cảnh của anh, anh cũng không quên nói rõ tính tình của thằng con mình khi còn ở làng và những nỗi lo lắng của anh trước lúc ra đi. Cô giáo Nhâm cuộn tròn trong tay cuốn sách, cười khó khăn, và để Huy yên lòng, cô hứa sẽ chú ý giúp đỡ Tuân cẩn thận. Ngày lên đường, ngoài chuyện biết cô giáo Nhâm dạy quốc văn ở lớp tám con mình học, Huy không biết thêm gì về Nhâm nữa. Chính anh cũng nghĩ, biết như thế là tạm đủ rồi.
Không phải ai dạy văn học cũng là người nói nhiều. Cô giáo Nhâm không phải chỉ ít cười mà còn ít nói nữa. Ngay cả khi lên lớp giảng bài, cô cũng chỉ nói vừa phải. Cô nghiêm trang nhưng lại rất đôn hậu, dịu dàng. Ở con người tưởng như khắc khổ ấy có nhiều tình cảm khiến học sinh từ nhỏ đến lớn, ai cũng yêu quý, ai cũng muốn gần gụi. Cô giáo không đẹp lắm, người to lớn, mặt nhiều tàn hương. Đều đặn, cứ ba tháng, học sinh trong trường lại thấy cô về Hà Nội uốn lại mái tóc; lúc ấy, học sinh xì xào khúc khích, còn trong khóe mắt của cô ánh lên những tia sáng của một ngày trời đẹp và trông cô như trẻ lại vài tuổi.
Câu chuyện vì sao cô giáo Nhâm vẫn chưa lấy chồng nhiều lần đã trở thành câu chuyện phiếm của những học sinh lắm miệng. Có anh cho rằng vì cô xấu, có người nói vì hồi con gái, cô Nhâm kén chọn nhiều. Lại có anh chàng ra vẻ thành thạo, cũng bấm đốt ngón tay, cũng lẩm nhẩm tính “Đinh Mão, Mậu Thìn…Nhâm Dậu…” rồi ngẩng mặt lên quả quyết như thật giữa đám đông: – “Như thế là dứt khoát cô Nhâm đã ba mươi nhăm tuổi!”. Nhiều người không tin những chuyện ấy, nhưng chẳng ai phản đối. Trong đám học sinh, thiếu gì những chuyện như thế, nhất là ở các nhóm nữ sinh. Những chuyện tào lao ấy, Tuân đã được nghe nhiều, nhưng anh không bao giờ góp chuyện, cũng có khi anh còn tỏ thái độ khó chịu nữa, bởi vì anh thấy ở cô Nhâm có một sự trìu mến, thương yêu vô hạn đối với anh, một sự gần gũi săn sóc ngọt ngào của một người đàn bà đối với một đứa trẻ từ lâu thiếu mẹ.
Ngày mới vào lớp tám, Tuân vật nhau với một người bạn trong lớp đến nỗi một lúc làm vỡ tan hai ô kính cửa. Lớp trưởng mời Tuân đến gặp cô Nhâm về chuyện không may đó. Tuân đến trước mặt cô, im lặng, lo lắng chờ đợi. Nhưng cô Nhâm chỉ nói: – “Vật nhau cũng được, nhưng không nên để rách áo và chớ vật nhau ở trong lớp”. Tuân nghe cô nói xong vẫn đứng im. Cô Nhâm không nói gì nữa, cô lấy tay nhẹ nhàng phủi đất bám trên chiếc sơ mi trắng mới may của Tuân, rồi âu yếm giục Tuân lên lớp học. Hồi nhỏ ở làng, Tuân là đứa trẻ thích vật nhau, lên núi vật nhau, sang xóm bên vật nhau, tới trường cũng vật nhau. Vật nhau rách cả áo, sướt cả hai đầu gối. Thầy giáo nhìn thấy, không mắng, nhưng ông cấm không cho Tuân vật nhau. Tuân nể cô lắm, tuy cô nói: “Vật nhau cũng được” nhưng sau đó không bao giờ anh vật nhau hay phá phách gì nữa.
Mấy năm học của Tuân cứ như thế trôi qua, vui vẻ, êm đẹp. Tuân học không trội môn nào, nhưng cũng là một học sinh vững của lớp. Trái hẳn với sự lo lắng của Huy, con anh ngày càng trở nên đứng đắn, ít nghịch ngợm.
Sau mỗi học kỳ, Huy đều nhận được thư của cô giáo Nhâm gửi lên. Cô kể tỉ mỉ cho anh nghe về con anh và cuối bức thư nào cũng viết: “Xin đồng chí cứ yên tâm, em Tuân có rất nhiều triển vọng”. Nhận được thư của Nhâm, bao giờ Huy cũng đọc ngay, và bao giờ cũng trả lời ngay. Trong các bức thư gửi về, anh cảm ơn Nhâm đã dạy dỗ con anh chu đáo, và lần nào anh cũng kể chuyện công tác của anh cho Nhâm nghe. Anh nghĩ người ta là giáo viên văn học của con mình, kể cho người ta hiểu những chuyện ấy không có gì thừa cả. Nhâm đọc những lá thư chân tình của Huy, lòng không khỏi xúc động. Đối với người phụ nữ nào cũng thế cả thôi, không có gì để cho họ suy nghĩ nhiều bằng sự chân thành. Và, trong những bức thư gửi lên cho Huy sau này, bên những dòng kể về Tuân, cô giáo Nhâm cũng đã kể cho anh rõ mình đang sống ra sao.
Đến năm Tuân lên lớp mười, Huy gửi thư cho Nhâm đề nghị cô mỗi tháng gửi cho anh một lá thư. Cô giáo Nhâm đọc lời yêu cầu ấy, mỉm cười, không viết thư trả lời đồng ý hay không cho Huy rõ, nhưng đều đặn mỗi tháng cô đều đã gửi lên cho Huy một lá thư và lá nào cũng vẫn dài. Tất nhiên trong những thư ấy, cuộc sống của Nhâm cũng được ghi lại nhiều hơn.
Qua những bức thư thầy Tuân gửi cho Tuân, anh cũng đoán biết được cô Nhâm vẫn nói về mình với thầy. Ngay chuyện sang lớp mười Tuân học tập sút hẳn đi vì năng về quê, thầy Tuân cũng rõ cả. Những chuyện ấy không cô Nhâm bảo thì ai bảo vào đây nữa? Tuân biết thế, nhưng anh không hề giận cô, ngược lại, anh biết cô thương anh, lo lắng cho anh nhiều lắm.
Có một lần, cô Nhâm đã đến tận nhà hỏi Tuân về chuyện ấy, Tuân xấu hổ, ngập ngừng mãi mới dám kể cho cô nghe:
– Sau làng em có trái núi Voi, núi Voi đối với tụi nhỏ chúng em như người bạn lớn tuổi hiền từ. Voi cho chúng em bao nhiêu thứ: những cụm cỏ mật khô thơm ngào ngạt, những viên đá cuội trắng nõn, tối tối mang đập vào nhau, lửa tóe ra, một thứ lửa có mùi thơm như mùi mật ong cháy. “Vòi Voi” là một bãi cỏ tươi tốt quanh năm, đất ở đây mềm như đất ruộng màu, ngày xưa có chỗ chân trâu ngập móng. Chúng em thường lên đó chăn trâu. Trong các bạn cùng xóm, em thân nhất với Phương. Chính cái Phương đã bảo em biết cách làm cho cỏ mật còn xanh hết mùi hắc. Chỉ cần buộc túm những cụm cỏ xanh ấy lại, đem phơi nắng rồi hong gió, cỏ mật héo vàng đi, tỏa hương thơm dìu dịu. Những cụm cỏ ấy quý lắm, mang về gối đầu giường, ngủ không bao giờ mơ thấy rắn đuổi, có mơ thì cũng chỉ mơ thấy những cảnh đuổi nhau trên núi, hay thấy “Vòi Voi” cựa quậy thôi. Khắp mình Voi mọc đầy cỏ mật, chăn trâu trên núi, khát nước, tìm những lá sạch ăn ngọt lắm. Tụi nhỏ làng em đứa nào cũng thích cỏ mật, trong túi cái Phương bao giờ cũng có một cụm đã héo. Dù nó đã bảo cách làm bao nhiêu bận, em cũng không thể làm được những cụm cỏ khô như thế: những sợi cỏ rất thơm, rất dai, rất óng. Cuối đông, người làng em lên núi đốt cỏ lấy tro, lửa cháy bập bùng suốt đêm. Sớm ra, đánh trâu qua núi sang Vòi nhìn thấy lưng Voi bị cháy loang lổ, lòng đứa nào cũng thấy thương thương, tưởng như trên mình bị trầy da sước thịt.
Cỏ đốt rồi là mùa xuân đến. Từ những đám đất phủ đầy tro trên mình Voi, cỏ mật non đâm lên mơn mởn, màu vàng óng, nếu có ngọn nào màu xanh là không phải cỏ mật. Những sớm như thế, dắt trâu lên mình Voi, chân thường cóng lạnh vì sương ướt trong tro đen và những gốc cỏ mật già chưa cháy hết đâm vào gan bàn chân rất đau. Lúc ấy, chỉ có cách ngồi lên lưng trâu, đánh trâu lên đỉnh núi, tìm những đám cỏ mỡ nhất, óng nhất cho trâu. Phương không biết cưỡi trâu, mà trâu nhà nó cũng nghịch lắm, vì thế bao giờ nó cũng dắt trâu lò dò lên chậm. Em bao giờ cũng đánh trâu tế lên đầu, nhận phần cho cả hai đứa. Không đứa nào dám thắc mắc gì đâu, vì cái Phương rất tốt, biết làm cỏ mật cho chúng nó, và cũng vì em là “ông đô” số một trong sân vật trẻ con ở làng.
Từ hồi Tây xây bốt trên Đầu Voi, chúng em chỉ dám thả trâu ở dưới Vòi. Sau khi u em bị giết ở bãi Vòi ấy, em cũng chẳng đi chăn trâu nữa. Cái Phương lại nhập bọn với đám trẻ khác. Nhiều lần nó rủ em lên Vòi chơi, nhưng em không lên, lên đấy, em khóc mất. Chiều nào cái Phương cũng mang về cho em một túm cỏ mật rất thơm…
Ít lâu nay, chủ nhật về quê em cũng không muốn tránh con đường vắt qua Vòi Voi nữa. Qua đường ấy, em hay gặp Phương ở trên bãi Vòi. Cũng chỉ nhìn nhau là nhiều thôi, ít dám nói chuyện, vì thanh niên trong xóm tập quân sự ở đó rất đông. Về qua Vòi… những kỷ niệm cứ xôn xao cả lên, và đã lâu lắm, bây giờ em mới lại nhận ra cái mùi cỏ mật dịu ngọt hồi nào…
Tuân đỏ dừ cả hai tai, khó khăn lắm mới kể xong được chuyện. Cũng chỉ vì xấu hổ thôi, chứ anh biết cô Nhâm thương anh, hiểu anh từ lâu rồi. Ngồi nghe Tuân kể chuyện xong, cô không nói, chỉ cười. Suốt ba năm trời học cô, hôm ấy Tuân mới được nhìn thấy ở cô một nụ cười không vương một chút xót xa, một vẻ khó khăn. Tuân nhận ra trong nụ cười ấy chứa chan biết bao cảm thông, biết bao trìu mến, rộng lượng. Lúc ra về, cô nhắc Tuân như bức thư sau này thầy Tuân đã nhắc: “Dù sao cũng phải học cho tốt đã”.
Những ngày mặc quân phục đầu tiên trong đời bộ đội, biết bao ngượng ngập vụng về, biết bao suy nghĩ nhớ nhung! Nhiều đêm, buông màn rồi, Tuân vẫn thao thức không ngủ được. Anh nhớ trường nhớ lớp, và hình ảnh cô giáo Nhâm thân yêu của anh bao giờ cũng đi lại, ăn nói trong những phút thao thức ấy.
Tuân nhớ một buổi sớm đi ngang qua một lớp học có mấy sinh viên đang hát “Ớ chàng trai đó ơi!…” Và anh đứng lại nhòm vào làm các cô gái xấu hổ, không hát nữa.
Anh nhớ thằng Doanh “trọc” bé nhất, lớp mê Tam Quốc diễn nghĩa đến nỗi có lần đã trả lời cô Nhâm: – “Thưa cô, tác giả truyện Kiều là Chu Du”. Anh nhớ tới buổi tiễn đưa học sinh lên đường làm nghĩa vụ quân sự, hôm ấy, anh đã để những cuốn sách các bạn tặng mình vào cặp của cô. Cô đi bên anh rất lâu, cô không nói nhưng như thế là cô muốn nói nhiều lắm. Lên ô tô rồi, anh còn nghe tiếng cô dặn rất khẽ: – “Đi, viết thư về cho cô”. Tới đơn vị được mươi hôm là Tuân đã nhận được thư của cô. Trong thư ấy, cô khuyên anh nghiêm khắc rèn luyện tư tưởng, đừng tính toán cá nhân. Cô thật là cẩn thận! Nào anh có lo lắng gì đâu, tiền đồ trước mặt đã mở ra rồi đấy, đúng như cô nói, rất rộng lớn và thật đáng mừng! Anh có gửi thư cho thầy anh lúc đó đang về học ở Hà Nội – cũng thật là chuyện “lo bò trắng rang”, anh viết: “Cô Nhâm vẫn thương con như khi ở nhà, xin thầy đừng vì con đã đi bộ đội rồi mà không tiếp tục liên lạc với cô. Đối với con, cô như người mẹ hiền từ, con xin thầy lưu ý điều ấy”…
Trong mấy tháng này, anh chỉ nhận được của thầy anh có một lá thư khích lệ luyện tập, còn cô Nhâm thì đã gửi cho anh tới ba lá. Cô khuyên nhủ dặn dò Tuân từ những việc giữ gìn sức khỏe tới quan hệ đồng chí, bạn bè. Tuân nghĩ những lời cô nói len lỏi, lắng mãi xuống tận đáy tâm hồn mình không phải vì cô là giáo viên văn học cấp ba, mà vì những lời của cô gửi cho anh thấm nhuần thứ tình cảm yêu thương của người mẹ. Anh cũng viết thư về cho cô Nhâm luôn, chẳng có chuyện gì to tát mà kể với cô, anh đem kể cho cô nghe cả chuyện anh phát hiện ra dưới sàn phà ở một bến sông nọ có một con gà bị bỏ quên, những người coi phà không tin, họ lật ván lên quả có con gà sống ở trong ấy thật. Con gà ăn thóc rơi qua các khe ván, bị nhốt lâu nên mào và chân nó trắng nhợt như miếng bánh đúc thiu. Anh kể cho cô nghe cả chuyện một lần lau súng, anh đã vô ý đánh rơi chiếc lưỡi lê suýt thì gẫy, thủ trưởng phê bình “hắc” lắm, nhưng đến đêm vượt sông, chính ông ấy lại tuyên dương anh vì đã giữ súng không để nước làm ướt. Khúc sông ấy có chiếc cầu sắt bắc qua, nhưng đơn vị phải lội sông, vì theo kế hoạch diễn tập, chiếc cầu ấy coi như đã bị “phá hoại tuyệt đối”…
Một ngày cách đây không lâu, trên đường hành quân dã ngoại, trong sương muối mùa đông nổi lềnh bềnh khắp cánh đồng, anh đã nhận được một phong thư rất dày của cha anh gửi tới. Trước lúc bóc thư, Tuân đã thấy tim mình đập rất gấp, lòng cảm thấy hồi hộp.
Quả lá thư ấy đã gây cho anh một sự xúc động rất lớn. Thật là một tin bất ngờ. Cha anh nói rằng người đã quyết định cùng cô giáo Nhâm xây dựng gia đình với nhau. Cha anh báo tin ấy cho anh như báo một tin mừng chiến thắng vậy.
Mà hạnh phúc thật chứ sao! Không hiểu người khác ở vào trường hợp như của Tuân họ sẽ nghĩ gì, còn anh, anh nghĩ điều ấy không chỉ là hạnh phúc của riêng cha anh và cô giáo Nhâm, mà trong niềm hạnh phúc đến đột ngột ấy, anh là kẻ thừa hưởng chân chính.
Cha anh có nói qua cho anh rõ, trong kháng chiến, cô Nhâm cũng đã yêu một cán bộ, nhưng anh ta đã phản bội khi bị địch bắt, chuyện ấy vẫn làm cô suy nghĩ; việc hai người quyết định làm lại hạnh phúc với nhau cũng chẳng do ai chủ động đề ra trước “Hai người cùng hiểu thấu hoàn cảnh của nhau, cùng bị tổn thất về tình cảm, nên cùng thấy cần phải làm như thế”, thầy anh nói vậy. Đọc thư của cha, Tuân rạo rực hẳn lên, anh vui vô cùng. Một thứ tình cảm mới lạ râm ran khắp người, lòng thấy như trước đó có cái gì thiếu thốn, thèm mong mà mình chưa nghĩ ra. Tai anh đỏ ửng lên như đứa trẻ mới nhận được quà. Sương muối sớm nay đối với anh không lạnh một chút nào, đôi giày vải ướt sũng mà hai bàn chân cứ ấm áp, dậm dật. Ngay hôm ấy, anh viết thư cho cha: “Đó là niềm hạnh phúc không phải chỉ riêng của thầy, của cô, mà còn là của con, của ông con và của chính của cả u con nữa”.
Anh cũng muốn gửi một lá thư tương tự cho cô Nhâm, nhưng mấy lần cầm bút lên lại phải đặt bút xuống. Khó viết quá! Viết gì đây và viết như thế nào? Rõ ràng là trong lòng anh không còn mảy may lo nhiều về chuyện cô sẽ là mẹ mình, thế mà không sao viết được. Chắc là cô cũng hiểu cho anh điều đấy bởi vì không ai hiểu anh bằng cô.
Tuân nghe nói đám cưới tiến hành không vội vã, không ồn ào, rất giản dị mà ấm cúng. Chỉ những người có hạnh phúc thực sự mới cưới nhau như thế. Đang mùa diễn tập nên dù được cha báo trước, anh cũng không thể thu xếp về dự được. Anh hiểu, với anh điều ấy thật đáng tiếc.
Vừa rồi, Tuân có nhận được một lá thư của cô:
“Tuân yêu của cô! Mùa xuân đang trở lại rồi, mưa phùn chắc là đang đánh thức cỏ mật trỗi dậy khắp trên núi Voi… Nếu như Tuân xin được phép trong mùa xuân này, dẫn cô về thăm quê thì cô vui biết bao! Thầy đã trở lại Tây Bắc từ chiều qua rồi, em biết chưa?”.
Lá thư rất mỏng, nhưng anh đã đọc nhiều lần đến nỗi thuộc lòng. Thư vẫn mang những tình cảm quen thuộc, êm dịu như nhiều thư trước của cô, nhưng Tuân không hiểu sao mình lại khao khát nó gấp bội đến thế. Và cùng với lá thư, hương cỏ mật dịu ngọt của quê nhà sao lại như có ở quanh đây! Mấy tháng nay, anh đã hành quân qua nhiều đồng nhiều núi, nhưng chưa hề tìm thấy một cụm cỏ mật nào, dù là một cụm rất bé…
Đỗ Chu
https://tapchicuaviet.com.vn/truyen-ngan/huong-co-mat-4461.html